Không hiểu từ bao giờ tôi luôn nghĩ về một thế giới mà các
giác quan của loài người không thể cảm nhận được. Một thế giới ý niệm tồn tại
vĩnh hằng bất di bất dịch, ngoài sự cảm nhận và hiểu biết của con người. Cái
thế giới nhất thời mà mỗi chúng ta đang cảm nhận được bằng các giác quan của
mình thực ra chỉ là một mớ hỗn độn, phù du, chỉ là sự phản ảnh mờ nhạt, méo mó
của một thế giới đích thực. Tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín
mà tri thức thường nghiệm của con người không sao vươn tới được. Khoa học là
con đường dài hun hút và con người khó có thể đi hết con đường đó một cách trọn
vẹn bởi chính những lực cản xuất hiện từ bản thân họ. Vì luôn luôn có sự tác
động giữa thế giới bên trong con người và thế giới bên ngoài, nên thực trạng
không khỏi bị cái thế giới bên trong của các nhà khoa học, hay chính mỗi chúng
ta, làm cho biến dạng. Cuối cùng chúng ta chỉ có thể nhìn thấy cái thế giới mà
ta muốn thấy.
Thực tại phụ thuộc và gắn kết vào hành trang khái niệm của
nhà khoa học. Điều này có thể thấy được qua định lý về tính không đầy đủ của
nhà toán học Kurt Godel hay còn gọi là định lý bất toàn dẫn đến một hệ quả là
lý trí có những giới hạn và nó không thể đạt tới chân lý tuyệt đối được. Ông
giải thích: Người ta không chứng minh được một hệ thống là nhất quán và phi mâu
thuẩn nếu chỉ dựa trên các tiên đề chứa trong hệ thống này. Để làm được điều
này, cần phải ra ngoài hệ thống và áp đặt một hoặc nhiều tiên đề phụ ở bên
ngoài hệ thống đó. Nói cách khác chân lý toàn bộ không được khoanh lại trong
một hệ thống hữu hạn, toàn bộ hệ thống hữu hạn này là không đầy đủ.
Trên quan điểm Phật học mà nhìn nhận thì cả chủ thể nhận
thức lẫn đối tượng nhận thức chỉ là một hệ thống, không thể hai. Đức Phật sau
khi giác ngộ, đã tuyên bố rằng tất cả các pháp đều vô thường, vô ngã (nonself,
anatta) và không có thực thể (egoless); hàm ý cho rằng tất cả hiện hữu đều do
các nhân duyên tạo nên và tương duyên với nhau có tính chất vô thường, biến
hoại và rổng không. Vạn pháp không có tự tính, biến dịch không ngừng, đủ duyên
thì sinh khởi, hết duyên thì đoạn diệt. Tính chất chuyển hóa vô thường của vạn
pháp là tự thân của luân hồi . Chừng nào mà thực chứng bằng con đường nội quán
thì lúc đó ta mới nhổ gốc rễ của khổ đau, của vô minh vi tế nhất ra khỏi tâm
trí để được giải thoát.
Tư tưởng của Kinh Hoa Nghiêm mô tả vạn pháp do tâm sinh ra.
Tâm là thực thể của vạn pháp, tâm vọng thì vạn pháp hoạt hiện sai biệt, hình
hình sắc sắc trùng trùng duyên khởi: cái này có thì cái kia có. Tâm bao trùm
khắp pháp giới, thể tính của tâm thu nhiếp tất cả. Tất cả là một, một trong tất
cả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét