Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

ĐÀ LẠT KHÓI SƯƠNG

1. Tôi thích những bức tranh có mây chiều lãng đãng vắt ngang vài dãy núi ẩn hiện xa xa. Tôi thích những tia nắng sớm len vào những tán lá thông xuyên qua làn sương mờ ảo làm rực lên những sợi nắng vàng óng ả và mềm mại như tơ giăng ngang đồi.

Lòng tôi luôn xao xuyến bởi một đám khói mù khơi lênh đênh trên mặt hồ, mỏng manh như hơi thở của trời đất lúc chập choạng cuối hoàng hôn hay chớm bình minh. Có lòng nào không xao xuyến khi được chiêm nghiệm cái thời khắc chuyển đổi của đất trời. Tôi mặc dù cũng luôn bị mê hoặc khi đứng trước bức tranh thiên nhiên kỳ thú có cảnh núi non xanh biếc dưới bầu trời quang đãng, không gợn một bóng mây. Nhưng sự mê hoặc đó sẽ không giữ được lâu khi trong không gian tĩnh lặng lại thiếu đi những áng mây mờ ảo, những dãy sương óng ả giăng giăng trên rừng thông lặng lẽ…



Khi mọi vật bị làm cho mờ ảo, lung linh hơn bởi cái không gian đầy sương lãng đãng, sức quyến rũ  của bức tranh càng gia tăng và như hút hồn lữ khách cô đơn đắm chìm vào trong cái mê cung đó. Ta như rơi vào trong một trạng thái huyền ảo, một cõi mơ hồ, bâng khuâng giữa hư và thực, mọi thứ ta nhìn thấy dường như có, dường như không. Nó kích hoạt khả năng tưởng tượng và liên tưởng.  Nó hút ta vào ngày một sâu thẩm hơn trong chính sự biến đổi huyền ảo không ngừng của nó. Rồi bất ngờ nhận ra ta chính là một phần của bức tranh kỳ vĩ ấy.

Ta bắt đầu khám phá ra những hang động bí ẩn, những cánh rừng hoang sơ và cả những bông hoa dại chưa từng ai ngắm nhìn. Từ trên đỉnh núi cao tít mù có một ngọn thác trắng xóa đang đổ xuống làm tung toé những hạt bụi óng ả xao động cả nắng chiều. Những rặng thông rì rào, thảm lá thông êm ái, mùi nhựa thông hăng hắc mà ngọt ngào quyến rũ, quyện trong cái không gian dường như có dường như không khiến ta nhớ mới những vóc dáng, những mùi hương quen thuộc từng làm trái tim ta thổn thức…

Rồi bất ngờ nhận ra không chỉ có trái tim ta mà còn bao nhiêu nỗi nhớ và tình yêu của rất nhiều trái tim yêu thương khác cũng từng quyện lấy cái không gian này. Những con người dường như có dường như không đã đến đây một lần rồi đi về nơi xa xôi mãi mãi… Mà hình như ta còn nhìn thấy hình bóng của họ vẫn còn đang lãng đãng mơ hồ trong khói sương chiều nay.

Một trong những hình bóng sẽ mãi còn lãng đãng với khói sương Đà Lạt chính là thi nhân Hàn Mặc Tử, chỉ vì vừa khi nhìn thấy Đà Lạt là ông biết ngay rằng:

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu,
Trời mơ trong cảnh thật huyền mơ.
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt,
Như đón từ xa một ý thơ. 





Đà Lạt. Làm sao ta có thể diễn tả được nó chỉ trong một bức tranh đóng khung bằng vài tấm gỗ và giấy!  Cho dù bạn có là một họa sĩ tài ba biết thu lấy cái hồn của Đà Lạt thì cũng chỉ có thể thấu hiểu được nó trong một khoảnh khắc thật mông lung. Như ta nhìn thấy cuộc đời ngắn ngủi của một chú thiêu thân bay qua ánh sáng của ngọn đèn leo lét. Và dường như sự thấu hiểu đó lại không thể chia sẻ một cách trọn vẹn với bất kỳ ai và với bất kỳ cách thức hay hình thức nào. Đó chỉ có thể trọn vẹn là một cảm xúc riêng tư, một sự thấu hiểu thinh lặng và thẩm thấu vào bên trong.




Đà Lạt mây trắng giăng giăng đầu núi, muôn ngàn thung lũng xanh non, những con suối ngoằn ngèo, những rặng thông vi vu, những căn nhà xinh xinh nằm rải rác trên sườn đồi, những vườn rau mơn mởn, những loài hoa làm gợi nhớ tới tình yêu và những cuộc chia ly. Đà Lạt với những con dốc thoai thoải, cái này chồng lên cái kia, buồi chiều mặt trời xuống đỏ ối phía sau dốc, người đi lên dốc tưởng như từng bước chân đưa mình gần hơn tới chốn thiên đàng. Đà Lạt với những con thác sủi bọt trắng xoá, với chiếc cầu bắc ngang dòng suối bằng thân cây thông già để nguyên cả vỏ, nước liếm vào thân cây phủ đầy rêu xanh, bước chơi vơi trên cây cầu nguyên thủy, không khéo trượt chân chợt thấy mình chơi vơi giữa hai bờ sinh - tử. Nhìn về phía đầu ghềnh, dòng nước dữ dội đập vào những tảng đá bạc đầu; nhìn về phía cuối ghềnh, nước êm ả nhè nhẹ trôi như chưa từng va đập, những thân gỗ mục từ thượng nguồn xa xôi trôi về lênh đênh như thân phận con người. Làm sao có thể mang tất cả những thứ đó vào một bức tranh mang tên Đà Lạt?




2. Sáng nay ngồi trong một quán cà phê trên ngọn đồi nhỏ cạnh hồ Xuân Hương. Trước mắt, mặt nước, sân golf lừng lững với những chùm thông trên nền cỏ chải chuốt, phía xa xa là dãy Langbian huyền thoại, mơ hồ trong sương sớm. Chợt chạnh lòng nhìn thấy một khúc thông già bị ai đó hạ gục còn nằm vương vãi bên sườn đồi. Cạnh đó còn trơ trọi hai gốc thông cổ thụ hoen rỉ một ít nhựa có màu đỏ bầm như máu.

Ai đó đã vội vàng trồng một ít hoa ngay bên cạnh, vội vàng lấp vào gốc hoa một ít cỏ xanh còn trơ cả bộ rễ lên trời. Ai đó vừa mới hạ hai cây thông đẹp nhất của Đà Lạt. Hai cây thông mọc trên ngọn đồi nhỏ cạnh hồ Xuân Hương, là điểm ngắm hầu như của mọi du khách đến với Đà Lạt và những người yêu Đà Lạt. Lại càng bàng hoàng hơn khi phát hiện ra không chỉ hai cây thông mà ngay cả gốc mai anh đào cổ thụ, từng được mệnh danh là “Đệ nhất Mai” của Đà Lạt, cũng đã bị ai đó chặt trụi. 




Uống xong ly cà phê đen nóng thơm lừng buổi sáng Đà Lạt, tôi rảo bước về hướng chợ trung tâm, một trong những kiến trúc nổi tiếng có sự tham gia của Khôi nguyên La Mã 1955 - kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Vừa bước chân xuống ngọn đồi, một quan cảnh náo nhiệt hiện ra, Đà Lạt căng tràn sức sống với  đủ loại nhà cửa, kiến trúc nhấp nhô, màu sắc sặc sỡ và từng đoàn người xe đi lại tấp nập…

Một khu trung tâm thương mại hoành tráng đang mọc lên trên sườn đồi, ngăn cách giữa không gian thoáng đãng phóng khoáng giữa chơ, hồ và những dãy phố lúp xúp trên đồi... Bức tranh bị cắt vụn và mỗi người hình như chỉ còn nhìn thấy cái...mũi của mình trước khi nhìn thấy một Đà Lạt trong mắt của những nhà quy hoạch và kiến trúc tài năng trong quá khứ...



Đà Lạt ở góc nhìn này xem ra chẳng có liên quan gì tới hai cây thông bị cắt cụt kia. Nó đang căng mình ra, trương lên như một cơ thể thừa thải sức sống, nó giàu có và đang tìm cách phô trương. Sự phô trương của nó khiến tôi nghĩ lại, bùng nổ dân số và nhà cửa mấy năm gần đây của Đà Lạt không thể nói không liên quan tới chuyện hai gốc thông cụt ở bên kia hồ. Những con đường đầy thông xanh vi vu ngày xưa, nay đã biến mất không phải dần dần mà thật bất ngờ, thật nhanh chóng đến kinh ngạc.

Trong ký ức sâu thẩm của tôi, trước khi nói Đà Lạt thành phố ngàn hoa, phải nói Đà Lạt - thành phố của thông xanh, thành phố của sương mù. Vắng thông xanh, vắng sương mù không thể còn Đà Lạt uyên nguyên.

Khi còn nhỏ, nói đến Đà Lạt là tôi nghĩ ngay tới những ngôi nhà gỗ xinh xinh trong rừng thông bãng lãng sương mù. Sương mù của Đà Lạt không chỉ là sương mù của đất trời mà còn là sương mù của huyền thoại. Ngày còn ngồi trên giảng đường, tôi có những cô bạn sinh viên dân gốc Đà Lạt học cùng lớp trông giống như những cô gái bước ra từ cõi mộng hoang đường với đôi má hồng và đôi mắt nai long lanh kỳ lạ.




Tiếng thông reo là một trong những tặng vật tuyệt diệu mà tạo hóa đã ưu ái dành cho Đà Lạt. Nguyễn Du từng mong ước: “Hà năng lạc phát quy lâm khứ, Ngọa thính tùng phong hưởng bán vân” (Làm sao xuống tóc vào rừng, Nghe thông reo gió vang lừng tầng mây). Nguyễn Công Trứ cũng từng cầu khẩn: “Kiếp sau xin chớ làm người, Làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

Đà Lạt có thể mất đi thác ghềnh, mất đi ngàn hoa và có thể mất đi nhiều thứ khác, song với tôi, nếu không còn rừng thông xanh ngắt lãng đãng trong sương và tiếng thông reo vang lừng xao động mấy tầng mây thì có lẽ kiếp sau phải bắt chước cụ Nguyễn Công Trứ cầu xin ông Trời đừng cho làm người nữa, mà làm cây thông đứng giữa Đà Lạt mà reo.

“Ai mà chịu rét thì trèo với thông”, vậy!

Hình ảnh lấy từ FB  Rong Reu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét