Không đổi mới được tư duy cán bộ thì không thể thay đổi hiện trạng của nền kinh tế. Cải cách thể chế cuối cùng phải trở về điểm khởi đầu là đổi mới con người. Không phải vô tình mà ngay từ những ngày đầu của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ "công bộc” khi nói về thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức nhà nước đối với dân. Đó chính là tuyên ngôn rõ ràng nhất về sự công nhận quyền lực nhà nước thuộc về người dân.
|
Năm 2008, Việt Nam đạt mức thu nhập bình quân đầu người trên 1.000 USD, trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, theo tiêu chí của Ngân hàng Thế giới. Ngay sau đó, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bộc lộ những dầu hiệu tiêu biểu của "bẫy thu nhập trung bình”, như: tăng trưởng chậm; năng suất kém; chuyển dịch cơ cấu chỉ mang tính hình thức; trì trệ trong các chỉ số xếp hạng toàn cầu; và các mặt trái nảy sinh do tăng trưởng như vấn nạn tham nhũng, môi trường… Tuy nhiên, theo các chuyên gia hãy còn quá sớm để kết luận Việt Nam đã dính "bẫy thu nhập trung bình”. Nếu hiểu bẫy thu nhập trung bình là tình trạng một quốc gia không thể thoát khỏi thu nhập trung bình để tiến lên mức thu nhập cao trong một thời gian dài.
Mặc dù vậy, nguy cơ dính bẫy thu nhập trung bình cũng là một lời cảnh báo cần thiết để các nhà chức trách Việt Nam có các động thái tích cực phòng tránh một cách hữu hiệu trước khi quá muộn. Bởi có một thực tế mà ai cũng thấy, sau gần 30 năm đổi mới, so với bản thân trong quá khứ thì kinh tế Việt Nam tiến rất xa, nhưng so với khu vực và nhiều nước trên thế giới thì họ đã tiến nhanh hơn ta gấp nhiều lần. Nhận định về tình trạng này của đất nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 2015 cho biết: "Những hạn chế, yếu kém trên đây đã được Đảng, Nhà nước chỉ ra nhiều lần và đã có chủ trương giải quyết… Vấn đề ở đây là việc khắc phục có phần quá chậm chạp”. Từ nhận nhận định trên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh giải pháp trước hết là vấn đề nhận thức của các cấp, các ngành. Phải nhìn thẳng vào sự thật, thực sự đối mặt với thách thức đang cản trở sự phát triển, phải có quyết tâm cao, xem đây là vấn đề sống còn phải vượt qua, phải nhanh chóng khắc phục cho được mọi cản trở chủ quan trên con đường phát triển đất nước. Từ kinh nghiệm thành bại của nhiều nước trên thế giới, Chủ tịch nước khẳng định: "Có thể thấy hai yếu tố nổi trội mà ta phải rất lưu tâm là thể chế kinh tế và con người”.
Các thông điệp từ Chính phủ Việt Nam gần đây cho thấy cải cách thể chế kinh tế phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trọng tâm của cả bộ máy này từ trung ương tới địa phương. Ngay từ Thông điệp đầu năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ rõ: "Để phát huy tốt nhất quyền làm chủ của Nhân dân, Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển. Nhà nước không làm thay dân mà phải tập trung xây dựng khuôn khổ thể chế phù hợp và tạo điều kiện cần thiết để mọi người phát huy năng lực và sức sáng tạo vì lợi ích của chính mình và đóng góp cho xã hội. Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực mà còn tạo điều kiện cho xã hội thực hiện những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn”.
Khái niệm "Nhà nước kiến tạo” thực ra không phải mới lạ với các nhà nghiên cứu cũng như với nhiều mô hình nhà nước của các quốc gia phát triển trên thế giới hiện nay. Các nghiên cứu thực tiễn đã chỉ ra có những nguyên tắc và dấu hiệu đặc trưng để nhận ra mô hình Nhà nước kiến tạo. Theo đó, Nhà nước kiến tạo dựa trên một thể chế chính trị trong đó quyền lực không bị tập trung vào một bộ phận của Nhà nước mà có sự phân tán và cân bằng tương đối. Nhà nước kiến tạo đảm bảo cho các cá nhân, tổ chức có thể tham gia vào quy trình sản xuất kinh doanh một cách công bằng mà không bị ảnh hưởng bởi các rào cản chính sách và độc quyền. Nhà nước kiến tạo cũng đảm bảo cho việc phân phối một cách tương đối công bằng những thành quả của phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và hiện thực hóa cơ chế để cho người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường sự công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.
Trong những năm gần đây rất nhiều văn bản pháp luật, không ít đề án cải cách, nghiên cứu khoa học và hội thảo được ban hành và tổ chức có liên quan tới lĩnh vực đổi mới thể chế kinh tế, thể hiện ý chí và quyết tâm thay đổi mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam. Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần phải có sự thay đổi ngay lập tức, theo các chuyên gia đó là tư duy của các nhà chức trách có liên quan tới việc vận hành thể chế. Có không ít trường hợp luật xây dựng rất cởi mở thông thoáng, nhưng văn bản hướng dẫn dưới luật thì lại thắt chặt, gây khó dễ cho người dân. Chưa kể, không loại trừ những trường hợp vì lợi ích riêng tư các cán bộ thực thi lạm dụng quyền hạn, sự mập mờ của văn bản luật mà đòi hỏi, nhũng nhiễu người dân. Do vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh, "cần phải chấm dứt tư duy làm quản lý là tôi có quyền quản anh và tôi có quyền yêu cầu anh mọi điều. Phải chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, vì doanh nghiệp, vì người dân vì họ là những người đóng thuế. Bộ máy quản lý có trách nhiệm phải tạo điều kiện thuận lợi nhất làm sao cho họ hài lòng nhất”.
Rõ ràng, không đổi mới được tư duy cán bộ thì không thể thay đổi hiện trạng của nền kinh tế và cải cách thể chế cuối cùng phải trở về điểm khởi đầu là đổi mới con người. Không phải vô tình mà ngay từ những ngày đầu của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng từ "công bộc” khi nói về thái độ, trách nhiệm của cán bộ công chức nhà nước đối với dân. Đó chính là tuyên ngôn rõ ràng nhất về sự công nhận quyền lực cao nhất trong xã hội thuộc về người dân. Từ tư tưởng nền tảng này, việc tổ chức, hoạt động của chính quyền, trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ công chức phải được thể chế hóa trên tinh thần phục vụ những người chủ đích thực của đất nước, những người xây dựng nên chính quyền nhân dân, đóng thuế và nuôi dưỡng chính quyền này vận hành vì lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Hữu Nguyên
|
Nguồn báo Đại Đoàn Kết |
Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015
“Nhà nước kiến tạo” có trách nhiệm phục vụ dân
Nhãn:
Báo chí,
Chính trị,
Đại Đoàn Kết
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét