Thứ Tư, 15 tháng 7, 2015

Không đùn đẩy trách nhiệm

Trong hai năm liên tiếp, ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành hai nghị quyết cùng mang số 19/NQ-CP, đề ra các biện pháp quyết tâm cải thiện mội trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, Nghị quyết 19 năm nay đã nêu ra các mục tiêu hết sức cụ thể. Chẳng hạn như đến hết năm 2015, các chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt và vượt mức trung bình của ASEAN-6  (Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Indonesia, Brunei); đến năm 2016 chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam ít nhất đạt mức trung bình ASEAN-4 (ASEAN-6 trừ Indonesia và Brunei).

Có thể nói, đây là một nghị quyết rất quan trọng của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết này, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, cùng với Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Giới doanh nghiệp Việt Nam khấp khởi  như đang chào đón một làn gió xuân mát mẻ, với hy vọng  có thể làm thay đổi diện mạo cuộc chơi trên thị trường còn tồn tại nhiều rào cản dai dẵng. Thế nhưng, đã hơn nửa năm trôi qua, nhiều doanh nghiệp vẫn còn đang băn khoăn tự hỏi “các quyết tâm” thể hiện qua “các kế hoạch hành động” của nhiều bộ ngành, địa phương  để tạo ra sự thay đổi nay đang ở đâu. Khi mà những cản trở,  khó khăn cho công việc làm ăn của họ trên thực tế chẳng thay đổi là mấy.

Tại phiên họp của Chính phủ cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã bày tỏ sự không hài lòng khi có khá nhiều bộ ngành, địa phương còn tỏ ra khá hờ hững với Nghị định 19. Ngay cả ở trung ương cũng mới chỉ có hơn 10 bộ, ngành lên chương trình cải cách dù Nghị quyết 19 đã ban hành cách đây hơn 3 tháng. Đáng chú ý, Nghị quyết 19 yêu cầu 10 Bộ rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về quản lý hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; đồng thời phải chuyển mạnh sang sau hậu kiểm. Nhưng cho đến nay mới có 5 Bộ đã chủ động triển khai một số hành động theo hướng cải cách về nội dung thủ tục và phương thức thực hiện quản lý chuyên ngành. Nhiều quy định về kiểm định hàng nhập khẩu gây chi phí lớn cho doanh nghiệp. Ngay chính ở Bộ Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT), được xem là “lá cờ đầu” trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, không phải cấp nào cũng ủng hộ tinh thần doanh nghiệp. Gần đây, dự thảo nghị định đăng ký doanh nghiệp lại buộc phải kê khai đầy đủ ngành nghề kinh doanh. Sự bắt buộc này, theo các doanh nghiệp, vừa đi ngược với tinh thần thông thoáng của Luật Doanh nghiệp 2014 vừa mâu thuẫn với những tuyên bố ủng hộ doanh nghiệp mà người đứng đầu Bộ KH-ĐT đã nhiều lần lên tiếng.

Thực tế này  đồng nghĩa với việc không ít bộ ngành, địa phương đang thiếu trách nhiệm với quyết tâm thực hiện các mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Chính phủ đang coi là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của năm.  Thậm chí, người đứng đầu Chính phủ buộc phải than phiền rằng có một số lãnh đạo địa phương còn chưa biết Nghị quyết 19 là như thế nào thì làm sao có thể xây dựng kế hoạch hành động thích hợp để có thể tạo ra sự thay đổi tích cực như mong muốn. Sự thờ ơ, thái độ thụ động đã dẫn tới việc triển khai chậm chạp, khiến cho các mục tiêu và quyết tâm thể hiện cụ thể trong Nghị quyết 19 của Chính phủ nay vẫn còn đang còn ở khá xa tầm với của các doanh nghiệp. Chính điều đó đã làm cho người đứng đầu Chính phủ bức xúc. Bởi vì theo Thủ tướng “nhân dân không làm ăn tốt, doanh nghiệp không làm ăn tốt, chúng ta sẽ không có gì”.

Gần đây, thông qua các thông tin trên báo chí, người ta thường bắt gặp cụm từ “báo cáo Thủ tướng”, bất kể mức độ sự việc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương hay cấp thấp thấp hơn. Xu hướng sợ trách nhiệm và đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyên từ lâu đã không còn là chuyện lạ. Nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này, nhưng cứ phải kéo thêm cơ quan khác, thậm chí cấp trên vào cùng tham gia xử lý và cùng chịu trách nhiệm thì mới an tâm. Chính cách hành xử thành thói quen này đã gây ra nhiều rào cản, ách tắc, phiền toái và chậm trễ gây khó khăn, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp và người dân. Nay dù có quyết tâm đổi mới của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương theo quán tính vẫn tiếp tục tư duy cũ, đùn đẩy trách nhiệm, nhìn trước ngó sau, lôi kéo nhiều cơ quan ban ngành và thậm chí cả Thủ tướng vào để tìm kiếm sự an toàn. Điều đó không chỉ cho thấy sự yếu kém, lúng túng của các cơ quan, ban ngành chức năng ở địa phương; mà còn cho thấy xu hướng “thích quyền lực, sợ trách nhiệm” đã trở thành căn bệnh trầm kha của nhiều cán bộ, công chức.

Nghị quyết 19 của Chính phủ đòi hỏi trách nhiệm và quyết tâm cao của từng bộ ngành địa phương cụ thể, đặc biệt với ngừoi đứng đầu. Trên tinh thần các mục tiêu chung hướng tới cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các đơn vị, địa phương cụ thể phải chủ động xây dưng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của mình.  Tuy nhiên, thông tin từ Chính phủ mới đây cho hay còn nhiều bộ ngành và địa phương vẫn  chưa cụ thể hóa cách thức triển khai thực hiện Nghị quyết và dự kiến kết quả đạt được. Điều này có thể do chưa nắm rõ phương pháp, cách tính toán và ý nghĩa của các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết. Do đó việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động chưa bám sát các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp  theo yêu cầu của Nghị quyết. Tất cả Kế hoạch hành động của các địa phương đều không nêu rõ cách thức và lộ trình triển khai thực hiện. Tuy nhiên cũng không loại trừ khả năng con tồn tại tư duy đùn đẩy, thiếu trách nhiệm, sợ thay đổi và tìm kiếm sự an toàn cho chính mình rồi ngụy biện theo kiểu “chậm mà chắc”, bất kể thiệt hại cho lợi ích chung của toàn xã hội.

Hữu Nguyên

Bản đăng trên báo Đại Đoàn Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét