Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018
Ngọa Vân - thánh địa của thiền phái Trúc Lâm
Sau khi đã hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, yên việc nước việc nhà, tháng 8 năm 1299, từ phủ Thiên Trường, ông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Chương III. NGỌA VÂN - NƠI ĐỨC VUA TRẦN NHÂN TÔNG TU HÀNH VÀ HÓA PHẬT
1. Ngọa Vân - thánh địa của thiền phái Trúc Lâm
Trích đoạn thư họa Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn chi đồ
Sau hơn một năm nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng hoàng, tháng 7 năm 1294 Trần Nhân Tông xuất gia tu tập ở hành cung Vũ Lâm (nay thuộc xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình), sở dĩ nói Thượng hoàng Trần Nhân Tông xuất gia tu tập bởi, trên thực tế cho đến trước năm 1299 khi Ngài xuất gia tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử thì Ngài vẫn giám sát việc nước, thân chinh đi đánh Ai Lao xâm lấn biên giới phía Tây, theo dõi “uốn nắn” vua con Trần Anh Tông giúp vua làm quen và trưởng thành trong việc quản lý và lãnh đạo đất nước.
Sau khi đã hoàn thành việc bình Bắc, định Nam, yên việc nước việc nhà, vua con Trần Anh Tông đã tự mình gánh vác việc quản lý và lãnh đạo đất nước, tháng 8 năm 1299, từ phủ Thiên Trường, ông xuất gia vào núi Yên Tử tu hành khổ hạnh, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà và xưng là Trúc Lâm Đại Sĩ.
Sau thời gian tu hành khổ hạnh tại Yên Tử, Ngài xuống núi, đi khắp xóm làng, dạy dân chúng phá bỏ dâm từ và thực hành thập thiện, ban thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Ngài tìm người nối dòng pháp, gặp được Pháp Loa và trao truyền Y, Bát cho Pháp Loa. Tháng 5, năm Đinh Mùi, niên hiệu Hưng Long thứ 15 (1307), Điều Ngự lên tu tại một am nhỏ trên đỉnh Ngọa Vân.
Đỉnh Ngọa Vân đọc theo âm Hán – Việt là Ngọa Vân Phong (卧 雲 峯) vì vậy nó còn được gọi tắt là Vân Phong (雲 峯).
Bia Trùng tu Ngọa Vân tự tức là bia ghi chép việc trùng tu chùa Ngọa Vân được dựng vào năm Vĩnh Thịnh thứ 3 (1707) đời vua Lê Dụ Tông cho biết, Ngọa Vân là một đỉnh núi nằm trên núi Bảo Đài (Bảo Đài sơn). Trong những trước tác còn lại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, ta thấy có bài thơ Đăng Bảo Đài sơn tức là lên núi Bảo Đài, giọng thơ mang đậm chất Thiền.
Lên núi Bảo Đài
Đất vắng đài thêm cổ,
Ngày qua xuân chửa nồng.
Gần xa mây núi ngất,
Nắng rợp ngõ hoa thông.
Muôn việc nước trôi nước,
Trăm năm lòng nhủ lòng.
Tựa lan, nâng sáo ngọc,
Đầy ngực ánh trăng trong5
Các tài liệu văn bia và đặc biệt là các nghiên cứu khảo cổ học tại Yên Tử và Đông Triều đã chứng minh, núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử, xưa thuộc An Sinh, thời Trần là đất thang mộc của An Sinh Vương Trần Liễu, thời Lê – Nguyễn thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương nay thuộc hai xã An Sinh và Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh6.
Tháng 10 năm 1308, sau khi xuống núi thăm chị là công chúa Thiên Thụy, Trúc Lâm Đại Sĩ quay về núi và nhờ hai đệ tử của mình là Tử Doanh và Hoàng Trung đưa lên am Ngọa Vân rồi cho người đi mời đệ tử là Bảo Sát đến để dặn dò. Giờ Tý, ngày 1 tháng 11, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự nói: “Đây là lúc ta đi”, nói xong liền nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch”7 .
Sau khi Trúc Lâm Đại Sĩ nhập Niết bàn, Bảo Sát theo di chúc, hỏa thiêu Ngài ngay tại am Ngọa Vân. “Khi thiêu hương lạ bay xa, nhạc trời vang hư không, mây năm sắc phủ trên giàn hỏa”8, Pháp Loa dùng nước thơm tưới lên hỏa đàn thu ngọc cốt và hàng nghìn viên xá lợi9. Vua Trần Anh Tông tôn hiệu Ngài là: Đại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Đầu Đà Tịnh Tuệ Giác Hoàng Điều Ngự Tổ Phật”.
Sau khi hỏa thiêu nhục thể của Phật Hoàng, ngọc cốt và xá lợi được đưa xuống thuyền vua, rước về kinh đô tạm lưu giữ tại bảo tháp chùa Tư Phúc trong Cấm thành Thăng Long. Tháng 9 năm 1310 ngọc cốt được đưa về an trí tại lăng Quy Đức (hay còn gọi là Đức Lăng) phủ Long Hưng (nay thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Xá lợi được phân phát và tôn trí ở nhiều nơi10. Tại Ngọa Vân, Pháp Loa cho xây dựng Phật Hoàng tháp để lưu giữ một phần xá lợi của Ngài, tảng đá nơi ngài nhập diệt được lưu giữ lại. Như vậy, hành trình tu luyện, nhập diệt theo thế sư tử nằm, phân phát xá lợi đi khắp nơi của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông là một chuỗi công việc mô phỏng quá trình tu luyện, viên tịch và phân phát xá lợi của đức Phật Thích-Ca-mâu-ni. Trong chuỗi sự kiện đó thì Yên Tử là nơi Phật Hoàng tu luyện, giảng pháp, độ tăng và Ngọa Vân là nơi kết thúc trọn vẹn quá trình tu luyện và thành Phật của Ngài, Ngọa Vân vì thế đã trở thành thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm.
Sau khi Phật hoàng hóa Phật, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thiền phái Trúc Lâm, thánh địa Ngọa Vân đã được Pháp Loa, người nối dòng của Tông phái Trúc Lâm cho xây dựng và mở rộng thành một quần thể lớn. Dưới sự hỗ trợ của Thượng hoàng Trần Anh Tông, Pháp Loa đã xây dựng Ngọa Vân từ chỗ chỉ là một am nhỏ nơi Phật Hoàng tu luyện, trở thành một quần thể chùa tháp.
Các nghiên cứu khảo cổ học ở đây đã chứng minh, vào giai đoạn nửa đầu thế kỷ XIV Ngọa Vân đã trở thành một quần thể lớn gồm nhiều cụm/điểm công trình được xây dựng bao quanh đỉnh Ngọa Vân ở phía nam của núi Bảo Đài (nay thường gọi là núi Vây Rồng) gồm: cụm Am – Tháp; chùa Chính, cụm Thông Đàn – Đô Kiệu; Khu Ngọa Vân 1 và 2. Khu chùa chính được xây mới và mở rộng ở phía ngoài, khu am được mở rộng thành khu am - tháp, và là nơi thờ đệ nhất tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông và tháp Phật Hoàng nơi lưu giữ xá lợi của Ngài.
Thế kỷ XV, sau khi cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi, nhà Lê được thành lập lấy Nho giáo là tư tưởng chính thống, Phật giáo vì thế bị suy yếu, chùa chiền, am tháp vốn đã bị hao mòn bởi chiến tranh nay lại ít được quan tâm sửa chữa, xây dựng như trước đây. Ngọa Vân mặc dù là nơi thánh địa cũng không tránh khỏi cảnh hoang tàn đổ nát. Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân mô tả sau 400 năm kể từ ngày Phật Hoàng đến đây kết duyên tu luyện, Ngọa Vân đã bị thời gian và sự khắc nghiệt của tự nhiên làm cho phai mờ dần trong lòng người. Mặc dù văn bia không nói rõ về tình trạng của các kiến trúc ở Ngọa Vân nhưng qua các ghi chép và các tài liệu khảo cổ học chúng ta có thể hình dung, đến đầu thế kỷ XVIII thì hầu hết các công trình tại Ngọa Vân được xây dựng trước đó đã bị đổ nát hoặc phá hủy.
Am Ngọa Vân (ảnh Giang Vĩnh Thịnh)
Bước sang thế kỷ XVIII, trong xu thế phục hưng của Phật giáo nói chung, Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, Ngọa Vân với tư cách là Thánh địa đã ngay lập tức được chú ý trùng tu tôn tạo và mở rộng.
Năm 1707, nhờ có sự phát tâm công đức của tín chủ Diệu Tín - một người dạy hát ở cung Thị Nội và bà Dương Thị Trinh - đệ nhất cung tần của ty Thị Nội, nhà sư Đức Hưng đã cho trùng tu và xây dựng “gác chuông và tăng phòng, tổng cộng là 25 gian, làm hai tòa bảo điện, dựng một tấm bia đá, làm thêm Kim am, Hương Vân am, Giải Thoát am, tất thảy đều kiên cố, thâm nghiêm”11.
Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học tại đây đã cho thấy nếu như thời Trần, quần thể chùa tháp Ngọa Vân chỉ tập trung phát triển ở xung quanh đỉnh Ngọa Vân thì đến thời Lê Trung hưng quần thể này được mở rộng về phía Đông của núi Bảo Đài với một cụm chùa lớn được xây dựng tại khu vực Đá Chồng. Như vậy có thể thấy, sau một thời gian bị “quên lãng”, thế kỷ XVIII Ngọa Vân được hồi sinh trên nền tảng các giá trị của giai đoạn trước, đồng thời phát triển và mở rộng.
Dấu ấn các công trình kiến trúc được xây dựng tại Ngọa Vân dưới thời Lê Trung hưng còn lại khá nhiều và chính nhờ các dấu vết này mà ngày nay chúng ta hiểu và khẳng định được Ngọa Vân là một quần thể chùa tháp lớn nằm trên dãy Yên Tử, đồng thời giúp chúng ta xác định được không gian Yên Tử xưa không chỉ bó hẹp trong khu vực danh thắng Yên Tử ngày nay mà Yên Tử của Trúc Lâm là một không gian rộng lớn kéo dài từ Uông Bí, qua Đông Triều đến Chí Linh với một hệ thống chùa tháp kết nối chặt chẽ với nhau tạo thành một trung tâm Phật giáo lớn suốt từ thời Trần đến thời Lê Trung hưng. Số phận của Trung tâm này gắn liền với những bước thăng trầm của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
Tác giả: Thạc sĩ Nguyễn Văn Anh Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Trích trong cuốn Am Ngọa Vân, tác giả Nguyễn Văn Anh, NXB Văn hóa Thông tin năm 2013
------------------------------------------
5. Bản dịch của Ngô Tất Tố.
6. Xem thêm Nguyễn Văn Anh (2008). Am Ngọa Vân qua các bằng chứng khảo cổ học. T/c Nghiên cứu Phật học, Số 5/2008.
7. Về ngày mất của Phật Hoàng Trần Nhân Tông các tài liệu ghi chép có chỗ khác nhau, Đại Việt Sử ký toàn thư thì chép là ngày 3 tháng 11 năm 1308. Sách Tam tổ thực lục thì chép “Ngày 1 tháng 11, lúc nửa đêm, sao trời tỏ rạng, Điều Ngự hỏi “Bây giờ là mấy giờ, Bảo Sát đáp, giờ Tý, Điều Ngự nói, “Đây là lúc ta đi”, nói xong liền nằm theo thế sư tử, an nhiên viên tịch”. Giờ Tý là từ 23 giờ ngày mồng 1 đến 01 giờ ngày mồng 2. Như vậy, có thể khi tin tức được chuyển về đến Kinh đô Thăng Long thì là ngày mồng 3 nên Sử quan chép là ngày mồng 3. Tam tổ thực lục là sách ghi chép hành trạng của tam tổ Trúc Lâm, đặc biệt là phần chép về tổ thứ nhất và tổ thứ hai của sách này giống như nội dung trên bia Thanh Mai. Bia Thanh Mai dựng năm Đại Trị thứ năm (1362) là bia ghi chép hành trạng của Pháp Loa, tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, người đã trực tiếp tổ chức hỏa thiêu nhục thể của Phật Hoàng tại Ngọa Vân nên rất đáng tin cậy, vì thế chúng tôi theo Tam tổ thực lục. Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các chùa theo phái Trúc Lâm cũng lấy ngày 01/11 Âm lịch hàng năm là ngày giờ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
8. Tam Tổ thực lục, sđd
9. Ngọc cốt là phần xương cốt còn lại sau khi hỏa thiêu của cao tăng Phật giáo. Xá lỵ là những hạt nhỏ có dạng viên tròn lấp lánh trông giống ngọc trai hay pha lê được tìm thấy trong tro hỏa táng của một số vị cao tăng Phật giáo.
10. Xem thêm Nguyễn Văn Anh, Nơi lưu giữ xá lỵ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông, T/c Nghiên cứu Phật học, số 2/2013, tr.30-32.
11. Bia Trùng tu chùa Ngọa Vân
Nhãn:
Cội nguồn Việt,
Du lịch Khám phá,
Lịch sử,
Tôn giáo
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét