Các nhà khoa học vẫn cho rằng vũ trụ dường như là một bức toàn ảnh vĩ đại, với mỗi phần ở trong cái toàn thể và cái toàn thể lại ở trong mỗi phần. Các trường phái triết học phương Đông nhìn nhận rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ, là một bộ phận hữu cơ, đối xứng và đồng nhất với vũ trụ. Nhưng ít người biết rằng có một lý thuyết sinh học đột phá gọi là “sinh học toàn ảnh”, chứng minh rằng mỗi bộ phận của cơ thể lại chứa thông tin chi tiết và đối ứng với toàn bộ cơ thể người. Lý thuyết này cũng mang đến cuộc cách mạng trong lĩnh vực châm cứu.
Khái niệm toàn ảnh hay toàn ảnh 3 chiều (Hologram/Holography) có nguồn gốc từ việc ứng dụng các kỹ thuật phù hợp để tạo ra hình ảnh 3 chiều (3D) của một vật thể từ hình ảnh 2 chiều (2D) của nó. Tính chất quan trọng nhất của toàn ảnh (Hologram) là nếu chỉ lấy một phần bất kỳ nào của nó, người ta cũng có thể khôi phục được toàn bộ hình ảnh ba chiều của vật. Nghĩa là, theo một khía cạnh nào đó, mỗi phần của toàn ảnh có chứa sự toàn thể.
Nguyên lý toàn ảnh đã khiến David Bohm, nhà vật lý lượng tử xuất sắc của thế kỷ 20, đưa ra một triết lý sâu sắc, rằng vũ trụ là một toàn ảnh vĩ đại, với mỗi phần ở trong cái toàn thể và cái toàn thể lại ở trong mỗi phần.
Vũ trụ như một toàn ảnh 3 chiều (ảnh: Paragorn Dangsombroon/Shutterstock)
Các trường phái triết học phương Đông cũng nhìn nhận rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ, là một bộ phận hữu cơ, đối xứng và đồng nhất với vũ trụ; có cùng bản thể vật lý – tâm linh, tương đồng, liên thông, hoà điệu với vũ trụ. Dường như cơ thể người là một phần của toàn ảnh vũ trụ.
Thật là bất ngờ là đã có một nhà khoa học phát hiện ra lý thuyết sinh học toàn ảnh, phát hiện ra cơ thể người cũng là một toàn ảnh và mỗi bộ phận cơ thể cũng chứa toàn bộ thông tin về toàn ảnh ấy.
Liệu pháp sinh học toàn ảnh
Vào năm 1973, Giáo sư Trương Dĩnh Thanh (Yingqing Zhang), Đại học Sơn Đông, Trung Quốc, đã đưa ra liệu pháp điều trị bằng sinh học toàn ảnh (biological holographic therapy). Ông đã tìm ra một hệ thống vi mô các điểm châm cứu bên cạnh xương bàn tay thứ 2. Xương bàn tay thứ 2 này thể hiện một con người 3 chiều nhỏ với xương bàn tay là xương sống của họ. Thay vì châm cứu các vào các huyệt đạo trên cơ thể, các thầy thuốc sẽ châm cứu vào các điểm trên đoạn xương bàn tay thứ 2 này. [1]
Các điểm châm cứu tương ứng với các bộ phận trên cơ thể con người (ảnh: Vilhelm Schjelderup)
Liệu pháp này đã chứng minh hiệu quả và sự thuận tiện trong quá trình chẩn đoán và chữa trị. Nó nhanh chóng được lan rộng tại Trung Quốc và được hơn 30 nước khi đó áp dụng. Hầu hết các thầy thuốc châm cứu đều nói rằng việc châm cứu vào các điểm châm cứu trong mô hình sinh học toàn ảnh có thể được tiến hành nhanh hơn và chính xác hơn so với việc châm cứu vào các huyệt đạo truyền thống. [1]
Giáo sư Trương Dĩnh Thanh (ảnh: eciwo.ru)
Lý thuyết sinh học ECIWO
Năm 1985, Giáo sư Trương Dĩnh Thanh cho ra đời “lý thuyết phôi toàn ảnh – holographic embryo theory” hay “lý thuyết sinh học ECIWO – ECIWO biology theory” – (ECIWO – Embryo Containing Information of the Whole Organism – phôi chứa thông tin của toàn bộ sinh vật).
Trong lý thuyết sinh học ECIWO, Giáo sư Trương khẳng định rằng các phôi giữ tất cả thông tin di truyền cần thiết để phát triển thành một sinh vật hoàn chỉnh và điều này được duy trì trong suốt cuộc đời của sinh vật. [1]
Các cuốn sách và báo cáo khoa học của Giáo sư Trương Dĩnh Thanh về ECIWO và sinh học toàn ảnh (ảnh: eciwo.ru)
Ông áp dụng điều này vào cơ thể con người và lập luận rằng cơ thể được tạo ra bởi các thành phần toàn ảnh nhỏ hơn nhưng lại chứa toàn bộ thông tin chi tiết của toàn bộ cơ thể, tương tự như tính chất của một toàn ảnh được đề cập trong vật lý. Ông gọi những thành phần nhỏ hơn này là các hệ thống ECIWO và cho rằng các thành phần cục bộ có thể được sử dụng để điều trị và chẩn đoán các bệnh tật xuất hiện ở các bộ phận khác trong cơ thể. [1]
Giáo sư Trương cho biết, các hệ thống vi mô các điểm châm cứu theo lý thuyết sinh học toàn ảnh (các ECIWO) có thể được tìm thấy dọc theo các xương bàn tay, xương bàn chân và các xương dài của cơ thể. Ngoài ra, phần đầu, cánh tay, mắt, trái tim cũng là các ECIWO. [2]
Giáo sư Trương phát hiện rằng mỗi ECIWO đều bao gồm và thể hiện cấu trúc của dạ dày, chân, tay và mọi bộ phận khác của cơ thể. Những cấu trúc này có thể được nhìn thấy qua kính hiển vi và mục đích của chúng là gì vẫn khiến các nhà mô học bối rối. Tuy vậy, việc châm cứu hay xoa bóp vào các cấu trúc này sẽ giải quyết được các bệnh tật phát sinh với các bộ phận cơ thể tương ứng. [2]
Giáo sư Trương đã phát minh ra một chiếc máy gọi là ElectroEciwoGraph, tạm gọi là “Máy quét ECIWO.” Chiếc máy này sẽ quét xương bàn tay thứ 2 của bệnh nhân bằng sóng siêu âm, phát hiện ra các bộ phận trong cơ thể gặp vấn đề và vị trí cần châm cứu hoặc xoa bóp dựa vào sóng siêu âm phản xạ về. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành châm cứu vào điểm này. Nhờ đó bệnh nhân có thể khỏi bệnh. [5]
Máy quét ECIWO (trái) và quá trình quét ECIWO (phải) (ảnh chụp màn hình Youtube)
Kết quả từ máy quét ECIWO và các bệnh tật được phát hiện từ kết quả quét (ảnh: infiniteunknown.net)
Bước tiến của khoa học sự sống
Lý thuyết sinh học ECIWO của Giáo sư Trương Dĩnh Thanh là một cuộc cách mạng trong nghiên cứu khoa học sự sống.
Ông đã lấy một phôi chuột non trước khi nó biệt hóa. Sau đó, ông cắt phôi non này thành năm mảnh và cấy vào tử cung của một con chuột cái. Kết quả là năm con chuột giống hệt nhau đã được sinh ra.
Thí nghiệm này của Giáo sư Trương đã đi sớm hơn 12 năm so với các nhà khoa học người Anh tạo ra chú cừu Dolly năm 1996 nhờ nhân bản vô tính một tế bào toàn năng của một con cừu cái.
Tiềm năng trị ung thư bằng lý thuyết ECIWO
Lý thuyết ECIWO đại diện cho một cách giải thích hoàn toàn mới về bản chất của bệnh ung thư. Giáo sư Trương Dĩnh Thanh cho rằng ung thư là các ECIWO mà sự phát triển của chúng đã bị dừng lại ở giai đoạn phôi dâu. Nơi các tế bào chưa biệt hóa và đang trong quá trình phân chia tế bào nhanh chóng.
Trong cuốn sách “Sinh học và Y học ECIWO”, giáo sư Trương đã đề xuất một chiến lược mới cho liệu pháp điều trị ung thư. Mục đích của chiến lược này không phải là tiêu diệt các tế bào ung thư, mà là tác động theo những cách khiến chúng tiếp tục phát triển và biệt hóa ngoài trạng thái phôi dâu của quá trình phát triển phôi. Với mục đích này, ông đề xuất sử dụng các biện pháp khắc phục khác nhau để thúc đẩy sự biệt hóa của tế bào, kết hợp với phương pháp bấm huyệt sinh học toàn ảnh.
Tại Hội nghị Quốc tế về Sinh học ECIWO ở Singapore, năm 1990, Giáo sư Trương đã trình bày kết quả điều trị 2.000 trường hợp bệnh nhân trong đó có 16 trường hợp bị là bị khối u lành hoặc u ác tính. Về hiệu quả điều trị, báo cáo của ông viết:
“Một mặt, phương pháp này có thể ức chế cơn đau, nôn mửa và nấc cụt, tăng cảm giác thèm ăn và giảm bớt các triệu chứng đối với ung thư ở giai đoạn sau, hiệu quả điều trị nhanh chóng và đáng tin cậy, lượng chất thải, đặc biệt là khối u lành tính, giảm rõ rệt.”
Trong bài báo khoa học có tên “Sinh học ECIWO và Châm cứu toàn ảnh Sinh học” trên tạp chí “Châm cứu trong Y học” Số 1, Năm thứ 10, đăng vào tháng 5/1992, tác giả bài báo Tiến sĩ, Bác sĩ người Na Uy Vilhelm Schjelderup cho biết:
“Kinh nghiệm lâm sàng hạn chế với phương pháp này mà chúng tôi có ở Na Uy cho đến nay đã hỗ trợ những quan sát này. Hiệu quả triệu chứng và cải thiện sức khỏe của ngay cả những trường hợp ung thư di căn gần giai đoạn cuối bằng phương pháp châm cứu sinh học toàn ảnh là đáng kinh ngạc (miễn là bệnh nhân không dùng thuốc gây độc tế bào). Kích thước của khối ung thư và khả năng khối u chuyển sang ác tỉnh giảm rõ ràng.”
Một lý thuyết khoa học bị đàn áp?
Lý thuyết sinh học toàn ảnh của Giáo Sư Trương Dĩnh Thanh được giới khoa học Trung Quốc thập kỷ 1980 đánh giá là một lý thuyết đột phá. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đề xuất trao giải Nobel sinh học cho Giáo sư Trương. [2, 3]
Tại Hội nghị Quốc tế về Sinh học ECIWO ở Singapore, năm 1990, có sự tham gia của 150 nhà khoa học đến từ 26 quốc gia, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc lúc bấy giờ đã phát biểu:
“Sự ra đời của lý thuyết ECIWO và sinh học ECIWO là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử sinh học trong thế kỷ này. Nó sẽ mang lại sự thay đổi khái niệm trong hiểu biết của chúng ta về sinh vật. Sẽ có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của sinh học và y học, đặc biệt là khi hiện đại hóa y học điều trị như Y học cổ truyền Trung Quốc …..
…. Ngày nay sinh học ECIWO được ứng dụng rộng rãi vào y học, động vật học, thực vật học, dược thảo Trung Quốc, làm vườn, cổ sinh vật học, nghiên cứu ung thư, và một số lĩnh vực khác … Hơn 80 loại bệnh với 20.000 trường hợp đã được điều trị với tỷ lệ hiệu quả là hơn 90%. Chẩn đoán và trị liệu sinh học toàn ảnh đã được chứng minh là dễ học, thuận tiện và hiệu quả cao trên lâm sàng.”
Tuy vậy, vào cuối thập kỷ 1990, lý thuyết sinh học toàn ảnh của giáo sư Trương bị công kích dữ dội. Ông mất năm 2004. Nguyên nhân cái chết của ông không rõ ràng. Sau khi ông qua đời, khoa Sinh học toàn ảnh do ông làm Trưởng khoa ở Đại học Sơn Đông bị đóng cửa và các tác phẩm để đời của ông bao gồm tất cả sách giáo khoa và hơn một triệu trường hợp nghiên cứu điển hình gốc đã bị phá hủy. [3]
Cho đến nay, lý thuyết và kết quả nghiên cứu của giáo Sư Trương vẫn được nhiều bác sĩ châm cứu trên khắp thế giới sử dụng cho việc nghiên cứu và chữa bệnh. [4]
Thiện Tâm (Tri Thức VN)
Video về lý thuyết sinh học ECIWO của Giáo sư Trương Dĩnh Thanh:
Tài liệu tham khảo:
[1] Vilhelm Schjelderup: ECIWO Biology and Bio-Holographic Acupuncture; Acupuncture in Medicine 1/5/1992 [2] Stephen Coleman: ECIWO Acupuncture Points [3] Henry Makow: Chinese Suppress Acupuncture Discoveries
[4] ECIWO.RU: ECIWO Theory
[5] Video Youtube: ECIWO Movie
bạn có biết ở đâu còn bán những cuốn này không ạ
Trả lờiXóa