Thứ Tư, 31 tháng 1, 2018

Mậu Thân 1968 - Một ngày đặc biệt ở Huế với Catherine Leroy (AP)



Bìa Tạp chí Life số ra giữa tháng 2-1968: Bộ đội Bắc Việt Nam với AK 47 sản xuất tại Trung Quốc trong một căn cứ kiên cố ở Huế

Bức ảnh các chiến sĩ Quân giải phóng Việt Nam xuất hiện trên bìa Tạp chí Life, ngày 16-2-1968 là một sự kiện chấn động phương Tây. 
Kèm theo đó là phóng sự ảnh: “Một ngày đặc biệt ở Huế: Đối phương cho tôi chụp ảnh” của nhà báo phương Tây đầu tiên được chụp ảnh bộ độ chủ lực miền Bắc đóng bên kia chiến tuyến. Nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Catherine Leroy (1944-2006), của Hãng thông tấn Mỹ AP, kể chuyện cô cùng nhà báo Pháp Francois Mazure của Hãng thông tấn Pháp AFP, đi vào thành phố Huế lúc đó do Quân giải phóng kiểm soát. Tại đây, họ đã có được cơ hội chụp những bức ảnh ấn tượng của cuộc chiến.
               Nữ nhiếp ảnh gia người Pháp Catherine Leroy trong vùng kiểm soát của Quân giải phóng tại Huế Mậu Thân 1968

Đi vào trận địa Quân giải phóng  ở Huế, các nhà báo Pháp thoạt đầu bị bắt giữ do ngôn ngữ bất đồng. Catherine nhận thấy bộ đội Việt Nam có vẻ rất bình tĩnh. Khi ấy, máy bay chỉ điểm và máy bay ném bom của Mỹ nhào lộn trên đầu, khiến các nhà báo Pháp phải tìm chỗ ẩn nấp, nhưng những người lính của đối phương vẫn có vẻ không hề lo lắng.


Từ trái sang: Vào vùng Quân giải phóng kiểm soát tại Huế, Catherine gặp nhiều dân thường trú ẩn trong một nhà thờ; Một người lính thông tin Bắc Việt Nam dùng bộ đàm Mỹ; Bộ đội Bắc Việt được vũ trang bằng súng trường do Liên Xô sản xuất, và súng phóng lựu của Mỹ
Rồi hai phóng viên phương Tây được đưa về sở chỉ huy của một đơn vị bộ đội Bắc Việt Nam đóng trong nhà của một người Pháp. Cuộc hội ngộ giữa những người đồng hương thật xúc động, Catherine kể tiếp trong phóng sự trên Tạp chí Life:
"Trong khi chúng tôi ngồi nói chuyện, một người lính mới xuất hiện. Anh ta tự giới thiệu là một sĩ quan Bắc Việt Nam. Anh ta khoảng 25 tuổi, mang một khẩu súng ngắn và anh ta trông kiên quyết, giống như một số sinh viên đại học Việt Nam mà ta có thể gặp ở Paris (những năm 1950-1960). Khi vợ của người Pháp kiều bảo anh ta chúng tôi là ai, anh ra lệnh cho những người lính của mình cởi trói cho chúng tôi. Sau đó, người sĩ quan Bắc Việt Nam yêu cầu chúng tôi kiểm lại hành trang, để tin tưởng chắc chắn rằng không có thứ gì bị thất lạc.
Nhờ vợ của người Pháp kiều dịch lại, viên sĩ quan trẻ của Bắc Việt Nam thông báo với chúng tôi rằng, họ đã chiếm được Cố đô, một điều rõ ràng là sự thật, họ đang thắng ở khắp nơi, họ đang giải phóng toàn miền Nam.
Khi chúng tôi hỏi, có thể chụp ảnh được không, người sĩ quan đồng ý ngay và đưa chúng tôi ra ngoài. Anh ta có vẻ vui, và trên thực tế, đã cư xử như một sĩ quan thông tấn mà chúng tôi gặp trong các đơn vị quân đội phương Tây. Còn bộ đội của anh ta cũng thấy hài lòng với ý tưởng là họ được chụp ảnh. Tại khu vườn của một ngôi nhà bên cạnh, tôi chụp một số người lính trẻ ngồi trên thành chiếc xe tăng Mỹ. Tôi nghĩ, không chắc họ đã biết cách lái chiếc xe tăng này, nhưng họ đều tươi cười với tư thế của một quân đội chiến thắng.
Chỉ có một người không muốn chúng tôi chụp ảnh anh ta. Đó là người lính được trang bị một máy điện đài của Mỹ. Khi thấy chúng tôi chụp ảnh mình, người lính thông tin này đã đòi chúng tôi đưa tấm phim vừa chụp cho mình…

Một khoảng lặng giữa hai trận đánh tại mặt trận Huế - Tết Mậu Thân 1968


Một người lính Bắc Việt Nam tại mặt trận Huế Mậu Thân 1968
Chiến sự trở nên ngày một dữ dội hơn. Tại bất cứ thời điểm nào, quân chính phủ (Việt Nam cộng hòa) hoặc quân đội Mỹ đều có thể tới, và chúng tôi có thể rơi vào giữa hai luồng đạn. Khi chúng tôi quay lại căn nhà của người Pháp kiều, Francois nhận định: “Vâng, chúng tôi cần phải quay về Paris với phóng sự của mình, cần phải đi ngay”.
Người sĩ quan Bắc Việt Nam không phản đối. Người Pháp kiều rút thuốc lá mời Francois và người sĩ quan cùng hút. Sau đó, tất cả chúng tôi bắt tay nhau vui vẻ, nói lời tạm biệt và chúc may mắn với gia đình người Pháp kiều. Và cùng với một người dẫn đường người Việt còn trẻ, chúng tôi khởi hành. Quay đầu lại, chúng tôi thấy người Pháp kiều đứng bên vợ và hai con gái nhỏ, chầm chậm vẫy tay tiễn chúng tôi. Mắt người Pháp kiều đẫm lệ….
                         Thường dân bị kẹt trong vùng chiến sự Huế Mậu Thân 1968
Catherine Leroy viết, có khoảng 2.000 quân Việt Cộng cố thủ trong thành Huế và số dân thường kẹt trong vùng có chiến sự khoảng 4.000 người, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em. Catherine Leroy cho biết, sau khi trở về chiến tuyến của phía Mỹ, đã phải chạy tới nài nỉ một viên sĩ quan Mỹ, để xe tăng Ontos, còn gọi là Kẻ hủy diệt của lính thủy đánh bộ Mỹ không tiếp tục bắn vào ngôi nhà thờ đạo Thiên chúa và các căn nhà nơi có nhiều dân thường đang trú ẩn, chính tại địa bàn ngày hôm trước, cô và người phóng viên AFP từng gặp bộ đội Bắc Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét