Thứ Tư, 20 tháng 8, 2014

Nghề báo như là số phận (Kỳ 1)

Nghề báo như là số phận, với tôi.

Vì lẽ ra trên đường đời có không ít ngã rẽ thênh thang chỉ chờ đơi tôi rời khỏi con đường làm báo đầy chông gai, nghiệt ngã. Nhưng không, nghề báo cứ như là số phận, buộc chặt lấy con đường mà tôi đã chọn.

Những năm đi học phổ thông tôi luôn được giao làm chủ bút những tờ báo tường của lớp. Phần lớn những tờ báo do chủ bút là tôi luôn được giải thưởng cao.

Khi đi đại học, bọn tôi còn nghĩ ra một cách làm báo trình bày 8 trang khổ A4, viết và vẽ bằng tay sau đó photo thành vài bản chuyền tay nhau đọc trong lớp và trong khối.

Trong một xã hội thu nhỏ của giới sinh viên, tờ báo viết và trình bày bằng tay coi vậy mà có ảnh hưởng khá lớn.

Một vài mạnh thường quân khi đó có nhã ý giúp sức để phát triển tờ báo. Có người đề nghị in roneo (kỹ thuật này bây giờ chắc nhiều người không hiểu). Tuy nhiên, kỹ thuật này không đáp ứng được nhu cầu mỹ thuật, trình bày, nên thôi không thực hiện.

Chúng tôi vẫn tiếp tục kỳ công làm  báo ra hàng tuần, dưới hình thức viết, trình bày bằng tay rồi photo (những năm 80 của thế kỷ trước photocoppy cũng là một dịch vụ rất đắt tiền và cũng rất thô sơ).

Có lần, trong cuộc họp của giới sinh viên ký túc xá Vạn Hạnh, nhiều ý kiến gợi ý tại sao tờ báo của chúng ta hay và hiệu quả như vậy mà không được phổ biến rộng hơn trong giới sinh viên toàn quốc (he he ít nhất là như vậy). Bọn chúng tôi bèn ngổi lại và thảo luận. Sau đó cử ra một “đoàn đại biều”, mang tát cả những ấn phẩm này tới báo Tuổi Trẻ (cơ quan của Thành đoàn TNCS TP.HCM) lúc đò tòa soạn còn nằm ở đường Duy Tân.

Tiếp chúng tôi (những nhà báo sinh viên) là một nhà báo thực thụ của Tuổi Trẻ (với chiếc mắt kính dày cộm như đít chai) săm soi từng chữ trong các tờ báo sinh viên. He he, mất gần một buổi, đồng chí nhà báo Tuổi Trẻ  phán rằng: “Các bạn làm báo quá giỏi, nhưng mà để giới thiệu tờ báo của các bạn với đông đảo bạn đọc trong cả nước, chúng tôi còn phải xem xét và cân nhắc (bây giờ mới hiểu là phải xin ý kiến cấp trên) . Xin hãy kiên nhẫn chờ và theo dõi… báo Tuổi Trẻ liên tục nhá!”.

Sau đó là những ngày chờ đợi mỏi mòn, chưa bao giờ tờ Tuổi Trẻ lại đi giới thiệu, phổ biến tờ báo nội san sinh viên của chúng tôi.

Không sao. Chúng tôi vẫn sản xuất và vẫn có bạn đọc. Trong một khoảng thời gian không dài cũng không ngắn vào khoảng hơn hai năm thì tờ nội san của chúng tôi không còn xuất bản nữa. Vì khi đó, những trụ cột của tờ báo này đều đang vào lớp “đàn anh đàn chị” phải đối phó với kỳ thi tốt nghiệp. Đồng thời các thế hệ sau này không ai còn mặn mà với việc vác tù và hàng tồng như chúng tôi nữa.


Trên đỉnh Fansiphan

Tôi vừa ra trường ít năm thì anh Huỳnh Tấn Mẫm thành lập báo Thanh Niên.

Tờ Thanh Niên gây ấn tượng mạnh với tôi, để rồi vài năm sau đó tôi trở thành một thành viên trong những thành viên đầu tiên của tờ báo này.

Tuy nhiên, trườc khi về với Thanh Niên, tôi ít nhất có 5 năm làm việc cho Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai. Nơi đây chính là chiếc lò nung tạo nên bản sắc và bản lĩnh nghề nghiệp cho tôi trong những ngày chập chững thật sự vào nghề.

Có lẽ người thầy đầu tiên và duy nhất trong cuộc đời làm báo của tôi cho tới giờ phút này không ai khác hơn chính là nhà báo Lê Thiện, được gọi thân thương là Chú Út Thiện (nay đã quá cố).

Một nhà báo cách mạng lão thành, không màng danh lợi. Luôn phấn đấu vì nghề nghiệp, vì đàn em với lý tưởng phục vụ sự trung thực và lẽ công bằng.

Những bài viết chuyên đề điều tra chống tiêu cực, bảo vệ lẽ phải và những người dân cô thế của tôi được Chú Út Thiện động viên, hướng dẫn, khuyến khích và bảo vệ,

Tôi hầu như hoàn toàn yên tâm làm việc một cách hăng say, hết sức hết lòng vì một lý tưởng làm báo để phục vụ lẽ phải, công bằng và sự thật, từ những năm 90 của thế kỷ trước.

Nếu như không vì hoàn cảnh gia đình, sau đó tôi phải rời xa Đồng Nai về Sài Gòn lập nghiệp, có lẽ tôi còn học được nhiều điều hơn nữa từ người thầy nghề nghiệp đầu tiên này.

Làm báo ở Sài Gòn quả nhiên là một cơ hội rất lớn cho nghề nghiệp.

Tôi đã tiếp xúc với hầu như rất nhiều các nhà báo lớn của các thời kỳ. Trước và sau năm 1975, trước và sau năm 1985….

Làm báo, dù bất kỳ ở đâu và bất kỳ thời đại nào tôi vẫn luôn giữ tìm chỗ đứng có cái nhìn  trung thực và công bằng cho tất cả các sự kiện mà mình quan tâm.

Những khi bị bế tắc, không có lời giải cho vấn đề mà mình đang được phân công hay đang theo dõi vì sự say mê, tôi luôn quy kết mọi chuyện vào một câu hỏi: “Điều này có lợi cho ai?”. Nếu câu trả lời là có lợi cho nhân dân thì khó mấy cũng phải làm. Cỏn nếu chỉ có lợi cho một nhóm ít người có đặc quyền thì dứt khoát phải từ chối,

Sự từ chối này nếu chỉ diễn ra một hai lần còn có thể chấp nhận được với cơ quan đang trả lương cho mình.

Còn nếu như cứ từ chối mãi, thủ trưởng cơ quan thấy khó chịu, thì trước sau gì mình cũng phải ra đi.

Kệ họ, tôi chọn giải pháp im lặng và ra đi sang tờ báo khác để làm nghề theo đúng những gì mình đã được học và tâm niệm.

Nhưng đôi khi cây muốn lặng mà gió chẳng dừng. Tìm một tờ báo mà chủ quản, chủ bút, tổng biên tập của nó cũng có quan niệm gần giống hoặc chí ít cũng không quá phản kháng với mình giờ đây quá khó, như tìm lối lên trời vậy!

Câu chuyện ở Đại đoàn kết có nhiều tình tiết và sự điển hình cho hầu hết các câu chuyện liên quan tới nghề báo và bản chất của cái xã hội mà chúng ta đang sống.

Đinh Đức Lập cũng chỉ là một trong những tế bào tương đối điển hình, từ đó cho thấy hàng loạt các tiêu chuẩn hoạch định, tổ chức nên một guồng máy xã hội, tạo ra một thời đại tang thương.

Một thời đại mà nhưng người trung thực, các nhà báo bị biến thành những kẻ nói dối, sống hai mặt và đớn hèn, luồn cúi, mất nhân cách, mất tư cách làm nghề, chỉ để thỏa mãn lợi ích cá nhân, sĩ diện và nuôi dưỡng sự tồn tại héo hon của chính mình.

Tố cáo Đinh Đức Lập với tôi đơn giản chỉ là một phép thử, xem liệu những nhà báo vốn giỏi phê phán thiên hạ, nay thử phê phán trong nhà mình kết quả sẽ như thế nào? 

Thật khó tả, trong nhà đôi khi còn thối hơn cả ngoài đường vậy mà khi ta nói ra rằng nhà ta quá thối, chẳng ai chịu nghe? Thậm chì không ít kẻ xu nịnh, cơ hội  cứ nhằm cái thiên hạ đã thải ra mà khen thơm lấy thơm để, tranh giành dây phần, không biết xấu hổ.

Trước khi nói sang chuyện mới, mời các bạn đọc lại tất cả những gi mà tôi đã viết về cuộc đấu tranh của chúng tôi tại báo Đại đoàn kết trong 2 năm qua (từ tháng 7-2012 tới tháng 7-2014).

Riêng tôi, giờ đang sống trong lòng cỏ hoa và mây núi đại ngàn. 

Lúc nào thấy có cảm hứng lại sẽ viết tiếp hầu các bạn vậy!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét