Thứ Ba, 8 tháng 8, 2017

Việt Nam: Làm báo kiểu làm... tiền!

Tôi tin, nếu các doanh nghiệp can đảm tố cáo hơn, thì con số nhà báo bị bắt giữ vì hành vi ấy sẽ lên đến hàng trăm, chứ không phải hàng chục!

Một loại gạo nuôi vạn loại người, nghề nào cũng có đối tượng xấu xa và bẩn thỉu. Thế nhưng, nghề báo trong giai đoạn này, đáng lo ngại nhất. Vì sao? Vì hiện trạng báo chí hôm nay là hệ lụy của cả quá trình quản lý bất cập!

'Giá trị hỗn mang'

Thứ nhất, ở góc độ quản lý nhà nước: Đã bổ nhiệm nhiều người không có năng lực làm báo vào vị trí lãnh đạo báo chí. Họ cũng có ưu điểm là thích học nghị quyết, siêng họp hành và ưa xu nịnh. Còn nhược điểm của họ là chẳng mấy hứng thú phân biệt báo chí và... báo cáo!
Họ xem cái ghế lãnh đạo báo chí cũng giống như một chức vụ hành chính, và chỉ nghĩ đến việc tìm kiếm đặc quyền, đặc lợi cho bản thân. Thật khủng khiếp, khi quy hoạch những cán bộ chủ chốt, không còn chỗ cho ai thì đưa họ sang ngồi chễm chệ ở cơ quan truyền thông!
Thứ hai, ở góc độ quản lý tòa soạn: Người đã không chấp nhận hoặc miễn cưỡng chấp nhận gánh vác sứ mệnh nhà báo, thì khi làm lãnh đạo sẽ không chú trọng đến yếu tố chuyên môn và càng không chú trọng nhân lực chuyên nghiệp.
Một tờ báo chủ trương đặt người biết viết báo và người biết làm báo xuống dưới người biết phát hành và người biết xin quảng cáo, thì tạo ra một thứ trật tự lố bịch và một thứ giá trị hỗn mang!
Chính hai nguyên nhân trên đã làm suy sụp chất lượng báo chí và đảo lộn đạo đức báo chí. Khi những tờ báo không trân trọng những cây bút mà tôn thờ những tay xôi thịt suốt ngày moi móc đầu nọ đầu kia để nộp vào tài khoản cơ quan, thì đó là một mệnh lệnh cho tất cả nhốn nhào đi kiếm tiền.
Nhà báo kiếm tiền bằng cách nào, nếu không dựa vào ngòi bút? Những kẻ được gọi là nhà báo mà không viết được, thì chỉ có hai phương pháp kiếm tiền. Hoặc đi van nài doanh nghiệp, như một dạng cái bang tám túi. Hoặc đi đe dọa doanh nghiệp, như một dạng lưu manh mạt hạng. Cả hai phương pháp, đều quy về một mục đích: tống tiền!
Một nền báo chí lành mạnh, phải được xây dựng trên nền tảng những nhà báo sống bằng nhuận bút, sống bằng sản phẩm báo chí. Đáng tiếc thay, hơn một thập niên qua, không thấy thế hệ cầm bút mới trưởng thành, mà thấy nhan nhản những tên trâng tráo làm báo kiểu... làm tiền!
Lỗi tại đâu? Băng tuyết đóng dày ba tấc, không phải do cái lạnh ba giây hoặc ba phút. Những vụ bắt giữ nhà báo tống tiền sẽ còn dài dài, nếu làng báo vẫn tiếp tục thu nạp và dung dưỡng những người không biết làm gì thì đi... làm báo!

5 nhận xét:

  1. Lê Thiếu Nhơn nói chuẩn quá rồi, nhà báo đúng chất bây giờ ngày càng hiếm, có khi sắp sửa lọt vào phạm trù "Đốt đuốc giữa ban ngày cũng tìm không thấy". Chẳng ai cấm nhà báo làm giàu, nhưng khi cả một xã hội lúc nhúc người trong nghề báo khấm khá lên nhờ đánh quảng cáo, vuốt ve hoặc hù dọa doanh nghiệp, chạy chọt hợp đồng kinh tế, tóm lại là nhờ đủ thứ việc kiếm chác trừ việc...viết báo, thì nhà báo ấy, xã hội ấy trở thành hiện thân của bước đường cùng về mặt luân lý đạo đức. Mà không phải mới xuất hiện gần đây đâu, hàng mấy chục năm qua đã có, chỉ là biết trước hay biết sau thôi...

    Trả lờiXóa
  2. Ở một đất nước từ lâu đã có câu ( Làm nghề gì ăn nghề ấy,to thì ăn to,bé thì ăn bé)đã ngấm vào máu thịt của kẻ vô sỉ, hết thuốc chữa rồi!chỉ còn cách là cho chúng làm nghề hót cứt may ra chúng nó chừa thói tham nhũng.N Đ.

    Trả lờiXóa
  3. Ròi bọ từ trong tủy nó ăn ra cơ không còn loại thuốc gì chữa được đâu,chôn nó đi để cái thây ma mà làm gì.

    Trả lờiXóa
  4. Thực ra nghề nào nếu lương tâm không sáng thì cũng đều có kiểu làm tiền bẩn như nhau! Có hai trường hợp mình nhìn thấy 100% Nhà báo viết lấy 10 triệu một bài được 9 bài vẫn không đòi tiền được thôi không viết nữa ,còn luật sư thì lấy % khi đền bù giải tỏa mặt bằng của khổ chủ,từ khi ấy dân cư khu vực này không ai coi họ là người trí thức,mà coi họ bình thường như nghề thấp hèn khác.

    Trả lờiXóa
  5. Không thiếu những nhà báo chân chính đúng nghĩa,cũng chẳng thiếu nhà báo trên lưng lúc nào cũng đeo bị cáy. viết toàn tin câu khách rẻ tiền,phò phạch gái gú,sợ chính quyền hơn sợ bố,viết lấy tiền thù lao, tựa như làm công vậy, viết rồi vô trách nhiệm với những gì mình viết ra.Những người như vây dân gọi họ là báo cô.

    Trả lờiXóa