Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh vai trò của đổi mới thể chế trong thông điệp đầu năm, đồng thời cho rằng xã hội chủ nghĩa là chế độ "phải ưu việt hơn về dân chủ".
Trong bài viết được các báo trong nước đăng toàn văn hôm 1/1, ông Nguyễn Tấn Dũng thừa nhân năng lực cạnh tranh, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam đang "chậm lại" trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, "xã hội cũng không có ít vấn đề bức xúc," ông nhận định.
Theo ông Dũng, nguyên nhân xảy ra những vấn đề nêu trên là do "động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển" và vì vậy, "cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững".
"Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân", trích bài viết.
"Ưu việt hơn về dân chủ"
Trong bài viết của mình, ông Dũng nói "dân chủ và nhà nước pháp quyền là cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại" và dân chủ là "xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người".
Mặc dù thừa nhận từ chế động phong kiến lên chế độ tư bản là "những bước tiến dài về dân chủ", Thủ tướng Việt Nam vẫn cho rằng chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ "ưu việt hơn".
"Chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng phải ưu việt hơn về dân chủ và Đảng ta phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ," bài viết có đoạn.
"Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, cũng là nhằm phát huy tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân".
Bài viết của ông Dũng khẳng định "Người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm ... Cơ quan nhà nước ... chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép".
Tuy nhiên, ông cũng biện minh rằng "mọi hạn chế quyền tự do của công dân" hiện nay là "nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc."
"Tư tưởng tiến bộ"
Trả lời phỏng vấn BBC ngày 2/1, Giáo sư Tương Lai nói ông "mừng" và "thú vị" trước thông điệp của thủ tướng mà ông cho là đại diện cho một tư tưởng "tiến bộ".
"Đã lâu lắm rồi mới được nghe một người lãnh đạo có trọng trách nói lên một sự thật lớn lao, một khát vọng của nhân dân," ông nói.
"Việt Nam giành được độc lập, nhưng độc lập mà không có dân chủ, không có tự do, thì độc lập đó cũng không có ý nghĩa gì."
Ông cũng cho rằng "người ta biết rõ điều này từ lâu lắm rồi", nhưng "sợ nếu làm thì sẽ lung lay mất chế độ toàn trị mà người ta đang cố duy trì" và nhận định "đó là nguồn gốc sâu xa đẩy tới sự khủng hoảng toàn diện của xã hội Việt Nam trong thời gian qua".
"Nhà nước không cai trị bằng pháp luật, mà bằng nghị quyết. Mà nghị quyết là của ai? Của một nhóm người. Đó không phải là cai trị bằng pháp luật", ông nói.
"Một xã hội toàn trị phản dân chủ thì làm sao xã hội phát triển lành mạnh, nền kinh tế làm sao phát triển bền vững?"
"Vì thế tôi rất thú vị khi ông nhấn mạnh dân chủ và nhà nước pháp quyền là một cặp song sinh trong một thể chế chính trị hiện đại."
"Phải nói đây là một tư tưởng tiến bộ."
Vì sao nhắc đến dân chủ?
Trả lời câu hỏi của BBC về việc liệu có nên đặt dân chủ chung với Chủ nghĩa xã hội như trong thông điệp của Thủ tướng Dũng hay không, Giáo sư Tương Lai nói:
"Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được."
"Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được."
"... Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân."
Bình luận về lý do vì sao ông Dũng lại chọn thời điểm này để nhấn mạnh về vấn đề dân chủ, giáo sư Tương Lai cho rằng "muốn được lòng dân, muốn nhân dân tán thành với mình, không có gì hơn là bây giờ phải nói lên sự thật."
"Tôi thấy đã đến lúc đem vấn đề dân chủ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đó là nội dung bức xúc nhất mà người dân Việt nam mong muốn. Ai nói được điều này, là đáp ứng được lòng mong mỏi của dân," ông nói.
"Cho nên việc nêu vấn đề dân chủ lúc này là rất đúng lúc và kịp thời."
"Người nào làm được điều đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của dân, dù là x,y,z hay a,b,c cũng không quan trọng."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét