Chủ Nhật, 27 tháng 8, 2017

Sử Ký: Tây Nam Di Liệt Truyện

Người dịch: Trương Thái Du
Nguồn: 西南夷列傳
Ghi chú: Dạ Lang là một liên minh các bộ lạc lớn ở Hoa Nam, địa bàn phía bắc vào khoảng từ huyện Nguyên Lăng, Hồ Nam đến huyện Đồng Nhân, Quý Châu, Trung Quốc. Trung tâm nước Điền chính là thành phố Côn Minh ngày nay. Nhiễm Mang là miền đông Tây Tạng. Sông Tang Kha là sông Tây giang đổ ra biển tại Phiên Ngu, theo mô tả trong các ngữ cảnh phía dưới, phần thượng lưu của nó có thể là Mông giang chảy vào Tây giang tại Mông Giang trấn.
Figure-5-Tomb-M24-at-the-Dian-site-of-Lijiashan-richly-furnished-with-bronze-musical
Ảnh: Sơ đồ mộ táng một thủ lĩnh Điền Việt – Vân Nam tại Thạch Trại Sơn, trong đó có trống đồng tiền Heger I, thủy tổ trống đồng Đông Sơn.
Người Di ở phía tây nam có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Dạ Lang; phía tây Dạ Lang lại có hàng chục tù trưởng người Mi Mạc, lớn nhất là Điền; từ Điền đi về phía bắc cũng có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Cung Đô: Tất cả họ đều búi tóc, làm ruộng và tụ hợp thành làng mạc. Phía tây khu vực này từ Đồng Sư đi về phía đông, phía bắc đến Diệp Du, có người Tây và Côn Minh, họ đều tết tóc, du cư theo đàn gia súc, không ở cố định một chỗ, không có tù trưởng, khu vực sinh sống hoạt động trải dài hàng ngàn dặm. Từ đó đến vùng đông bắc có hàng chục tù trưởng, Tỉ và Tạc Đô lớn nhất. Từ Tạc Đô đi lên phía đông bắc, có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Nhiễm Mang. Phong tục tập quán sinh hoạt ở đây nửa du cư, nửa định cư, đây là phía tây đất Thục. Từ Nhiễm Mang đi lên đông bắc, có hàng chục tù trưởng, lớn nhất là Bạch Mã, đều là người Đê. Tất cả đều là người Man và người Di phía ngoài tây nam đất Ba và đất Thục.
Bắt đầu từ thời Sở Uy Vương (339 BC – 329 BC), đã sai tướng quân Trang Kiểu theo thượng lưu Trường giang chiếm các vùng phía tây đất Ba và Kiềm Trung. Trang Kiểu là hậu duệ của Sở Trang Vương ( 613 BC – 591 BC). Kiểu đến hồ Điền, rộng ba trăm dặm, xung quanh đất đai bằng phẳng phì nhiêu trải dài cả ngàn dặm, dùng binh lính trấn áp rồi gộp vào nước Sở. Kiểu muốn quay về Sở báo tin, nhằm lúc Tần đang đánh Sở để chiếm Ba quận và Kiềm Trung quận (316 BC), đường bị chặn, bèn quay lại xưng vương xứ Điền, đổi cách ăn mặc, sinh hoạt bằng tập quán bản địa như tù trưởng. Thời Tần thường làm những trục lộ chính năm thước8, đặt quan nhỏ tại một số nơi. Hơn mười năm Tần bị diệt. Đến Hán hưng, những khu vực này bị quên lãng, triều đình chỉ quán xuyến đến đất Thục cũ mà thôi. Dân Ba Thục có kẻ lén ra ngoài buôn bán, thu mua ngựa của nước Tạc, nô tì và mao ngưu (bò lông dài, bò Tây Tạng) của người Bặc, nhờ vậy Ba Thục phú thịnh.
Năm Kiến nguyên thứ sáu (135 BC), đại hành tướng Vương Khôi đánh Đông Việt, dân Đông Việt giết vương tên Dĩnh để đầu hàng. Khôi dựa vào uy binh sai quan huyện Phiên Dương là Đường Mông đến báo tin cho Nam Việt. Vua Nam Việt đãi Mông món tương làm bằng quả cẩu (Lycium barbarum) của nước Thục, Mông hỏi nguồn gốc, vua đáp: “Phía tây bắc sông Tang Kha, sông Tang Kha rộng mấy dặm, chảy ra biển phía dưới thành Phiên Ngu”. Mông về Trường An, hỏi thương nhân người Thục, người ấy bảo: “Chỉ đất Thục mới có tương cẩu, nhiều người lén mang bán ở Dạ Lang. Dạ Lang nằm kề sông Tang Kha, sông rộng hơn trăm bộ (một bộ sáu thước ~ 1.98m), đủ để đi thuyền. Nam Việt dùng của cải mong sát nhập Dạ Lang, để phía tây đến tận Đồng Sư, nhưng họ không chịu lệ thuộc”. Mông bèn viết thư thuyết phục hoàng thượng: “Nam Việt Vương ngồi xe mui vàng, trên xe cắm cờ tả đạo (như thiên tử), đất đai đông tây hơn vạn dặm, danh là ngoại thần, nhưng làm chủ hẳn một châu. Nay từ Trường Sa và Dự Chương đi xuống, đường thủy đứt đoạn, khó đi. Nghe nói Dạ Lang có tinh binh, có thể đến hơn mười vạn, xuôi thuyền dọc sông Tang Kha, bất ngờ xuất quân, là cách hay khống chế Nam Việt vậy. Quân Hán lớn mạnh, đất Ba Thục giàu có, thông con đường Dạ Lang, đặt quan trấn nhậm, rất dễ thực hiện.” Vũ đế đồng ý. Bèn bái Đường Mông làm trung lang tướng, giúp cho một ngàn quân, thêm hơn một vạn phu vận chuyển lương thảo, theo lối cửa ải Tạc của Ba Thục đi vào, gặp Dạ Lang hầu Đa Đồng. Mông ban phát cho Đa Đồng rất hậu, dùng uy đức nhà Hán dụ dỗ, hứa bổ nhiệm làm quan, cho con Đồng chức huyện lệnh. Các ấp nhỏ cạnh Dạ Lang đều tham tơ lụa của người Hán, cho rằng đường từ Hán vào hiểm trở, khó bề chiếm đóng nơi này, bèn nghe lời hứa hẹn của Mông. Vũ đế được tin báo, liền thành lập quận Kiền Vi. Bắt đầu cho lính Ba Thục sửa sang đường, từ lối đất Bặc đến Tang Kha giang. Tư Mã Tương Như người đất Thục cũng nói đất Cung đất Tạc miền tây Di cũng có thể lập quận. Lại sai Tương Như làm lang trung tướng đi đến hiểu dụ, giống miền nam Di, đặt một đô úy, hơn mười huyện, nhập vào đất Thục.
Tại thời điểm này, bốn quận của Ba Thục (Ba, Thục, Quảng Hán, Hán Trung) mở đường đến tây nam Di, cần rất nhiều lính thú cũng như nhân lực vận chuyển lương thảo. Sau vài năm, đường không thông, quân lính mệt mỏi đói khát trong khí hậu ẩm thấp nên chết rất nhiều; người Di tây nam một số làm phản, phát binh nổi dậy đánh đuổi, hao phí mà chẳng được gì. Vua lo lắng, sai Công Tôn Hoằng đi đến xem xét. Hoằng về thưa rằng không thuận tiện. Sẵn dịp Hoằng làm ngự sử đại phu, lúc này đúng thời điểm đang đắp đất sửa thành Sóc Phương dựa vào Hoàng Hà để đuổi giặc Hồ, nhân đó bảo rằng khai phá tây nam Di không có lợi, nên dừng, tập trung sức lực chống Hung Nô. Vua bãi tây Di, chỉ đặt ở hai huyện nam Di mỗi một đô úy, ra lệnh quận Kiền Vi tự thân vận động.
Đến năm Nguyên thú thứ nhất (122 BC), bác vọng hầu Trương Khiên đi sứ Đại Hạ về, nói rằng lúc ở đó có thấy vải đất Thục, gậy trúc xứ Cung Đô, hỏi xuất xứ họ nói: “Ở phía đông nam là nước Thân Độc, cách khoảng vài ngàn dặm, mua được từ nhà buôn Thục”. Có kẻ nghe nói phía tây Cung Đô khoảng hai ngàn dặm có nước Thân Độc. Khiên nhân đó nhấn mạnh Đại Hạ ở về phía tây nam Đại Hán, rất hâm mộ Trung Quốc, bị Hung Nô ngăn trở, nếu mở lối thông với Thục, đường đến nước Thân Độc kế bên thuận tiện, hữu lợi vô hại. Do vậy vua bèn sai Vương Nhiên Vu, Bách Thủy Xương, Lữ Việt Nhân cùng nhau đi sứ về phía tây của tây Di, hướng về nước Thân Độc. Khi đến nước Điền, Điền vương là Thường Khương bèn lưu lại, rồi phái hơn mười nhóm người hỗ trợ tìm đường đi về phía tây. Hơn một năm, tất cả đều bị người Côn Minh cản trở, chẳng ai đến được nước Thân Độc.
Điền vương hỏi sứ giả Hán: “Hán và Điền nước nào lớn hơn?” Dạ Lang hầu cũng hỏi như thế. Vì đường không thông, bọn họ làm chúa một châu, không biết rằng nước Hán rộng lớn. Sứ giả trở về, liền nhấn mạnh Điền là một nước lớn, đủ điều kiện để kết giao. Hán Vũ đế rất lưu tâm.
Đến lúc Nam Việt làm phản, (Năm 112 BC) Hán Vũ đế sai Trì Nghĩa Hầu dựa vào quận Kiền Vi tập hợp quân lính nam Di. Tù trưởng Thả Lan sợ đi xa, các bộ tộc bên cạnh vào bắt những người già cả yếu đuối ở nhà, liền tập hợp dân chúng làm phản, giết sứ giả và thái thú quận Kiền Vi. Nhà Hán bèn đem những tội nhân Ba Thục định dùng đánh Nam Việt, dưới quyền tám viên hiệu úy, bình định Thả Lan. (Năm 111 BC) Khi Nam Việt đã bị diệt, tám viên hiệu úy ấy (theo đường sông Tang Kha) vẫn chưa đến Phiên Ngu, liền dẫn quân quay ngược lại, trừ khử bộ tộc Đầu Lan. Đầu Lan vốn thường ngăn cách con đường đi đến nước Điền. Sau khi diệt Đầu Lan, đánh dẹp hết người nam Di, đặt Tang Kha quận. Dạ Lang hầu đầu tiên ỷ thế Nam Việt, Nam Việt mất, quân Hán quay về diệt phản, Dạ Lang bèn vào triều chầu kiến. Hán Vũ đế cho làm Dạ Lang vương.
Sau khi diệt Nam Việt, tiếp tục truy sát tù trưởng Thả Lan, tù trưởng bộ tộc Cung, đuổi giết Tạc hầu, các bộ tộc Nhiễm và Mang sợ hãi xin được làm bầy tôi và đặt quan lại trấn nhậm. Bèn lấy Cung Đô làm Việt Tây quận, Tạc Đô làm Trầm Lê quận, Nhiễm Mang thành Vấn Sơn quận, đất Bạch Mã phía tây Quảng Hán trở thành quận Vũ Đô.
Hán Vũ đế sai Vương Nhiên Vu lấy uy phong phá Nam Việt và diệt người nam Di để dụ Điền vương nhập triều thần phục. Điền Vương có mấy vạn người, phía đông bắc có Lao Tẩm và Mi Mạc đều cùng họ tộc hỗ trợ, cho nên chưa chịu nghe. Lao Tẩm và Mi Mạc nhiều lần xâm phạm sứ giả và quân lính nhà vua. Năm nguyên phong thứ hai (109 BC), Hán Vũ đế điều động quân đội Ba và Thục tiêu diệt Lao Tẩm và Mi Mạc, quân tới sát nước Điền. Điền vương lúc này mới bắt đầu nhún nhịn, để khỏi bị giết. Điền vương li khai với người Di tây nam, đầu hàng nhà Hán, xin được đặt quan trấn nhậm và vào triều chầu bái. Hán Vũ đế lấy đất Điền lập quận Ích châu, ban cho Điền vương ấn tín để trở về chăm lo cho dân.
Các tù trưởng miền tây nam Di có đến hàng trăm người, chỉ riêng Dạ Lang và Điền nhận được ấn vương. Điền chỉ là một ấp nhỏ bé, lại được sủng ái nhất.
Thái sử công nhận xét: Tổ tiên nước Sở nhận được lộc trời chăng? Đầu thời Chu thì làm thầy Văn Vương, rồi được phong đất Sở. Đến ngày Chu suy tàn, nước Sở đất đai rộng năm ngàn dặm. Sau khi Tần diệt (sáu nước), chỉ có hậu duệ nước Sở vẫn ở trên ngôi vương tại xứ Điền. Nhà Hán sát diệt tây nam Di, bao nhiêu tiểu quốc bị xóa sổ, chỉ có Điền vẫn là vị vương được quí mến. Việc bình định tây nam Di, bắt đầu từ món tương Cẩu mà Nam Việt vương đãi Đường Mông ở Phiên Ngu, gậy chống ở nước Đại Hạ có nguồn gốc từ cây trúc xứ Cung. Tây Di sau đó lại bị chia làm hai phương, cuối cùng mới được Hán Vũ đế thiết trí thành bảy quận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét