Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Học để làm nông dân

Một đất nước có tới 70% dân số sống bằng nghề nông, thế nhưng hầu hết thanh niên nông thôn ưu tú đều muốn “ly nông”. Trong khi nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với vô số vấn đề cần phải được giải quyết từ vĩ mô tới vi mô. Thiếu vắng những người có tri thức và tâm huyết với nông nghiệp, rõ ràng sẽ không thể tận dụng được các lợi thế của lĩnh vực này cho yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nói chung.

Trong một thế giới hội nhập ngày càng sâu sắc, phần lớn các nông sản xuất khẩu của nước ta sau mấy thập niên tham gia “chợ toàn cầu” vẫn khiêm tốn đứng mãi ở quầy hàng giá trị thấp. Chúng ta tự hào là nước xuất khẩu nông sản với sản lượng đứng hàng nhất, nhì thế giới liên tục nhiều năm nhưng lại để mặc cho nông dân gánh chịu cảnh may rủi, bấp bênh trong việc tiêu thụ nông sản với điệp khúc “tới mùa rớt giá”. Thói quen sản xuất theo phong trào, bất chấp nhu cầu thị trường, chạy theo số lượng, coi thường chất lượng , bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm,  của nền nông nghiệp nước ta đang khiến người nông dân và nền kinh tế ngày càng trả giá đắt.

Sự bất cập ấy đã bộc lộ rõ trong tám tháng đầu năm 2015 khi xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chỉ đạt 19,31 tỷ USD, giảm 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Phần lớn các sản phẩm xuất khẩu chủ lực đều giảm sút. Chỉ có vải thiều, lần đầu tiên được chiếu xạ tiệt trùng, xuất được sang Mỹ, Úc, EU đạt giá trị 2.900 tỷ đồng là một bước tiến mới đáng ghi nhận. Còn tại thị trường trong nước, việc giá gà nhập khẩu từ Mỹ rẻ hơn gà ta, trái cây Thái Lan tràn vào Việt Nam đạt tới 54 triệu USD là chỉ dấu cho thấy nông sản Việt Nam có thể thua ngay trên sân nhà.

Trong năm 2015, Việt Nam kết thúc đàm phán hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) và cam kết thực hiện Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) từ 1-1-2016, nông sản các nước ASEAN vào thị trường Việt Nam với thuế suất bằng 0%.  Nếu như các FTA mở ra cơ hội xuất khẩu sang các thị trường có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nền kinh tế nước ta thì AEC là cộng đồng kinh tế của những nước có cấu trúc kinh tế tương tự  và cạnh tranh với ta trên nhiều mặt, trong đó có nông sản.  Các FTA cho phép mở cửa thị trường bằng giảm thuế suất nhập khẩu, song đồng thời cũng quy định những điều kiện khắt khe về vệ sinh an toàn thực phẩm  (như dư lượng kháng sinh trong thủy sản, dư lượng thuốc trừ sâu trong rau củ quả), cũng như những yêu cầu về nhãn mác, bao bì đóng gói, mã vạch.... Nếu không đáp ứng được những yêu cầu rất cao đó, nông sản Việt Nam sẽ khó nắm bắt được cơ hội xuất khẩu mà các FTA đã mở ra.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát thừa nhận, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thực tiễn mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt; tăng trưởng ngành chưa vững chắc. Hơn nữa, thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài và các nguồn lực xã hội vào thực hiện tái cơ cấu còn hạn chế.  Nguyên nhân của mọi nguyên nhân, theo Bộ trưởng Phát, là do sự chuyển biến trong nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng. Nhiều địa phương, lãnh đạo chưa thực sự quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, đến nay cả nước còn 16 tỉnh,thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch hành động tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương mình.

Chưa bàn tới năng lực, tư duy của những người có trách nhiệm trong việc hoạch định chính sách vĩ mô cho nông nghiệp nước nhà, chỉ nói tới nhận thức chung phổ biến của giới trẻ ngày nay đã thấy có vấn đề. Hãy nghe một chuyên gia nông nghiệp Israel nhận xét về định hướng nghề nghiệp của giới trẻ Việt Nam để tự hiểu mình hơn: “Đôi khi thế hệ trẻ Việt Nam nghĩ rằng nông nghiệp không dành cho họ. Họ muốn trở thành doanh nhân. Hay mọi người đều muốn làm trong ngành ngân hàng. Điều đó cũng tốt thôi. Nhưng tôi cho rằng ngành nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, bằng những đột phá công nghệ, có thể làm mới chính mình. Các bạn cần đột phá công nghệ khi trước khi làm ra sản phẩm. Nhưng các bạn cũng phải làm mới nông nghiệp, chỉ cho thế hệ trẻ thấy rằng nông nghiệp không nhất thiết phải làm theo cách cũ. Rằng nông nghiệp chính là tương lai. Đây không chỉ là nhu cầu riêng của Việt Nam mà còn là nhu cầu của toàn thế giới”.

Một mô hình được xem là tiên phong cho xu hướng đổi mới tư duy trong sản xuất nông nghiệp là Công ty Bảo vệ thực vật An Giang. Với điểm nhấn là chương trình “Cùng nông dân ra đồng” từ năm 2006, tạo nên chuyển biến nhảy vọt trong việc tiếp cận kỹ thuật canh tác hiện đại cho nông dân cả nước. Mới đây, công ty này đã chính thức đổi tên thành Tập Đoàn Lộc Trời. Ngay trong buổi lễ ra mắt, ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch tập đoàn, nhiều lần nhấn mạnh: nông dân là lực lượng quan trọng trong sự phát triển của tập đoàn, là những người chủ thực sự của tập đoàn. Triết lý kinh doanh này được ông Thòn đúc kết ngắn gọn mà sâu sắc: “Nông dân thịnh vượng, Lộc Trời bền vững”.

Thế giới đang tiến đến giai đoạn cần phải sản xuất nhiều hơn trong điều kiện tài nguyên ít hơn do sự gia tăng dân số toàn cầu, điều đó đòi hỏi sự chính xác cao trong nông nghiệp, hay nói cách khác là cần ứng dụng công nghệ và sự đổi mới trong công nghệ. Với tốc độ hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng hơn, nông nghiệp nước ta đang đứng trước tình trạng không còn chỗ để lùi. Phải gấp rút tái cơ cấu, chuyển sang canh tác trên những cánh đồng mẫu lớn, chuyển nông dân và ngư dân hoạt động đơn độc theo truyền thống trở thành những công nhân nông nghiệp, ngư nghiệp được đào tạo, có kỹ năng, biết liên kết, biết hợp tác và tuân thủ kỷ luật thị trường. Vai trò của Nhà nước từ trung ương đến địa phương là cực kỳ quan trọng trong cuộc thay đổi bước ngoặt này.

Hữu Nguyên




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét