Thứ Hai, 22 tháng 7, 2013

Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Vì sao Đức Long Gia Lai quyết liệt làm cho bằng được?

Trong khi dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai vừa bị tỉnh Gia Lai quyết định thu hồi vì không triển khai đúng tiến độ như đã cam kết, vi phạm Luật Đầu Tư thì công ty này vẫn quyết liệt đeo bám dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Phân tích dưới đây của các chuyên gia cho thấy sự tính toán mang tính lợi ích nhóm trong vụ này không khéo sẽ thành ra "tính già hóa non".
“Theo một số chuyên gia thuỷ điện giàu kinh nghiệm, thì lý do chính vẫn muốn giữ 2 dự án trên chỉ vì những cấp có thẩm quyền ra quyết định nghĩ rằng thời gian hoàn vốn nhanh so với các dự án thuỷ điện ở những lưu vực khác. Tuy nhiên, người ta quên một điều là vì sao dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai trước đây thu hồi vốn nhanh? Lý do: thời gian đó chưa có đánh giá tác động môi trường, còn nếu phải trả thêm chi phí để phục hồi môi trường thì chắc chắn sẽ cân nhắc có nên giữ lại dự án đó không? Đấy là chưa kể những thiệt hại không thể tính được về mặt bảo tồn di sản” - (GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tich Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi nói)


Thủy điện Đồng Nai 6;6A: Lý lẽ khoa học dễ bị bác bỏ


(ĐVO) – "Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cần phải xem xét kỹ, xuất phát từ lợi ích chung chứ không nên vì lợi ích của một nhóm người vì đây là tài nguyên của đất nước".




PGS. TS. Phan Kỳ Nam, nguyên Chủ nhiệm khoa thủy điện, Đại học thủy lợi Hà Nội chia sẻ với Đất Việt liên quan đến 2 dự án thủy điện gây nhiều tranh cãi thời gian qua.

Cố làm vì thu hồi vốn nhanh?

Liên quan đến 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm chủ đầu tư đang gây nhiều tranh cãi, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa tiếp tục có cuộc khảo sát để làm rõ.


Đoàn cán bộ của Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một số nhà khoa học và cán bộ môi trường tỉnh Đồng Nai đã đi thực địa tại 4 xã xung quanh dự án, gồm: Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2 (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng); Đồng Nai (huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) và Hưng Bình (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông).



Các nhà khoa học khảo sát tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi dự định sẽ xây dựng 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Các nhà khoa học khảo sát tại Vườn Quốc gia Cát Tiên, nơi dự định sẽ xây dựng 2 nhà máy thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Sở dĩ dự án này có nhiều ý kiến trái chiều nhưng chưa đi đến hồi kết là vì có khúc mắc ở đây. Theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tich Hội Thuỷ lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, khi ra quyết định loại bỏ hàng trăm dự án, Bộ Công thương đã phải tổng kết và cân nhắc nên bỏ cái nào, giữ cái nào.

"Theo một số chuyên gia thuỷ điện giàu kinh nghiệm, thì lý do chính vẫn muốn giữ 2 dự án trên chỉ vì những cấp có thẩm quyền ra quyết định nghĩ rằng thời gian hoàn vốn nhanh so với các dự án thuỷ điện ở những lưu vực khác", GS Hồng nói.


Tuy nhiên, GS Hồng cũng lưu ý: "Người ta quên một điều là vì sao dự án thuỷ điện trên sông Đồng Nai trước đây thu hồi vốn nhanh? Lý do: thời gian đó chưa có đánh giá tác động môi trường, còn nếu phải trả thêm chi phí để phục hồi môi trường thì chắc chắn sẽ cân nhắc có nên giữ lại dự án đó không? Đấy là chưa kể những thiệt hại không thể tính được về mặt bảo tồn di sản’, ông Hồng nói.


PGS.TS. Phan Kỳ Nam cũng cho rằng, làm thủy điện thu hồi vốn nhanh nhưng phải trình bày báo cáo đánh giá tác động cho kỹ để thấy được gì, mất gì. Ở Việt Nam đã  có nhiều dự án thông qua nhưng đôi lúc làm lấy lệ, sau này rất thiệt hại.


"Tức là quy trình làm thì đúng nhưng làm qua loa, không đạt cuối cùng thành tai hại, thủy điện mang tiếng. Phải xuất phát từ lợi ích chung chứ không nên vì lợi ích của một nhóm người vì đây là tài nguyên của đất nước. Vì một nhóm người có tiền bỏ ra làm mà không quan tâm đến người khác là không được", PGS Nam nói.


Nhà đầu tư phải lo điều tiết nguồn nước?


Theo TS Đào Trọng Tứ, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ khiến hệ thống sông bị nhiều ảnh hưởng của tài nguyên nước. Còn ảnh hưởng tới môi trường, môi sinh như thế nào thì đã quá rõ qua nhiều ý kiến phản biện cũng như quan điểm của tỉnh Đồng Nai từng nêu.


Về sông Đồng Nai, nơi GS Vũ Trọng Hồng đã từng gắn bó nhiều năm nên ông tỏ ra lo ngại: Đó là nguồn sống không chỉ cho Đồng Nai mà còn cả cho TP. Hồ chí Minh. Đó là nguồn nước ngọt phong phú duy nhất cho cả một vùng rộng lớn.


"Hơn thế nữa khi nước biển dâng cao thì lấy đâu để có nước đẩy mặn, bởi chủ đầu tư không phải nhà nước. Luật pháp nào ràng buộc họ phải xả nước cho hạ du khi nhà nước đã phê duyệt cho họ quyền điều hành nhà máy. (Bài học thuỷ điện và nguồn nước cho nông nghiệp ở Quảng Nam, Đà Nẵng vừa qua", GS Hồng lo ngại.


Khi hệ thống Đồng Nai vốn đã dày thủy điện nay lại có thêm hồ chứa của Đồng Nai 6 và 6A (nếu được triển khai) sẽ bất lợi cho cộng đồng hạ du về nhiều mặt.


"Chính phủ phải thấy rõ điều này và cần hỗ trợ bồi hoàn những thiệt hại đó, bởi những tác hại sẽ kéo dài nhiều năm, mà chủ đầu tư lúc đó đã hết trách nhiệm bảo hành", ông Hồng phân tích.


Chia sẻ về những thông tin liên quan đến 2 dự án này, GS Hồng cũng không giấu giếm: "Theo tôi biết vườn quốc gia Cát Tiên đang được Uỷ ban di sản thế giới xem xét để công nhận và phía Việt Nam cũng chưa muốn đưa vào ngay. Điều này có nghĩa những lý lẽ trên của các nhà khoa học dễ bị bác bỏ. Theo tôi nghĩ UBND tỉnh, nên mời tư vấn của các chuyên gia có kinh nghiệm, đánh giá kỹ xem tác động của dự án có những bất lợi gì cho sự phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm cả hệ lụy môi trường) để mời chủ đầu tư và các nhà khoa học tranh luận, có sự chứng kiến của chính phủ. Để từ đó chính phủ sẽ điều chỉnh dự án nếu thấy hợp lý.



Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang:


Thông qua kết quả làm việc của Hội đồng thẩm định và khảo sát thực tế tại hiện trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, mặt tích cực của dự án là: sẽ sản xuất ra 929,16 triệu kWh và nộp thuế hàng năm cho ngân sách khoảng 300 tỷ đồng; phát triển hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội, đời sống cộng đồng dân cư khu vực thực hiện dự án; điều hòa dòng chảy của đoạn sông Đồng Nai sau khi qua công trình Thủy điện Đồng Nai 5.




Tuy nhiên, một số vấn đề môi trường có liên quan của dự án vẫn chưa được đánh giá đầy đủ, thỏa đáng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường.



Thứ nhất, hai dự án sẽ làm mất vĩnh viễn 372,23 ha đất rừng, trong đó có 128,37 ha đất ở khu Cát Lộc thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên. Mặc dù trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất song lại chưa nêu được vị trí cụ thể và trồng loại cây gì.

Thứ hai, trên đoạn sông dự kiến xây dựng các công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có cá chình hoa là loài quý hiếm có nguy cơ bị hủy diệt nhưng trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa đề ra được biện pháp bảo vệ, bảo tồn.

Thứ ba, hệ sinh thái thủy sinh dọc đoạn sông Đồng Nai từ đập đến hồ Trị An sẽ bị tác động mạnh bởi việc xây dựng các công trình Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, tuy nhiên nếu không thực hiện các dự án này thì cũng sẽ chịu tác động bởi công trình thủy điện Đồng Nai 5.

Thứ tư, các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A nằm trong Di tích quốc gia đặc biệt Vườn quốc gia Cát Tiên nên sẽ có những tác động bất lợi đến khu vực này, mức độ tác động sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các biện pháp quản lý thi công xây dựng của các dự án.

Thứ năm, việc thực hiện các dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du, đặc biệt là các dân tộc ít người như: Châu-ro, Mạ, Xtiêng, Mnông…


Gia Lai thu hồi thêm năm dự án thủy điện


[Trong đó có dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai]



NDĐT - Ngày 18-7, UBND tỉnh Gia Lai đã ra các Quyết định số 370, 371, 372/QĐ-UBND về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, chấm dứt hoạt động dự án đối với năm dự án thủy điện trên địa bàn.
Các dự án thủy điện bị thu hồi giấy phép gồm: Dự án thủy điện Ia Grăng 1, Ia Tchom 1 và thủy điện Đak Pô Kei của công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai; dự án thủy điện Đak Se Pay của Công ty Đầu tư và Phát triển điện năng Đức Long Gia Lai; dự án thủy điện Ia Loup của Doanh nghiệp tư nhân Phước Thành.
Đây là đợt thu hồi các dự án thủy điện thứ 2 trong năm nay của tỉnh. Trước đó, ngày 11-6-2013, UBND tỉnh đã có các quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với sáu thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh.
Theo các quyết định, lý do thu hồi vì từ khi được cấp chứng nhận đầu tư đến nay, các công ty nói trên không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết, vi phạm khoản 2, Điều 64 của Luật Đầu tư năm 2005. UBND tỉnh yêu cầu các công ty triển khai các bước thủ tục thanh lý dự án đầu tư theo quy định pháp luật, hoàn trả diện tích đất như hiện trạng ban đầu giao cho UBND tỉnh. UBND tỉnh cũng yêu cầu các doanh nghiệp có trách nhiệm trả lại bản gốc Giấy chứng nhận đầu tư, thu dọn tài sản trên đất, hoàn trả diện tích đất như hiện trạng ban đầu và tự chịu trách nhiệm về các khoản phí, khoản nợ liên quan.
Trên địa bàn tỉnh Gia Lai hiện có khá nhiều công trình thủy điện đang hoạt động, ngoài việc góp thêm nguồn điện năng cho điện lưới quốc gia, thì một số công trình cũng đang gây ra nhiều hệ lụy. Đơn cử như thủy điện An Khê - Ka Nak (công suất 173 MW, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư), sau khi đi vào khai thác, do nắn dòng chảy cho nước về sông Kôn (Bình Định) đã làm cạn kiệt nước trên dòng sông Ba, khiến người dân vùng hạ lưu thuộc hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên thiếu nước sinh hoạt và nước tưới trầm trọng. Gần đây nhất, ngày 12-6, đập thủy điện Ia Krêl 2, do Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư bị vỡ gây thiệt hại cho người dân hơn năm tỷ đồng…

3 nhận xét:

  1. Thì nhà báo xem, Quốc lộ 14 đ/c thực này là BOT đoạn Đăk Nông (Cầu 20) đến Bình Phước thì biết.
    Bươi ra làm cà giật đến nổi bộ BTVT phải chi tiền để duy tu hơn cả trăm tỷ. Dự án từa lưa như vậy mà không thu hồi... Ờ thì nó đầu tư rồi,làm chán rồi không có tiền đền bù... thôi cứ để nó làm tiếp.
    Nhưng vậy thì tại sao lại giao nó làm tiếp cái BOT ừ Plei Ku đi cầu 110 (ranh giới giữa Đăk Lăk và Gia lai) ??? trong khi 2 đoạn kia đang bầy hầy ra đấy ?

    Thời đại kim tiền đành chịu thôi !

    Trả lờiXóa
  2. Những Cty có tên phía sau là Gia Lai là những Cty lâm tặc có môn bài.Có ai biết hiện rừng ở Gia Lai còn lại bao nhiêu sau khi những Cty nầy ra đời không?

    Trả lờiXóa
  3. em đồng ý với ý kiến các anh!

    Trả lờiXóa