Thứ Ba, 8 tháng 5, 2012

Đức Thánh Trần ở Trường Sa


Một bức tượng của danh tướng Trần Hưng Đạo được nhân dân Nam Định (nơi phát tích của nhà Trần) tặng cho huyện đảo Trường Sa mới đây đã được làm lễ an vị trên đảo Song Tử Tây, một trong những xã đảo của quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Tượng cao 11 mét làm bằng đá nguyên khối, thần thái hùng dũng, mặt hướng về phía Đông. Đây là bức tượng lớn nhất và mang nhiều ý nghĩa tâm linh trên quần đảo Trường Sa hiện nay.
Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là một vị tướng lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam và thế giới, đã nhiều lần phá tan quân Nguyên Mông đến từ phương Bắc và được nhân dân Việt Nam suy tôn là Đức Thánh Trần. Ông cũng được coi như là một nhà tư tưởng quân sự khởi xướng chủ trương quốc phòng toàn dân (“toàn dân vi binh”) và tổ chức thắng lợi các cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ đất nước. Đền thờ và tượng Trần Hưng Đạo từ hàng trăm năm qua đã được nhân dân ta xây dựng trên nhiều nơi ở mọi miền đất nước để tưởng nhớ công đức của bậc đại anh hùng dân tộc, một biểu trưng sáng chói về ý chí độc lập và khí phách anh hùng của dân tộc Việt Nam trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Nay dựng tượng ông trên quần đảo Trường Sa là tiếp thêm ý chí và sức mạnh của cả dân tộc, ý chí và khí phách Việt Nam cho quân và dân các vùng hải đảo tiền tiêu, khẳng định quyết tâm đoàn kết giữ vững bờ cõi, biên cương lãnh thổ của Tổ quốc.
Có thể nói, tư tưởng quán xuyến suốt đời của Trần Hưng Đạo là một tấm lòng tận tụy với đất nước, là ý muốn đoàn kết các tầng lớp của dân tộc trở thành một lực lượng thống nhất và tinh thần yêu thương dân vô hạn. Cho nên trước khi lâm chung ông vẫn còn không quên dặn vua Trần Anh Tông rằng “phải khoan thư sức dân để làm kế rễ sâu bền gốc” cho sự nghiệp lâu dài của nước nhà. Ông cũng là một trong những điển hình trong lịch sử về chủ trương “chiêu hiền đãi sĩ”, biết tìm kiếm và sử dụng nhân tài giúp nước. Câu nói nổi tiếng của ông được nhiều sử gia ghi lại rằng: “Sở dĩ chim hồng hộc kia có thể bay cao là nhờ nó có 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ cánh đó thì cũng chỉ là chim thường thôi”. Trong thực tế, nhiều nhân vật nổi tiếng đã từng tụ hội về dưới trướng làm môn khách của ông và khi cần thiết đã giúp ông hoàn thành các sứ mạng làm nên những trang sử vẽ vang cho dân tộc. Câu nói nổi tiếng trên gắn với câu chuyện Yết Kiêu giữ thuyền ở Bến Tân. Yết Kiêu và Dã Tượng là hai tướng tài giỏi của Trần Hưng Đạo. Khi quân Nguyên xâm lược nước ta, Yết Kiêu thừa lệnh Hưng Đạo Đại Vương giữ thuyền ở Bến Tân (trên sông Lục Nam) còn Dã Tượng đi theo Ngài. Lúc đầu quân Việt bị thua, thủy quân tan rã, Trần Hưng Đạo định rút quân bằng đường bộ vòng theo chân núi. Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định sẽ không dời thuyền”. Vương theo lời đến Bãi Tân. Quả nhiên thuyền Yết Kiêu vẫn chờ ở đó. Nhờ thế kỵ binh quân Nguyên Mông không đuổi theo được, Đại Vương rút quân an toàn về Vạn Kiếp và chia quân đóng giữ vùng Bắc Giang. Để rồi sau đó cùng với ba quân tướng sĩ và toàn dân Việt tổ chức phản công đánh tan quân xâm luợc Nguyên Mông vốn được xem là mạnh nhất hành tinh bấy giờ.
Không chỉ biết trọng đãi nhân tài, thương yêu dân chúng và tướng sĩ như con, Trần Hưng Đạo còn là một tướng lĩnh tài ba có tấm lòng tha thiết luôn nghĩ về vận nước. Bài văn Hịch Tướng Sĩ cho thấy nỗi suy tư, trăn trở và tấm lòng đau đáu ấy của ông trước hiểm họa xâm lăng, mất nước mà ngày nay đọc lên vẫn còn thấy nóng bỏng tính thời sự. “Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau. Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?”. Quyết tâm giữ nước, bảo vệ từng tấc đất, núi sông, bờ cõi của cha ông được Trần Hưng Đạo đúc kết trong câu nói nổi tiếng khi vua hỏi thế giặc đang mạnh nên hàng hay nên đánh: “Nếu bệ hạ muốn hàng xin hãy chặt đầu thần trước đã”.
Từ những trăn trở, bức xúc cho vận nước lâm nguy như vậy ông đã dày công biên soạn bộ “Binh thư yếu luợc”, một trong những cuốn binh pháp hàng đầu, để giúp cho tướng sĩ học tập, huấn luyện tăng cường kiến thức, kỹ năng chiến đấu tạo nên sức mạnh cho cuộc chiến tranh nhân dân bách chiến bách thắng. Binh Thư Yếu Lược đáng tiếc nay đã thất truyền, song tư tưởng về dụng binh, dùng người của Trần Hưng Đạo vẫn không hề mai một, luôn sáng chói tới mãi ngày nay. Đó là tư tưởng đoàn kết toàn dân tạo nên sức mạnh vô địch cho mọi thắng lợi vẽ vang của dân tộc trước họa ngoại xâm cũng như chủ  trương phải biết “khoan thư sức dân” trong phát triển hòa bình để làm kế “sâu rễ bền gốc”  như là thượng sách giữ nước. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét