Trong
khi ngân sách quốc gia đang gặp nhiều khó khăn, nợ công đè nặng trên
vai mỗi người dân thì ở một số địa phương lại xuất hiện nhiều “dự
án nghìn tỷ” gây bức xúc dư luận. Các chuyên gia cho rằng, hiện tượng
này có nguồn gốc từ cơ chế xin – cho trong phân bổ ngân sách. Muốn
xin, việc đầu tiên là phải “vẽ” ra
dự án. Dự án được “vẽ” ra thì không phải lúc nào cũng thể hiện “ý
chí, nguyện vọng và quyền làm chủ” của nhân dân.
Luật Ngân sách Nhà
nước hiện hành cho phép nguồn tiền từ ngân sách quốc gia do trung ương
quản lý có thể được bổ sung cho các địa phương để cân đối ngân sách
hoặc chi theo các mục tiêu cụ thể. Khi còn chuyện trung ương rót tiền
cho địa phương chi tiêu thì không thể tránh khỏi cơ chế “xin – cho”. Cơ
chế này tự nó sẽ làm cho việc phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia
bị méo mó, bởi rất nhiều lý do không thể kiểm soát. Riêng chỉ để
thực hiện việc “xin – cho” cũng đã phát sinh nhiều chi phí bất hợp
lý, chẳng hạn như chi phí “vẽ” dự án, chi phí đi xin, chi phí xem
xét, duyệt cho… Chưa kể dự án đi xin thường được “vẽ” vống lên, to
hơn, đắt hơn để trung ương xem xét, cắt bớt là vừa.
Để giải quyết vấn
nạn này, các chuyên gia cho rằng cần thiết kế lại hệ thống phân bổ
nguồn lực tài chính quốc gia theo hướng phân quyền, phân cấp mạnh mẽ
cho địa phương. Việc phân cấp, phân quyền cho địa phương là rất cần
thiết trong tình hình hiện nay ở nước ta mà đặc biệt trong lĩnh vực
tài chính. Hệ thống phân cấp này được xây dựng theo nguyên tắc cái
gì thuộc trách nhiệm của quốc gia thì trung ương quyết, còn những gì
của địa phương thì không nên để địa phương phải chạy vạy đi xin trung
ương. Luật pháp và kỹ thuật quản trị nhà nước phải tạo ra được
hành lang pháp lý, cơ chế để thực thi việc phân quyền đó phù hợp
với thực tế phát triển quốc gia cũng như đặc thù của từng địa
phương. Sao cho mỗi cấp phân quyền phải tự mình quyết định thứ tự ưu
tiên cho việc chi tiêu ngân sách và tự mình phải chịu trách nhiệm
trước cử tri, trước pháp luật về những quyết sách đó. Cái gì thuộc
về trách nhiệm quốc gia, cái gì là của địa phương trong niên khóa
tài chính hàng năm cũng như trong dài hạn thuộc về trách nhiệm của
Quốc hội và các cơ quan dân cử các cấp. Công việc đó căn cứ vào
chiến lược phát triển và quy hoạch đã được các cấp có thẩm quyền
phê duyệt và tất nhiên phải đảm bảo nhận được sự đồng thuận của
nhân dân.
Đồng thời với việc
phân cấp, phân quyền cũng cần xác lập chế độ chịu trách nhiệm đối
với chính quyền các cấp; trách nhiệm giải trình trước nhân dân; và
cơ chế giám sát, kiểm soát dành cho mọi công dân, tổ chức khi có nhu
cầu. Quản trị quốc gia nói chung và quản lý nhà nước nói riêng trong
một xã hội dân chủ luôn đòi hỏi sự minh bạch và trách nhiệm giải
trình. Điều này có nghĩa rằng xã hội và mỗi công dân phải có quyền
được biết, được bàn, được giám sát và phản biện đối với các quyết
sách của các cấp chính quyền. Trong đó bao gồm cả các dự án có ý
nghĩa, có tác động xã hội, tiêu tốn ngân sách, tiền của nhân dân ngay
từ khi nó chỉ mới được khởi thảo và chuẩn bị chứ không phải buộc người
dân chấp nhận một việc đã rồi. Thời gian qua, các dự án mang tầm
vóc quốc gia như Đường sắt cao tốc Bắc – Nam, Sân bay Long Thành… đã
trải qua quy trình được coi là “phản biện xã hội tiền chính sách”
này, cả bên trong và bên ngoài Quốc hội. Vấn đề ở đây là các dự án
địa phương có được thực hiện theo một quy trình nghiêm túc tương tự
hay không?
Gần đây nhất là câu
chuyện về dự án xây dựng tượng đài, quảng trường… lên đến hơn nghìn
tỷ đồng ở Sơn La. Dù dự án này đã được Hội đồng Nhân dân tỉnh phê
duyệt, trong đó có căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan cấp trên,
song vẫn thiếu một căn cứ có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là ý
chí, nguyện vọng thực sự của người dân, được thể hiện và bảo dảm
thông qua một cơ chế phản biện xã hội tiền chính sách. Các đại biểu
HĐND do dân bầu ra, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ
của nhân dân địa phương. Có nghĩa là đại biểu dân cử phải lấy ý
chí, nguyện vọng của nhân dân làm tiêu chí hàng đầu cho các quyết
định của mình liên quan tới các vấn đề có ý nghĩa và tác động xã
hội. Thế nhưng, khi HĐND tỉnh Sơn La bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê
chuẩn đề án xây dựng tượng đài với tổng kinh phí 1.400 tỷ đồng, bao
gồm nguồn ngân sách trung ương, địa phương và vốn xã hội, trong các
căn cứ được viện dẫn không hề có nội dung nào thể hiện “ý chí,
nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân”.
Càng không thể viện
dẫn lý do các quan chức, đại biểu đã được dân bầu rồi thì không cần
phải hỏi ý kiến của dân như vụ “chặt cây xanh ở Hà Nội”. Đúng là
không phải bất kỳ việc gì cũng phải hỏi dân, song vởi các chính
sách, dự án lớn, tốn kém nhiều tiền
và có tác động xã hội nhất thiết không thể không có sự đồng thuận
của dân, được thể hiện và đảm bảo thông qua một quy trình “phản biện
xã hội tiền chính sách” như đã nói. Ngoài ra, quyền lực
đại diện của các vị đại biểu do dân bầu về bản chất không phải là cơ chế ủy
quyền pháp lý mà chỉ thể hiện sự tín nhiệm chính trị của các cử tri đối với
phẩm chất và năng lực của những người được lựa chọn. Do đó, phải có sự bảo đảm một cách khách quan rằng
họ luôn luôn quan tâm và hành động vì lợi ích của nhân dân.
Hữu Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét