“Bạn này ít nói nhỉ?”
Đã có ai từng hỏi bạn như thế trong một cuộc gặp gỡ chưa? Tôi thì đã được hỏi nhiều lần, trong các dịp networking (tạo dựng mối quan hệ), các chuyến thực địa, hay trong một bữa tiệc mà tôi không thân với ai trong số những người đến dự cả. Khi nghe câu hỏi ấy, tôi cảm thấy rất ngại và thường cố cười trừ cho qua, khi rời khỏi cuộc gặp, tôi luôn cảm thấy có lỗi, nhiều câu hỏi cứ quẩn quanh trong tâm trí tôi “Có vấn đề gì với mình vậy? Tại sao mình không thể nói nhiều hơn, quảng giao hơn như những người khác? Tại sao mình lại kém cỏi như vậy?” Sau một hồi cố tìm câu trả lời, tự dưng tôi lại thấy có phần ấm ức “Nhưng ít nói thì sao? Có gì sai với việc ít nói? Tại sao người khác lại cứ phải bình luận về việc tôi ít nói?”
Tính cách hướng nội và hướng ngoại
Phân tích cảm xúc của mình, tôi thấy mình ấm ức vì rõ ràng tôi không hẳn là một người ít nói, đồng nghiệp cùng cơ quan đều bất ngờ khi tôi kể mình được nhận xét là người ít nói. Khi ở môi trường mà tôi thấy thoải mái, như khi ở bên bạn thân hay ở cơ quan, tôi thể hiện là một người mạnh dạn và nói nhiều, nhưng cứ khi đi các sự kiện networking, tôi lại trở nên thu mình và ít nói. Sau mỗi lần đi như thế về, tôi thường cảm thấy “cạn” năng lượng và cần thời gian ở một mình để nạp lại nguồn năng lượng đó.
Đi tìm hiểu xem “vấn đề” của mình là gì, tôi làm Trắc nghiệm tính cách tâm lý Myers-Briggs (1), kết quả cho thấy tôi là một người hướng nội (introvert), ngược với tôi là những người hướng ngoại (extrovert). Có nhiều định nghĩa khác nhau về người hướng nội và người hướng ngoại, có thể hiểu đơn giản rằng người hướng ngoại hấp thụ năng lượng từ những người xung quanh nên họ luôn cần tiếp xúc với người khác để “nạp” năng lượng, còn người hướng nội tự tạo ra năng lượng của mình, thay vì hấp thụ từ người khác họ cho đi nguồn năng lượng của mình, do đó họ cảm thấy các hoạt động xã giao khá là “tốn sức” và họ cần thời gian sau đó để nạp lại năng lượng (2). Liệu đây có phải lý do cho “vấn đề” của tôi?
Thế giới chỉ yêu người hướng ngoại?
Nhắc lại câu chuyện của tôi khi tham gia các cuộc gặp xã giao, mà đối với tôi mỗi cuộc gặp là một “thử thách tinh thần”. Nỗ lực để kéo được bản thân đến cuộc gặp là một chuyện, nỗ lực để trải qua được cuộc gặp đó là một chuyện khác, nỗ lực ấy còn gặp chướng ngại vật là chính những câu nói tưởng chừng vô hại như “Bạn này ít nói nhỉ?” Những câu nói ấy làm người hướng nội càng tự định kiến, nghĩ rằng mình có vấn đề và càng lo lắng, áp lực rằng mình phải nói thì mới “bình thường”. Áp lực đó khiến họ càng thu mình, càng không muốn đến những nơi đông người vì không muốn bị đánh giá, không muốn phải “giả vờ” là một người khác để có thể hòa nhập.
Tác giả Susan Cain (3) viết trong cuốn sách của mình, cuốn “Im lặng: Sức mạnh của người hướng nội, trong một thế giới không bao giờ có thể lặng im”: “Chúng ta đang sống trong một hệ giá trị mà tôi gọi là Khuôn Mẫu Hướng Ngoại Lý Tưởng (the Extrovert Ideal)- một niềm tin có vẻ có mặt ở khắp mọi nơi rằng một con người lý tưởng với xã hội phải là một kẻ hoạt bát, xông xáo, năng nổ, hăng hái giao du rộng rãi, và có thể hoàn toàn thoải mái khi là trung tâm của mọi sự chú ý [...] Sự hướng nội - cùng với những tính cách đi kèm như tính nhạy cảm, sự nghiêm túc, và sự rụt rè - giờ đây đã trở thành những đặc điểm tính cách hạng hai, đâu đó nằm giữa một nỗi thất vọng và một chứng bệnh về tâm lý [...] Hướng ngoại là một tính cách cực kỳ hấp dẫn, nhưng chúng ta đã vô tình biến nó thành một thứ tiêu chuẩn đàn áp, và khiến cho phần lớn trong chúng ta cảm thấy mình buộc phải tuân theo (4).”
Sự thiên vị này dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của chúng ta và gây ảnh hưởng nhiều hơn chúng ta tưởng. Một ví dụ điển hình là các vòng tuyển dụng của các tập đoàn lớn dường như được thiết kế để tìm ra những người hướng ngoại nhất. Từ vòng hồ sơ bạn đã cần chứng minh mình tham gia nhiều hoạt động xã hội, mình là người hướng ngoại, năng nổ. Tiếp đến là vòng teamwork (làm việc nhóm), nơi thường biến thành sàn đấu của những người hướng ngoại khi bạn nói càng nhiều, càng to, thuyết trình càng hay thì bạn càng dễ lọt vào mặt xanh của nhà tuyển dụng. Cuối cùng là vòng phỏng vấn, tôi dám chắc những người hướng ngoại hoặc tỏ ra mình hướng ngoại sẽ dễ gây ấn tượng với nhà tuyển dụng hơn những người hướng nội. Tôi tự hỏi các công ty đã đánh mất bao nhiêu tài năng là người hướng nội chỉ vì các vòng tuyển dụng không được thiết kế phù hợp với họ?
Hiểu về khả năng của người hướng nội
Chúng ta thường có xu hướng nhận định những đứa trẻ hiếu động, nghịch ngợm là thông minh còn những đứa trẻ trầm tính, ít nói, ít bạn là không thông minh bằng, thậm chí có vấn đề. Cha mẹ thường cố sửa chữa những đứa con hướng nội của mình bằng cách khiến trẻ ra ngoài nhiều hơn, cho trẻ tham gia các lớp học kích thích hơn, ép trẻ “ra khỏi cái vỏ của mình” để được như những đứa trẻ hướng ngoại. Kèm theo đó là những câu nói như “Bạn kia chạy nhảy giỏi chưa kìa, sao con cứ ngồi lì một chỗ?” “Sao con không ra ngoài chơi mà cứ thích ở trong nhà?” Đơn giản những đứa trẻ hướng nội có một kiểu trí thông minh khác, chúng có thể thích suy nghĩ một mình và không thích các hoạt động quá kích thích. Tôi chợt nghĩ không biết có bao nhiêu đứa trẻ đã phải lớn lên trong lo sợ rằng mình có vấn đề, mình không bình thường, không thông minh và không có tiềm năng bằng những người bạn hoạt bát khác?
“Chúng ta luôn thích nghĩ rằng mình trân trọng mọi đặc tính cá nhân, nhưng quá thường xuyên, chúng ta chỉ trân trọng một loại đặc tính cá nhân mà thôi” (Susan Cain). Vì thế giới yêu người hướng ngoại, để cạnh tranh và thành công được trong công việc và cuộc sống, có vẻ người hướng nội chỉ có một cách duy nhất là cố gắng trở thành hoặc đóng vai người hướng ngoại. Nhưng có thực sự người hướng nội là những người thiếu sáng tạo và không có tài năng? Tổ chức mà tôi đang làm thường xuyên tổ chức các sự kiện ngoài trời thu hút sự tham gia của hàng nghìn người, các sự kiện được ghi nhận là sáng tạo, hấp dẫn và thú vị. Có thể bạn nghĩ những người đằng sau các sự kiện ấy ắt phải là những người hướng ngoại và nhiều năng lượng lắm, nhưng thực tế 70% những người làm việc toàn thời gian trong tổ chức của tôi nhận mình là người hướng nội. Rất nhiều người có đóng góp quan trọng trong lịch sử loài người cũng là người hướng nội như Isaac Newton, Albert Einstein, Frédéric Chopin, hay những nhà sáng tạo như Steven Spielberg, Larry Page, J. K. Rowling.
Ai cũng có quyền là chính mình!
Trước khi nói đến những thứ cao xa như thay đổi hệ giá trị của chúng ta sang đánh giá cao cả người hướng nội và người hướng ngoại, tôi muốn nói về thái độ của chúng ta với những sự khác biệt trong cuộc sống. Có những người thích hoạt động ngoài trời, thích gặp gỡ tiệc tùng, nhưng cũng có những người thấy thoải mái khi ở một mình, đọc sách, ở một nơi yên tĩnh, và tránh xa các đám đông. Có những người thích hành động, cũng có những người thích im lặng và suy nghĩ. Ở trong một cuộc gặp, thay vì hỏi những câu ngầm ý đánh giá như “Bạn này ít nói nhỉ?” hãy hỏi thẳng “Bạn có ý kiến gì cho vấn đề này không?” nếu họ chưa muốn nói, hãy tôn trọng lựa chọn của họ. Người hướng nội có cách riêng để đóng góp ý kiến của mình, nhiều khi trong một nhóm quá kích thích, họ không suy nghĩ được và có xu hướng ít đóng góp ý kiến. Họ sẽ dành thời gian về nhà nghiền ngẫm và gửi lại đóng góp cho bạn qua email hoặc một cách nào đó khác.
Bản thân những người hướng nội cũng cần hiểu về mình, rằng không có gì sai khi là một người hướng nội cả, những người hướng nội có thế mạnh riêng của mình và chỉ khi bạn chấp nhận con người mình, bạn mới có thể phát huy được tối đa những khả năng đó.
Tôi tin rằng ai cũng có quyền là chính mình, không ai có thể ép một người hướng nội trở thành hướng ngoại, hay ép một người hướng ngoại trở nên hướng nội. Tất cả là sự lựa chọn của cá nhân, việc chúng ta cần làm không phải là bám vào các khuôn mẫu và tạo áp lực lẫn nhau để ai ai cũng khít vừa khuôn mà là học cách chấp nhận và tôn trọng tính cách riêng cũng như lựa chọn của những người khác.
--------------------
(1) Trắc nghiệm tính cách tâm lý Myers-Briggs (viết ngắn gọn là MBTI): là một phương pháp sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm tâm lý để tìm hiểu tâm lý, tính cách cũng như cách con người nhận thức thế giới xung quanh, đưa ra quyết định cho một vấn đề (theo Wikipedia)
(2) Theo cuốn “Dr Carmella’s Guide to Understanding the Introverted” của tác giả Roman Jones
(3) Suscan Cain có bài nói chuyện nổi tiếng với gần 12 triệu lượt xem trên trang Ted.com về “Sức mạnh của người hướng nội”, xem tại: http://on.ted.com/Cain
(4) Bản dịch đoạn trích là của dịch giả Nguyễn Tiến Đạt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét