Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Trung Quốc dùng “biện pháp mạnh” để cam kết hòa bình


Những động thái thô bạo gần đây của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp hải đảo với các nước láng giềng như Nhật Bản, Philippines, Việt Nam... cho thấy tuyên bố mới đây của Thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân rằng nước ông sẽ dùng đến “biện pháp mạnh” để đáp trả lại “bất cứ động thái nào đe dọa chủ quyền” của Trung Quốc, không chỉ là lời nói suông (xem chi tiết ở đây)

Điều khiến người ta ngạc nhiên là ông Trương đưa ra lời đe dọa dùng “biện pháp mạnh” hầu như cùng một lúc với việc khẳng định nước ông luôn cam kết theo đuổi đường lối ngoại giao hữu nghị, đối tác với các nước láng giềng và trước sau vẫn đi theo con đường phát triển hòa bình.

“Chúng tôi muốn sống trong không khí hữu nghị với tất cả các nước kể cả Nhật Bản nhưng chúng tôi luôn bảo vệ những nguyên tắc cũng như điểm cốt lõi của mình”,  Tân Hoa Xã dẫn lời ông Trương nói. “Nếu bất cứ ai đó muốn thách thức điểm cốt lõi này trên vấn đề chủ quyền thì Trung Quốc không có lựa chọn nào khác ngoài cách phải đáp trả bằng sức mạnh để loại trừ những phá hoại và trở ngại để tiếp tục vững bước trên con đường phát triển hòa bình,” ông Trương nhấn mạnh.

Có phải ông Trương đang đe dọa nước ông sẽ kiên quyết dùng "biện pháp mạnh" để đảm bảo cho sự "trỗi dậy hòa bình" theo kiểu Trung Quốc của chính bản thân nước này mà bất chấp hòa bình cho khu vực hay cho cộng đồng quốc tế? Liệu có một nền hòa bình không trong tình huống luôn có một kẻ sẵn sàng đấm vào mặt người khác khi các tranh cãi công khai trước bàn dân thiên hạ kẻ đó đã luôn  bị đuối lý và mất đi tính chính đáng?

Vấn đề là các vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền không thể tranh cãi, là vùng biển lịch sử, là “ao nhà” của họ lại chồng lấn và xâm phạm lên chủ quyền của nhiều quốc gia láng giềng khác được ghi nhận trên cơ sở của Công pháp quốc tế về Luật Biển cũng như trên thực tế lịch sử lâu đời.


Trung Quốc thường xuyên tập trận đổ bộ chiếm các đảo trên vùng Biển Đông 

Trung Quốc cũng luôn mồm tuyên bố họ là một quốc gia tôn trọng luật pháp quốc tế và bản thân họ cũng đã ký kết tham gia nhiều công ước về Luật Biển quốc tế, cũng như các Quy tắc về ứng xử trên Biển Đông và nhiều vùng biển lân cận khác.

Song rõ ràng là họ có vấn đề về pháp lý cũng như về bằng chứng, sự thật lịch sử trong việc tuyên bố chủ quyền của họ trên nhiều vùng biển và hải đảo, mà điển hình là trên Biển Đông liên quan tới hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (tham khảo thêm ở đây).

Nên họ đã buộc phải luôn hành xử theo kiểu “nói một đàng làm một nẻo”. Nếu thực sự là một quốc gia cam kết theo đuổi đường lối ngoại giao hữu nghị, trước sau vẫn kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình vì sao Trung Quốc không chấp nhận các đề nghị giải quyết tranh chấp về lãnh thổ trên biển thông qua các tổ chức tư pháp quốc tế? hoặc thông qua các diễn đàn đa phương khác trên thế giới?

Cổ xúy cho con đường đàm phán song phương riêng lẻ với từng quốc gia có tranh chấp chứng tỏ Trung Quốc biết lợi dụng thế mạnh nước lớn của mình trên bàn đàm phán. Kèm theo đó là “cây gậy và củ cà rốt”. “Cây gậy” chính là các “biện pháp mạnh” mà ông Trương Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc vừa mang ra đe dọa ở phần trên. Còn “củ cà rốt” là các thủ đoạn dùng để mua chuộc, dụ dỗ từng quốc gia có lợi ích riêng biệt để thực hiện chủ trương nhất quán của nước này là lần lượt “bẻ gãy từng chiếc đũa”.

Trong nội bộ lãnh đạo của từng quốc gia có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, chiến thuật “cây gậy và củ cà rốt” xem ra cũng không kém hiệu quả cho việc thực hiện ý đồ “lãnh thổ hóa” từng bước và toàn bộ các vùng biển mà nước này đã, đang và sẽ còn dòm ngó. Đặc biệt hiệu quả với những quốc gia mà nền pháp trị hãy còn hoang dã, dân chúng hãy còn khiếp nhược và ngoan ngoãn như những đàn cừu.

Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng chiến thuật “cây gậy nhỏ” hết sức hiệu quả trong nhiều thập niên qua phối hợp với lời đe dọa sẵn sàng dùng “cây gậy lớn” lấp lo sau lưng, để triển khai “biện pháp mạnh” nhầm áp đảo triệt hạ không thương tiếc đối thủ. Ngày nay, Trung Quốc đang thực sự triển khai kế hoạch phát triển sức mạnh quân sự vượt trội với mục tiêu có đủ khả năng để đẩy lùi Hải quân Mỹ trên các vùng biển mà Trung Quốc đã và đang ngắm nghía ra khỏi các “chuỗi ngọc trai” lần lượt từ thứ nhất tới thứ hai, thứ ba... 

Hành động này của Trung Quốc đã khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang, mua sắm trang thiết bị quân sự trong thập niên qua của hàng loạt quốc gia Đông Nam Á và thậm chí hiện đã lan rộng ra khắp châu Á - Thái Bình Dương. Các chuyên gia quan ngại, hành động chạy đua vũ trang không chỉ làm gia tăng thêm công suất cũng như nhiệt độ của thùng thuốc súng trong khu vực mà còn tác động xấu tới tốc độ và khả năng phát triển kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trong vùng.

Việc triển khai phát triển sức mạnh quân sự cùng với lời tuyên bố “sẵn sàng dùng biện pháp mạnh” để trấn áp các nước nào dám đe dọa lợi ích cốt lõi của Trung Quốc thật sự làm cho cộng đồng quốc tế ngờ vực các tuyên bố và cam kết trỗi dậy hòa bình của quốc gia luôn “nói một đàng làm một nẻo” này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét