Thứ Hai, 13 tháng 4, 2015

Sở hữu toàn dân là của ai?

[Bài đã đăng trên báo Đại Đoàn Kết (xem ở đây) nhưng bị biên tập cắt xén không còn đầy đủ, bản dưới đây mới là nguyên văn của tác giả]

Có thể xem là vi hiến không khi người được giao đại diện chủ sở hữu và quản lý tài sản thuộc sở hữu toàn dân lại có hành vi tước bỏ quyền thẩm định của chủ sở hữu tài sản đích thực, chính là người dân. Cụ thể như trong trường hợp chính quyền Hà Nội chặt hạ, thay thế cây xanh; chính quyền tỉnh Đồng Nai cho phép doanh nghiệp tư nhân lấp sông xây đô thị để kinh doanh, và cho rằng không cần thiết phải tham khảo ý kiến của người dân?

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 quy định về chế độ sở hữu toàn dân tại điều 53 như sau: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và quản lý”. Dự thảo mới nhất của Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cũng quy định chế độ sở hữu toàn dân với nội dung “nguyên xi” như trong Hiến Pháp. Cũng theo dự luật, Nhà nước sẽ đại diện thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Khi tài sản toàn dân được đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước thì Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó. Còn khi tài sản toàn dân được giao cho các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang thì các cơ quan, đơn vị này có quyền quản lý, sử dụng. Trong trường hợp luật định, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì tổ chức, cá nhân được sử dụng đất, khai thác nguồn lợi thủy sản và tài nguyên khác thuộc sở hữu toàn dân.

Những quy định như trên cho thấy một điều hết sức nghịch lý là tài sản thuộc sở hữu toàn dân nhưng người dân lại không thể trực tiếp “được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản” như nguyên tắc thực hiện quyền sở hữu được luật pháp quy định mà phải thông qua “trung gian” là Nhà nước. Cơ chế này muốn được thực hiện nghiêm túc, đúng ý chí thực sự của người chủ sở hữu – người dân – cần phải có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả của người dân. Nếu không thiết lập được hệ thống này sẽ dễ dẫn tới việc lạm quyền và coi thường ý chí, nguyện vọng của dân để thỏa mãn các mục tiêu lợi ích nhóm, hay lợi ích cá nhân. Tham nhũng, lãng phí sẽ là chuyện không thể tránh khỏi và có nguy cơ trầm trọng khi việc ủy quyền của người dân cho đại diện chủ sở hữu là Nhà nước không được giám sát, kiểm soát hiệu quả. Người dân sẽ không có cơ chế và quyền lực để bảo vệ tài sản công cộng mà họ là chủ sở hữu khi chúng  bị những cá nhân, nhóm lợi ích có quyền lực xâm phạm trong xu hướng chuyển tài sản từ công sang tư một cách tất yếu.

Sự mù mờ của khái niệm “sở hữu toàn dân” trong quá khứ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho quá trình phát triển, là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và tham nhũng hoành hành trở thành “quốc nạn” trong quản lý, sử dụng tài sản quốc gia. Theo các chuyên gia, từ trước tới nay các nhà lập pháp Việt Nam chưa từng bao giờ đi tới cùng trong việc mổ xẻ bản chất và ý nghĩa của khái niệm “sở hữu toàn dân”.  Do vậy, để có thể luật hóa khái niệm này cần phải xem xét nghiêm túc để có sự minh định rõ ràng chế định pháp lý của nó. Trước hết, về khoa học pháp lý khái niệm “toàn dân” không phải là một pháp nhân. Cho nên, cần phải cụ thể hóa người chủ sở hữu thật sự có tư cách pháp nhân là ai, có trách nhiệm giải trình như thế nào và ai giám sát việc thực thi quyền sở hữu đó?

Từ trước tới nay hầu như các văn bản pháp luật đều ghi nhận một cách đơn giản rằng “Nhà nước là đại diện của chủ sở hữu toàn dân”. Tuy nhiên, khái niệm “nhà nước” quá rộng, trong thực tế nhà nước là một hệ thống tổ chức có rất nhiều thiết chế, nhiều cơ quan và nhiều cấp khác nhau từ Thủ tướng Chính phủ tới Chủ tịch xã. Do không làm rõ quyền đại diện chủ sở hữu mà trong thời gian qua bất kỳ chủ tịch xã nào hầu như cũng có quyền bán đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Có một thực tế là không ít người làm trong bộ máy chính quyền đều có thể xưng là người nhà nước và khi thực thi quyền lực nhà nước họ sẵn sàng xâm phạm tài sản, quyền tài sản của dân (sở hữu cá nhân hay toàn  dân) một cách “vô tư”. Điều này có thể thấy trong vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, khi vấp phải sự phản đối của người dân thì một quan chức của thành phố đã phát ngôn cho rằng chính quyền sau khi đã được dân bầu rồi thì “không cần phải hỏi ý kiến dân nữa”.  Trong khi, nếu xem xét ở khía cạnh sở hữu, thì những cây xanh bị chặt ở Hà Nội thuộc sở hữu toàn dân. Do đó, khi người dân là chủ sở hữu thì họ có quyền bảo vệ tài sản của mình chưa nói đến các quyền khác liên quan tới môi trường sống.

Theo pháp luật Việt Nam hiện hành thì Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp mới là đại diện cho quyền lực của nhân dân, đồng thời có tư cách đại diện chủ sở hữu toàn dân. Do vậy, các vấn đề liên quan tới việc định đoạt, sử dụng tài sản thuộc sở hữu toàn dân cần thiết phải có luật định hoặc nghị quyết của cơ quan dân cử cùng cấp. Việc bảo vệ sở hữu toàn dân cũng cần phải được luật hóa và có cơ chế tổ chức, bộ máy thực hiện đầy đủ đi cùng. Bầu cử chỉ mới là giai đoạn hoàn tất việc thiết lập nên bộ máy chính quyền và người đại diện. Còn quyền giám sát và chất vấn của người chủ sở hữu đi kèm với trách nhiệm giải trình của người được ủy quyền đại diện trong quan hệ giữa người dân và chính quyền sẽ tiếp tục tồn tại sau đó.

Sự minh định khái niệm sở hữu toàn dân như là một định chế pháp lý là một yêu cầu hết sức quan trọng để ngăn chận các khe hở mà không ít cá nhân và nhóm lợi ích đã lợi dụng triệt để trong suốt thời gian qua, biến tài sản công thành của cá nhân. Đồng thời cần có các quy định, luật hóa cơ chế minh bạch thông tin liên quan tới tài sản thuộc về sở hữu toàn dân để người chủ đích thực có thể giám sát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng của cá nhân và tổ chức được ủy quyền đại diện cho chủ sở hữu một cách dễ dàng, thuận lợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cốt lõi của vấn đề là người chủ sở hữu đích thực phải có quyền quyết định ai sẽ là người đại diện đáng tin cậy cho họ bằng lá phiếu tín nhiệm theo định kỳ một cách công khai, minh bạch.

Hữu Nguyên


1 nhận xét:

  1. Bài viết rất hay, nói đúng và nói trúng. Sở hữu toàn dân là một khái niệm mù mờ, gây nên bao tai ương cho xã hội.

    Trả lờiXóa