Thứ Sáu, 27 tháng 3, 2015

“Chắp cánh cho hổ”!

Mặc dù liên tiếp là quốc gia trong top đầu xuất khẩu lúa gạo trên thế giới  mấy chục năm qua, nhưng người nông dân Việt Nam, đặc biệt là người trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long  (ĐBSCL) vẫn chưa giàu lên như mong muốn.  Ngược lại, mỗi năm cứ tới mùa thu họach, điệp khúc “được mùa rớt giá” liên tục tái diễn gây nên bao nỗi lo âu, thiệt hại cho người trồng lúa.  Đáng nói là từ hơn 6 năm qua, Chính phủ đã có chương trình hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm nhằm mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ người trồng lúa không bị “rớt giá”, giữ mức sàn lợi nhuận ít nhất từ 30% trở lên. Tuy nhiên, chương trình này sau một thời gian khá dài đã tỏ ra có khá nhiều bất cập, nguồn lực đầu tư khá lớn nhưng không mang lại lợi ích thật sự cho người nông dân.

Chương trình thu mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ đông xuân năm 2015 ở ĐBSCL đã triển khai được hơn nửa tháng, chỉ mới đi được 1/3 chặng đường. Thế nhưng xu hướng giá lúa gạo tại đây lại đang có dấu hiệu rớt giá sau tuần lễ đầu tiên nhích lên một ít. Điều này cho thấy một thực tế đáng buồn trong nhiêu năm qua là hiệu quả hết sức hạn chế của chương trình thu mua tạm trữ đối với mục tiêu mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Đặc điểm khá rõ của vùng trồng lúa ĐBSCCL là cứ vào vụ mùa, khi người dân dân thu hoạch thì lượng lúa hàng hóa tăng lên rất lớn. Do điều kiện tài chính cũng như cơ sở hạ tầng yếu kém không thể xử lý tốt sau thu hoạch và dự trữ, người nông dân  buộc phải bán đi phần lớn lượng lúa ngay sau khi thu hoạch. Vào thời điểm này, quyền lực của người trồng lúa trong chuỗi sản xuất lúa gạo trở nên yếu thế nhất. Họ không thể trở thành người quyết định giá cả thị trường hoặc chí ít có khả năng và điều kiện để đàm phán ngang ngữa với giới kinh doanh.  Các doanh nghiệp hoặc thương lái kinh doanh lúa gạo tất nhiên vì lợi nhuận sẽ tìm mọi cách để mua được giá thấp nhất.

Chính từ đặc điểm này mà chính sách hỗ trợ vốn và lãi suất cho doanh nghiệp của Chính phủ ra đời cách đây sáu năm mang tên “Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo”. Mục tiêu cuối cùng như đã nói, là sử nguồn lực tài chính ưu đãi  của Chính phủ nhằm can thiệp vào thị trường lúa gạo vào lúc nguồn cung đang trở nên dồi dào nhất để hạn chế việc ép giá nông dân. Tuy nhiên, những năm gần đây bên cạnh việc cung cấp tài chính ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ lúa gạo, Chính phủ còn cho phép việc thu mua tạm trữ này của doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường. Nếu căn cứ vào cơ chế thị trường thì doanh nghiệp có toàn quyền quyết định giá cả thu mua sao cho đảm bảo lợi ích của chính họ hơn là phục vụ lợi ích của người trồng lúa. Trong khi đó, họ lại được hưởng một phần đáng kể nguồn lực tài chính ưu đãi từ Chính phủ. Thực chất, những ưu đãi tài chính từ Chính phủ cũng là một phần của nguồn lực quốc gia nhằm mục tiêu can thiệp vào thị trường lúa gạo trong thời điểm nhạy cảm nhất để phần nào cân bằng quyền lực của các bên tham gia chuỗi sản xuất. Chính phủ sử dụng nguồn lực này nhằm ngăn chặn việc áp đặt quyền lực của kẻ mạnh lên trên người yếu thế để đảm bảo việc cân bằng lợi ích chính đáng của các bên.

Không ít chuyên gia đặt vấn đề, vì sao Chính phủ không sử dụng nguồn lực này để đầu tư trực tiếp cho người nông dân, thông qua các chương trình nâng cao nguồn lực tài chính, năng lực sản xuất cũng như tạm trữ của chính họ. Từ đó giúp cho người nông dân nâng cao vị thế và tăng thêm quyền lực của họ trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo. Khi đó, người trồng lúc sẽ dần dần thoát ra khỏi tình trạng là nhóm yếu thế liên lục bị chèn ép, liên tục phải cam chịu cảnh “được mùa rớt giá”.

Việc thu mua tạm trữ lúa gạo diễn ra trong một thời gian không dài, lại triển khai trên một địa bàn khá rộng lớn. Do đó, khâu tổ chức, giám sát của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Thường phải giao cho Hiệp Hội Lương thực Việt Nam (VFA) đứng ra làm đầu mối trung gian, phân bổ chỉ tiêu thu mua cho các địa phương và doanh nghiệp. Việc này tất nhiên hình thành cơ chế xin – cho, ần chứa nhều bất cập. Năm nào các địa phương và doanh nghiêp cũng kêu ca, phàn nàn về kế hoạch phân bổ chỉ tiêu của VFA. Chưa kể, hiện các doanh nghiệp trực thuộc VFA lại chiếm khoảng hơn 40% thị phần xuất khầu lúa gạo nên khả năng tác động tới thị trường của các doanh nghiệp này là rất đáng kể.

Do có điều kiện  kiểm soát thị trường và chiếm phấn lớn nguồn lực quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất xuất khầu lúa gạo, các doanh nghiệp của VFA có lợi thế rất lớn, chiếm giữ thế mạnh trong việc quyết định giá cả lúa gạo trên thị trường nội địa. Trong khi đó, việc xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam hàng chục năm qua tuy đứng nhất nhì thế giới về số lượng, song chất lượng và giá trị hàng hóa mang về cho đất nước là chưa đạt yêu cầu. Nổi tiếng thế giới về xuất khẩu gạo, song cho tới nay Việt Nam chưa xây dựng được bất kỳ một thương hiệu lúa gạo uy tín nào trên thị trường thế giới. Gạo xuất khẩu của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu vào loại chất lượng thấp, giá rẻ. Hầu hết các hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp Việt Nam dành được cũng từ việc hạ giá bán tới mức thấp nhất. Cũng chính từ việc xuất khầu lúa gạo giá thấp, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể kiếm lời bằng cách ép giá người trồng lúa trong nước. Hỗ trợ thêm nguồn lực cho chính những nhóm đang chiếm giữ thế mạnh chẳng khác nào “chắp cánh cho hổ”, gia tăng thêm quyền lực trong mối quan hệ với người trồng lúa vốn đã, đương nhiên là nhóm yếu thế. Lẽ ra chính người trồng múa mới chính là nhóm phải được hỗ trợ thêm nguồn lực từ nhà chức trách để hy vọng tạo ra thế cân bằng đảm bảo lợi ích hài hòa cho các bên.


Phân tích hiện tượng giá lúa ở ĐBSCL đang quay đầu giảm xuống giữa lúc chương trình thu mua tạm trữ đang triển khai và các hợp đồng xuất khẩu gạo cho Philippines đang bắt đầu thực hiện chúng ta thấy chẳng có gì đáng ngạc nhiên trước tác động của kẻ mạnh. Mức giá trúng thầu với Philippines vừa qua trung bình từ 421-441USD/tấn gạo, giá CIF (tức là giao hàng tại kho nước nhập). Như vậy, để có được lợi nhuận trong thương vụ này, các doanh nhiệp chỉ có thể mua gạo nội địa ở mức dưới 360USD/tấn, quy ra khoảng 7.500 đồng/ký. Điều này cho thấy sự hợp lý của “kẻ mạnh” trong chuỗi giá trị sản xuất và xuất khẩu lúa gạo khi điều chỉnh giá lúa gạo của thị trường trong nước phải giảm xuống ngay trong lúc chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hỗ trợ nông dân theo mục tiêu của Chính phủ đang được rầm rộ triền khai.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét