Nguyễn Khắc Giang | |
(TBKTSG Xuân AL) - Trên một chuyến bay từ London về Hà Nội ba năm trước, tôi gặp một nhà nhân học trẻ người Ý, tên là Giulio. Để hoàn thành luận văn tiến sĩ, anh sẽ phải đi điền dã - một phương pháp nghiên cứu yêu cầu người thực hiện phải sống cùng nhân vật ở địa bàn - là một vùng núi xa xôi trên Thượng Lào, trong thời gian hai năm rưỡi. Tôi hỏi: “Vậy anh liên lạc với người thân thế nào?”. Anh cười trả lời: “Ở đó không có sóng điện thoại, không có Internet. Tôi sẽ chết trên Facebook”.
Mất tích trên mạng là một điều khủng khiếp. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà chỉ cần vài tiếng không “lên sóng” cũng sẽ thấy bồn chồn không yên. Chúng ta sợ bị tụt hậu vì không biết được tin nóng nào đang được thảo luận, bạn bè đang cập nhật những chuyến đi chơi, hay đơn giản là không ai còn nhớ đến mình. Các nhà tâm lý học gọi đây là hội chứng sợ bị lãng quên (hội chứng FOMO - fear of missing out).
Bị bỏ quên là nỗi sợ quen thuộc với loài người. Kể từ lúc còn sống bầy đàn, tổ tiên của chúng ta sợ bị đồng loại bỏ rơi trong rừng thẳm, không có được thông tin về đợt săn thú mới, hay biết được mối đe dọa từ bên ngoài. Bị bỏ lại khi đó đồng nghĩa với cái chết.
Khi loài người bước ra khỏi thời kỳ hỗn mang và phát triển hơn, bị bỏ lại không còn mang ý nghĩa sống còn, dù có thể quyết định việc một người giàu có hay nghèo nàn hơn (nhờ tiếp cận được nguồn thông tin độc quyền, như đầu tư vào loại cổ phiếu nào hay mua nhà ở đâu). Nhưng đâu đó trong mỗi con người, nỗi sợ đó vẫn tồn tại. Và với sự xuất hiện của mạng xã hội, nó đã có điểm tựa hoàn hảo để quay trở lại.
Riêng ở Việt Nam, theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường We Are Social, tính đến năm 2017, đã có đến 46 triệu người dùng Facebook thường xuyên. Trong số đó, trung bình dành ra khoảng gần bảy tiếng mỗi ngày trên Internet, và ba tiếng đồng hồ mỗi ngày để “lướt phây”. Con số ba tiếng, dù nhiều so với 24 giờ đồng hồ chúng ta có mỗi ngày, không đủ để kết luận là nhiều hay ít. Nhưng một nghiên cứu trích dẫn trên tờ Tâm lý học ngày nay (Psychology Today) trong năm 2016 cho thấy, chỉ có 9% số người dùng Facebook là để giao tiếp thực sự với bạn bè. Còn lại, đa phần dùng Facebook để đọc những thông tin ngẫu nhiên trên mạng. Thời gian lướt tin càng nhiều, nhóm nghiên cứu cho biết, càng khiến cho người dùng Facebook cảm thấy chán nản hơn. Cho đến khi chúng ta đóng cửa sổ Facebook lại, hầu hết đều tiếc rẻ thời gian bị lãng phí. Cảm giác làm việc không hiệu quả khiến chúng ta stress.
9% số người dùng Facebook để giữ liên lạc với bạn bè cũng không khá khẩm hơn. Công dân mạng có xu hướng ghen tị với người khác - có ý thức hay trong vô thức - khi đọc những tin vui được cập nhật, xem những bức ảnh xinh tươi khi đi du lịch của bạn bè (mà không có mình). Khi đó, chúng ta sẽ nhìn lại bản thân, và cho rằng đời mình quá nhạt nhòa so với cuộc sống đầy màu sắc của bạn bè. Tâm lý này lại được nhân lên khi tất cả người dùng đều có xu hướng tô hồng quá mức những gì mình trải nghiệm qua lăng kính ảo.
Tìm kiếm niềm vui trên Facebook, phải chăng, đang là cuộc đua xuống đáy? Người dùng kỳ vọng Internet và mạng xã hội sẽ mang lại mức độ thỏa mãn nhất định về thông tin, nhưng càng sử dụng thì họ càng lún sâu vào tâm trạng tiêu cực. Nghiên cứu vào năm 2015 của Giáo sư Ofir Turel, Đại học California, cho rằng cơ chế hoạt động của não khi dùng Facebook giống như khi chúng ta dùng cocaine.
Cùng với nỗi sợ bị bỏ quên, mạng xã hội còn tạo ra một hiệu ứng ngược: thông tin cá nhân của chúng ta mãi mãi tồn tại trên Internet. Trong hầu hết trường hợp, điều này không phải là vấn đề lớn. Nhưng thử tưởng tượng, nếu bạn là những đứa trẻ bị bạo hành được báo chí và mạng xã hội đưa tin liên tục trong thời gian qua, bạn sẽ cảm thấy thế nào khi lớn lên và bất chợt bắt gặp quá khứ kinh hoàng của mình trên một kênh YouTube có hàng triệu người theo dõi?
Con người, về mặt thể chất và tinh thần, cần được tái tạo liên tục để tồn tại. Chúng ta cần quên - và được quên - những ký ức hay hình ảnh tiêu cực mà chúng tạo ra rào cản để bước tiếp. Internet và mạng xã hội, với công cụ tìm kiếm siêu đẳng, từ chối loài người quyền cơ bản đó. Tất cả những gì được tải lên mạng, dù đúng hay sai, cũng có thể trở thành bằng chứng chống lại chúng ta trước tòa án cộng đồng mạng. Vào năm 2014, một người Tây Ban Nha đã kiện Google lên tòa án châu Âu, yêu cầu hãng này gỡ bỏ các thông tin tiêu cực về anh này cách đây 15 năm. Google thua cuộc, dẫn đến việc phải gỡ bỏ thông tin về anh ta trên công cụ tìm kiếm. Đó là một án lệ có ý nghĩa rất to lớn về “quyền được lãng quên”: một ngày sau vụ án, 12.000 người đã nộp đơn lên Google với yêu cầu tương tự.
Tất cả những bất cập trên tất nhiên không làm mất đi lợi ích khổng lồ của mạng xã hội. Tuy nhiên, cũng giống như những tiến bộ công nghệ khác, để tối đa hóa hiệu quả, người dùng cần nhìn nhận nó một cách đa chiều hơn. Bill Gates có lẽ là nhân vật quan trọng nhất trong cuộc cách mạng máy tính và Internet tỏ thái độ rất dè chừng với công nghệ. Ông chỉ đọc sách giấy, và không cho phép con cái sử dụng các thiết bị điện tử cầm tay cho đến năm 14 tuổi.
Không phải ai cũng là Bill Gates, và không phải những gì Bill Gates làm cũng đúng, nhưng xu hướng hạn chế bớt công nghệ, đặc biệt là Internet và mạng xã hội, đang dần được chú ý nhiều hơn. Nhiều người dần quay lại với cách sống tiền Internet: giao tiếp trực tiếp nhiều hơn, trở về hòa mình vào thiên nhiên, tham gia các hoạt động thiện nguyện, hay dấn thân vào các cuộc hành trình, để tự giải thoát khỏi “cộng đồng mạng”. Nhiều người bạn của tôi thậm chí đã đóng hẳn trang Facebook cá nhân của mình. Và họ cho rằng mình thực sự làm được nhiều thứ có ý nghĩa hơn khi không bị đắm chìm trong cạm bẫy của Mark Zuckerberg.
Như một thói quen của thị dân điển hình, một sáng mùa đông, tôi dậy sớm và “check” Instagram bên ly cà phê sữa nóng. Bất chợt tôi thấy Giulio “like” bức ảnh mới tôi đăng lên hôm qua. Giulio - trên mạng đã hồi sinh. Ba năm không kết nối, anh nói không thấy bị loại trừ một chút nào khỏi thế giới ảo. Facebook, Instagram, và Twitter nồng nhiệt đón anh trở lại với những làn sóng thông tin rất quan trọng và không thể bỏ lỡ. Mạng xã hội, nói theo ngôn ngữ âm nhạc, như khách sạn ma mị trong bài hát nổi tiếng Hotel California của Eagles: “Bạn có thể trả phòng bất kỳ lúc nào, nhưng sẽ không bao giờ thoát khỏi nơi đây”.
Tâm đắc với suy nghĩ của mình, tôi định chia sẻ nó trên trang Facebook của mình, vốn đã có vài ngàn lượt theo dõi. Nhưng tôi đã kịp nhận ra chính mong muốn chia sẻ đó đã biến bản thân thành nô lệ của mạng xã hội lúc nào không hay. Tôi tắt điện thoại và tiếp tục nhâm nhi ly cà phê của mình trong tiếng chim kêu và nắng sớm, cảm thấy mình đã quyết định sáng suốt.
| |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét