Thứ Hai, 28 tháng 8, 2017

Cuộc chiến Đà Nẵng 1858 trong góc nhìn của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer

Trong hồi ký “Xứ Đông Dương” viết vào khoảng năm 1903, một năm sau khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm giữ chức vụ Tòan Quyền Đông Dương (1897-1902), Paul Doumer có đưa ra một số nhận xét về cuộc chiến đánh chiếm vịnh Đà Nẵng của liên quân Pháp – Tây Ban Nha  năm 1858.

Vịnh Đà Nẵng mà Paul Doumer nói tới trong hồi ký nay chính là bán đảo Sơn Chà, hiện vẫn còn một số di tích liên quan tới nghĩa trang của những người lính trong đội quân viễn chinh ở gần cảng Tiên Sa.




Năm 1858, một lực lượng viễn chinh nhỏ liên quân Pháp – Tây Ban Nha được phái tới Đà Nẵng để trừng phạt Hoàng Đế An Nam đã tàn sát các giáo dân và giáo sĩ đạo Gia tô.

Không may là đội quân này không có thông tin gì về đất nước mà họ sẽ tới. Điểm duy nhất bên bờ biển gần kinh đô Huế là vịnh Đà Nẵng, hạm đội có thể vào trú ẩn và cho quân đổ bộ. VỊnh này  nằm trong một vùng núi cao bao quanh chỉ có một số ít dân sống ven bờ; có thể bị chiếm đóng lâu dài mà triều đình An Nam  không cảm thấy có phiền phức hoặc bị mất thể diện. 

Để tới được Huế, quân viễn chinh phải vượt qua một chặng đường dài khoảng 100 cây số, nhưng chẳng có con đường thực sự nào. Trước hết phải vượt qua khối núi sừng sững, con đường mòn qua đèo Hải Vân,  nơi thấp nhất cũng đã tới 500 mét trên mực nước biển. Lại thêm khí hậu nóng như thiếu đốt và ¾ chặng đường này phải vượt qua những cánh rừng rậm, hay đụn cát không có gì để ăn uống và trú ẩn. Chưa kể những người lính An Nam trong các pháo đài đặt ngay đèo Hải Vân chắc không có nhiệm vụ chìa tay ra với những kẻ xâm lược.

Cố gắng hành quân bằng đường bộ từ vịnh Đà Nẵng để tấn công kinh đô Huế là thật sự một hành động điên rồ. Phải chiếm vịnh Đà Nẵng và chờ đối phương tấn công. Nhưng cuộc tấn công đã không diễn ra. Những người lính của Hoàng Đế An Nam không ngu tới mức rời bỏ vị trí mà tại đó họ không bị nguy hiểm và thời gian lại đang ủng hộ họ.

Đội quân nhỏ bé của liên quân Pháp – Tây Ban Nha bị tơi tả bởi các bệnh nhiệt đới khủng khiếp. Sốt, kiết lỵ, dịch tả tàn phá đội quân. Mỗi ngày, quân triều đình An Nam đều đánh thắng một trận mà không cần ra quân.

Nghĩa trang trong trại quân mà chúng ta thấy ngày nay (Nghĩa trang nằm trên một quả đồi nhỏ gần cảng Tiên Sa, bán đảo Sơn Chà ngày nay) đủ nói lên những tổn thất của liên quân. Nghĩa trang đó là kỷ niệm duy nhất còn lại của cuộc viễn chinh.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét