Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Cần giúp ngư dân tự tin giữ biển


Có vẻ như là một ví dụ điển hình cho việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông mà Trung Quốc ngang nhiên đưa ra kể từ năm 1999. Ngày đầu tiên lệnh này có hiệu lực năm nay (16-5-2012), Trung Quốc đã bắt giữ 2 tàu cá với 14 ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Sau khi tịch thu các phương tiện hành nghề, tài sản, thiết bị và hải sản trên 2 tàu cá, Trung Quốc đã trả tự do cho 14 ngư dân rồi dồn họ lên 1 con tàu để trở về nhà.
Như vậy điểm khác nhau với hầu hết các lần bắt giữ ngư dân Việt Nam trước đây là không có chuyện “đòi tiền chuộc người” nữa. Thế nhưng hầu hết tài sản của các ngư dân đều bị tịch thu và điều này chắc chắn sẽ gây nhiều hệ lụy cho công việc làm ăn cũng như cuộc sống của gia đình họ trong một thời gian dài. Dù thực thi “luật pháp” hết sức tùy tiện và bất nhất trên Biển Đông, nhưng mục tiêu chính của Trung Quốc vẫn lộ rõ là họ đang cố gắng hết sức để không gây thêm căng thẳng nhưng vẫn phải đạt được mục tiêu làm nãn lòng ngư dân các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông nhằm áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý của họ bao chiếm hầu như toàn bộ vùng biển này. Nói cách khác, một mặt Trung Quốc vẫn đang ra sức đánh bóng hình ảnh là một cường quốc đang trỗi dậy hòa bình, coi trọng các giá trị văn minh của nhân loại và luật pháp quốc tế; mặt khác họ vẫn không quên thủ đoạn “lấy thịt đè người” theo kiểu “lý lẽ của kẻ mạnh” để áp đặt những “chuyện đã rồi” trên Biển Đông hầu củng cố yêu sách chủ quyền lịch sử, lâu đời và trên thực tế, từng bước thực thi chiến lược lâu dài của họ đối với khu vực này.
Trong khi việc thực thi lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ngày càng hung hăng hơn nhắm vào ngư dân Việt Nam và các quốc gia khác trong vùng thì Trung Quốc lại “mở toang cửa” cho ngư dân của họ tràn vào Biển Đông. Năm ngoái, khi Trung Quốc đang bắt bớ ngư dân Việt Nam vi phạm lệnh cấm vô lý của họ thì cùng lúc đó có không dưới hàng trăm tàu cá của Trung Quốc tràn ngập vùng biển miền Trung Việt Nam. Hiện tại, khi Trung Quốc bắt giữ 2 tàu cá của ngư dân Việt Nam thì họ cũng đang “mở toang cửa” cho hàng trăm tàu cá Trung Quốc tràn vào Biển Đông. Chỉ tính riêng khu vực bãi cạn Scarborough theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, hiện đang có mặt hàng chục tàu cá Trung Quốc cùng với nhiều tàu hải giám của nước này. Mặc dù việc xâm nhập bất hợp pháp của tàu cá Trung Quốc tới khu vực bãi cạn này đã bị quốc gia sở tại lên án và phản đối quyết liệt trong cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài gần hai tháng qua. Điều này cứ lặp đi lặp lại kéo dài trong nhiều năm khiến các nhà bình luận quốc tế bức xúc đặt câu hỏi: “Làm thế nào Trung Quốc có thể bảo vệ được nguồn cá trong khi họ chỉ cấm các tàu cá của ngư dân Việt Nam, Philippines mà không hề cấm tàu cá của ngư dân nước họ?”. Và càng mâu thuẩn hơn khi Trung Quốc ra sức yêu cầu thậm chí đe dọa ngư dân các nước phải tôn trọng lệnh cấm thì chính họ lại đưa một nhà máy chế biến cá khổng lồ, hiện đại ra Biển Đông ngay trong thời điểm lệnh cấm đang bắt đầu có hiệu lực.
Các nhà phân tích cho rằng ngư dân Trung Quốc có thể mặc sức “tung hoành” trên Biển Đông vì họ đang thực thi những nhiệm vụ khác chứ không đơn giản chỉ là hành nghề đánh cá. “Để thực thi yêu sách của mình, chính phủ Trung Quốc phải có hành động như là khuyến khích các tàu cá tới vùng biển tranh chấp, cũng như huy động họ vào việc canh gác trên các vùng biển này. Các ngư dân có thể không được trang bị vũ khí quân sự, nhưng chắc chắn là họ sẽ nhận được sự cam kết bồi thường cũng như các quyền lợi khác từ chính phủ của họ trong trường hợp có tổn thất”, nhà nghiên cứu Arthur Ding tại Đại học Chengchi, Đài Loan nhận xét. Các chuyên gia cũng cho rằng  tàu cá Trung Quốc bắt buộc phải báo cáo với chính quyền là họ sẽ đi đâu trước khi nhổ neo ra biển. Ít có khả năng họ sẽ đánh bắt cá ở vùng biển có tranh chấp một cách độc lập, họ thừa biết sẽ mất tất cả và chẳng kiếm được gì trừ phi họ chắc chắn rằng có sự bảo đảm của chính quyền và họ được hỗ trợ khi cần thiết. Điều đó giải thích vì sao các tàu hải giám, hải quân Trung Quốc lại có thể xuất hiện ngay tại hiện trường một cách mau chóng đến bất ngờ trong rất nhiều vụ xung đột xảy ra trên Biển Đông trong thời gian qua. Điều đó cũng lý giải vì sao ở những vùng biển Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền đã có nhiều tàu cá và ngư dân Trung Quốc ngang nhiên đâm vào các tàu cá, tàu thăm dò dầu khí, tàu tuần tra, thậm chí đâm chết cả một viên chức tuần duyên và thách thức cả pháo hạm hải quân nước khác. Các nhà nghiên cứu lịch sử không lạ gì về chuyện từ lâu Trung Quốc đã có “tiền sử” về chuyện huy động tàu cá, ngụy trang tàu nhà nước thành tàu cá, tàu bán quân sự để thực thi các nhiệm vụ “cây gậy nhỏ” trong những cuộc xung đột trên biển.
Trong khi các tàu cá Trung Quốc mặc sức tung hoành trên biển thực thi nhiệm vụ “bù nhìn giữ ruộng” thì các đội tàu hải giám, ngư chính của nước này ra sức quần thảo trên Biển Đông sẵn sàng bắt bớ các ngư dân Việt Nam cũng như ngư dân nhiều quốc gia khác trong khu vực đang hành nghề hợp pháp trên chính vùng biển của cha ông mình. Lực lượng ngư chính và hải giám Trung Quốc theo năm tháng càng gia tăng về số lượng cũng như trang bị. Rõ ràng Trung Quốc đang tự cho mình cái quyền ban hành luật lệ trên Biển Đông, vốn là vùng biển được nhiều quốc gia tuyên bố chủ quyền theo luật quốc tế và cũng là vùng biển mà nhiều cường quốc có lợi ích quốc gia trong lưu thông và an toàn hàng hải. Không chỉ dừng lại ở nguồn lợi thủy sản, Trung Quốc còn muốn độc chiếm vùng biển này và không giấu diếm tham vọng khai thác, sử dụng nó như “ao nhà” của họ. Mặc dù Trung Quốc vẫn thường xuyên kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền cần phải đối thoại, sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Đồng thời, nước này cũng đã tham gia ký kết Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) lẫn Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Thế nhưng, trong thực tế, Trung Quốc lại có nhiều hành động đi ngược lại những tuyên bố trên.
Các diễn biến trên cho thấy khó có việc Trung Quốc sẽ tuân thủ những quy định, ứng xử mà quốc tế đặt ra về tranh chấp trên Biển Đông. Biểu hiện rõ nhất là nước này liên tục từ chối việc đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế. Vì thế, nếu Việt Nam chỉ vận dụng các biện pháp phản đối trực tiếp đối với Trung Quốc thì xem như đúng ý đồ của họ và tự mình rơi vào “chiếc bẫy song phương”. Trong bối cảnh đó, một mặt Việt Nam cần có chiến lược lâu dài, bài bản giúp ngư dân đủ sức, đủ tự tin để ra khơi giữ biển, giữ ngư trường quen thuộc của cha ông; mặt khác Việt Nam cần chủ động hơn nữa để tranh chấp trên Biển Đông được phân xử công bằng theo luật quốc tế. Việt Nam cần lập tức kiến nghị, phản đối và yêu cầu Liên Hợp Quốc xử lý những hành vi của Trung Quốc xâm phạm đến chủ quyền Việt Nam; khởi kiện và yêu cầu Trung Quốc phải bồi thường cho ngư dân Việt Nam bị họ bắt bớ trái phép, bị ngược đãi và bị thiệt hại tài sản… chứ không chỉ dừng lại ở những phản kháng song phương. Tất cả những nỗ lực đó nhằm mục tiêu giúp cho cộng đồng thế giới hiểu rõ hơn về những hành động sai trái mà Trung Quốc gây ra trên Biển Đông. Theo các chuyên gia, về lâu dài, những kiến nghị, yêu cầu như thế sẽ tạo thành một chuỗi ràng buộc pháp lý đối với Trung Quốc một khi hồ sơ tranh chấp được đưa ra tòa án quốc tế.









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét