Chủ Nhật, 21 tháng 1, 2018

TRẬN CHIẾN HOÀNG SA NĂM 1974 – CHỈ LÀ VÁN CỜ CỦA CÁC NƯỚC LỚN!

Đinh Khắc Thiện


TRẬN CHIẾN HOÀNG SA NĂM 1974 – CHỈ LÀ VÁN CỜ CỦA CÁC NƯỚC LỚN!

Quần đảo Hoàng Sa của VN đã bị mất về Trung cộng từ sau cái bắt tay này.
Ảnh: Cái bắt tay lịch sử của Mao Trạch Đông và Richard Nixon - 29.2.1972. 

Mới đây có một anh bạn - là sếp của một tờ báo điện tử chính thống, anh đồng thời là một nhà báo nổi tiếng, một chuyên gia về biển Đông đã gửi cho tôi một số video clip và một số tệp về những bài phát biểu và phát ngôn của một người lính VNCH đã từng tham gia trận chiến Hoàng Sa năm 1974 trong vai trò một viên phi công lái máy bay phản lực chiến đấu. Anh đề nghị tôi tham gia viết bài để phản biện lại những phát ngôn của viên phi công này, mà theo anh là không đúng. Nhưng cái cắc cớ của “ông nhà báo” này là anh ta biết tôi với viên phi công kia là người cùng Họ, thậm chí là người cùng họ Đinh Khắc. Cho nên tôi đã khéo léo từ chối viết bài về chủ đề này cho tờ báo của anh ta, vì sợ làm mất lòng một người họ hàng. Nhưng cũng để khỏi làm phật lòng một “sếp lớn”, tôi đề nghị viết một bài ngắn trên blog riêng của mình, vì bài cũng sẽ được cộng đồng mạng đọc được trên google và anh đã đồng ý !

Thời thế
Cuộc tấn công xâm lược quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam xảy ra đã 43 năm, quần đảo tiền tiêu án ngữ đường vào vịnh Bắc bộ đã bị quân xâm lược Trung Cộng chiếm đoạt. Đã 43 năm mãnh đất của cha ông để lại, nhưng lớp hậu sinh đã không giữ được khiến nó lọt vào tay ngoại bang, cũng không ai dám nói là bao giờ mới đòi lại được. Nhưng đa số lớp hậu sinh đã gần như quên lãng sự kiện này, phải chăng họ đang bận bịu một cái gì đó trọng đại hơn, hay họ chỉ biết vinh thân phì gia mà quên đi dã tâm thôn tính nước ta từ ngàn đời nay của quân xâm lược phương Bắc !
Ngay từ thế kỷ 16, khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam lập nghiệp hình thành nên một vương quốc Nguyễn ở xứ Đàng Trong hoàn toàn biệt lập với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh, thì đất nước ta liên tục xảy ra những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực của hai thế lực này. Sau đó là cuộc nội chiến giữa các Chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn, giữa Tây Sơn và chúa Trịnh với những cuộc chiến dai dẳng kéo dài hàng trăm năm khiến cho dân tình khốn khổ, đất nước bị tàn phá, tiềm lực và sức mạnh quốc gia bị phân tán và ngày càng tụt hậu. Tới đầu thế kỷ 19 nhà Nguyễn đã đưa đất nước trở lại thời thịnh vượng, thời vua Minh Mệnh (1820) nước ta là cường quốc mạnh nhất khu vực. Nhưng do không bắt kịp tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới với những cuộc cách mạng công nghiệp đang bùng nổ tại phương Tây nên một lần nữa đất nước ta lại tụt hậu. Và khi người Pháp tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược (1858), ta lại thua và bị họ xâm chiếm. Đây cũng là thực trạng của hầu hết các nước trong khu vực, nên họ cũng đều bị thực dân phương Tây xâm chiếm.

Từ những năm đầu của thế kỷ 20, khi thế giới đã bắt đầu hình thành nên nhiều thế lực nước lớn (thực chất là chủ nghĩa đế quốc) chia nhau thống trị và khống chế các khu vực địa chính trị quan trọng trên thế giới thì Việt Nam ta với vị trí địa lý quan trọng trong khu vực cũng đã lọt vào cặp mắt dòm ngó của các thế lực này. Mặc dù dã tâm của các nước lớn được núp bóng dưới nhiều học thuyết và chiêu bài chính trị khá hoa mỹ như đồng minh + đồng chí, nhưng tựu trung họ đều xem nước ta như một món hàng để họ mặc cả, trao đổi và kềm chế lẫn nhau trong ván bài chính trị thế giới. 
Với những gì đã và đang xảy ra chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thủ đoạn và chiêu trò để họ tranh giành nhau ảnh hưởng tại một nước nào đó. Trước hết họ sẽ không tiếc tiền xây dựng tại đó những đảng phái, những thế lực cát cứ địa phương mà họ gọi là phe "đối lập", những phòng trào đòi bình đẳng; thậm chí là giải phóng dân tộc. Sau khi đã nhào nặn ra những "lãnh tụ", những “anh hùng dân tộc” biết nghe lời, chịu sự sai khiến và phụ thuộc hoàn toàn vào họ. Thậm chí chỉ trong một nước có tới 3 – 4 thế lực khác nhau, chúng sẽ kích động họ đánh nhau dưới sự tài trợ của nhiều nước lớn khác nhau. Mà những gì đang xảy ra tại Xiri, I Rắc là một minh chứng cho những gì đã xảy ra tại khu vực Đông Nam Á vào những thập kỹ đầu thế kỷ 20. 
Các thế lực cát cứ địa phương này ra sức huy động sức dân, bòn rút của cải và tài nguyên quốc gia đổ vào những cuộc nội chiến tranh giành quyền lực. Họ cũng rêu rao những học thuyết yêu nước thương nòi do những ông Tây lập ra và cũng do chính những kẻ ngoại bang này truyền dạy cho họ. Với những chiêu trò đánh động lòng yêu nước để mua chuộc và tập hợp người dân trong vùng đất mình cai quản biến họ thành những người lính đánh thuê cho nước ngoài ngay chính trên quê hương mình. Đến đỗi khi cuộc chiến tàn cũng không phải ai cũng nhận ra được mình chỉ là những con rối trong tay của các nước lớn. Cái được của những kẻ này là được ăn trên ngồi trốc, vinh thân phì gia. Nhưng cái mất là rất lớn, chính họ đã khiến cho đất nước bị tàn phá, đẩy dân tộc vào những cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cuối cùng đất nước bị phụ thuộc và biến thành một món hàng trao đổi trong tay của những nước lớn.

Ngay từ trước khi nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông được thành lập năm 1949 - Mao đã là một đồng minh thân cận với với nước Liên Xô của Xtalin. Với vai trò là những nước lớn đầy tham vọng và cũng thừa dã tâm, họ đã xác định những lợi ích và những vùng ảnh hưởng của họ. Họ đã bắt tay nhau phân chia vùng ảnh hưởng của họ trên thế giới, đồng thuận ủng hộ những việc làm của nhau trên các diễn đàn thế giới. Trong Hội Nghị của những nước thắng trận bàn việc phân chia lại thế giới sau thế chiến thứ hai (thực chất là chia chác) tại San Francisco (Mỹ) năm 1952 – hội nghị này nước Trung Hoa của Mao không được mời tham dự. Trong Hội nghị này các nước thắng trận đã bàn thảo việc chia chác những vùng đất ở viễn đông đã từng bị Nhật xâm chiếm trong thế chiến thứ II. Đại diện Liên Xô đã đề nghị giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta cho nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông quản lý; nhưng đã bị phía Mỹ phản đối. Sự việc phải đem ra biểu quyết nhưng trong 52 nước tham dự hội nghị chỉ có Liên Xô và Ba Lan đồng ý giao cho Mao, hội nghị đã quyết định theo số đông là đồng ý giao cho chính phủ Bảo Đại (có đại diện tham gia hội nghị này) tiếp quản hợp pháp. Qua sự kiện này chúng ta biết thêm một sự thật là chính những người anh em đồng chí Xô – Trung vĩ đại đã chia chác đất nước ta ngay từ năm 1952, vì quyền lợi của chính họ.

Thế thời
Cuộc chiến đã ngày càng lùi xa, đất nước đã thống nhất hơn 40 năm, mọi người dân nước Việt đã là anh em một nhà, đang cùng bắt tay xây dựng đất nước, để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu. Những người Việt đã từng tham chiến ngày nào, nay đều đã vào cái tuổi U70, đó là cái tuổi để an hưởng tuổi già nên các vị đã phải nhường công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước lại cho lớp hậu bối cũng là đương nhiên thôi.
Tuy nhiên có một vài vị lại không muốn hưởng cái thú an nhàn lúc tuổi già trong phú quý mà rất nhiều người cùng thế hệ mong muốn nhưng chưa được, vì còn phải bươn chải kiếm sống. Trái lại nhân lúc rãnh rỗi, lúc trà dư tửu hậu các vị đã nói những điều không nên nói … khiến cho những người có liên quan cảm thấy thẹn ! 

Với cái tựa trên đây chắc mọi người đã biết tôi muốn nói gì ? Nhưng tôi không muốn nói về trận chiến hay cái sự thắng thua hay tính chính danh của nó – vì đó là việc của lịch sử, không phải là việc của một kẻ hậu sinh như tôi. Tôi chỉ mượn cái tựa này để nói về những nhân vật lịch sử, về những người từng tham gia cuộc chiến – họ là những nhân chứng sống của lịch sử nhưng tiếc rằng những nhân chứng này không phải lúc nào cũng nói lên sự thật; nhất là khi họ nhận định và đánh giá sự kiện !

Anh bạn làm báo trên đây cho biết, anh đã từng trực tiếp nghe viên phi công này diễn thuyết về trận chiến Hoàng Sa năm 1974 trong một số cuộc lễ hoặc cuộc gặp mặt. Nhưng với những tư liệu anh có trong tay, thì những gì vị này nói về tình hình cuộc chiến lúc ấy là hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra lúc ấy !
Theo tư liệu của tôi và tư liệu mà anh bạn nhà báo này cung cấp thì viên phi công này thuộc một trong số hàng trăm người mà đầu năm 1974 họ được chính phủ VNCH điều từ Sài gòn, Biên Hòa ra Đà Nẵng nhằm chuẩn bị lái máy bay tiêm kích ra ném bom tái chiếm Hoàng Sa. Nhưng sau một thời gian ngắn chờ đợi tại phi trường Đà Nẵng, họ được lệnh trở về lại Sài gòn mà không phải tham gia trận tái chiếm.
   - Tuy biết các vị này lúc ấy chỉ là những chàng thanh niên mới ngoài 20 tuổi, chỉ là những viên sĩ quan cấp úy, chuyên lái máy bay phản lực chiến đấu. Họ tuy thuộc thành phần con cưng của chế độ, nhưng bị buộc sống khép kín chỉ chăm chú chuyên môn của mình; không được phép giao tiếp với bên ngoài. Nhưng nay thì họ phát biểu với báo giới về trận chiến Hoàng Sa – 1974 như những ông tướng tư lệnh, những chiến lược gia, hoặc những nhà chính trị có quyền hành thời ấy. Nào là “ ông Thiệu hèn – nhát gan – sợ mất chức, nếu phải tay họ là Hoàng Sa không bao giờ bị mất. Nào là không lực và hải quân của quân đội VNCH lúc ấy dư sức tái chiếm Hoàng Sa. Không lực của quân đội VNCH lúc ấy mạnh nhất Đông Nam Á - dư sức xóa sổ hải quân Trung Cộng”.
   - Vị này cho biết “ Chúng tôi đã lái máy bay đi trinh sát, đã chụp không ảnh toàn bộ quần đảo, đếm từng chiếc tàu của Trung Cộng, thuộc loại gì. Sau đó về in ảnh ra rồi chia nhỏ tấm ảnh ra từng ô, trong từng ô có bao nhiêu tàu thì phân công từng tốp máy bay chịu trách nhiệm dọn sạch số tàu thuyền trong từng ô đó … và chỉ cần 30 phút là chúng tôi sẽ cho tất cả biến mất dưới mặt biển…”. !
   - Và cuối cùng là một cái kết luận xanh rờn “… vì hèn nhát ông Thiệu đã để mất quần đảo Hoàng Sa, một phần lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc vào tay quân Trung Cộng. Vì hành động này khiến cho việc đòi lại quần đào Hoàng Sa ngày nay ngày càng khó khăn và không biết bao giờ mới đòi lại được !”

Nhưng với chúng tôi, thì việc mất quần đảo Hoàng Sa không phải là do ai hèn cả, cũng không phải là do trong trận chiến tháng 1 năm 1974 quân đội VNCH thua trận nên bị Trung Cộng chiếm mất quần đảo này. Mà tất cả đã được sắp đặt và chia chác giữa những nước lớn từ năm 1972. Cũng xin lưu ý với các vị là phần cụm đảo phía Đông, tức là hơn một nữa quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung cộng chiếm từ năm 1956. Trận chiến năm 1974 họ chỉ chiếm nốt phần còn lại ở phía Tây quần đảo này.
Thật ra trận chiến Hoàng Sa - năm 1974, với quân lực VNCH thì tái chiếm lại quần đảo hay không là do những con người này quyết định . 
Ảnh: Bộ trưởng Henry Kissinger với Phó Tổng thống Nelson Rockerfeller và Tổng thống Gerald Ford năm 1974

Theo tư liệu của chính phủ Mỹ mới được giải mật và mới được công bố gần đây cho biết:
   - Sau cuộc chiến Mậu Thân năm 1968, người Mỹ xét thấy không thể thắng bằng quân sự trong cuộc chiến tại VN, với mục tiêu ban đầu là biến Nam Việt Nam thành một tiền đồn ngăn Chủ nghĩa Cộng Sản tràn xuống Đông Nam Á. Sau khi bị buộc phải công nhận sức mạnh của phe cộng sản, họ đã tìm cách thỏa hiệp với phe cộng sản hay nói đúng hơn là với Trung Quốc, nước viện trợ chính cho phía chính phủ VNDCCH. Thông qua nhiều kênh ngoại giao khác nhau họ đã nhận được tín hiệu hòa hoãn và thân thiện từ phía Mao Trạch Đông. Tháng 2 năm 1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã đi thăm chính thức nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa. Ông ta đã hội đàm với Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai – họ đã ký kết nhiều thoả thuận với nhau, trong đó có những thoả thuận về cuộc chiến tại VN mà không cần tham khảo ý kiến của người VN. Giới lãnh đạo nước Trung Hoa cộng sản đã một lần nữa sẵn sàng bán đứng những người anh em đồng chí VN của mình vì quyền lợi của đất nước họ.
Và như báo chí thế giới đã khá khôi hài khi bình luận “cuộc kháng chiến chống Mỹ” của VN đã kết thúc ngay từ ngày 29.2.1972 sau cái bắt tay của Mao Trạch Đông và Richard Nixon tại Thượng Hải. Những gì xảy ra sau đó về cuộc chiến tại VN đã cho thấy nhận định này là chính xác và sự thật nó đã được quyết định ngay sau cái bắt tay này. Họ đã phân chia nhau khu vực ảnh hưởng tại Đông Nam Á, trong đó có biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của VN. Quyền định đoạt vận mệnh đất nước và biển đảo không còn thuộc về sự định đoạt của người VN chúng ta !

Sau năm 1968, tại chiến trường VN bên nào thắng bên nào thua, kể cả trận chiến Hoàng Sa - năm 1974, đều do 02 con người này sắp đặt. 
Ảnh: Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai (trái) mở tiệc chiêu đãi Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Bắc Kinh ngày 10/11/1973.

Trong những bí mật của hai bên ký kết năm 1972, mà theo nhiều nguồn thông tin khác nhau của nước ngoài kể cả thông tin công khai của phía Trung Quốc – theo đó người Mỹ đã đồng ý bán đứng hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa của VN cho Trung Quốc. Cụ thể ở đây là nếu hải quân Trung Quốc tấn công hai quần đảo này của chính phủ Việt Nam Cộng Hoà thì hạm đội 7 của Mỹ sẽ không can thiệp. Trong khi tiềm lực quân đội và nhất là Hải quân của Việt Nam Cộng Hoà không phải là đối thủ của hải quân Trung Hoa. Tuy biết rằng sau khi người Mỹ rút đi đã để lại một khối lượng khí tài quân sự khổng lồ cho VNCH, nhưng nếu so sánh thì vẫn chưa là gì so với sức mạnh của hải quân Trung Cộng lúc ấy. Và quan trọng hơn là đồng tiền để nuôi bộ máy quân sự của VNCH là do người Mỹ viện trợ, nên họ đã quyết định tất cả. Ngoài ra tuy người Mỹ đã rút đi nhưng họ để lại một bộ phận rất lớn cố vấn quân sự để điều hành toàn bộ !
Cho nên với những gì xảy ra hai năm sau đó tại quần đảo Hoàng Sa là đương nhiên thôi, ngày 29.2.1974 khi trận hải chiến Hoàng Sa nổ ra, chính quyền VNCH đã cầu cứu người Mỹ giúp đỡ, nhưng hạm đội 7 của Mỹ đóng quân gần đó đã im lặng. Mặc cho quân đội đồng minh của mình bị quân Trung Hoa bắn phá là một câu trả lời cho tất cả những gì gọi là sự thật về trận chiến này và cái gọi là sức mạnh của không lực VNCH !

Trước đó, trong một buổi mật đàm vào ngày 22 tháng 6, 1972  với Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai ở Bắc Kinh, Cố vấn An Ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger đã cho ông Chu biết rằng:
"Nếu có một thời gian vừa đủ giữa lúc chúng tôi rút quân và những gì xẩy ra sau đó thì vấn đề gần như chắc chắn rằng có thể khoanh gọn, như chuyện nội bộ của Đông Dương" và "sau khi chúng tôi đã không còn can dự nữa thì … rất ít khả năng chúng tôi sẽ quay trở lại, rất ít khả năng."
   - Sau thỏa thuận này, cuối tháng 3/1973, toàn bộ quân lực Mỹ đã rút khỏi Miền Nam. Sau đó Quốc Hội Mỹ lấy cớ "Miền Nam đã có cả hòa bình lẫn danh dự" để cắt giảm viện trợ thật nhanh. Như vậy là ván bài Việt Nam đã được khoanh gọn, và tới đầu năm 1974 thì chính phủ Trung Cộng đã cho rằng: "khoảng thời gian vừa đủ" đã chấm dứt.
Nhưng phía Trung Quốc vẫn muốn tìm hiểu xem thực sự Mỹ có can thiệp trở lại hay không, Washington có thay đổi lập trường "ngăn chặn Trung Cộng" tràn xuống Đông Nam Á hay không. Nên Bắc Kinh muốn trắc nghiệm xem Mỹ có quay trở lại hay không. Đây mới là lý do dẫn đến biến cố Hoàng Sa ngay từ đầu năm 1974.
Ngay từ những ngày đầu năm 1974, Trung Quốc đã cho quân lấn chiếm Hoàng Sa. Với chiêu trò sử dụng ngư dân làm lá chắn như trước đây, ngày 19/1/1974 chính phủ Trung Cộng xua ngư dân tràn lên các đảo phía Tây của quần đảo Hoàng Sa, nhưng khác với năm 1959, lần này ngư dân đi trước có chiến hạm Trung Cộng theo sau; hải quân của ông Thiệu được lệnh ra “mời” những ngư dân và những tàu này ra. Nhưng chiến hạm của họ vẫn cứ tiến vào, Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã khai hỏa. Trận chiến kéo dài một ngày. Lập tức Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông Kissinger liền khẩn cấp can ngăn Tổng thống Thiệu hãy ngừng lại, đừng đụng độ với Trung Quốc thêm nữa, nếu không nghe thì họ “không chịu trách nhiệm!”.

Về sự kiện này cần nhắc lại là đầu năm 1974, ngân sách của chính phủ VNCH đã gần như cạn kiệt. Vì ngân sách này hoạt động chủ yếu dựa trên viện trợ của Mỹ, nhưng sau khi quân Mỹ rút lui thì Quốc hội Mỹ cắt xén rất mạnh tay. Thậm chí khi Quốc Vương Arập Xêut tuyên bố sẽ cứu chính phủ VNCH bằng cách là viện trợ cho chính phủ VNCH một khoản ngân sách cũng bị chính phủ Mỹ ngăn cản.
Ngày 18 tháng 1, Tổng thống Thiệu bay ra tận Đà Nẵng, lấy giấy ra viết tay thẳng cho Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải. Trên đầu trang ông viết: “Chỉ thị cho Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải” :
"Thứ nhất là tìm đủ mọi cách ôn hòa mời các chiến hạm Trung Cộng ra khỏi lãnh thổ VNCH. Thứ hai, nếu họ không thi hành thì được nổ súng cảnh cáo trước mũi các chiến hạm này và nếu họ ngoan cố thì toàn quyền sử dụng vũ khí để bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ VNCH.". Viết lệnh xong, ông Thiệu cất giọng: "Anh Thoại, đến đây và đọc trước mặt tôi đây, có gì không rõ ràng thì cho tôi biết ngay từ bây giờ."

Nhưng chính phủ Mỹ, mà đứng đầu là Cố vấn An Ninh quốc gia Henry Kissinger thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ; đã buộc ông Thiệu rút lui, không được phản công chiếm lại những hòn đảo bị mất “nếu không thì không chịu trách nhiệm”. Họ còn rỉ tai cho phía VNCH biết là Trung Cộng còn muốn chiếm cả Trường Sa, nhưng người Mỹ đã ngăn cản và hứa với ông Thiệu là hạm đội 7 sẽ bảo vệ Quần đảo Trường Sa. Trong hoàn cảnh thế yếu so với quân Trung Cộng, lại bị người Mỹ ngăn cản; nên không còn con đường nào khác ông Thiệu đã không cho tái chiếm Hoàng Sa.
Dù bị mất Hoàng Sa và chịu nhiều tổn thất và thương vong, nhưng Hải quân VNCH đã gây tổn thất lớn cho đối phương như nhiều nguồn tin lúc ấy đã đề cập.
  - Theo Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, khi trả lời báo chí sau này cho biết: “ Phía Trung Quốc thiệt hại cũng khá lớn, Hộ tống hạm lớp Kronshtadt 274 của Trung Quốc bị bắn chìm. Vì tàu này là soái hạm nên hầu hết bộ tham mưu chỉ huy trận chiến của phía Trung Quốc đều ở trên tàu này. Khi tàu bị bắn chìm họ đều tử trận gồm cả Đô đốc Phương Quang Kinh, Tư lệnh Phó của Hạm đội Nam Hải, bốn đại tá, sáu trung tá, hai thiếu tá, bảy sĩ quan cấp úy và một số đoàn viên”. Ngoài ra, Trục lôi hạm số 389 và số 396 bị hư hại nặng.
Tuy nhiên theo những tiết lộ mới đây từ phía Trung Quốc và các nguồn tin mới giải mật của người Mỹ gần đây cho biết, Mao Trạch Đông đã đưa một lực lượng quân đội với máy bay, tàu chiến và khí tài quân sự rất lớn tham gia trận chiến. Không quân với hơn 300 máy bay chiến đấu, hải quân gồm hơn 40 chiến hạm đến gần vùng chiến sự tại Hoàng sa, đề phòng hạm đội 7 của Mỹ can thiệp. Nhưng khi người Mỹ không can thiệp thì lực lượng này lặng lẽ rút lui !
Thật ra trận chiến Hoàng Sa - năm 1974 là do những con người này quyết định . 
Ảnh: Từ trái qua Henry Kissinger, Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông


Lời bình
Thời gian gần đây nhất vào dịp tưởng niệm 43 năm những người lính VNCH đã “Vị quốc vong thân”, báo giới và cộng đồng mạng đã có dịp ôn lại sự kiện này. Nhưng có khá nhiều ý kiến với cái nhìn thiên kiến do không có kiến thức, không nắm bắt được sự việc đã khiến cho việc đánh giá một sự kiện một hiện tượng lịch sử hoàn toàn sai lệch. Một số ý kiến của các vị có tham gia cuộc chiến năm 1974 với tư cách người lính như lính hải quân, lính không quân (phi công) – cũng hoàn toàn sai lệch khi họ cho rằng sở dĩ ông Thiệu không dám không kích tái chiếm Hoàng Sa sau ngày 19.1.1974 là do các tướng lĩnh hèn nhát, ông Thiệu sợ mất chức tổng thống. Họ cho rằng tiềm lực không quân của VNCH lúc ấy là ăn đứt quân Trung Cộng, nào là hàng trăm chiếc F.5 và A. 37 hiện đại nhất khu vực lúc ấy đã tập trung chờ lệnh tấn công tại sân bay Đà Nẵng. Họ cũng cho rằng với ưu thế vượt trội về máy bay thì chỉ cần có lệnh là họ sẽ đánh đắm hạm đội của Trung Cộng và chiếm lại quần đảo này trong vài tiếng .v.v. và. v.v.

Với những phân tích về tầm vĩ mô, về mặt chiến lược như tôi vừa trình bày vắng tắt trên đây đã có thể trả lời cho những phản biện thiếu chính xác đó. Tuy nhiên mới đây đã có thêm một công bố sẽ giúp đính chính cho những nhận định sai lạc trên đây và giúp cho những nhà sử học giải đáp được sự kiện lịch sử này một cách chính xác nhất.
    - Nhân dịp kỷ niệm 43 năm cuộc hải chiến Hoàng Sa, chiều 19.1. 2016 tại trụ sở UBND huyện Hoàng Sa (132 Yên Bái, Đà Nẵng), chính quyền huyện này đã tổ chức gặp mặt 12 nhân chứng đã từng công tác, sinh sống trên quần đảo Hoàng Sa trước ngày 19.1.1974. Tại đây, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược Đà Nẵng (một người chuyên nghiên cứu, thu thập các tài liệu về Hoàng Sa và đóng góp các tư liệu, bằng chứng quý hiếm cho huyện đảo này) đã công bố nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974. 
Theo tiến sĩ Sơn, ông đã đi tới 3 thư viện lớn ở Mỹ và tiếp xúc với nhiều nhân chứng tại Mỹ, qua đó đã thu thập được nhiều thông tin quý giá. Đã tiếp cận được một số tài liệu mật của chính phủ Mỹ mới giải mật trong đó có nhiều bức mật điện tuyệt mật cho thấy nhiều dữ liệu về Trường Sa - Hoàng Sa mà sử sách đưa ra trước đây là chưa chính xác. 
Những sự kiện lần đầu mới được ông công bố đó là “Một bức điện đã được giải mã cho thấy Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) đã dừng việc ném bom tái chiếm Hoàng Sa sau hải chiến 19.1.1974 để ngăn Trung Quốc đánh xuống Trường Sa...”
Việc “các chiến hạm của VNCH đã bắn lẫn nhau do phối hợp tác chiến không chính xác. Nguyên nhân do khi Mỹ bàn giao tàu cho VNCH thì tháo hết đồ tác chiến điện tử và không tổ chức thực tập tác chiến hợp đồng cho các tàu tác chiến khi có sự cố mà chỉ dùng như tàu tuần duyên.”
Ông công bố 2 bức điện mật của Đại sứ Mỹ, một bức gửi về Mỹ sáng 20.1.1974 và một bức gửi về sáng 21.1.1974. Một bức gửi về tướng trợ lý cho ông Henry Kissinger. Bức thứ 2 gửi cho Nhà Trắng. Theo đó, thông tin cho biết sau khi Hoàng Sa bị chiếm thì VNCH đã chuẩn bị 5 phi đội máy bay tập hợp tại Đà Nẵng để chuẩn bị đánh lại Hoàng Sa.
Bức điện thứ nhất gửi cho trợ lý ông Kissinger từ Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn cho hay lúc đó Ngoại trưởng Vương Văn Bắc xác nhận Tổng thống Thiệu hủy việc ném bom ở Hoàng Sa kèm đề nghị Mỹ ủng hộ VNCH vì khi Hoàng Sa bị chiếm, VNCH phát tín hiệu cầu cứu mà Mỹ không cứu.
Do đó, ông Thiệu đề nghị ông Vương Văn Bắc gửi điện cho phía Mỹ đưa ra một số giải pháp:
  - Thứ nhất là đồng ý cho VNCH đưa vấn đề ra Hội đồng Bảo an (nhưng phía Mỹ ngăn chặn không cho Hội đồng Bảo an ra một nghị quyết lên án Trung Quốc).
  - Thứ hai là đề nghị Mỹ ủng hộ đưa vấn đề ra tòa án quốc tế (nhưng Mỹ không ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp báo và ra nghị quyết để chống lại Trung Quốc).
  - Thứ ba là Mỹ không cứu VNCH bằng Hoàng Sa mà sẽ tìm mọi cách để ngăn chặn không cho Trung Quốc đi xuống Trường Sa, tức là lúc đó họ đã biết Trung Quốc sẽ tấn công xuống Trường Sa nên họ dùng từ "cứu VNCH không cho Trung Quốc xuống Trường Sa".
  - Thứ tư là thỏa thuận VNCH và Mỹ dùng mọi cách bằng ngoại giao để ép Trung Quốc trao trả tù binh cho VNCH trước Tết.
Một vấn đề nữa là một người Mỹ bị bắt lúc ở Hoàng Sa là nhân viên tình báo của Mỹ nhưng thời điểm đó Đại sứ Mỹ không biết là ai.
Một việc quan trọng nữa là Mỹ yêu cầu Trung Quốc không được tấn công truy đuổi bắn giết những người lính VNCH trở về.

  - Tại buổi thuyết trình này, tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn nhận định: “Qua những tài liệu chúng tôi tìm kiếm thì thấy rằng đó là cuộc chơi của những nước lớn và tất cả đều kiềm tỏa lẫn nhau vì lợi ích của các bên. Và họ biết rằng thế nào Trung Quốc cũng đánh xuống Trường Sa thời điểm đó, nhưng Trung Quốc chắc đã biết động thái của Mỹ nên đã dừng lại và tiến hành đánh Trường Sa năm 1988".
   -  Đây có lẽ là thông tin chính xác nhất và có cơ sở khoa học nhất, giải mã được lý do:
TẠI SAO CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HOÀ DỪNG VIỆC NÉM BOM TÁI CHIẾM HOÀNG SA SAU TRẬN HẢI CHIẾN NGÀY 19.1.1974.

Lời kết
     - Nói hay phát biểu là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng nói như thế nào cho người khác nghe được lại là một vấn đề rất khó. Cái "nghe được" ở đây là khi chưa nắm chắc được vấn đề thì đừng nên nói; vì khi mình đang rao giảng một chủ đề nào đó trước đám đông nhưng phải đề phòng trường hợp là nếu có một số người nghe trong số đó nắm chắc được chủ đề đó hơn mình và người ta sẽ đặt những câu hỏi chất vấn thì làm sao mà trả lời được cho người ta. Hoặc vì tế nhị người ta sẽ không đứng lên phản đối mình là nói bậy, nhưng người ta sẽ nhìn mình bằng con mắt và nụ cười ý nhị.
     Trong trường hợp trên đây, nay thì những viên phi công này cứ vô tư phê phán người khác là "hèn"; vì không cho các vị chứng tỏ "sức mạnh" của mình. Nhưng các vị đâu có biết là hơn 300 máy bay tiêm kích và hàng ngàn quả tên lữa hạm đối không, hạm đối biển trên 40 chiến hạm của Trung Cộng đậu gần đó đang chờ các vị ?
     Họ sợ là sợ cái sức mạnh hủy diệt của cái hạm đội 7 của gã khổng lồ  "đế quốc Mỹ" đậu gần đó, chứ không phải là họ sợ vài cái phi đội tiêm kích cỏn con của các vị đâu !
     Cũng xin thưa lại một lần nữa với các vị là để bảo tồn lãnh thổ, để ngăn chặn quân Trung Quốc khỏi tràn xuống Biển Đông lúc ấy là hoàn toàn nằm ngoài sức mạnh của chính phủ VNCH . 
     - Thế giới ngày nay là một thế giới mở, mọi người được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin khác nhau, có những điều được cho là tuyệt mật trước đây thì nay thiên hạ đã biết cả. Vì có những điều thời ấy là tuyệt mật của hai bên, nay đã được giải mật, hoặc bị báo chí phanh phui. Về phía người Mỹ, rất nhiều tư liệu tuyệt mật của chính phủ Mỹ đã được giải mật và công bố cho báo giới biết theo “luật giải mật có thời hạn” của luật pháp Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên có những điều mà những người lính tham gia cuộc chiến lúc ấy không thể biết, nhưng nay thiên hạ đều biết.
      Thời buổi này là thời buổi của công nghệ thông tin, nên mong rằng những người lính đã từng tham gia cuộc chiến này của các bên hãy nên chỉ kể những gì mình nghe mình thấy. Còn việc nhận định và đánh giá cuộc chiến thì nên dành cho các nhà chuyên môn./.

ĐKT
26.3.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét