Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2016

ĐIỀM BÁO


Đại Việt sử kí toàn thư viết, tháng 6 năm Mậu Dần (1278), có ngôi sao lớn sa về phương nam rơi xuống biển, hơn ngàn ngôi sao nhỏ rơi theo, tiếng kêu như sấm đến vài khắc mới hết.
Mùa thu, tháng 8, động đất 3 lần, nhiều súc vật chết.
Năm sau, Kỉ Mão (1279), tháng giêng, ở Quảng Châu, hàng vạn chim trời tự dưng lao xuống nước. Xác chim dạt vào, phủ kín bãi biển, mùi hôi thối bốc lên, cách xa vạn dặm cũng ngửi thấy...
Tháng hai năm ấy xảy ra trận chiến Nhai Môn. Quân Nguyên đại phá quân Tống. Hàng trăm nghìn xác người Tống chết trôi nổi. Vua Tống cùng cả triều đình, hoàng tộc… bỏ mạng trên biển. Xác 3 mẹ con công chúa nước Tống trôi dạt vào tới tận bờ biển Nghệ An.
Đồng thời lúc ấy, ở phía Bắc, triều đình nhà Nguyên do Hốt Tất Liệt cầm đầu tiến hành tăng cường khiêu khích, nhòm ngó Đại Việt.
Bẩy năm sau đó, Hốt Tất Liệt phát động cuộc xâm lược Đại Việt lần thứ 2…
Hơn 100 năm sau, cũng năm Mậu Dần (1398), tháng giêng, cá trong mấy hồ lớn ở Nam Kinh chết nổi trắng xóa. Ba ngày sau, hơi thối bốc lên, kết thành 1 đám mây, đen kịt như mực Tàu, treo lơ lửng ngay phía trên hoàng cung.
Hoàng đế bấy giờ là Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ) hoảng sợ, phải tạm lánh ra ngoài thành. Nhưng xa giá đi tới đâu thì đám mây đen trôi theo tới đó. Con trai Lưu Bá Ôn là Lưu Liễn phải phụng chỉ lập đàn cầu đảo, hết 7 ngày mới xua tan được đám mây.
Lưu Liễn cầu đảo xong, về nói riêng với người nhà rằng, đám mây đen ấy không phải do trời đất làm ra. Chính là khí uất của hơn 10 vạn người bị hãm hại dưới tay hoàng đế (trỏ Chu Nguyên Chương) kết lại mà thành. Nay oan gia nó đã báo như thế, thì dẫu có xua tan được đám mây, song cũng khó mà giữ được mạng của hoàng đế.
Tháng 5 năm ấy, Chu Nguyên Chương chết.
Nghĩa là ngay từ đời xưa, người ta đã biết, rằng điềm báo không phải do trời, đất, mà chính là do con người làm ra vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét