Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

Khả năng đụng độ giữa Trung Quốc với láng giềng


Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng trở nên hung hăng hơn, báo The Economist của Anh số ra hôm 4/5/2013 bình luận.


TQ mới đây đã bổ sung hàng không mẫu hạm Liêu Ninh cho sức mạnh hải quân.

Trong bài blog có tựa đề "Thunder out of China", mục cột báo Banyan chuyên phân tích về tình hình chính trị và văn hóa Á châu điểm lại ba cuộc xung đột gần đây nhất của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng liên quan tới vấn đề lãnh thổ, lãnh hải.
Mới nhất là vào 26/4/2013, Trung Quốc đòi Philippines "rút toàn bộ công dân và các cơ sở" khỏi một số đảo và bãi san hô ở Biển Đông, trong đó có những nơi Philippines đã hiện diện từ hàng thập niên qua.
Cũng trên biển, Nhật Bản nói các tàu hải giám của Trung Quốc ngày ngày lượn lờ quanh khu vực đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.
Và cuối cùng là vụ việc trên bộ với Ấn Độ, mà theo đánh giá của The Economist là vụ gây nhiều ngạc nhiên nhất.
Ấn Độ nói binh lính Trung Quốc vào ngày 15/04/2012 đã dựng trại lấn tới 19km vào bên kia "đường kiểm soát thực tế" (LAC) vốn phân chia Ladakh thuộc bang Jammu & Kashmir của Ấn Độ với Trung Quốc do hai nước chưa đạt được thỏa thuận biên giới.
Tất cả những vụ trên, Trung Quốc đều nói rằng họ chỉ đáp trả sự khiêu khích mà thôi.
Điều đó khiến các nước láng giềng lo sợ, The Economist bình luận.

Tranh chấp đa phương


Đầu tháng Tư, tàu cá Trung Quốc đã mắc cạn ở rặng san hô Tubbataha của Philippines, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới

Trong vấn đề Biển Đông, việc Trung Quốc đòi Philippines rút người là sự phản ứng trước việc Manila đưa tranh chấp với Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Trung Quốc đã chỉ ra một cách đúng đắn rằng cho dù luật biển có đưa ra các quy định về các vùng nước và các khu đặc quyền kinh tế quanh các đảo, nhưng không hề nói gì về chủ quyền đối với các vùng đó. Và đó là vấn đề mà Trung Quốc tỏ ra muốn áp đặt quan điểm riêng.
Bên cạnh các cuộc khẩu chiến với Philippines, tuần rồi Trung Quốc bắt đầu cho tàu du lịch tới quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Tranh cãi giữa Trung Quốc với Philippines và Việt Nam là một trong những tranh chấp thường trực nhất ở vùng biển này.
Nhưng hồi cuối tháng Ba, Bắc Kinh cũng gây thù chuốc oán với Brunei và Malaysia khi gửi một đội tàu hải quân tới nơi hai nước này tuyên bố chủ quyền, ở cực nam của "đường chín đoạn" mà Trung Quốc nói một cách mù mờ là đã xác lập chủ quyền từ hồi thập niên 1930.

Cãi cọ song phương


Tàu hải giám Trung Quốc và tàu tuần duyên Nhật Bản đeo bám nhau trên Biển Hoa Đông hôm 23/4/2013

Trên Biển Hoa Đông, Trung Quốc đã cho tàu tuần tiễu quanh khu đảo Senkaku/Điếu Ngư nhằm phản ứng trước những hành động mà Bắc Kinh cho là mang tính khiêu khích của Tokyo.
Nhật đã phớt lờ cảnh báo chớ có "quốc hữu hóa" ba trong số các hòn đảo ở nơi này khi mua đảo từ tay một chủ sở hữu tư nhân người Nhật hồi tháng Chín năm ngoái.
Gần đây hơn, hồi cuối tháng Tư, mười tàu Nhật chở chừng 80 nhà hoạt động hữu khuynh tiến về phía các đảo, và các thành viên nội các Nhật đã khiến Trung Quốc giận dữ khi tới viếng thăm đền tưởng nhớ chiến sỹ trận vong Yasukuni, nơi một số tội phạm chiến tranh cũng được thờ tự.
Phản ứng của Trung Quốc là lặp lại rằng Điếu Ngư là một trong những "lợi ích cốt lõi", là những vấn đề mà nếu bị đẩy quá, Trung Quốc sẽ đi tới chiến tranh, giống như các vấn đề Đài Loan hay Tây Tạng.
Trong trường hợp Ấn Độ, có hai vùng biên giới bị gây hấn.
Ở phía đông, Trung Quốc đã chiếm trong một thời gian ngắn một phần của nơi mà nay thuộc bang Arunachal Pradesh, nằm phía nam Tây Tạng, trong một cuộc chiến đẫm máu hồi 1962.
Ở phía tây, cao nguyên Aksai Chin có diện tích tương đương với Thụy Sỹ bị Trung Quốc chiếm, nhưng Ấn Độ nói đó là một phần của Ladakh.
Ở cả hai vùng biên này, các đội tuần tra của cả hai nước thường xuyên đi vào nơi mà bên kia coi là thuộc lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, họ không dựng lều trại như những gì binh lính Trung Quốc đã làm trong lần xâm nhập vừa rồi, cũng là vụ đối đầu lớn nhất giữa hai bên trong vấn đề đường biên kể từ 1986 trở lại đây.

Cả Trung Quốc và Ấn Độ đều từng cáo buộc lẫn nhau xâm nhập lãnh thổ

Sau đó, hai bên đã đồng ý gác lại tranh cãi nhằm tập trung vào việc xây dựng quan hệ thương mại và các mối liên hệ khác.
Tất nhiên Trung Quốc bác bỏ cáo buộc vi phạm biên giới thực tế, và nói binh lính của họ không hề vượt qua LAC, và rằng họ cảm thấy bị khiêu khích.
The Economist dẫn lời Ajai Shukla, một phân tích gia quốc phòng Ấn Độ, nói rằng quân đội Ấn Độ đã thực hiện điều mà ông gọi là "làn sóng thứ ba đối với biên giới Trung-Ấn".
Hai lần trước đó là vào hồi cuối thập niên 1950, dẫn đến cuộc chiến 1962, và hồi 1986, dẫn tới tình trạng bế tắc hiện thời.
Nay, ông Shukla nói, lại một lần nữa Ấn Độ đã hiện diện "dày đặc" tại Arunachal Pradesh và Aksai Chin, với nhiều binh lính hơn, nhiều vũ khí và cơ sở hạ tầng hơn.
Trung Quốc có thể cho là Ấn Độ đang tận dụng sự non kém kinh nghiệm của dàn tân lãnh đạo Trung Quốc, vốn mới lên nắm quyền từ tháng Mười Một năm ngoái, qua đó gây áp lực lên Trung Quốc trên các mặt trận khác.

Những mối đe dọa

Nếu xét một cách đơn lẻ, các hành động của Trung Quốc có thể coi như những phản ứng trước những áp lực khác nhau.
Nhưng kết hợp lại với nhau, chúng tạo nên hai mối nguy, The Economist nhận xét.
Thứ nhất, The Economist viết, chúng khiến Trung Quốc như đang có chiến dịch nhằm xác lập "những thực tế mới thực địa" (hay trên biển), nhằm củng cố vị trí của mình trong các cuộc đàm phán hoặc xung đột sau này.
Nhưng nhiều khả năng chúng lại thể hiện điều đối nghịch: đó là những người nắm chính sách ngoại giao của Trung Quốc đang thiếu khả năng đưa ra một cách ứng xử có phối hợp, kín kẽ trước những khiêu khích xảy ra cùng lúc.
Thay vì đối phó với từng đối phương một thì Trung Quốc lại đang thách thức toàn bộ cùng một lúc. Và điều đó khó làm cho người ta nghĩ khác về thái độ hung hăng của một cường quốc đang nổi.
Mối nguy thứ hai là nguy cơ xảy ra xung đột. Cả Trung Quốc lẫn các nước khác có liên quan đều không muốn các cuộc cãi cọ này dẫn tới tình trạng bạo lực. Nhưng luôn có nguy cơ là một vị chỉ huy địa phương có thể sẽ tính toán sai, dẫn tới việc leo thang căng thẳng ở mức không lường trước được.


1 nhận xét:

  1. Tàu sân bay của khựa chì để chưng thôi chứ chả làm được gì cả.

    Trả lờiXóa