Thứ Tư, 6 tháng 3, 2013

Luận về tổng biên tập

Nhân câu chuyện "ngồi nhầm chỗ" của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết, xin giới thiệu cùng quý bạn một vài ý kiến về cái nghề đầy khắc nghiệt này, "nghề tổng biên tập". Đây là một nghề đòi hỏi cao và phải có chuyên môn thật sự cùng những phẩm chất đạo đức tương xứng. Có nhiều cách để trở thành tổng biên tập trong thời đại nhiễu nhương ngày nay. Song, tổng biên tập "thật hay hư" chỉ có thể do đồng nghiệp và dư luận đánh giá và khẳng định. Còn đồng nghiệp và dư luận xã hội định giá như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc NGHỀNGƯỜI của tổng biên tập. 


Xung quanh việc lựa chọn, bổ nhiệm chức danh Tổng biên tập ở cơ quan báo chí

Khánh Toàn


Thực tế đã chứng minh: Tổng biên tập là “một nghề” đòi hỏi cao, nghiêm túc về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ, và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động báo chí. Nên việc lựa chọn, bổ nhiệm TBT đáp ứng yêu cầu của Đảng càng đòi hỏi phải nghiêm túc, nghiêm minh. Chưa nhận thức rõ về điều đó nên trên thực tế đã có một số ít cơ quan chủ quản báo chí vẫn tùy tiện bổ nhiệm những người không có nghề, trái nghề, thậm chí chưa hề làm báo… giữ trọng trách Tổng biên tập ở cơ quan báo chí. Và bổ nhiệm rồi lại phải đi “chạy” để Tổng biên tập có Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Cách làm đó đã phá vỡ quy định của Nhà nước.





(Ảnh minh họa: Internet)
Báo chí là một nghề phải lao động bằng trí tuệ, nghiêm túc và thống khổ suốt đời. Nhiều người cầm bút đi trọn cả một đời với nghề làm báo ở trong nước và nước ngoài, khi về nghỉ hưu đều có chung nhận xét như vậy.



Đó là một nhận xét hoàn toàn có cơ sở khoa học bởi mỗi nhà báo đều có nhiệm vụ thu nạp thông tin, chắt lọc thông tin và quyết định đưa thông tin đến với công chúng. Tuy nhiên, ngoài hành động quyết định thông tin của cá nhân mỗi nhà báo, Tổng biên tập là người xét duyệt, quyết định cuối cùng đối với việc thông tin hay không thông tin  mỗi vấn đề, mỗi sự kiện trên tờ báo do mình phụ trách và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Như vậy, khi nói làm báo là một nghề thống khổ suốt đời thì nhà báo giữ chức danh Tổng biên tập là người “đứng mũi, chịu sào” trước sự thống khổ đó.

Song hành với sự đổi mới KT-XH của đất nước, từ năm 1988, các loại hình báo chí phát triển khá nhanh   ở nước ta. Cả nước có tới   trên 500 tờ báo, Tạp chí, Đài phát thanh, Đài Truyền hình, Báo Điện tử… Vì vậy,  đội ngũ Tổng biên tập được bổ sung khá đông đảo. Nhiều nhà báo được đào tạo chính quy trong các trường báo chí, hệ đại học, đã kinh qua thực tiễn hoạt động báo chí trong cơ chế thị trường, từ phóng viên, biên tập viên, rồi quản lý cấp phòng, ban, được học lý luận chính trị cao cấp, rồi được bổ nhiệm làm phó Tổng biên tập, Tổng biên tập. Đội ngũ Tổng biên tập kế tiếp thế hệ làm báo thời chiến tranh giải phóng dân tộc và thời bao cấp đã tiếp thu được những kinh nghiệm thành công và không thành công của các thế hệ Tổng biên tập đi trước, phát huy có hiệu quả trong lãnh đạo tờ báo ở thời kinh tế thị trường. Họ có chuyên môn sâu, số khá đông có ngoại ngữ, trình độ kỹ thuật, biết hạch toán tài chính trang trải, tự cân đối và có lãi.

Bên cạnh việc thông tin nhanh, nhạy, đúng định hướng, việc gắn báo chí với phong trào quần chúng như: Vinh danh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn giỏi, kết hợp với các tổ chức chính trị và doanh nghiệp để tuyên truyền phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của dân tộc; Cổ vũ sự tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách; xóa đói, giảm nghèo; ủng hộ các nạn nhân chất độc màu da cam, nạn nhân của bão lũ và các tai nạn rủi ro khác… Với sáng kiến của các  Tổng biên tập trong việc gắn tờ báo với hoạt động xã hội, đất nước có thêm sinh khí mới khi phong trào xã hội - từ thiện của quần chúng được khơi dậy mạnh mẽ, liên tục, góp phần xoa dịu nỗi ưu phiền còn day dứt trong lòng dân. Đặc biệt, có những tờ báo không được bao cấp nhưng lại đạt hiệu quả tuyên truyền và hoạt động xã hội cao như: An ninh thế giới, Báo Tiền Phong, Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh, Báo Thanh Niên, Báo Lao Động... Hiệu quả tuyên truyền, hiệu quả kinh tế báo chí và hiệu quả hoạt động xã hội là tấm gương phản chiếu trình độ chỉ huy và sự năng động của mỗi Tổng biên tập. Điều đó đã khẳng định: Đội ngũ Tổng biên tập hiện nay của chúng ta có đầy đủ bản lĩnh và trình độ tác nghiệp báo chí trong cơ chế thị trường, đủ sức phản công và tiến công những luồng thông tin xấu len lỏi vào đời sống công chúng. Vấn đề là phải đặt hẳn niềm tin vào họ, xử lý công minh, công bằng những sơ suất về nghiệp vụ, tạo điều kiện cho họ sửa chữa khuyết điểm khi có sơ suất thì hiệu quả hoạt động báo chí sẽ càng được phát huy ở mức cao hơn.

Thực tế đã chứng minh: Tổng biên tập là “một nghề” đòi hỏi cao, nghiêm túc về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ nghiệp vụ, và kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động báo chí. Nên việc lựa chọn, bổ nhiệm TBT đáp ứng yêu cầu của Đảng càng đòi hỏi phải nghiêm túc, nghiêm minh. Chưa nhận thức rõ về điều đó nên trên thực tế đã có một số ít cơ quan chủ quản báo chí vẫn tùy tiện bổ nhiệm những người không có nghề, trái nghề, thậm chí chưa hề làm báo… giữ trọng trách Tổng biên tập ở cơ quan báo chí. Và bổ nhiệm rồi lại phải đi “chạy” để Tổng biên tập có Thẻ nhà báo, Thẻ hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Cách làm đó đã phá vỡ quy định của Nhà nước: Nhà báo phải hành nghề 3 năm trở lên mới được cấp thẻ nhà báo. Mặt khác, vi phạm Điều lệ Hội Nhà báo Việt Nam: Người hoạt động báo chí từ ba năm trở  lên mới được kếp nạp làm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Quy chế bổ nhiệm Tổng biên tập, cơ quan báo chí đã có quy định rõ ràng. Thế nhưng, quy định đó có lúc bị bỏ qua, gây ra hậu quả xấu, khôn lường. Đã từng có vị Tổng giám đốc một doanh nghiệp không hề biết làm báo nhưng do có tiền hỗ trợ một tờ Tạp chí chuyên ngành nên được “kiêm” cả chức danh P. Tổng biên tập, được cấp Thẻ nhà báo. Khi vị Tổng giám đốc này phạm tội tham nhũng, bị khởi tố, bắt tạm giam và truy cứu trách nhiệm hình sự, đến lúc ấy người ta mới biết ông Tổng giám đốc này là P. Tổng biên tập một tờ tạp chí (?). Cũng do sự khó khăn về phương diện tài chính, có người không học chuyên ngành báo chí, không biết viết báo, không phải đảng viên, cũng vẫn được bổ nhiệm.


Khuynh hướng “ê kíp”, gạt bỏ người tài, sử dụng người kém năng lực trong việc lựa chọn bổ nhiệm đang là một thực tế làm suy yếu đời sống báo chí và xâm hại lợi ích của Đảng rất cần phải được phanh phui, loại bỏ.

Làm báo là một nghề. Nghề báo phải chọn được người có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, được đào tạo nghề nghiệp chuyên sâu, có bản lĩnh, năng động và trong sáng, hành nghề vì lợi ích của Tổ quốc và nhân dân, vì chân lý, vì sự công bằng và lẽ phải. Tổng  biên  tập  cơ quan  báo  chí  trước  hết  phải thực  thụ  là  một  nhà  báo  am hiểu nghề nghiệp, có năng lực quản lý, điều hành và giàu bản lĩnh. Người Tổng biên tập giỏi phải là người có tâm với nghề, có ý chí và kiên trì thực hiện ý chí của tập thể vươn tới một mục đích cao cả của sứ mệnh người  làm  báo.  Đặc  biệt  nếu Tổng biên tập không có khát vọng  đưa  sự  nghiệp  đổi  mới của  cơ  quan  thăng  tiến,  tạo dấu ấn đẹp mang bản sắc riêng mà hấp dẫn người đọc thì tờ báo, cơ quan báo chí ấy sẽ chỉ mờ nhạt, chậm phát triển. Vì vậy, chọn  được đúng người và thực hiện nghiêm túc quy tắc bổ nhiệm Tổng biên tập là yêu cầu cao nhất, đòi hỏi mỗi cơ quan chủ quản phải hết sức đề 
cao và coi trọng.


Khánh Toàn

Nguồn Công Luận


***

Tổng biên tập

Tổng biên tập là một loại công việc trong nghề làm báo. Xét về danh tiếng và giá trị, tổng biên tập như là một thứ hàng hóa. Đồng nghiệp và dư luận xã hội định giá như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc nghề và người của tổng biên tập.


BÁ TÂN

Tôi đọc bài của Xuân Ba trên báo Tiền Phong, đúng dịp 21.6. Bài viết giúp tôi hiểu thêm những tổng biên tập một thời làm rạng danh báo chí Việt Nam. Đó là những tổng biên tập đáng được lưu danh cùng thời gian.

Bài của nhà báo Xuân Ba gợi ý cho tôi viết cái gì đó về tổng biên tập. Tôi có những bạn và người quen đã từng và đang là tổng biên tập. Cuộc đời cầm bút của tôi đã từng chinh chiến với gần 10 tổng biên tập ở những cơ quan báo chí khác nhau. Có người tôi coi như là người anh. Có người làm và chơi với nhau đúng nghĩa là bạn. Có người là đồng chí. Có người như là …

Con đường nào dẫn đến ngôi vị tổng biên tập?

Tổng biên tập tồn tại theo kiểu gì?

Phải là nhà báo mới có thể trở thành tổng biên tập. Thời nay, điều đó không những đương nhiên mà còn là nguyên tắc do đảng quy định. Có một thời, cách đây khá lâu, ai đó vẫn có chân trong ban biên tập mà chưa có thẻ nhà báo. Thời ấy không những bao cấp kinh tế mà còn bao cấp cả về chính trị. Lớp trẻ bây giờ nghe nói đến bao cấp, họ ngơ ngác như là nghe kể chuyện Phạm Tuân bay vào vũ trụ.


Tài năng, đức độ là đôi chân đưa nhà báo đi tới ngôi vị tổng biên tập. Đó là con đường chính thống, là đại lộ, là chính ngạch. Từ con đường ấy đi lên, những người như vậy, được đồng nghiệp tâm phục, khẩu phục. Có được người đứng đầu như thế là phúc lớn cho cả tờ báo. 

Tổng biên tập thật sự xứng đáng người đứng đầu, nội bộ cơ quan có được môi trường chơi với nhau cũng đẹp, làm với nhau cũng hay. Ở đó không có hành vi đối phó, người ta sống và làm việc tận tâm, trung thực. Tài, đức là tố chất gắn kết người ta với nhau suốt cả cuộc đời. Quyền lực mệnh lệnh chỉ là thứ bột bôi dán tạm bợ, có thể lìa tách bất cứ lúc nào. Người có tài, có đức thu phục cấp dưới bằng tình, bằng tâm chứ không ỷ vào quyền lực mệnh lệnh.

Sự đời không chỉ có đại lộ thẳng băng mà còn những đường vòng ngoắt ngoéo. Sẽ là ngây thơ nếu quá tin chính ngạch mà quên tiểu ngạch. Tới đích tổng biên tập bằng đại lộ thẳng băng. Trở thành người đứng đầu bằng con đường chính ngạch. Cái đích ấy vẫn có người tìm đến bằng cách lọ mọ mày mò theo đường vòng ngoắt ngoéo. Chính ngạch bị loại, họ chuyển sang tiến thân bằng tiểu ngạch. Trở thành người đứng đầu kiểu đó, tránh sao được nội bộ loạn khẩu, rối tâm.

Người ta ví tờ báo như là một con thuyền. Đội ngũ phóng viên là thủy thủ. Tổng biên tập giữ vai trò thuyền trưởng. Nghe thoáng qua ví von ấy tưởng là hay nhưng ở đây có sự khác biệt như lửa với nước. Thuyền lưu hành trên đại dương, chẳng may gặp giông tố ập đến, chỉ cần thuyền trưởng ú ớ trong chốc lát, con thuyền có thể tan nát vùi sâu đáy biển. Vô phúc cho một tờ báo gặp phải người cầm đầu không xứng đáng đứng đầu, con thuyền ấy không bị nhấn chìm, vẫn cứ ngắc ngoải dập dềnh kéo theo sự rã rời của một dàn thủy thủ. Giông tố trời đất là khách quan, công bằng hơn, triệt để hơn. Giông tố trời đất không có ưu ái cho những người ngồi ghế thuyền trưởng không xứng đáng làm thuyền trưởng. Giông tố cuộc đời kỳ quặc lắm. Thuyền trưởng tài ba có thể bị nhấn chìm. Kẻ bất tài có khi lại vật vờ nổi lên cùng bèo bọt. Khác nhau chế độ chính trị nhưng đã là nhà nước đều phải dùng ngân sách chuẩn bị cơ sở vật chất phòng chống thiên tai. Có một bộ phận, không phải dân thường, đầu tư tiền bạc cùng với mưu ma chước quỷ tạo ra giông tố cuộc đời để trục lợi.

Tổng biên tập là một loại công việc trong nghề làm báo. Xét về danh tiếng và giá trị, tổng biên tập như là một thứ hàng hóa. Đồng nghiệp và dư luận xã hội định giá như thế nào là hoàn toàn tùy thuộc nghề và người của tổng biên tập.
   
Bá Tân


1 nhận xét:

  1. Tong bien tap bao Dang ta nen de cho nha bao dung cam Nguyen Duc Kien dam nhiem

    Trả lờiXóa