Chủ Nhật, 13 tháng 5, 2018

Đọc truyện & Xem phim “Bác sĩ Zhivago”

Nguyễn Chính

Tiểu thuyết kinh điển của Nga, sáng tác vào những thời kỳ trước Cách mạng tháng 10, như “Chiến tranh và Hòa bình” của Lev Tolstoy (1828-1910) xuất bản năm 1816 hoặc “Anh em nhà Karamazov” của Fyodor Dostoyevsky (1821-1881) xuất bản năm 1880... đều là những loại “rất khó đọc”.

“Khó” là vì đó là những trường thiên tiểu thuyết với nhiều tình tiết và nhân vật có những cái tên khó đọc, khó nhớ. Sang đến thời kỳ “hậu cách mạng” (hay còn gọi là “Hậu Sa Hoàng”) cuốn “Bác sĩ Zhivago” của Boris Pasternak (1890-1960) cũng thuộc vào loại “khó đọc” dù đó là tác phẩm đã được trao tặng giải thưởng Nobel về văn chương năm 1958.

Pasternak không nhận giải vì áp lực của chính quyền Xô Viết… chỉ vì ông thuộc vào nhóm người có tư tưởng “dửng dưng” với Cách mạng tháng 10 (nếu không muốn nói là “phản cách mạng”)! 


Boris Pasternak (1890-1960)

Năm 1957 bản thảo truyện được tuồn ra ngoài Liên Xô và Nhà xuất bàn Feltrinelli in ra sách bằng tiếng Nga tại Ý. Một năm sau đó có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Cuối cùng, mãi đến 1988, “Bác sĩ Zhivago” mới được cho in và xuất bản tại Liên bang Xô Viết.

Cũng đã có rất nhiều bản dịch tiếng Việt, trong số đó phải kể đến những cuốn:

- “Bác sĩ Gi-va-gô”, Trường Văn và Song Tích phỏng dịch (Sài Gòn, 1959); - “Bác sĩ Zivago”, Mặt trận Bảo vệ Tự do Văn hóa xuất bản (Sài Gòn, 1969); - “Vĩnh biệt tình em”, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Tổ hợp Gió (Sài Gòn, 1974); - “Bác sĩ Zhivago”, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, Nhà xuất bản Hoàng Hạc (Sài Gòn, 1959); - “Bác sĩ Zhivago”, Lê Khánh Trường dịch, Nhà xuất bản Tp Hồ Chí Minh (1988); - “Bác sĩ Zivago”, Văn Tự và Mậu Hải dịch, xuất bản ở hải ngoại.


“Bác sĩ Zhivago”, bản tiếng Ý, năm 1958

Phần đầu truyện giới thiệu nhân vật chính, cậu bé 10 tuổi Yuri Zhivago đi đám tang của mẹ năm 1903. Zhivago thuộc dòng dõi một nhà tư bản giàu sụ nhưng ông bố “lang bạt kỳ hồ” lại thuộc loại nghiện rượu (cá tính của người Nga) nên dần dần bước đến bờ vực phá sản. 

Yuri sống trong sự bảo bọc của người chú, một linh mục đã tự xin hoàn thục, tên Nikolai. Yuri có tư chất thông minh, học y khoa để ra bác sĩ. Ông cũng là con người có máu văn nghệ, thường làm thơ, viết văn và cuối cùng lấy Tonya làm vợ, họ có một đứa con. 

Truyện sau đó đưa vào nhân vật Larisa Fyodorovna (Lara) một nữ sinh trung học, sống với bà mẹ góa. Bà là tình nhân của Komarovsky, một luật sư rất có thế lực chính trị. Chính người này là “người tình” của người mẹ nhưng cũng chinh ông ta là kẻ hiếp dâm cô con gái.
 
Trong cơn tủi nhục, Lara lấy súng bắn Komarovsky tại một buổi tiệc giáng sinh nhưng không may lại bắn trúng một người khác. Lara sau đó kết hôn người tình đầu của mình là Pavel Pavlovich (Pasha), người tham gia cách mạng và sau đó bị mất tích.

Kế đến truyện dẫn vào thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Yuri tòng quân với nhiệm vụ của một bác sĩ quân y trong khi Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tông tích chồng. Yuri và Lara người gặp nhau và cả hai đều bị “cú sét ái tình” trong hoàn cảnh trớ trêu của từng người. 

Đây cũng là giai đoạn phong trào cách mạng chống Sa Hoàng nổi dậy tại Petersburg. Chương 5, “Vĩnh biệt cái cũ”, Pasternak mô tả cuộc cách mạng bằng giọng châm biếm: 

“Cứ mỗi ngày lại mọc lên đủ thứ chức vụ mới, không biết thế nào là cùng… Họ thay thế các chức vụ trong hội đồng tự quản thành phố, họ làm chính ủy, chính trị viên tại các đơn vị quân đội và sở y tế, và họ coi sự luân chuyển chức vụ đó như một cuộc giải trí ngoài trời hay trò chơi ú tim…”

“Ít lâu sau khi bản Tuyên ngôn mười bảy tháng Mười được công bố, một cuộc biểu tình lớn được dự tính sẽ đi từ Tver đến cửa ô Kaluga. Sáng kiến ấy đúng là theo cái lối "lắm thầy nhiều ma" như người ta thường nói. Mấy tổ chức cách mang tham gia đề xướng vụ đó xảy ra cãi cọ nhau và lần lượt rút lui. Đến ngày ấn định, biết tin dân chúng vẫn đổ ta đường rất đông, họ bèn vội vã cử đại diện của mình đi dự biểu tình”.

(Bản dịch của Nhà xuất bản Văn Học, TP HCM)

Yuri và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại một nhà thương ở tỉnh nhỏ miền Nam. Vì cá tính lãng mạn, chàng thường bị các đồng nghiệp “bolshevik” bài bác là thiếu “logic” và tinh thần cách mạng. Giữa các cuộc xung đột chống chủ nghĩa Marx nổ ra, Yuri cùng gia đình phải dời về Urals. 

Trên xe lửa của chuyến đi này, Yuri nhận thức được nỗi khổ của nông dân và tù binh, những nạn nhân của cuộc cách mạng. Vốn là người yêu chuộng tự do và nhân quyền nên Yuri bất mãn với những hành động hay chính kiến quá cứng rắn và thiếu tình người của những người theo cách mạng.

Độc giả người Việt sẽ thấy tình hình ở Liên Xô thời hậu cách mạng tháng 10 chẳng khác gì thời điêu linh ở Việt Nam sau 30/4/1975. Cũng những cảnh mua bán chợ đen những mặt hàng không được cung cấp, xếp hàng mua các nhu yếu phẩm bằng tem phiếu của nhà nước, di chuyển từ nơi này đến nơi khác phải có công lệnh… Và dĩ nhiên, trong xã hội đó có sự ưu tiên, ưu đãi dành cho các thành phần “bolshevik”.

Tại Urals, Yuri cùng gia đình khai đất làm ruộng và… làm thơ. Tại thư viện làng, chàng gặp lại Lara và hai người bước vào thế giới yêu đương vụng trộm. Đó cũng là lúc Lara biết tin chồng còn sống và hiện là một tay Trùm Đỏ khét tiếng với tên mới Strelnikov. 

Yuri muốn trở về với vợ để thú nhận tội ngoại tình nhưng không may bị một nhóm quân cách mạng bắt cóc và phải phục vụ như bác sĩ của nhóm này. Sau vài năm, Yuri trốn thoát và trở lại với Lara. Để tránh không bị điểm chỉ, cặp tình nhân bỏ trốn sang một nông trại khi xưa gia đình Yuri từng canh tác. 

Yuri tiếp tục làm thơ, bày tỏ tâm sự của chàng về những thăng trầm của đời sống, những lo sợ và lòng can đảm trong chiến tranh và hơn hết là tình yêu dành cho Lara. Trong khi đó có tin vợ Yuri là Tonya và con gái chàng bị trục xuất khỏi Nga. 

Chẳng bao lâu sau đó, Komarovsky, kẻ đã từng hãm hiếp Lara khi xưa, xuất hiện. Hắn hăm dọa rằng quân cách mạng đang truy lùng Yuri và Lara và sẽ giết cả hai nếu bắt được. Hắn hứa giúp đưa Yuri và Lara trốn ra nước ngoài. 

Yuri đắn đo và vì vấn đề an toàn cho Lara, chàng quyết định để Lara ra đi một mình. Yuri ở lại Nga và bắt đầu say sưa uống rượu giải sầu như một người Nga chính thống!

Yuri trở lại Moskva và sinh sống cùng một phụ nữ tên Marina và kiếm sống bằng cách viết sách. Yuri xin vào làm tại bệnh viện và rồi trên đường đi làm, chàng bị đột quỵ. Lara tình cờ đi tới nhà xác và… xác Yuri vẫn còn nằm đó. Sau vài ngày, người ta không còn thấy Lara. Có người cho rằng nàng đã bị bắt đi trại tập trung cải tạo.


“Bác sĩ Zhivago”, bản dịch tiếng Việt của Nhà xuất bản Văn học

Truyện về bác sĩ Zhivago rất khó đọc, khó nhớ tên nhưng cuốn phim “Doctor Zhivago” đã thu hút người xem kể từ khi đạo diễn người Anh, David Lean, dựng thành phim năm 1965. Có rất nhiều lý do để giải thích hiện tượng “ăn khách” của cuốn phim này.

Phim chỉ lấy những phân cảnh chính là cuộc tình “vụng trộm” của Yuri và Lara. Kẻ có vợ, người có chồng yêu nhau trong một hoàn cảnh “cay đắng” bất chấp sự phê phán về đạo đức của xã hội. Trong thâm tâm người xem, có lẽ đó là thứ “trái cấm ngọt ngào nhất” (?).


Hai diễn viên Omar Sharif và Julie Christie trong phim “Doctor Zhivago”

Khi chiếu tại Việt Nam trước 1975, phim “Doctor Zhivago” mang một cái tên thật thơ mộng, “Vĩnh biệt tình em”, đã thu hút không ít người xem đến rạp. Đó cũng là một cái tựa của bản dịch cuốn sách tại Sài Gòn năm 1974.

Có thể dàn diễn viên nổi tiếng của điện ảnh thế giới đã bảo đảm sự thành công của phim: Omar Sharif (trong vai Bác sĩ Zhivago), Julie Christie (vai Lara), Geraldine Chaplin (vai Tonya) và Alec Guinness (Tướng Yevgraf Zhivago)…

Nước Nga vào thời đó vẫn còn tương đối xa lạ với người xem phim. Những cảnh tượng thật đẹp về tuyết trắng, về rừng taiga, đàn balalaika, kỵ binh cô dắc (Cossacks)… cũng góp phần tạo nên sự thành công của cuốn phim. 

Cuối cùng, âm nhạc trong “Doctor Zhivago” cũng tạo nên một sắc thái “rất Nga” qua tiếng đàn balalaika trong bản nhạc hòa tấu “Lara’s Theme” làm nền. Sau này, bản nhạc đó được chuyển thành lời mà mọi người ưa thích một thời: “Somewhere My Love”. 


Những cảnh trong phim luôn sống động chứ không đều đều một giọng kể truyện như trong sách. 

Chẳng hạn như đoạn người “cha ghẻ” Komarovsky khi biết Lara có ý định lấy Pasha, ông nói: “Cô có biết không, cô chỉ là một con đĩ!". Lara giáng cho ông một cái tát và ông cũng tát lạ rồi đè nàng ra hãm hiếp. Nàng có đẩy ra nhưng phút chốc cũng chính nàng ôm lấy Komarovsky! 

Ở một phân cảnh khác, phim chiếu đoạn Yuri và Lara đối thoại trong lúc Lara đang ủi quần áo. Họ hỏi nhau về dự tính cho tương lai sau cách mạng: 

"Anh về đâu?" "Còn em về đâu?". 

Bất giác Zhivago nói thêm, "Có lẽ em đã có người đùm bọc khi trở về". (Chàng có ý ám chỉ Komarovsky). Lara sững sờ nhìn Yuri… và cô đã làm cháy khét cái áo đang ủi! Một chi tiết nhỏ nhặt nhưng mang đến cho người xem sự thích thú bất ngờ.

Có những tiểu thuyết rất hay nhưng dựng thành phim lại thất bại. “Doctor Zhivago” là một trường hợp ngược lại, người xem phim cảm thấy thú vị hơn đọc truyện rất nhiều. Kết quả là cuốn phim đã dành 6 giải Oscar năm 1965 và giải Quả Cầu Vàng dành cho dạo diễn, nam diễn viên chính, kịch bản xuất và nhạc phim xuất sắc nhất.


Poster phim “Doctor Zhivago”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét