Thứ Sáu, 10 tháng 5, 2013

Bao giờ lãnh đạo Mặt trận mới cho thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết như đã hứa?


Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết

Bài 17:

Bao giờ lãnh đạo Mặt trận mới cho thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết như đã hứa?

Nhiều khuất tất trong điều hành tài chính của báo Đại Đoàn Kết, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu là tổng biên tập Đinh Đức Lập dẫn tới tình hình tài chính bất minh, vi phạm nguyên tắc công khai, minh bạch và quy chế dân chủ cơ sở. Sức khỏe tài chính, thực trạng nợ nần của báo Đại Đoàn Kết hiện nay như thế nào, không ai hay biết vì không có bất kỳ cơ sở nào để nhận xét, đánh giá trừ những tuyên bố thi thoảng và vu vơ của ông Đinh Đức Lập chỉ nhằm đối phó khi gặp phải những tình huống căng thẳng. Tuy nhiên, có một thực tế mà hầu như ai cũng nhận thấy là thu nhập nói chung của cán bộ, phóng viên báo Đại Đoàn Kết đang tụt đốc, trong đó có những bộ phận còn bị cắt xén bất công lên đến gần một nửa thu nhập suốt hơn một năm qua.
                        
Từ khi tổng biên tập Đinh Đức Lập về lãnh đạo báo Đại Đoàn Kết chưa bao giờ có một báo cáo minh bạch, công khai, đầy đủ về tình hình tài chính hàng năm của báo Đại Đoàn Kết trước toàn thể cơ quan, hay chí ít cũng là trước toàn thể lãnh đạo ban của báo theo quy định của pháp luật.

Vì vậy, các thông tin về tài chính, tình hình hoạt động lời lãi của báo ra sao mọi cán bộ, phóng viên, nhân viên đều không có cơ sở để biết rõ một cách công khai và đầy đủ. Ông Lập hoặc các lãnh đạo phụ trách về tài chính của cơ quan nói sao thì biết vậy, không ai có điều kiện để kiểm chứng. Trong khi đó, thông tin về tình hình tài chính của báo Đại Đoàn Kết do các lãnh đạo báo (TBT, các PTBT...) đưa ra mỗi người một con số, mỗi người một kiểu tùy theo lợi ích hoặc mục đích của họ ở từng thời điểm. Đặc biệt các chương trình làm ăn có thu tiền lẽ ra phải mang lại lợi ích, lợi nhuận cho cơ quan thì liên tục bị ông Lập kêu  lỗ.

Thông tin về tình hình tài chính của nhiều sự kiện do báo Đại Đoàn Kết tổ chức trong mấy năm qua cũng chưa bao giờ được công khai đầy đủ, minh bạch. Ví dụ như các chương trình Tự hào Thương hiệu Việt, TBT Đinh Đức Lập thì nói lỗ (lúc thì lỗ chưa tới 100 triệu đồng, lúc thì lỗ hơn 150 triệu đồng/ mỗi lần tổ chức); còn Phó TBT Nguyễn Minh Ngọc (khi còn làm việc ở báo Đại Đoàn Kết) thì bảo là cân đối được, không lỗ do có thu từ nhiều doanh nghiệp tài trợ cho chương trình. Cái ta được là uy tín và thương hiệu báo Đại Đoàn kết... 

Chúng tôi không hiểu sao nếu thấy lỗ hàng trăm triệu mỗi lần tổ chức (hàng năm) BBT không tìm cách để không phải lỗ, hoặc không nên tổ chức các chương trình tốn kém lỗ lả như vậy trong điều kiện kinh tế tài chính của báo rất khó khăn? Ngược lại, TBT Đinh Đức Lập tỏ ra rất hào hứng với các chương trình mà ông cho rằng đang gây lỗ nặng cho báo Đại Đoàn kết, vì sao?

Nghiêm trọng hơn, trong một thời gian khá dài ông Lập bổ nhiệm cháu ruột là Đinh Quang Sơn phụ trách Ban Tài chính Kế hoạh kiêm Kế toán trưởng. Cơ chế “cháu trình – chú duyệt” trong hoạt động tài chính của báo Đại Đoàn Kết diễn ra trong thời gian khá dài không ai có thể kiểm soát được, dễ có nhiều nguy cơ lạm quyền.

Cuối năm 2012, ông Đinh Quang Sơn dính vào vụ chiếm dụng hàng chục tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ phóng viên báo Đại Đoàn Kết cho dự án chung cư Đại Kim, nay đã bỏ trốn. Tư cách và đạo đức nghề nghiệp của ông Sơn qua vụ chiếm dụng hàng tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ, phóng viên, nhân viên báo trong dự án Đại Kim rồi nay bỏ trốn càng khiến cho nghi vấn về những khuất tất trong thời gian ông Sơn là Kế toán trưởng, phụ trách cả Ban Tài chính – kế hoạch rồi sau đó luôn cả Ban Tuyên truyền, Quảng cáo và Phát hành (toàn là các ban quan trọng liên quan tới các nguồn tài chính chủ lực của báo) thêm có cơ sở.

Ông Đinh Đức Lập đã vi phạm hàng loạt các điều khoản quy định tại Mục 1 (Công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị), Chương 2 (Phòng ngừa tham nhũng) của Luật Phòng chống tham nhũng. Theo đó, ông Lập với tư cách là người đứng đầu cơ quan báo Đại Đoàn Kết đã không hề tuân thủ nguyên tắc, các hình thức công khai, minh bạch trong công tác liên quan tới nhiều lĩnh vực theo quy định của luật như: tài chính; xây dựng cơ bản; quản lý nhà đất thuộc quyền sử dụng của báo; các khoản tiền đóng góp của cán bộ viên chức cho dự án chung cư Đại Kim;...

Ông Nguyễn Tuấn Hưng nguyên là Kế toán trưởng của cơ quan báo Đại Đoàn Kết sau khi chuyển công tác vào Ban Đại diện TP.HCM cho biết tình hình tài chính của báo rất xấu, nợ nần, mất cân đối lên đến nhiều tỷ đồng. Công tác quản trị, kiểm soát hoạt động tài chính ở báo Đại Đoàn Kết rất tùy tiện, tùy theo các sếp, kế toán trưởng như ông Hưng chỉ biết phải làm theo rồi “biến báo” cho hợp pháp... Do sợ trách nhiệm vì phải chấp hành và hợp thức hóa các sai trái về tài chính của các “sếp” cùng với sự xuất hiện ông Đinh Quang Sơn (cháu ruột ông Lập) tại Ban Tài chính Kế hoạch của báo, nên ông Hưng đã phải vội vàng rời bỏ vị trí kế toán trưởng vào Ban Đại diện TP.HCM công tác. Việc vào miền Nam công tác không đúng nghề nghiệp chuyên môn của ông Hưng, phụ trách quảng cáo phát hành ở phía Nam trong 6 tháng ông Hưng thấy không hiệu quả nên đã xin nghỉ không hưởng lương chờ tìm việc khác để chuyển công tác hơn một năm qua.

Ông Đinh Quang Sơn về báo Đại Đoàn Kết đầu tiên để làm công tác kỹ thuật vi tính. Sau đó được ông Lập chuyển qua Ban Kế hoạch – Tài chính làm kế toán dưới quyền ông Nguyễn Tuấn Hưng (kế toán trưởng). Chưa đầy một năm làm kế toán viên, ông Sơn đã được chú ruột là ông Lập bổ nhiệm Phụ trách Ban Kế hoạch – Tài chính kiêm vị trí Kế toán trưởng báo Đại Đoàn Kết ngay sau khi ông Hưng xin chuyển công tác vào miền Nam.

Việc ông Lập quá vội vàng bổ nhiệm ông Sơn là cháu ruột của mình vào vị trí quản lý tài chính của cơ quan báo ĐĐK gây ra nhiều dư luận không tốt và có nhiều khuất tất. Nhận thấy sự bức xúc của dư luận tại báo Đại Đoàn Kết về vấn nạn cơ chế “cháu trình – chú duyệt”, Đảng Đoàn MTTQVN đã có kết luận ngày 29/6/2012  chỉ đạo ông Lập phải điều chuyển công tác ông Đinh Quang Sơn sang vị trí khác cho phù hợp. Thế nhưng sau nhiều tháng trì hoãn, khi có đơn tố cáo của nhiều người, và lãnh đạo cấp trên phải nhiều lần nhắc nhỡ, ông Lập mới ký quyết định đề ngày 10/8/2012 chuyển ông Sơn sang Phụ trách Ban TT-QC-PH (thay ông Xuân Huy bị kỷ luật cách chức), tuy nhiên quyết định này chỉ được công bố vào ngày 23/8/2012 và cho phép ông Sơn thực hiện các trách nhiệm có liên quan tới tài chính đến 30/9/2012. Cuối năm 2012, ông Đinh Quang Sơn còn bị phát giác dính vào vụ chiếm dụng hàng chục tỷ đồng tiền góp vốn của cán bộ phóng viên báo Đại Đoàn Kết cho dự án chung cư Đại Kim, nay ông Sơn đã bỏ trốn.

Tình hình nợ nần các nhà in của báo Đại Đoàn Kết hiện nay cũng là một ẩn số to tướng. Báo Đại Đoàn kết hiện nay in ở các nhà in trên địa bàn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Hầu hết ở các nhà in này, báo Đại Đoàn Kết đều đang nợ nần đầm đìa.

Kết quả của tình hình thiếu minh bạch về tài chính của báo Đại Đoàn kết mà bất kỳ CBPVNV nào của báo cũng biết là: lượng báo phát hành không tăng như kế hoạch hàng năm đề ra; lương và nhuận bút của người lao động, của phóng viên bị sụt giảm đáng kể; nhiều chi phí công tác chính đáng khác bị cắt giảm trong khi vẫn phát sinh các chi phí kém hiệu quả (như các chuyến đi vận động bán báo mang tính hình thức, tốn kém nhưng không làm tăng thêm số lượng báo trong nhiều năm qua; các chuyến đi công tác nước ngoài của cả đoàn cán bộ lãnh đạo báo chủ yếu là đi chơi tốn kém trong lúc kinh tế của báo khó khăn...).

Trước sự thiếu minh bạch trong cách điều hành của chú cháu ông Đinh Đức Lập, để làm rõ tình hình tài chính của báo Đại Đoàn Kết nhằm xử lý và khắc phục các tồn tại tiêu cực, cần có cuộc thanh tra chuyên môn về công tác quản lý tài chính của báo trong thời gian qua.

Đề nghị này của chúng tôi đã được Tổ Công tác của UBTWMTTQVN do Phó chủ tịch Lê Bá Trình phụ trách ghi nhận là có cơ sở. Tại buổi làm việc chiều ngày 10/1/2013, Tổ Công tác bao gồm: Phó chủ tịch Lê Bá Trình (Phụ trách Khối báo và tạp chí của MTTQVN), Phó chủ tịch Bùi Thị Thanh (phụ trách Khối Tổ chức cán bộ; kiêm Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy UBTWMTTQVN), Phó chủ nhiệm UBKT Đảng ủy Nguyễn Anh Xuân và Phó Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật Phạm Thị Hương đã khẳng định các căn cứ trong đơn tố cáo để dẫn tới đề nghị tiến hành thành lập đoàn thanh tra có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ để tiến hành thanh tra tài chính toàn diện báo Đại Đoàn kết là có cơ sở. Tổ Công tác sẽ trình đề nghị này lên lãnh đạo UBTWMTTQVN để xem xét tổ chức thành lập đoàn thanh tra có đầy đủ chuyên môn nghiệp vụ thực hiện việc thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết  trong thời gian sớm nhất.

Thế nhưng, đã 4 tháng trôi qua, cho tới nay lãnh đạo UBTWMTTQVN vẫn chưa thực hiện việc thanh tra tài chính báo Đại Đoàn Kết để làm rõ thực trạng “sức khỏe” tài chính của cơ quan này một cách công khai minh bạch và đúng pháp luật.

Trong khi đó, tình hình tài chính tại báo Đại Đoàn Kết đang ngày càng phức tạp và mù mờ, không ai rõ thực hư ra sao ngoài những lời tự tuyên bố của ông Đinh Đức Lập. Ngay cả tiền góp vốn cho dự án Đại Kim của tập thể cán bộ, phóng viên, nhân viên báo Đại Đoàn Kết còn bị ngang nhiên “thụt két”, chiếm dụng nhiều tỷ đồng trong suốt nhiều năm qua hiện cũng còn chưa được làm rõ. Những người có hành vi vi phạm hiện cũng chưa bị kiểm điểm, xử lý minh bạch. Có người, mà cụ thể là cháu ruột ông Lập, đang bỏ trốn khỏi cơ quan, lẫn tránh trách nhiệm vẫn cứ được ông Lập bao che, làm ngơ...
Riêng ông Đinh Đức Lập không biết trình độ hiểu biết pháp luật ra sao mà thường xuyên viện dẫn Nghị định 43 (Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 “Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”), để tự cho mình cái quyền thích làm gì thì làm, bất chấp các quy định của pháp luật. Ông Lập quên rằng ngay trong NĐ 43 này cũng ghi rất rõ ràng rằng: “Thực hiện quyền tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp và trước pháp luật về những quyết định của mình; đồng thời chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật; Thực hiện công khai, dân chủ theo quy định của pháp luật”.
NĐ 43 của Chính phủ nhằm mục đích khuyến khích tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị sự nghiệp công lập trên tinh thần phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực có liên quan. NĐ 43 khuyến khích tinh thần tự chủ không đồng nghĩa với việc cho phép những người đứng đầu các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện nghị định này có quyền tùy tiện vi phạm pháp luật, thích làm gì thì làm bất chấp các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức khác, cũng như của toàn xã hội.
Ví dụ cụ thể, về trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thực hiện NĐ 43, trong lĩnh vực sử dụng, quản lý và đãi ngộ lao động, tại Khoản 5, Điều 31 NĐ 43 ghi rõ: “Tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chế độ, quyền lợi về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, chế độ bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn đối với người lao động của đơn vị theo quy định của pháp luật”. Như vậy, tất cả các chế độ đều phải theo quy định của pháp luật chứ không phải tùy tiện, tùy thích và tùy vào mối quan hệ phe nhóm như ông Đinh Đức Lập đã hành xử trong nhiều năm qua tại báo Đại Đoàn Kết.
Một điều hết sức đơn giản mà bất kỳ ai có kiến thức sơ đẳng về pháp luật cũng hiểu. Nghị định là văn bản dưới luật, khi thực hiện thì nghị định phải phù hợp quy định của các đạo luật hiện hành. Thế nhưng, có một thực tế đáng buồn là ông Đinh Đức Lập lại thường xuyên đưa NĐ 43 của Chính phủ ra để bào chữa cho các hành vi vi phạm pháp luật của chính ông với chiêu bài  báo Đại Đoàn Kết phải “tự hạch toán, tự chủ toàn diện” nên thủ trưởng có mọi quyền hành theo kiểu "thích ban cho ai cái gì thì ban" (?).
Ông Đinh Đức Lập cũng quên rằng việc báo Đại Đoàn Kết tự hạch toán, tự chủ về tài chính đã được thực hiện từ hơn 20 năm qua, khi chưa có mặt ông Đinh Đức Lập tại báo này. Các tổng biên tập tiền nhiệm của ông Lập vẫn thực hành “tự chủ” một cách chính danh trên tinh thần thượng tôn pháp luật và xây dựng vung đắp cơ ngơi của báo hàng chục năm qua cho tới thời ông Lập. Chẳng hiểu sao, cho tới thời ông Lập làm tổng biên tập thì việc “tự chủ” tại báo Đại Đoàn Kết lại phải kèm theo điều kiện là “bất chấp pháp luật”, tùy tiện và vi phạm các quy tắc dân chủ, công khai, minh bạch tại cơ sở?
(Còn tiếp)
Loạt bài “Những sai phạm có hệ thống của ông Đinh Đức Lập tại báo Đại Đoàn Kết”:

Bài 10: Chính ông Đinh Đức Lập mới là đối tượng có hàng loạt sai phạm cần phải đình chỉ công tác để xem xét kỷ luật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét