“Nhưng
tôi không muốn khoái lạc. Tôi muốn Chúa, tôi muốn thi ca, tôi muốn những mối
nguy đời thực, tôi muốn tự do, tôi muốn thiện lương. Tôi muốn tội lỗi.”
“Thực ra,” Mustapha Mond
nói, “anh đang đòi hỏi quyền được bất hạnh.”
“Chính vậy,” Hoang Dã
bướng bỉnh đáp lời, “tôi đang đòi hỏi quyền được bất hạnh.”
“Chưa kể quyền được già
đi, yếu ớt rồi lọm khọm; quyền dính bệnh giang mai và ung thư; quyền có quá ít
thực phẩm để ăn; quyền sống cảnh bần tiện; quyền sống trong cái nỗi sợ liên
miên chẳng biết ngày mai sẽ xảy ra những chuyện gì; quyền mắc bệnh thương hàn;
quyền được tra tấn bởi đủ kiểu đau đớn không tả xiết.”
Cuộc đối thoại này diễn ra ở một đất nước tương lai
tên là Nhà nước Hoàn cầu (World State), một chế độ toàn trị nằm dưới sự kiểm
soát của công nghệ và những viên thuốc an thần. Ở đó người ta tự do quan hệ
tình dục như một trò tiêu khiển. Con người không bệnh tật, không đau đớn, và
cũng không cha không mẹ gì sất. Tất cả mọi đứa trẻ đều được ấp, phân loại và
lớn lên trong ống nghiệm. Đứa nào đứa nấy đều được thiết kế để sống hạnh phúc
vĩnh viễn. Mỏi mệt ư, đau khổ ư, chán chường ư? Chỉ cần nuốt vài viên Soma, bạn
sẽ hạnh phúc ngay tắp lự.
Trong khi kha khá người coi đây là thiên đường hạ
giới (Utopia); thì tác giả của thế giới tưởng tượng này — nhà văn Aldous
Huxley — lại gọi nó là một xứ phản địa đàng (Dystopia).
Ý tưởng điên rồ này xuất hiện khi Aldous Huxley tới
thăm Mỹ năm 1926, bị choáng ngợp trước sự ra đời của dây chuyền lắp ráp của
Henry Ford đang được sử dụng khắp các nhà máy.
Thế là, anh chàng lấy ngay bối cảnh London vào năm
632 AF làm điểm bắt đầu cho cuốn sách Brave New World (Thế
giới mới quả cảm) của mình. Xin bạn đọc lưu ý, AF (After Ford — thời hậu Ford)
chứ không phải AD (Anno Domini — năm công nguyên), ở đây Huxley lấy mốc năm ra
đời hãng xe Ford Model T (1908) của nhà công nghiệp người Mỹ Henry Ford làm năm
đầu tiên của kỷ nguyên AF.
Brave New World bắt đầu bằng một
cuộc dạo thăm nhà máy sản xuất trẻ em thông qua phương pháp sản xuất hàng loạt.
Việc sinh nở tự nhiên đã bị loại bỏ hoàn toàn ở xứ sở văn minh này. Lũ trẻ được
thiết kế để trở thành những con người luôn biết chấp nhận thực tại, không bao giờ
suy nghĩ về bản thân, và càng không thắc mắc gì sất — nói toạc ra là bị tẩy não
từ lúc còn trong ống nghiệm.
Dưới trướng mười tên chóp bu cai trị, Văn phòng Định
Đoạt chịu trách nhiệm phân loại các công dân tương lai vào một hệ thống phân
cấp gồm năm giai cấp, với hai giai cấp trí thức — Alpha và Beta, ba giai cấp
thấp hơn — Gamma, Delta, và Epsilon. Giống Alpha cao lớn, sáng sủa, xinh đẹp,
và là giới điều hành mọi thứ; còn giống Epsilon thì vừa lùn vừa xấu làm những
công việc của đầy tớ. Ai sinh ra đã có chỗ của người nấy. Và phương châm của
Nhà nước này không phải kiểu Độc lập, Tự do hay Hạnh phúc, bởi ở đây không có
chiến tranh, không cần tự do, không lo bất hạnh, mà nó đề cao ba tiêu chí là
Cộng đồng, Đồng nhất, và Ổn định.
Trong thế giới được gọi là hoàn hảo này, chúng ta
gặp Bernard Marx, một anh chàng thuộc giới Alpha song có chút bất thường do một
trục trặc nào đó xảy ra trong thời kỳ được sản sinh qua ống nghiệm, khiến thể
lực yếu kém hơn so với những kẻ cùng giai cấp. Không giống những người khác,
anh ta hay lo lắng hơn, ngang ngạnh hơn, biết ghen tuông, và hầu như không hạnh
phúc. Một ngày kia, anh ta làm chuyến dạo thăm một vùng đất “Hoang Dã” tách
biệt khỏi thế giới văn minh.
Thế rồi Bernard tìm thấy một “người lai” trẻ tuổi
tên là John. Bernard mang John về nước Anh, cậu chàng được người ta chú ý như
một sinh vật hiếm, và được báo giới gọi là “Quý ngài Hoang Dã”.
Hoang Dã bị sốc văn hóa nặng nề khi đặt chân tới cái
xứ cai trị từng khía cạnh nhỏ nhặt trong đời sống cá nhân. Công dân không được phép
yêu đương, kết hôn, sinh con, không một mối quan hệ nào nữa cả, và họ chỉ việc
trung thành với nhà nước. Quá đỗi kinh hoàng với “nền văn minh” ở Nhà nước Hoàn
cầu này, Hoang Dã ấp ủ ý đồ khuấy động một làn sóng mới. Cùng với Helmholtz
Watson, kẻ nổi loạn thích chống đối bằng cách làm thơ, cả hai đã tạo ra một
cuộc nổi dậy nho nhỏ bằng cách gây rối tiến trình phân phối thuốc soma.
Dù viết từ cách đây gần một thế kỷ, song Brave
New World đã đưa ra những lời tiên tri quá ư tương đồng với thế giới
hiện tại mà chúng ta đang sống — nơi mà con người ưa chuộng cái tình cảnh nô
dịch tinh thần của chính họ.
Bằng cách giũ sạch tất cả những thứ gây khó chịu
nhất, xã hội cũng tự tước đi khỏi chính nó sự tự do thực thụ và trách nhiệm cá
nhân. Những kẻ cai trị không áp bức, không cưỡng ép, họ chỉ việc vuốt ve người
dân bằng cách ban phát sự khoái cảm trần tục và những thú vui nhục dục. Người
dân được ban cho những gì họ muốn, hay ít ra là những gì họ nghĩ là họ muốn.
Thế là họ mãn nguyện. Không một người nào đứng lên thách thức cái hệ thống giai
cấp — ý tưởng ấy vốn dĩ đã bị đào thải ngay từ hồi được nuôi trong ống nghiệm.
Rõ ràng, thế giới trào phúng này của Huxley đã đe
dọa giới quyền uy, khiến cho Brave New World bị liệt vào danh
sách những tác phẩm bị cấm đoán bậc nhất trong lịch sử văn học như một thứ văn
hóa phẩm đồi trụy. Và có lẽ cũng bởi đó mà nó được đón nhận khắp nơi, thậm chí
được Modern Library xếp hạng là một trong 100 tiểu thuyết Anh ngữ đáng đọc nhất
của thế kỷ 20.
* Tiêu đề cuốn tiểu thuyết này lấy từ câu
nói kinh điển của Mirinda trong vở Cơn giông (The Tempest) của Shakepeare: “Ôi
thế giới mới quả cảm, nơi đó có những con người như thế đấy”.
Nguồn TCLK
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét