Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Kỉ luật Đảng nhìn từ vụ Đinh Đức Lập

Bá Tân

Thế là “vở kịch” Đinh Đức Lập đã hạ màn. Diễn viên chính là ông Đinh Đức Lập. Tác giả kịch bản là ông Vũ Trọng Kim.

Trong giới báo chí, ít nhất trong hơn 5 năm vừa qua, không có vụ việc nào nổi cộm như vụ Đinh Đức Lập. Sai phạm nghiêm trọng ngay từ khi đề bạt. Sau đó hơn 5 năm, trước khi không được tái bổ nhiệm, ông Đinh Đức Lập lại có thêm sai phạm lần đầu tiên xuất hiện trong làng báo chí Việt Nam.

Để cho ông Đinh Đức Lập đứng đầu báo Đại Đoàn Kết là vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của ban bí thư. Người đứng đầu dựng ra kịch bản này là ông Vũ Trọng Kim. Ông Đinh Đức Lập, sản phẩm vụ việc cố ý làm sai, là vai diễn. Không có người khác bê lên sàn diễn, ông Đinh Đức Lập sao đủ sức trèo lên sân khấu để phô trương vai diễn.

Sau hơn 5 năm giữ chức tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết (hệ lụy của việc làm trái quyết định 75 của ban bí thư) ông Đinh Đức Lập không được tái bổ nhiệm, bởi có quá nhiều sai phạm. Trong đó có sai phạm thuộc loại “sống cùng năm tháng”, cố ý khai gian để nhận giải thưởng báo chí quốc gia. 

Sai phạm độc đắc này lập tức trở thành bi hài kịch. Màn bi hài kịch này lại do chính ông Đinh Đức Lập vừa lên kịch bản vừa vào vai diễn chính. Vậy là sau hơn 5 năm phô trương vai diễn do người khác dàn dựng, ông Đinh Đức Lập đã có cố gắng “vươn lên” làm trọn vai 2 trong 1: vừa là tác giả kịch bản, vừa vào vai diễn sùng sục theo kiểu làm lấy được (làm càn).

Ông Đinh Đức Lập bị xử lí kỉ luật cả về Đảng và chính quyền. Mức độ xử lí chẳng thỏa đáng, cách làm không thuyết phục, lộ rõ sự bao che.

Sau hơn 8 tháng tiến hành kiểm tra theo đơn tố cáo và khiếu nại, đoàn kiểm tra của cơ quan chủ quản đưa ra bản kết luận dài hơn 50 trang, liệt kê nhiều sai trái của ông Đinh Đức Lập. Khi công bố tại chi bộ báo Đại Đoàn Kết, bản kết luận rút xuống chỉ còn hơn 4 trang, thể hiện nhiều việc làm không đúng của ông Đinh Đức Lập.

Trong quyết định xử lí kỉ luật ông Đinh Đức Lập, cơ quan chủ quản chỉ nêu ra 3 sai phạm vụn vặt, từ đó đi đến kỉ luật ở mức tương ứng là khiển trách. Xử lí kiểu đó là dùng mẹo thuật nhưng rất lộ bài, tưởng rằng cứu người nhưng thực chất là hại người. 

Gặp phải “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” như vậy, càng nhớ đến câu thơ mang tính khẳng định có giá trị muôn đời của Nguyễn Du: “Thương nhau mà lại bằng mười hại nhau”. Tuần vừa rồi,trước khi viết bài này, tôi về thăm quê và đến kính viếng mộ cụ Nguyễn Du. Trên đường quay trở ra Hà Nội, nghe hành khách trên tàu xỉa xói vụ bà nọ ông kia, tôi càng miên man câu thơ mang tính cảnh báo của Nguyễn Du.

Nếu kỉ luật Đảng được thực hiện nghiêm minh, sẽ không và không thể có “vở kịch” Đinh Đức Lập. Theo đó, bi hài kịch cuối nhiệm kì tại báo Đại Đoàn Kết sẽ không xảy ra với ông Đinh Đức Lập. Từ khi bước chân vào báo Đại Đoàn Kết cho đến khi ra khỏi tờ báo này, ông Đinh Đức Lập vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm của việc xem thường kỉ luật Đảng. Vụ việc ông Đinh Đức Lập, ít nhất trong giới báo chí, trở thành điển hình của việc phớt lờ kỉ luật Đảng.

Thực hiện đúng quyết định 75 của ban bí thư, bắt buộc phải tuân thủ, báo Đại Đoàn Kết sẽ không có một tổng biên tập như ông Đinh Đức Lập.

Tại thời điểm đề bạt, cách đây hơn 5 năm, ông Đinh Đức Lập hoàn toàn không bảo đảm tiêu chuẩn do ban bí thư ghi rõ trong quyết định 75. Cơ quan chủ quản thời kì đó, trước hết là ông Vũ Trọng Kim, trao chức người đứng đầu báo Đại Đoàn Kết cho ông Đinh Đức Lập là làm trái quyết định 75 của ban bí thư. Ban bí thư là một trong những cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam. Những ai là đảng viên, nhất là đảng viên làm cán bộ lãnh đạo, không thể không biết điều đó. Làm trái quyết định 75 của ban bí thư là đồng nghĩa (nói cách khác là thực chất) coi thường cơ quan quyền lực của Đảng.

Trong vụ việc này, điều đáng nói không phải “vai diễn” Đinh Đức Lập mà là sự có mặt của một vấn đề cực kì hệ trọng: cơ quan quyền lực của Đảng cũng như kỉ luật của Đảng bị xem thường, thậm chí cố ý làm trái.

Phớt lờ quyết định 75 của ban bí thư, thuộc loại sai phạm nghiêm trọng, tại sao không bị xử lí kỉ luật. Ông Vũ Trọng Kim hoặc ai đó có thể bao biện thế này thế nọ, tất cả đều là ngụy biện. Các điều khoản ghi trong quyết định 75 của ban bí thư tự nó đánh gục tất cả mọi sự bao biện và kể cả bao che.

Vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của ban bí thư, coi thường cơ quan quyền lực của Đảng, tại sao không được xử lí thích đáng. Nói gì thì nói, trong trường hợp này, không xử lí sai phạm là bao che, làm giảm sức mạnh cũng như uy tín của Đảng.

Không xử lí người gây ra sai phạm nghiêm trọng, chỉ được mỗi cái không mất lòng nhau trong quan hệ cá nhân, nhưng gây ra tai họa làm cho kỉ luật của Đảng bị suy yếu.

Khen thưởng đúng cũng như kỉ luật đúng, không chỉ thể hiện sự nghiêm minh và công bằng, việc đó còn trở thành tấm gương để noi theo và chủ động phòng tránh. Vi phạm nghiêm trọng quyết định 75 của ban bí thư nhưng không bị xử lí, chẳng lẽ đó là một cách nêu gương? 

Nếu nêu gương theo kiểu đó, không chỉ làm hư cán bộ, điều này còn nguy hiểm hơn, làm
hỏng kỉ luật của Đảng.

Tác giả gởi bài tới blog Hữu Nguyên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét