Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Để lòng yêu nước thành sức mạnh đại đoàn kết

Từ nhiều năm qua, với cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, nhà nước Việt Nam đã có những đường hướng chiến lược phù hợp với tinh thấn đại đoàn kết dân tộc. Trước hết là các nhận định và đánh giá đúng vị thế, tiềm lực. Kiều bào được xem là một bộ phận không thể tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Kế tiếp là việc thực thi chủ trương này một cách kiên trì, quyết liệt và cầu thị hướng tới mục tiêu tạo mọi điều kiện thuận lợi để kiều bào gắn bó với quê hương, huy động sức mạnh của nguồn lực kiều bào một cách tốt nhất cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Trong thực tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng có những đóng góp to lớn cho đất nước, góp phần không nhỏ cho sự ổn định và phát triển kinh tế xã hội đất nước trong nhiều thập niên qua. Một báo cáo nghiên cứu về toàn cảnh kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp của kiều bào co sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước mói đây của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy lượng kiều hối gởi về Việt Nam trong giai đoạn 1991-2014 đã vượt mức 90 tỷ USD. Đây là nguồn vốn lớn thứ hai chỉ sau vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) và lớn hơn cả nguồn vốn viện trợ phát triển (ODA). Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng chỉ rõ trong năm 2014 dòng vốn kiều hối chảy vào khu vực sản xuất kinh doanh đã giảm đáng kể so với giai đọan từ 3-5 năm trước đây. Phần lớn người nhận kiều hối gởi tiền vào ngân hàng để lấy lãi, một phần đáng kể khác thì mua vàng tích trữ và  đổ tiền vào bất động sản. Số liệu của tổ chức Western Union cũng cho thấy Việt Nam là một trong top 10 quốc gia nhận nhiều kiều hối nhất trên thế giới. Hiện có khoảng 4 triệu người Việt Nam sống ở nước ngoài, hàng năm chuyển tiền về từ 187 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Có thể nói chính sách thông thoáng, kinh tế cởi mở và nhiều cố gắng cải thiện môi trường, thủ tục hành chính của nhà nước Việt Nam trong mấy thập niên qua trên thực tế đã tạo điều kiện rất lớn cho dòng kiều hối chảy về nước mỗi năm một tăng cao bất chấp khủng hoảng kinh tế thế giới. Việc sử dụng nguồn vốn này tuy còn nhiều điều đáng nói, song cũng đã góp phần không nhỏ ổn định và thúc đẩy kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, ngoài nguồn lực tài chính,  kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài còn  một tiềm lực khác có giá trị vô song nhưng chưa được thu hút về nước đúng tầm vóc của nó. Theo các chuyên gia, nguồn lực quan trọng này vẫn còn đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc huy động đóng góp cho việc xây dựng và phát triển đất nước một cách hiệu quả hơn do các chính sách bất cập. Đó là nguồn lực chất xám, sức mạnh trí tuệ của hơn 400.000 nhà khoa học, trí thức, chuyên gia người Việt đang làm việc trong các cơ quan nghiên cứu cao cấp của các nước phát triển trên thế giới. Cho đến nay, số lượng trí thức hàng đầu của cộng đồng người Việt ở nước ngoài về nước làm việc trong thời gian qua còn rất khiêm tốn.

Mặc dù đã có rất nhiều cố gắng luật hóa chủ trương thu hút nguồn lực kiều bào về quê hương đóng góp xây dựng, phát triển đất nước trong thời gian qua. Song  trên thực tế cho tới nay theo đánh giá của giới chuyên gia, Việt Nam vẫn chưa có chính sách phù hợp, thực sự có khả năng thu hút nguồn lực chất xám kiều bào. Vẫn còn độ vênh khá lớn giữa môi trường nghiên cứu khoa học, môi trường làm việc tại các quốc gia phát triển và Việt Nam. Đặc biệt với các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ cao, ví dụ như nghiên cứu vũ trụ, nghiên cứu hạt nhân, chế tạo máy bay, y khoa, giáo dục sau đại học… Phần lớn những nhà khoa học có trình độ, năng lực đều đang được các chính phủ, hoặc các tổ chức nghiên cứu danh giá đang trọng dụng. Họ có công việc và môi trường nghiên cứu, làm việc rất tốt để phát triển khả năng sáng tạo của mình.

Ngay cả việc tạo diều kiện, tạo cơ chế để trí thức kiều bào có điều kiện thuận lợi và cơ hội giúp nước trong việc đóng góp chất xám từ xa cho các đề tài, dự án, chính sách phát triển của đất nước cũng còn gặp không ít hạn chế.  Thứ trưởng Bộ Ngoại giao,  Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn cũng từng phàn nàn về việc một số cơ quan nghiên cứu trong nước còn có thái độ chưa cầu thị với trí thức kiều bào. Ông Sơn cho biết, đề án về điện hạt nhân được sự đóng góp ý kiến của rất nhiều chuyên gia kiều bào là các nhà khoa học hang đầu trong lĩnh vực này trên thế giới. Những ý kiến đóng góp đó đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để nghiên cứu, đánh giá xem đúng hay không đúng như thế nào. Song hầu như các cơ quan chức năng của Việt Nam đều im lặng, không có sự trả lời nào.

Đặc biệt, cộng đồng người Việt Nam sống ở nước ngoài luôn giữ trong trái tim tình yêu Tổ quốc sâu sắc và đau đáu trước các diễn biến, nguy cơ xâm phạm chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên Biển Đông. Gần đây, nhà nước Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo khoa học chuyên đề trong và ngoài nước về tình hình Biển Đông có sự tham gia của nhiều nhà khoa học Việt Kiều trong lĩnh vực này. Đây là một cố gắng đáng kể của chính quyền nhằm minh bạch thông tin Biển Đông đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu về chủ quyền tai khu vực này, trong đó có các nhà nghiên cứu kiều bào. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nhà nước cần tổ chức hẳn các đơn vị nghiên cứu chính thức  tạo điều kiện huy động nguồn lực chất xám trong lĩnh vực này trong cộng đồng người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, Trong đó có không ít các chuyên gia giỏi về công pháp quốc tế, có kinh nghiệm về luật pháp liên quan tới vấn đề chủ quyền lãnh thổ,

“Mọi lý thuyết đều một màu xám xịt, chỉ cây đời là mãi mãi xanh tươi”. Chủ trương đúng đắn khi còn nằm trên giấy thì cũng chỉ là một màu xám xịt. Triển khai thực hiện, biến chủ trương thành hành động cụ thể, đúng đắn mới có thể phát huy được hiệu quả của ý tưởng và đạt được các mục tiêu mong muốn. Các chủ trương, chính sách thu hút, huy động được nguồn lực kiều bào cũng cần phải được cụ thể hóa như “cây đời mãi mãi xanh tươi”. Đối với các nhà khoa học, trí thức, ngoài việc cần phải có cơ chế chính sách, luật hóa cụ thể về vai trò, vị thế, điều kiện làm việc còn phải quan tâm đến các giá trị nhân văn. Coi trọng tri thức, coi trọng con người và hướng tới mục tiêu chung xuất phát từ lòng yêu nước chính là các tiền đề cơ bản. Các chủ trương chỉ thoát khỏi màu xám xịt, khi nó không chỉ dừng lại ở mức được luật hóa  mà còn phải phù hợp với thực tế, coi trọng cái tình, cái đạo lý. Đặc biệt là các chính sách, mục tiêu luôn phải hướng tới việc khơi gợi được lòng yêu nước vô bờ bến vốn là truyền thống, máu thịt của mọi người Việt Nam dù đang sinh sống ở bất cừ nơi đâu. Lòng yêu nước luôn gắn kết mọi người Việt dù trong bất cứ tình huống nào, bất cứ thời đại nào. Và đó chính là cội nguồn của sức mạnh đại đoàn kết giúp dân tộc ta vượt qua mọi tình huống hiểm nghèo nhất để tồn tại và phát triển tới ngày nay.

Hữu Nguyên




2 nhận xét:

  1. Đại đoàn kết rất quan trọng để giữ nước...Cảm ơn bài viết.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu muốn đại đoàn kết thì cần phải hoà giải-hoà hợp dân tộc.Đó là điều kiện
    ưu tiên quyết định kết quả những việc phải thực hiện sau đó.
    Chừng nào người ta hiểu rõ ý nghĩa thực của sự hoà hợp- hoà giải dân tộc
    thì chứng đó mới có đại đoàn kết dân tộc đích thực.

    Trả lờiXóa