Dự kiến chiều nay 12/7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines.
Bắc Kinh không tham gia phiên tòa của PCA với tư cách của bên có liên quan và nhiều lần khẳng định sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào từ tòa này.
Cho đến hôm qua, tờ Nhân Dân Nhật Báo chính thống của Bắc Kinh tiếp tục đăng bài xã luận trong đó cho rằng Trung Quốc “không phải là bên gây rối mà là nạn nhân”!
Có thể thấy Bắc Kinh dù vẫn khăng khăng cho rằng tòa ở The Hague (Hà Lan) không có quyền hạn gì nhưng vẫn rất lo lắng khi nhiều nước lớn trên thế giới kêu gọi tuân thủ luật chơi chung.
Cần nhớ là hồ sơ của Philippines kiện Trung Quốc lên PCA, không hề liên quan đến "tuyên bố chủ quyền trong khu vực Biển Đông của Trung Quốc", mà Tòa đơn thuần chỉ "giải thích" hay ra "quan điểm" về cách thức giải thích và áp dụng Luật Biển 1982 của Trung Quốc.
Bộ Luật Quốc tế về Biển 1982 là một "bộ luật" chung, áp dụng cho tất cả các nước trên thế giới đã tham gia ký kết công nhận. Trung Quốc là một trong số đó.
Cũng như bất kỳ bộ luật nào, quốc gia hay quốc tế, một điều luật chỉ có thể mang một "ý nghĩa bất biến", áp dụng cho mọi trường hợp. Luật về Biển cũng vậy, các quốc gia thành viên phải chấp hành nó với tinh thần tự giác và tự nguyện. Trong trường hợp các bên có quan điểm mâu thuẩn nhau về nội dung của một điều luật, dĩ nhiên một trọng tài của Công ước Luật Biển thuộc LHQ là nơi có thẩm quyền tối cao để giải thích bằng các phán quyết theo luật.
PCA đã được lựa chọn để giải quyết mâu thuẩn giữa Philippines và Trung Quốc về cách áp dụng và giải thích về Luật Biển 1982.
Thái độ không nhìn nhận thẩm quyền của một tòa án quốc tế theo luật, cũng như không chấp nhận phán quyết mà không có lý do chính đáng, cho thấy Trung Quốc không có ý muốn tôn trọng luật pháp quốc tế.
Vậy cố gắng vươn lên, trỗi dậy với mong muốn trở thành quốc gia lãnh đạo thế giới, Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới bằng luật gì?
Hiện Trung Quốc vẫn đang chơi trò "cố đấm ăn xôi" với hy vọng duy trì hiện trạng chiếm đóng trên Biển Đông đặt thế giới trước chuyện đã rồi.
Nhưng phiên tòa PCA tới đây có khả năng sẽ khiến Trung Quốc lâm vào thế "xôi hỏng bỏng không" nếu tiếp tục các hành động "già néo dứt dây".
Bằng sự từ chối các phán quyết quốc tế, Trung Quốc tự đặt mình ra khỏi luật chơi chung của nhân loại và về lâu dài có thể sẽ gặp phải tình trạng "gậy ông đập lưng ông" trong các tình huống tương tự với các quốc gia khác.
Là quốc gia với địa dư chia sẻ nhiều đường biên giới cả trên bộ lẫn trên biển, Trung Quốc đã và đang phải tìm kiếm các mô thức hợp lý để giải quyết một cách hòa bình với 19 quốc gia láng giềng.
Luật pháp quốc tế và các cơ quan tài phán quốc tế là những công cụ “an toàn” và “kinh tế” nhất đối với Trung Quốc để bảo vệ mình tại đấu trường toàn cầu, vốn ngày càng đa dạng và phức tạp. Quan trọng hơn, quan điểm của Trung Quốc về phán quyết của Tòa trọng tài có thể là một vũ khí lập luận trong thời điểm này, nhưng sẽ tác động tiêu cực trong các trường hợp tranh chấp khác.
Các nước có thể dùng lại quan điểm của Trung Quốc để từ chối tham gia các cơ quan tài phán quốc tế khi Bắc Kinh mong muốn khởi động cơ chế tương tự hay có liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét