Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2016

Cái giá của tự do


Sáu triệu người Do Thái xếp hàng trật tự không chen lấn xô đẩy nối đuôi nhau đi vào phòng hơi ngạt của quân Đức Quốc Xã để bị hóa kiếp bằng những làn hơi độc nghiệt ngã. Câu hỏi cho đến tận bây giờ là tại sao họ không chống trả???? Và đến cuối cùng khi những người Do Thái nhận ra rằng họ nên chống trả thì tất cả mọi chuyện đã kết thúc.
Đọc cái bài tinh thần dân tộc được biểu hiện qua sự yên lặng trật tự ở sân bay, tự nhiên cậu tưởng tượng đến một cảnh trong phim sự im lặng của bầy cừu. Những con cừu trật tự đi vào lò mổ từng con từng con một để rồi thét lên những tiếng thét xé lòng ám ảnh cả đời cô Clarice. Những nạn nhân của tên biến thái cũng từ từ bị siết thòng lọng để rồi chết trong sự hoảng loạn buông xuôi.
Cậu không thể hiểu nổi từ khi nào sự yên lặng và trật tự của một đám đông trước một sự cố kỹ thuật lại có thể đánh đồng với lòng yêu nước và khơi gợi lên cả một niềm hy vọng lớn lao và một lòng tự hào rần rần hào khí về tương lai của dân tộc.
Cậu còn nhớ cách đây không lâu, những người xuống đường phi chính trị nhằm mục đích bảo vệ môi trường đã bị đám đông ném gạch đá như thời Trung Cổ và tự hỏi có ai trong cái đám đông yêu hòa bình ổn định bằng gạch đá đó có mặt tại sân bay để tự trải nghiệm sự hoảng loạn của riêng mình.
Con người ta chỉ cam chịu buông xuôi khi nhận ra mình bất lực. Không ai có thể gào thét giãy nãy gây hấn tại một sân bay vì trễ giờ khi cái lỗi kỹ thuật làm tê liệt cả cái hệ thống. Không ai có thể bắt phone lên gọi ông này bà nọ nhờ can thiệp. Không ai có thể chen lấn đẩy người nhào lên phía trước vì biết có lên trước cũng chả đi được nhanh. Không ai cố hỏi những câu hỏi đến những người đáng ra phải trả lời nhưng lại không biết câu trả lời. Và dĩ nhiên là với bản tính hồn nhiên vô lo vốn có của dân Việt, người ta cũng chỉ bình thản móc phone ra selfie thảy hình lên fb.
Cậu xin lỗi những người bạn của cậu đã like, đã share và đã tạm có giây phút yên lòng nhờ cái bài ru ngủ đáng sợ kia. Cậu hoàn toàn không sợ cái sự cố hàng không đầy nguy hiểm kia hay cái biển chết 70 năm chưa hồi phục bằng những loạt bài ném đá người yêu nước và ru ngủ người nhẹ dạ kiểu như vầy. Nó cho cậu thấy sự tàn ác nhẫn tâm của đồng loại cố gắng ru ngủ cả một dân tộc trước hiểm họa diệt vong từ phương Bắc.
Nó làm cho người ta bấu víu vào cái truyền thống vót chông đánh giặc để hy vọng khi giặc thiệt đến nhà thì đờn bà cũng đánh chứ ung thư, bệnh tật, ô nhiễm, môi trường bị tàn phá cũng như im lặng thỏa hiệp đáng khinh không phải những Trọng Thủy đã hiện diện trong nhà.
Cái trống đồng là biểu tượng của văn hóa Việt nên người Việt có vẻ như rất thích đánh đồng sự việc. Làm đĩ đánh đồng với có hiếu, yêu nước đánh đồng phản động, tham nhũng đánh đồng quản lý, hèn hạ đánh đồng hợp tác hòa bình, nghèo đói đánh đồng ổn định và giờ đây yên lặng trật tự trong hoảng loạn được đánh đồng với yêu nước hào hùng.
Cậu hoảng sợ thật sự với cái cảnh người Việt cam chịu yên lặng chờ chết trong cái thòng lọng ung thư, ô nhiễm, tai nạn, bệnh tật và ngu dốt trước khi để đất trống biển vắng cho ngoại bang thâu tóm chẳng cần một viên đạn.
Tỷ lệ người Do Thái chống trả và sốt sót cao hơn hẳn những người yên lặng đếm giây đồng hồ chờ phòng hơi ngạt. Nạn nhân cuối cùng của tên giết người hàng loạt sống sót bằng cách chống trả. Cái giá của tự do đôi khi được trả bằng mạng sống nhưng nó cũng là con đường duy nhất dẫn tới sự sống còn. Chống trả tất cả những điều khốn mạt trong cái xã hội này bằng tri thức, bằng câu hỏi, bằng tiếng nói, bằng sức mạnh tiêu dùng, bằng sự thổn thức và tuyệt đối không cho đặt lòng tin vào những kẻ lộn xào ru ngủ.
PS: Đờn bà xứt khẩu đi làm gái quá nhiều. Đến lúc có giặc thiệt có triệu lờ họ về nhà để đánh?

Tại sao lại thờ ơ với những thông tin tích cực?

Hoàng Giang

Các phương tiện truyền thông Việt Nam thường tràn ngập những hình ảnh “xấu xí” cùng những tin tức đáng buồn như đánh nhau, cướp giật, tham nhũng, nhưng thỉnh thoảng cũng có một tin vui. Đó là tin về việc hãng hàng không Vietnam Airlines hoãn chuyến bay 80 phút để cứu một hành khách Hàn Quốc khi người này đang trong cơn bệnh nguy kịch. Tôi tình cờ nghe xem được tin này qua kênh truyền hình quốc gia Hàn Quốc, sau đó tôi tự tìm các bài báo tiếng Việt để hiểu rõ hơn. Cụ thể là vào tối ngày 29/6, Vietnam Airlines đã sẵn sàng cho hoãn chuyến bay VN426 từ Yangon (Myanmar) về Hàn Quốc để bố trí một vị trí riêng, có kèm cáng cứu thương chở một hành khách người Hàn bị thương nặng khi đang công tác tại Myanmar. Được biết, rất nhiều hãng hàng không khác đã không chịu chở hành khách này vì lý do an toàn, trong đó có cả một hãng hàng không của chính Hàn Quốc. Hành động này của Vietnam Airlines đã khiến cho gia đình nạn nhân rất cảm kích. Hiện nay, ông Kim (tên hành khách) đã được phẫu thuật và đang hồi phục. Bên cạnh thông tin trên truyền hình Hàn Quốc, một nhật báo cũng đưa tin về hành động rất có tâm của Vietnam Airlines.
Câu chuyện này đã diễn ra gần 1 tháng nhưng hầu như không có một ai chia sẻ. Có lẽ đó không thực sự là một tin lớn, nhưng là một tin tức đáng mừng bởi nó góp phần làm đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Điều này cũng khiến tôi tự đặt câu hỏi, vậy chúng ta đang quan tâm đến những thông tin gì? Tôi nhớ cách đây 1 năm về trước, tại Sài Gòn lần đầu tiên xuất hiện một địa điểm cung cấp bánh mì miễn phí cho người lao động nghèo. Thùng bánh mì luôn nóng hổi và được làm đầy cho đến hết ngày. Giữa cuộc sống bộn bề và còn nhiều khó khăn, thì đó là sự hiện diện của tình thương, niềm quan tâm giữa con người với nhau. Nhẽ ra, hình ảnh về thùng bánh mì đó chỉ nên thuần nhất là một tin vui, nhẹ nhàng, nhưng không, nó bỗng dưng trở thành một đề tài mới để đem ra mổ xẻ. Chỉ sau vài ngày xuất hiện, hàng loạt báo mạng tung lên một clip về việc một số người dân sống xung quanh “trơ trẽn” ra lấy rất nhiều bánh mì cùng một lúc trong khi có thông báo “từ thiện-miễn phí, một người một ổ”. Và clip này được chia sẻ với tốc độ chóng mặt. Bỗng dưng, thùng bánh mì đó chở thành tiêu điểm để chúng ta mang ra phê phán nhau.
Lẽ thường, những câu chuyện thị phi luôn luôn cuốn hút nhiều người đọc. Tuy nhiên, việc phản ánh một vấn đề tiêu cực khác hẳn với việc bới móc hoặc xuyên tạc khía cạnh tiêu cực ở một câu chuyện mang tính tích cực. Mới đây, một nữ sinh trường Lê Hồng Phong, Sài Gòn, khi tham dự cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” bỗng được chú ý vì có ngoại hình xinh xắn. Bất ngờ hơn, em là 1 trong 3 trường hợp được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh bằng ống nghiệm đầu tiên tại Việt Nam, diễn ra năm 1998 và thành công mỹ mãn. Thông tin thú vị đó càng khiến tên của cô bé được nhắc đến nhiều hơn, đặc biệt khi năm nay là năm em tham gia kỳ thi đại học. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, “cư dân mạng” đã phát hiện ra rằng điểm số của em không cao như mong đợi. Ngay lập tức, kết quả thi của em đã bị đem ra bêu riếu và làm trò đùa trên mạng xã hội. Những thông tin như thế thường thu hút người xem; nó là một lời bình luận là để góp vui, nhưng đủ lớn để gây sức ép lên một cô bé với tâm lý còn non nớt. Thú “săn” những luồng tin tiêu cực trong mỗi người trở thành thói quen hằng ngày, và vô tình tạo nên cách nhìn, cách nghĩ và cách phản ứng về mọi vấn đề theo chiều hướng tiêu cực, gây ra nhiều hậu quả mà chúng ta ít khi nhận thấy được.
Quay lại câu chuyện về Vietnam Airlines, chính tôi đã được nghe hoặc đọc quá nhiều thông tin tiêu cực về thái độ của tiếp viên, những lời phàn nàn về thức ăn, về ghế ngồi… khiến tôi luôn phải băn khoăn về việc chọn lựa các hãng hàng không quốc tế khác thay vì ủng hộ nước nhà. Tệ hơn nữa, khi bạn bè nước ngoài hỏi về Vietnam Airlines khi họ muốn đến Việt Nam chơi, tôi cũng không biết phải nói sao, thay vì gợi ý họ chọn lựa hãng hàng không khác từ các nước lân cận như Korean Air, Thai Airways… Xin kể cho các bạn nghe một câu chuyện nhỏ, khi tôi đáp chuyến bay từ Đức đến Hy Lạp. Khi chuyến bay kéo dài 2 tiếng đồng hồ hạ cánh, đồng loạt hành khách trên máy bay đều vỗ tay rào rào. Tôi chưa kịp thắc mắc, hành khách bên cạnh mỉm cười nói với tôi rằng đây là một thói quen của họ trên bất kỳ chuyến bay nào của Aegean Airlines (hãng hàng không lớn nhất Hy Lạp) khi đáp xuống quê hương. Đó là cách họ thể hiện niềm vui khi về đến nhà an toàn, cũng như sự ủng hộ dành cho hãng hàng không nước nhà. Nếu không phải là sự tích cực trong cách nhìn nhận, làm sao họ có thể chuyển tải một thông tin đẹp đẽ đến vậy cho một người ngoại quốc?

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2016

BBC: Formosa Hà Tĩnh - 'Sinh tử phù' của VN?

"Ký sự Syria": Nhóm phóng viên vô tình trở thành "nạn nhân" của kịch bản tuyên truyền?

Võ Trung Dũng


LTS: "Ký sự Syria" của VTV đang nhận được khen chê nhiều chiều của dư luận. Xin giới thiệu góc nhìn khác của nhà báo Võ Trung Dung, người Pháp gốc Việt, một cây viết theo mảng phóng sự mạo hiểm. Anh từng có mặt hầu hết các chiến sự "nóng" trên thế giới, trong đó có 4 lần đến Syria.


Đêm qua, bét mắt ra nhờ ly cà phê đen, coi 'phóng sự' dài hơn 30 phút đang làm dậy sóng dư luận và làng báo. Mình xin viết vài suy nghĩ đóng góp cho cộng đồng.
Nhìn và suy nghĩ từ kinh nghiệm cá nhân. Khiêm tốn. Không ném đá mà đem đá tới góp phần xây dựng kỹ năng báo chí.
Một điểm tích cực và nhiều vấn đề.
1. Tích cực: Rất hiếm khi báo đài VN gởi phóng viên ra chiến trường hay những nơi đang xung đột, tranh chấp. VTV 24 đi Syria, dù chỉ đi trong vùng kiểm soát của quân đội chính quy. Hình ảnh (tự quay) và dựng phim có chất lượng khá tốt, nhiều kịch tính.
Thể loại, hình thức này là xu hướng của truyền hình quốc tế. Thích hay không thích. Mình thì không. Nhưng đối với truyền hình VN, đây là sự đột phá.
Lý do vì sao hiếm phóng viên được phép đi? Tốn kém? Theo mình, các báo đài lớn có thể chi được. Nhưng thôi. Mình để cho các lãnh đạo toà soạn trả lời câu hỏi này.
Vì vậy, chuyện ê kíp của Lê Bình đi Syria hay trước đó làm về người tỵ nạn đổ vô châu Âu sẽ làm tiền lệ cho các ê kíp/tòa soạn khác. Bởi sự cạnh tranh. Đây là điều tích cực.
2. Hậu trường: Mình chắc chắn 99% đây là phóng sự được tổ chức, dàn dựng từ A tới Z, nhân vật được chọn lọc, có kịch bản, tài trợ (hay mời) bởi chính phủ Syria để quảng cáo, đưa quan điểm của họ. Đây là chuyện bình thường, không có gì xấu.
Doanh nghiệp hay chính phủ ở bất cứ nơi nào đều làm truyền thông có lợi cho họ. Quan trọng là phóng viên, nhà báo phải kiểm chứng, đối chấp thông tin để xác định độ tin cậy. Và điều chỉnh nếu cần thiết.
Làm cho báo Âu, mình thường xuyên được nhận thư mời, đã từng nhận lời tham gia các chuyến truyền thông này. Thông thường, đó là cơ hội duy nhứt để tiếp cận hiện trường.
Đặc biệt là ở Syria nếu muốn kể tình hình trong vùng lãnh thổ còn dưới kiểm soát của Damascus. Hoặc đi thăm nhà tù của Mỹ ở Guatanamo, v.v.
Tuy nhiên, trong phóng sự, mình ghi/nói rõ về chuyện được mời, chuyến đi được tổ chức bởi ai và những giới hạn (hay không) tiếp cận thông tin, nhân chứng, độ khách quan. Minh bạch với khán giả đọc giả là yếu tố cốt lõi của nghề báo. Và sự bắt buộc.
Một số báo đài - như Le Monde, France 2 TV - chỉ nhận phần tổ chức và đề nghị tự trả chi phí đi lại ăn ở. Được mời không có nghĩa là đi làm 'quảng cáo'.
3. Nội dung: Thể loại ký sự hay phóng sự, nội dung có rất nhiều khuyết điểm lớn.
Cảm xúc đơn thuần không đủ. Không bao giờ đủ để kể chuyện. Đặc biệt đối với các chủ đề như chiến tranh xung đột phức tạp như ở Syria. Không ai trắng không ai đen.
Không có thông tin, không có khung và bối cảnh lịch sử (ít nhiều) để khán giả không chuyên môn (đại đa số) có thể hiểu - tối thiểu - mình đang coi cái gì? Nhóm phóng viên không nắm được chủ đề và tình hình. Và thiếu kinh nghiệm.
Kết quả: 'Ký sự Syria...' trở thành 34 phút phim tuyên truyền cho Damascus..
4. Bên lề: Mình nghĩ cảm xúc của Lê Bình và các phóng viên có thể thành thật mặc dù phim dựng đã đưa cảm xúc này nhiều hơn cần thiết.
Như đã viết ở trên, do thiếu kinh nhiệm, thiếu kỹ năng cần thiết cho chủ đề này, nhóm phóng viên có thể vô tình trở thành 'nạn nhân' của kịch bản tuyên truyền do Damascus dựng lên như ở một 'phim trường'.
Mình khẳng định là thời gian và nơi đoàn phóng viên tác nghiệp không có gì nguy hiểm, không có 'phiến quân', càng không có tay súng 'địch' nào ở 20 mét gần đó. Cách thủ đô Syria chừng 10 cây số, có vài vùng nằm dưới kiểm soát của lực lượng đối lập.
Nơi đây, có khoản 100m tới 500m vùng đệm 'biên giới' giữa quân đội chính quy và 'Lực lượng Syria tự do' cùng Al-Nusra (Hồi giáo cực đoan). IS/Daesh thì không có ở đây. Còn Homs thì không còn lực lượng đối lập.

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Hacker tự xưng tấn công trang web Vietnam Airlines là ai?

ZingNews

Nhóm hacker tấn công trang web Vietnam Airlines tự xưng là 1937CN, đã từng gây ra nhiều vụ tương tự ở nhiều nước.
Không có nhiều thông tin về nhóm hacker tự xưng 1937CN, đội tự xưng là đã chèn các nội dung xuyên tạc tại sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều nay 29/7.
Theo trang hack-cn.com, website thống kê và xếp hạng hacker Trung Quốc, 1937cN là nhóm hacker nổi tiếng và mạnh nhất nước này với 36.820 cuộc tấn công.
Truy cập địa chỉ website 1937CN.com được công bố, đây là một diễn đàn bằng tiếng Trung Quốc, chuyên chia sẻ các thông tin liên quan đến thủ thuật máy tính, cùng nhiều nội dung chính trị.


Giao diện 1937CN.net chụp màn hình vào chiều ngày 29/7.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu cá nhân tham gia hay cách tổ chức của nhóm này. Tuy vậy, họ có nhiều lời tự giới thiệu trên các trang web tập hợp hacker.
Trên trang online RCS Magazines, 1937CN tự giới thiệu đội ngũ gồm các thành viên với tên hiệu Allen Reese, BonEs, Webr0bot, SiLing, Learner, 4n0wGZ, Any9aby, Rascal, nhưng không có thông tin liên lạc từng cá nhân. Trong đó, người đứng đầu tự xưng là th4ck1937, kèm địa chỉ email và Skype.
Cũng trên trang giới thiệu này, nhóm 1937CN tự xưng đến từ Trung Quốc. Trước đây, nhóm này cũng đã gây ra nhiều vụ tấn công tương tự, năm 2013, nhóm này bị tố tấn công trang web thegioididong.com và tên miền Facebook Việt Nam, đưa ra nhiều lời khiêu khích.
Năm 2015, thời điểm vấn đề tranh chấp chủ quyền các vùng biển giữa Trung Quốc và Philippines nóng lên, nhóm này được cho đã tấn công website của Đại học Santo Tomas, Philippines và đưa ra những lời "cảnh báo" nước này, theo CNN.
Lần theo trang web do nhóm này công bố, họ gọi mình là “Mạng lưới quân đội OCI Trung Quốc”, được tạo ra bởi những nhà hoạt động an ninh mạng trong nước, cùng lúc quản lý các cộng đồng nghiên cứu an ninh mạng.
Người được cho là trưởng nhóm này cũng để lại địa chỉ trang blog cá nhân tại 960.in và địa chỉ Skype, tuy nhiên cả hai đều không truy cập hay liên lạc được tại thời điểm hiện tại.
Nhóm này cũng có một địa chỉ Twitter có tên 1937cnTeam cùng một số tài khoản YouTube, nhưng số hoạt động rất hạn chế. Bài đăng cuối cùng trên Twitter của trang này thông tin về Hội nghị An ninh mạng Bắc Kinh 2014.
1937CN là nhóm tuyên bố đã hack giao diện website Vietnam Airlines chiều 29/7. Theo đó, trang chủ đã bị chèn nội dung xuyên tạc. Ngoài ra, danh sách các tài khoản khách hàng của Vietnam Airlines cũng bị tung lên mạng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, danh sách cho tải về này dính virus.
Một số sự kiện của nhóm 1937CN
Tháng 6/2012: Xung đột với hacker Việt Nam. Cùng tháng đó, họ phát ra thông điệp cảnh báo hacker Nhật Bản.
3/2013: Buộc phải đóng cửa vì phân hóa nội bộ.
4/2013: Tái tổ chức, củng cố nội bộ, phân chia vị trí và nhiệm vụ cụ thể cho thành viên.
7/6/2013: Hợp tác với tiểu đội XSD.
14/8/2013: Hack trang web Thegioididong và tên miền Facebook Việt Nam.

Quỹ bảo vệ biển Đức: Bờ biển Việt Nam bị ô nhiễm diện rộng – Không hề có giải pháp làm sạch môi sinh

Dịch giả: Xuân Thọ
Lời dịch giả: Ngày 17-7-2016, Quỹ bảo vệ Biển Đức Deutsche Stiftung Meereschutz (DSM) đã có thông cáo báo chí về việc Formosa gây ra nạn cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Sau đó DSM và một số tổ chức môi trường khác đã trao đổi với Tiến sỹ Friedhelm Schroeder, nhà khoa học thuộc trung tâm khoa học Helmholtz Geestacht (Đức). Ông Schroeder đã từng được chính phủ Việt Nam mời làm tư vấn cho quá trình điều tra vụ cá chết Vũng Áng trong những tuần vừa qua.
Sau cuộc trao đổi với Tiến sỹ Schroeder, hôm nay DSM đã đưa ra bản tuyên bố báo chí thứ hai về nạn cá chết ở Việt Nam.
____
Nạn cá chết: Bờ biển Việt Nam bị ô nhiễm diện rộng. Không hề có giải pháp làm sạch môi sinh

Một vụ cá chết diện rộng ở Việt Nam từ tháng 4 năm nay đã gây bàng hoàng. Dọc theo bờ biển dài hơn 200 cây số, trải qua các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, tổng số 277 tấn cá chết từ ngoài khơi, từ đáy biển và từ các trại nuôi cá đã được xác định.
Cuối tháng sáu vừa qua, đã bị xác định thủ phạm là nhà máy thép Formosa
Do một sự cố mất điện kéo dài vài ngày nên hệ thống lọc nước thải đã không hoạt động nghiêm chỉnh, điều này được công bố trong một cuộc họp báo. Theo truyền thông Việt Nam, nuớc thải không tinh lọc đã làm nước biển nhiễm độc Phenol, Cyanid và Hydroxit sắt.
Điều tra không đầy đủ
Chính phủ Việt Nam đã nhờ một số chuyên gia quốc tế tư vấn cho quá trình điều tra thảm họa môi sinh này. Nhưng đáng tiếc nhiệm vụ của họ lại chỉ hạn chế trong việc đọc và góp ý kiến cho bản báo cáo của một số nhà khoa học trong nước, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam (VAST) đưa ra, cũng như một chuyến tham quan cưỡi ngựa xem hoa (oberflächlich) tại chỗ, như chuyên gia Đức, Tiến sỹ Friedhelm Schroeder cho biết. Nhà hóa học từng có 25 năm thâm niên tại trung tâm nghiên cứu Helmholtz Geesthacht, hiện là cố vấn khoa học của viện này lấy làm tiếc là ý nguyện được tự lấy mẫu (mang về Đức) đã không được chấp thuận.
Hủy hoại môi truờng ít nhất 50 năm nữa
Các nhà khoa học Việt Nam cho rằng, cần phải mất ít nhất 50 năm nữa thì hệ sinh thái bị phá hủy dọc theo bờ biển mới có thể phục hồi được. Tiến sỹ Schroeder cũng không loại trừ một thời gian hồi phục dài như vậy, ít ra là cho các vỉa san hô ngầm. Có điều ông không coi đây là nguyên nhân duy nhất của thảm họa hiện nay, mà phải nói đến chính sách bảo vệ môi truờng trong thực tế là không hoạt động ở Việt Nam.
“Toàn bộ vùng bờ biển bị ảnh hưởng bao gồm vô số nhà máy mà hầu hết đều thải thẳng nước không lọc xuống biển”, ông giải thích, đồng thời phê phán rằng, trong quá trình điều tra, người ta đã bỏ qua tất cả các thủ phạm tiềm năng khác. Ngoài ra cũng có thể tưởng tượng được rằng, hệ miễn dịch của cá đã bị suy giảm nhiều bởi môi truờng độc hại kéo dài, nay chỉ gặp một “tác nhân nhỏ” là chúng chết hàng loạt.
Vấn đề cơ bản:
“Ở Việt Nam, nước thải công nghiệp và đô thị phần lớn được đổ thẳng vào môi trường không qua tinh lọc. Phần lớn sông hồ bị nhiễm độc nặng bởi chất độc và thực phẩm thải”. Đó là kết luận buồn rầu của nhà khoa học Đức.
Không có hệ thống lọc hoặc có nhưng không hiệu quả, đó chẳng phải là chuyện hãn hữu ở Việt Nam. Thực tế phổ biến là có hai đường nước thải, một đường để giới thiệu khi kiểm tra định kỳ và một đường cho hoạt động hàng ngày, khi không sợ bị kiểm tra, như Michael Zschiesche, cán bộ Viên nghiên cứu độc lập về môi trường đã viết trong chuyên khảo “Bảo vệ môi truờng ở Việt Nam 2012”(*). Tuy hiện nay đã có nhiều quy định về bảo vệ môi trường, nhưng việc thực thi thì rất lỏng lẻo.
Liệu Formosa có làm như vậy không?
Trong khi một số bạn Việt Nam sống ở Đức, những người đang liên hệ với chúng tôi cho biết là Formosa Steel hiện đang đổ nước thải không lọc qua một hệ thống đường ống dài 2 km cách bờ biển, ở độ sâu 17 m thì Tiến sỹ Schroeder cho biết, ông tận mắt được xem một hệ thống lọc nước thải rất hiện đại, có cả máy đo tự động.
Tuyên bố cứu trợ và bồi thường?
Theo truyền thông thì bên cạnh việc tuyên bố sẽ đầu tư thêm vào thiết bị môi trường và tăng sự minh bạch, Formosa cũng hứa sẽ bồi thường khoảng 500 triệu USD cho việc cứu trợ dân chúng và để làm sạch môi trường.
Chính phủ Việt Nam cũng hứa giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bằng biện pháp hướng nghiệp và tạo công ăn việc làm mới. Nhưng đáng tiếc vẫn còn mối lo rằng, những người cùng đường vẫn phải tiếp tục kiếm ăn bằng cá nhiễm độc, chừng nào các biện pháp cứu trợ cụ thể chưa đem lại kết quả.
Điều hành thảm họa một cách thảm họa (Katastrophales Katastrophenmanagement)
Đáng lẽ phải thông tin cho công luận về thảm họa môi sinh và cảnh báo dân chúng về các mối đe dọa sức khỏe, chính phủ Việt Nam lại đàn áp các cuộc phản kháng, có nơi rất tàn bạo, và bắt giữ những người biểu tình. Lẽ ra phải coi trọng việc bảo vệ môi sinh và con người, cũng như tìm cách áp dụng nghiêm túc các điều luật hiện hành thì hiện nay các biện pháp nửa vời đang được tìm kiếm.
Theo Tiến sỹ Schroeder thì vấn đề hiện tại không thể giải quyết nhanh được, vì muốn vậy thì trước tiên phải tìm ra nguyên nhân thực. “Không có các số liệu đo đạc tiếp theo thì việc đi tìm nguyên nhân chỉ là chuyện đoán mò”, ông than phiền. Bởi vì các giải pháp làm sạch chỉ có ý nghĩa, khi người ta tìm ra đúng nguyên nhân.
Dù sao trong tháng 6 vừa qua, người ta đã thống nhất lập ra một hệ thống theo dõi (Monitoring-System) dọc theo bờ biển để thường xuyên cập nhật số liệu môi trường.
Thay đổi tư duy triệt để là điều cần thiết
Để bảo vệ được môi trường, nhân dân, các cá nhân và cơ quan hữu trách cần phải thay đổi cách suy nghĩ một cách triệt để.
Do vậy, chúng tôi yêu cầu chính phủ Việt Nam
– Điều tra chi tiết sự vụ này với sự tham gia của các chuyên gia quốc tế
– Tiến hành các biện pháp làm sạch biển trên cơ sở các kết quả điều tra
– Trừng phạt thủ phạm
– Bồi thường thích đáng cho người dân bị ảnh hưởng
– Áp đặt các hệ thống lọc nuớc thải hiện đại trong toàn quốc
– Kiểm tra nghiêm ngặt các quy định về môi truờng và xử phạt các vi phạm

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2016

Cường quốc của dân chủ


Bá Tân    

            Mỹ là cường quốc của thế giới về kinh tế, khoa học, quân sự… Điều đó ai cũng biết, không thể không thừa nhận. Mỹ còn là cường quốc về dân chủ,  việc này không thể phủ nhận.
            Tỉ phú Donal Trump  được đảng cộng hòa lựa chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ nhiệm kì 2017-2020.
           Là tân binh của đảng cộng hòa. Mới hơn 5 năm tuổi đảng, ông Donal Trump trở thành người đại diện của đảng cộng hòa hùng  mạnh đứng ra tranh cử ngôi vị quyền lực cao nhất nước Mỹ.
           Không phải là Mỹ, không dân chủ như Mỹ thì làm sao “ tân binh” Donal Trump trở thành người đại diện của một đảng có bề dày lịch sử như đảng cộng hòa.
           Là nước Mỹ, dân chủ như Mỹ cho nên, khi lựa chọn người đại diện ra tranh cử, người ta chẳng thèm quan tâm tuổi đảng.
           Ở ta, và những quốc gia có cùng thể chế chính trị, tuổi đảng như Donal Trump giỏi lắm chỉ được xách cặp cho những lão đảng viên đi dự đại hội.
           Tại đại hội đảng cộng hòa, sau khi được lựa chọn làm ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ, ông Donal Trump lên tiếng chỉ trích gay gắt đương kim tổng thống Obama.
           Không phải ngựa non háu đá. Không  phải thiếu tôn trọng người đi trước. Không phải xem thường người đứng đầu đất nước. Đó là dân chủ của Mỹ. Chỉ có Mỹ và các nước “ đang giãy chết”  mới có được dân chủ như vậy.
            Ở ta, nếu hành xử như vậy, mới là ứng viên đã lên tiếng công kích người đương nhiệm, không những cá nhân bị vùi dập mà  còn gây họa cho con , cháu đời sau.
         Tại đại hội đảng cộng hòa, công khai bộc lộ 2 trạng thái ngược chiều. Ủng hộ , tán thưởng ông Donal Trump. Bất hợp tác, la ó phản đối ông Donal Trump. Cùng một chính đảng nhưng có 2 phe. Ở ta,  gọi đó là mất đoàn kết. Ở Mỹ , đó là dân chủ, đỉnh cao dân chủ của thế giới.
           Phải dân chủ như Mỹ thì sự khác biệt, bất đồng mới được công khai bộc lộ. Dân chủ là vị thuốc đặc hiệu tạo ra sức mạnh thần kì của đảng cầm quyền cũng như với nước Mỹ nói chung.
           Công dân Mỹ cũng như đảng viên công khai chỉ trích người đứng đầu đảng cầm quyền là chuyện bình thường. Đó là cách phòng bệnh độc quyền rất hiệu nghiệm. Mỹ cũng như thế giới nói chung, dân chủ và cường thịnh luôn đi liền với nhau, và ngược lại. Ở Mỹ, đảng cầm quyền và người đứng đầu đảng ấy tuyệt nhiên không có vùng cấm.
            Mỹ là tấm gương của thế giới. Muốn giàu, mạnh và văn minh phải học Mỹ. Không chỉ siêu cường kinh tế, Mỹ còn là cường quốc về dân chủ. Học cách làm giàu của Mỹ là đúng nhưng chưa đủ, còn phải suốt đời học nền dân chủ của Mỹ.


Phóng viên chiến trường: Đã xem "ký sự Syria" thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN

Nguyễn Sơn





Ký sự "Syria: Góc nhìn từ phía trong cuộc chiến" do nhà báo Lê Bình và các cộng sự thực hiện vẫn đang được dư luận "mổ xẻ". Còn dưới đây, câu chuyện thật do một nhà báo Việt Nam trực tiếp tác nghiệp ở chiến trường Afghanistan kể lại sẽ góp thêm vào góc nhìn về phóng viên chiến trường.


LTS: Đó là nhà báo Nguyễn Sơn, sinh năm 1966, du học tại Liên Xô suốt 15 năm. Nhà báo Nguyễn Sơn từng làm việc qua các tờ báo Người lao động, Vietnamnet, Lao động. Hiện anh là Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Si phim.
Chiến sự nổ ra ở đất nước Hồi giáo Afghanistan, phóng viên một số báo ở nước ta đã lên đường để theo dõi cuộc chiến này song tất cả họ mới chỉ đến được nước láng giềng Pakistan. Nguyễn Sơn là phóng viên đầu tiên và duy nhất của Việt Nam vào được lãnh thổ Afghanistan.
Sau 15 năm, lần đầu tiên Nguyễn Sơn kể lại vài cảm nghĩ của anh với bạn đọc Trí Thức Trẻ về những ngày tác nghiệp trong chiến trường này.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.
Kỳ 1: Chiến tranh không phải trò đùa
Làm phóng viên chiến trường thật là vi diệu: một cuộc chiến tranh, cả thế giới dõi theo từng diễn biến và bạn có mặt ở chính chỗ đó! Tuy nhiên, khác với một cuộc dạo chơi hay du lịch mạo hiểm, bạn cần có những chuẩn bị nhất định.
"Chiến tranh là ngày hội của báo chí"
Năm 2001, khi Mỹ ném bom Afghanistan để trả đũa việc chính quyền nước này (Taliban) che giấu Osama bin Laden, kẻ bị cho là đã tổ chức cuộc tấn công đánh sập tòa Tháp đôi WTC của Mỹ, giới báo chí rất hoan hỉ.
"Chiến tranh là ngày hội của báo chí" mà!
Hồi đó, ý tưởng cử phóng viên đi chiến trường bắt đầu từ báo An ninh thế giới (PV Nguyễn Quang Thiều). Sau đó báo Thanh Niên (PV Lê Ngọc Thịnh) và Tuổi Trẻ (PV Cam Ly) cũng đi.
Chị Hằng Nga, Tổng Biên tập báo Người lao động yêu cầu Phòng Quốc tế của báo lên phương án cử phóng viên đi. Tôi không dự cuộc họp đó.
Đến chiều thì anh Thẩm Tuyên (Tổng Thư ký toà soạn) lên phòng tôi nói chuyện. Anh bảo: "Họ đi thì mình cũng phải đi thôi, chứ áp lực bạn đọc mạnh lắm, không đi không được. Nhưng mình cũng chưa biết đi thì có vào thẳng điểm nóng được không, chứ dồn đống ở biên giới như Cam Ly, Ngọc Thịnh thì lãng phí cho tòa soạn quá".
Tôi bảo: "Em nghĩ các báo kia nhận định sai tình hình nên đi không đúng hướng. Đúng là Taliban đang nắm chính quyền ở Afghanistan, nhưng sự can thiệp của Mỹ sẽ làm lệch lợi thế về cho Liên minh Phương Bắc.
Quan chức Taliban giờ đây chỉ toàn lo kiếm chác vì họ biết họ sẽ tồn tại không lâu nữa. Nếu không mang theo rất rất nhiều tiền thì không thể vào được, vì họ sẽ ưu ái cho các tờ báo giàu. Em nghĩ có đi thì đi theo hướng Tadjikistan để vào với Liên minh Phương Bắc. Họ thắng tới đâu, ta theo tới đó".
Phóng viên chiến trường: Đã xem ký sự Syria thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN - Ảnh 1.
Nhà báo Nguyễn Sơn.
Phóng viên chiến trường: Đã xem ký sự Syria thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN - Ảnh 2.
Nhà báo Nguyễn Sơn (giữa) và Thượng tướng Tư lệnh (trái) và Đại tá Phó tư lệnh Trường Võ bị của Liên minh Phương Bắc. Ảnh chụp tại thủ đô kháng chiến của Liên minh Phương Bắc Khojamakhauddin năm 2001. Ảnh nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp
Chiều tối thì Ban Biên tập quyết định cử tôi đi. Tôi bảo: "Em sẽ luôn giữ thế hợp pháp của chuyến đi, tức là giấy tờ đầy đủ".
Ba kịch bản như sau:
Đến được biên giới Tadjikistan-Afghanistan: xác suất thành công 100%, em xài hết của tòa soạn 4.000 USD.
Vào được chiến khu của Liên minh Phương Bắc: xác suất thành công 50%, em xài tổng cộng hết 7.000 USD.
Vào được thủ đô Cabul hiện do Taliban nắm giữ: xác suất thành công 10%, em xài tổng cộng hết 10.000 USD".
Trưa hôm sau thì tôi nhận 10.000 USD của Toà soạn và lên đường.
Những lá cờ xin ăn và chiếc sơ mi ngàn đô bị buộc nhúng bùn
Các cụ bảo "xảy nhà ra thất nghiệp". Đi chiến trường, mà lại chiến trường của người khác, còn tệ hơn nữa.
Tôi được Tòa soạn trang bị laptop, máy ảnh kỹ thuật số. Ngoài quần áo, lọ dầu gió, thuốc Tây, nhang đuổi muỗi, xà phòng, kem đánh răng,.. xếp vào ba lô, vợ tôi còn mua cho một ít tã giấy khổ lớn đề phòng "nửa đêm đau bụng quá mà không dám đi ra ngoài".
Phóng viên chiến trường: Đã xem ký sự Syria thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN - Ảnh 3.
Giấy giới thiệu tư cách phóng viên chiến trường của nhà báo Nguyễn Sơn do Liên minh phương Bắc cung cấp. Ảnh nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp
Suốt buổi sáng trước khi đi, tôi nhờ các thầy cô bên trường Ngoại giao dịch giúp cái "Lá cờ xin ăn" ra tiếng Pháp, Ả rập và tiếng Hindu nữa. Tiếng Postu và Tadjik thì không ai biết để giúp cả.
Nghe những câu viết ra để dịch như "Tôi đói, Tôi khát, Tôi cần sự giúp đỡ y tế",… cô bạn đi cùng sụt sịt suốt.
Qua Moscow, tôi mua thêm cái túi ngủ và con dao bấm phòng thân. Đến Dushanbe, thủ đô Tadjikistan, tôi có thêm thịt hộp, kẹo chocolate, lương khô nữa. Tôi tự nghĩ trang bị thế là hoàn hảo lắm.
Thế nhưng, vừa qua phà vào đất Afghanistan, trời sập tối, tôi thấy thiếu ngay cái đèn pin (hồi đó điện thoại chưa có đèn pin).
Khi dừng xe giữa đồng không mông quạnh thì tôi tiếc là con dao bấm nhỏ quá, lẽ ra phải mang theo mã tấu (haha, tôi đùa). Về đến nhà khách Bộ Ngoại giao của Liên minh Phương Bắc thì thấy thiếu cuốn Kinh Coran.
Hôm ra chiến tuyến, tôi mặc cái sơ mi trắng, mấy bạn an ninh bắt thay bằng được. Khi biết tôi toàn sơ mi trắng, các bạn ấy lầu bầu rất lâu bằng tiếng Tadjik (chắc là chửi đi chiến trường mà ngu thế) rồi kiên quyết bắt tôi khoác cái áo da lót lông Fendi màu lạc đà của tôi ra ngoài vì màu đó ít nhiều giống màu đất.
Phóng viên chiến trường: Đã xem ký sự Syria thì nên đọc chuyện thật của một nhà báo VN - Ảnh 4.
Trực thăng Mỹ thả hàng cứu trợ ở Tahgor-thị trấn do Liên minh phương Bắc mới chiếm được từ tay Taliban, nằm ở phía tây bắc Cabul.
Cô bạn của The Boston Globe đi cùng còn khổ hơn: họ bắt cô ấy chui vào WC, cởi cái áo hàng hiệu gì đấy cả ngàn USD ra cho họ mang đi nhuộm bùn rồi cứ ướt sũng thế mà leo lên xe.
Hôm đó nóng hơn 40 độ, nên chỉ một lúc thì áo cô ấy khô và bong bùn, còn tôi lại ướt sũng vì mồ hôi.
Không thể mặc áo màu sáng mà ra chiến trường được.
Đôi giày Salamander trứ danh của tôi cũng gây ra không ít phiền toái.
Sau hôm đầu tiên ở Khoja Bakhauddin, lái xe của tôi lục trong hố rác của nhà khách Bộ Ngoại giao được 6 cái lon sữa bò, cẩn thận cắt được 6 miếng lót giày, chập 3 mỗi bên lại cho tôi. Được hơn chục ngày thì nó bung ra. Tôi phải thuê đôi giày quân dụng của tụi an ninh 100 USD một ngày, tiếc tiền hùi hụi.
Ăn mày trong những bộ đồ hàng hiệu bậc nhất nước Ý
Tiền là vấn đề sống còn với phóng viên chiến trường. Nếu bạn không có một kế hoạch tài chính chính xác thì bạn có thể sa vào thảm họa.
Cùng phòng tôi ở nhà khách bộ Ngoại giao là một phóng viên truyền hình Milan. Cậu ấy hết tiền, nhà đài chưa cử được người mang tiền vào cho cậu, còn thẻ, cạc cái loại đều vô tích sự với chiến trường hết.
Các đồng nghiệp người thì cho cậu nửa gói lương khô, 200-300 USD,… Tôi cũng mở ba lô cho cậu 2 hộp thịt, còn hứa khi nào về sẽ cho cậu đi nhờ qua biên giới.
Cậu ta chỉ lấy 1 hộp, bảo: "Cậu còn ở đây lâu, sẽ thiếu đấy. Lúc nào ăn, cậu nhỏ người ăn 2/3 đĩa cơm trộn thôi, cho tớ 1/3 còn lại là tử tế lắm rồi. Còn về thì phải nhờ nhà đài tiếp viện thôi, chứ tớ còn nợ nhà khách này hơn 20.000 USD tiền ăn ở".
Túm lại là cậu ta kẹt và làm ăn mày ở chiến trường trong những bộ đồ hàng hiệu hàng đầu của nước Ý.
Tỷ giá là một chuyện đau đầu khác. Tôi ăn một suất cơm trộn dầu và nho khô 20 USD. Nhưng thèm thịt quá là hơn 100 USD ngay. Phiên dịch thì 100-200 USD mỗi ngày. Mua cái gì cũng 100-200 USD hết.
Trước khi vào Afghanistan, tôi đổi sẵn một tệp tiền 1 và 5 USD để tiện bo cho các bạn ấy. Chẳng bao giờ dùng. 100 USD gần như là đơn vị nhỏ nhất. Lúc đầu tôi rất kinh ngạc, nhưng sau thì hiểu: tiền USD ở đây chẳng dùng làm gì được. Mà bọn buôn lậu ngoại tệ thì bị xử bắn hết rồi.
Kỹ năng mặc cả cũng vô cùng quan trọng. Xe không leo núi được, bạn thuê ngựa 100 USD một ngày, nhưng nếu lớ ngớ là 2-300 USD ngay. Đổ xăng là chuyện lớn: tôi tính trọn gói vào giá thuê xe và tài xế đổ.
Còn cô phóng viên Newsweek xinh đẹp làm thẳng một bình 700 USD (!). Cô bảo: "Rẻ chán. Bọn "thầy thuốc không biên giới" cho thuê xe còn tính bình xăng 1.000 USD".

Kỳ 2: Điều bất ngờ với nhà báo Nguyễn Sơn khi vào chiến trường Afghanistan
Chiến tranh là khi cuộc sống lộn tùng phèo, là đau thương, tang tóc. Nó diễn ra trên diện rộng, và bạn, với tư cách một phóng viên chiến trường, không thể nào bao quát hết được. Vì thế tìm được một góc nhìn là điều tối quan trọng đối với bạn. Cũng giống như tìm được nguồn sáng đối với người họa sỹ vậy.
"Có máu cho tớ bán báo nhé"
Loạt phóng sự đăng trên báo Người lao động mang tên "Nguyễn Sơn vào chiến trường Afghanistan" của tôi không có tham vọng bao quát một cuộc chiến tranh, nó chỉ là góc nhìn của một người Việt Nam đối với cuộc chiến tranh đó.
Trước khi đi, anh bạn phụ trách bán báo bảo nửa đùa nửa thật: "Máu. Phải đẫm máu cho tớ bán báo nhé".
Thế nhưng tôi vào Afghanistan, gần như không thấy máu.
Đây là điều bất ngờ thứ nhất.
Làm sao chiều anh ấy được?
Trận oanh kích của không lực Mỹ đẫm máu lắm cũng chỉ chết 2-3 người, tương đương một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Máu không thể là góc nhìn của tôi.
Câu thơ của Phạm Tiến Duật "Vành khăn tròn như một số không" từng ám ảnh tôi. Tôi muốn nhấn vào tính vô nghĩa của cuộc chiến tranh này. Muốn tố cáo Mỹ gây ra nó.
Nhà báo Nguyễn Sơn
Lúc đó Obama chưa ăn bún chả ở Hà Nội nên tinh thần ghét Mỹ còn cao lắm. Nhưng Liên Xô cũng từng có mặt ở đây, Anh quốc cũng từng ôm đầu máu ở đây… Và cái xứ này được mệnh danh là "Sát thủ của các cường quốc" bởi bao nhiêu cường quốc phải thua chạy.
Càng đi sâu vào vùng chiến sự, tôi càng thấy cuộc chiến tranh ấy hoàn toàn không vô nghĩa. Họ chiến đấu, họ chịu khổ vì phẩm giá và niềm tin của mình. Trong cuộc chiến tranh vì những điều lớn lao ấy, trong sự khốc liệt khôn cùng của bom đạn ấy, con người buộc phải bộc lộ bản năng gốc của mình: họ yêu thương nhau.
Tôi xúc động khi một người phụ nữ từ bên kia chiến tuyến bò sang xin thuốc cho chồng và những người lính bên này chia sẻ phần thuốc men ít ỏi cúa mình cho bà ấy mang về. Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Habibullah Alohyar bảo tôi "người Afghan cho thuốc người Afghan thì có gì sai?".
Tôi đã đến chiến trường Afghanistan cùng lý trí, nhưng những người dân ở đó đã làm tôi thay đổi. Và tôi đã viết về cuộc chiến đó bằng trái tim.
Điều bất ngờ thứ hai
Là phóng viên Việt Nam ở chiến trường Trung Đông là một lợi thế. Khi Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Habibullah hỏi và tôi trả lời: "Tôi là một nhà báo Việt Nam. Ngài biết không? Một đất nước bé nhỏ ở Viễn Đông", vị Thứ trưởng lập tức thả chân đang vắt chữ ngũ xuống để thể hiện sự kính trọng: "Việt Nam. Các bạn đánh thắng Mỹ. Duy nhất. Việt Nam là đất nước khổng lồ".
Rồi mỉm cười, ngài nói tiếp: "Thật kỳ lạ. Mọi người khổng lồ đều tự nghĩ là mình nhỏ bé".
Tôi ra chợ, đến trường học, đến khu tị nạn, bệnh viện, truờng võ bị, cây xăng, chiến tuyến… đâu đâu họ cũng ồ lên khi cậu phiên dịch giới thiệu tôi là một nhà báo Việt Nam. "Việt Nam. Việt Nam thắng Mỹ" là câu khẩu hiệu mà các bạn ấy chào đón tôi.
Suốt 18 ngày của chuyến đi ấy, tôi luôn thầm cám ơn cha anh lớp trước đã tạo nên thương hiệu vô giá đó cho tôi có lợi thế hơn hẳn các bạn phóng viên các nước khác có mặt ở chiến trường này.
[KỲ 2] Ký sự Syria và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự! - Ảnh 3.
Thị thực của nhà báo Nguyễn Sơn
Một nguyên tắc sống sót: Đừng làm một người đang mang súng giật mình
Viết bài về chiến tranh cũng như viết bài về chống tham nhũng, ô nhiễm môi trường hay cú sút siêu đẹp thôi. Bạn cần có những kỹ năng như nhau, chịu sự nguy hiểm như nhau. Chỉ có mấy điều này hơi khác một chút.
Khi chĩa ống kính vào một người đang mang súng lên đạn sẵn, bạn đừng làm anh ta giật mình. Anh ta có thể bóp cò trước khi tìm hiểu xem bạn làm gì.
Trong chiến tranh, phản ứng của mọi người rất khác với phản ứng trong thời bình. Ở vùng an toàn, cơ quan phụ trách báo chí sở tại sẽ cho bạn tương đối tự do, nhưng khi vào vùng nguy hiểm, sự tự do của bạn có thể bị nghi là gián điệp và bạn bị những rắc rối không đáng có.
Máy ảnh, máy tính và tiền bạc trong người bạn có thể bị ai đó quan tâm, hắn sẽ can đảm hơn bởi biết sẽ chẳng ai rỗi hơi đi điều tra cái chết của một "nạn nhân chiến tranh" bị vứt dưới một cái hố nào đó.
Trong vùng chiến sự, các nhà báo thường đi chung với nhau, vừa để bảo vệ và hỗ trợ nhau, vừa để có nhân chứng cho những sự kiện mình cần phải chứng minh với tòa soạn.
Lưu ý thêm một điều nữa: những người lính được giao nhiệm vụ bảo vệ bạn ở vùng chiến sự nguy hiểm không bao giờ được mặc quân phục. Bởi phía bên kia có thể không bắn nhà báo, nhưng lại bắn những người bảo vệ bạn.
[KỲ 2] Ký sự Syria và Phóng viên chiến trường: Đừng quay những thước phim diễn kịch nơi chiến sự! - Ảnh 4.
Thẻ hoạt động báo chí tạm thời do Chính quyền Tadjikistan cấp. Vì Liên minh Phương Bắc không có điều kiện thẩm định trước cấp thẻ nên họ nhờ Tadjikistan thẩm định giúp. Phải có thẻ này mới được cấp giấy giới thiệu tư cách phóng viên chiến trường nói trên. Ảnh nhà báo Nguyễn Sơn cung cấp
Những thước phim diễn kịch nơi chiến sự
Tính trung thực là phẩm chất số một của bất cứ nhà báo nào. Ở vùng chiến sự, nó còn quan trọng hơn nữa. Bạn đi một mình, bạn nghĩ bạn muốn bịa ra cái gì thì bịa. Rồi áp lực thương mại buộc bạn phải bịa nữa. Nhưng đâu có đơn giản như thế.
Bạn nghĩ ra một câu chuyện không có thật trong vòng 30 phút, nhưng sau đó bạn đọc của bạn có nhiều nhiều ngày để soi xem nó có logic không, có đúng với các quy luật thời chiến không,… Bạn bị lộ chắc luôn.
Hồi tôi ở tiền đồn Dashti Kala, có những nhà báo bỏ tiền ra thuê các chiến binh bắn súng cho họ quay phim rồi vô cùng thích thú xem lại những thước phim ấy. Nhưng khi lên bản tin thời sự, trông nó rất ngây ngô.
Này nhé: ba anh lính chạy rầm rập trong khi một cậu bé đeo súng đứng ngây ra trên chiến hào, vô tư như không có chuyện gì xảy ra. Súng bắn phằng phằng phằng về phía đối phương rồi chẳng có ai giật mình hay cúi né vì bị bắn trả. Chiến binh ôm súng chạy thục mạng, nhưng khóe mắt lại giấu một nụ cười… Các chiến binh cầm súng là những diễn viên rất rất tồi. Bạn không đạo diễn được họ đâu.
Sau chuyến đi vào chiến trường Afghanistan, nhà báo lão thành Trần Ngọc Châu viết một bài báo dài 4 trang trên tờ Nghề báo "Nói chuyện với một nhà báo trẻ" để khuyên tôi: "Em là phóng viên Việt Nam đầu tiên đặt chân vào một chiến trường quốc tế, nhưng em cần hành động để em không phải là phóng viên Việt Nam duy nhất".
Tôi đã làm được. Trong những cuộc trò chuyện với Cam Ly của báo Tuổi trẻ, tôi không giấu bất cứ ngón nghề gì. Và hai năm sau, Cam Ly tiến vào Iraq, trở thành phóng viên Việt Nam thứ hai và nữ phóng viên Việt Nam đầu tiên có mặt trên chiến trường quốc tế.
Giờ đây, vào chiến trường quốc tế không còn quá khó như ngày ấy nữa, nhưng những kinh nghiệm của người đi trước chắc ít nhiều còn chút giá trị với các bạn.


Trích:
Xin làm bác sĩ cho Taliban
Khi chúng tôi chuẩn bị ra về thì bỗng thấy một phụ nữ Afghanistan trùm khăn kín mít bò từ bên kia lên. Tất cả đều dừng lại.
Giữa chốn tiền duyên, dáng dấp một phụ nữ bao giờ cũng gợi lên một sự chú ý trên mức cần thiết.
Gần nửa tiếng đồng hồ sau, người phụ nữ này mới bò lên được tới đỉnh đồi. Hai chú lính Liên minh phương Bắc ôm súng ra hỏi cái gì đó rồi một chú chạy vào báo cáo với chỉ huy.
Hóa ra là bên kia thung lũng có một chú lính Taliban bị trúng mìn mà bên đó hết thuốc, nên người nhà nhà chú ấy bò sang bên Liên minh phương Bắc xin thuốc kháng sinh về trị vết thương.
Tôi cùng cậu phiên dịch ra hỏi han người phụ nữ này. Không biết chị ta già hay trẻ, nhưng giọng nói rất trong trẻo. Chị ta nói bên kia thung lũng đang chuẩn bị rút lui (!) nên không có bác sĩ băng bó vết thương cho người nhà nhà chị. Tôi bảo "Tôi có học cứu chữa thương binh một thời gian. Tôi sẽ cùng chị về bên đó".
Cậu phiên dịch hốt hoảng: "Không được đâu. Người Afghanistan với nhau thì không sao, chứ ông là người nước ngoài, qua bên đó nguy hiểm lắm". Rồi cậu quay lại nói gì đó với người phụ nữ. Chị ta gật gật với cậu rồi gật gật với tôi. Không đoán nổi là chuyện gì. Hỏi thì cậu phiên dịch không nói.
Về đến Bộ Ngoại giao, tôi vào ngay phòng Habibullah thông báo tin Taliban bên kia thung lũng chuẩn bị rút lui.
Vị thứ trưởng cười rất tươi, bảo: "Đấy là cái mẹo của họ đấy. Bao giờ cho mẹ, cho vợ sang bên này xin thuốc men, họ cũng nói y như vậy. Lớ xớ mò sang là ăn đạn liền". Tôi bảo: "Biết thế sao vẫn cho thuốc?".
Habibullah nói: "Từ hồi tướng Massood còn sống, ông chủ trương binh lính đánh nhau, nhưng dân thường đứng ngoài cuộc chiến. Với lại người Afghan cho thuốc người Afghan thì có gì không tốt đâu".
Tôi được nguyên một bài học về đạo đức. Hóa ra dân tộc này văn minh hơn tôi vẫn tưởng rất nhiều.