Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

EEZ - Exclusive Economic Zone


EEZ - Exclusive Economic Zone - là một thuật ngữ được nhắc đến rất nhiều sau phiên toà PvsC. Hiểu một cách đơn giản EEZ là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ bờ của đất liền hoặc đảo của một quốc gia mà trong vùng biển đó chỉ duy nhất họ có quyền khai thác tài nguyên. Trước đây tôi vẫn nghĩ EEZ như là một thứ "đặc quyền" của một quốc gia ven biển, không quan tâm lắm tại sao các quốc gia lại có quyền như vậy. Cho đến khi đọc phán quyết của PCA [P. 512-520] tôi mới dần dần hiểu ra rằng EEZ nói riêng và UNCLOS nói chung có ý nghĩa sâu xa hơn việc "chia chác" mặt biển.
Trước hết cần nói thêm một chút về quá trình hình thành khái niệm EEZ, chỉ xuất hiện trong UNCLOS III (1982) là bộ luật biển cuối cùng mà toà PCA vừa dựa vào để xử vụ PvsC. Trước đây (cho đến đầu thế kỷ 20) các quốc gia chỉ có territorial sea, vùng biển rộng 3 hải lý tính từ bờ. Bên ngoài territorial sea được coi là vùng biển quốc tế, nghĩa là quốc gia không còn quyền (quản lý/khai thác) nào nữa. Rõ ràng nguyên tắc này có lợi cho các cường quốc hàng hải (Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha...) thời thực dân. Nó trở nên không phù hợp khi năng lực khai thác tài nguyên (đánh cá, khai thác khoáng sản) vươn xa dần ra ngoài đại dương.
Mỹ là quốc gia đầu tiên phá vỡ trật tự này khi tổng thống Truman tuyên bố vào năm 1945 quyền quản lý tài nguyên kéo dài ra hết thềm lục địa (continental shelf - CS) của họ. Một loạt các quốc gia khác bắt chước Mỹ cũng đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình, trong đó có Trung Hoa Dân Quốc với đường 9 đoạn nổi tiếng (xấu) sau này. Tất nhiên khi đòi hỏi chủ quyền của các nước được nới rộng ra như vậy, sự chồng lấn và tranh chấp sẽ không thể tránh khỏi. Bởi vậy nhu cầu một bộ luật quốc tế để đưa ra các nguyên tắc về chủ quyền xuất hiện, UNCLOS I (1956) ra đời bao gồm 4 hiệp định quốc tế. Một trong số đó qui định về CS của các nước.
Vấn đề là CS là một khái niệm khá phức tạp và mơ hồ, những nước nghèo sẽ không đủ năng lực (kỹ thuật/khoa học) để tự xác định ranh giới CS của mình. Tôi nghi ngờ rằng vì ở thời điểm năm 1948 Trung Hoa Dân Quốc không đủ khả năng thăm dò/xác định CS của mình nên đã vẽ đại đường 9 đoạn để giành chủ quyền của mình cái đã. Khái niệm CS cũng tiềm ẩn sự không công bằng vì nó phụ thuộc vào điều kiện địa chất dưới đáy biển mà không đếm xỉa gì đến các cộng đồng dân chúng sống quanh khu vực biển đó. Bởi vậy UNCLOS II (1960) đã được manh nha với ý tưởng viết lại các qui định của UNCLOS I, nhưng cố gắng này đã thất bại khi cuộc chiến tranh lạnh đang ở đỉnh điểm.
Đối mặt với khó khăn không xác định được CS của mình, một số nước (đang phát triển) đưa ra giới hạn 200 hải lý tính từ bờ để xác định chủ quyền (kinh tế) biển. Cách xác định này được sự ủng hộ của nhiều nước vì nó đơn giản, tương đối hợp lý (so với độ rộng của các CS trước đó) và nhất là nó rất minh bạch. UNCLOS III, được đàm phán từ năm 1973 và kết thúc vào năm 1982 đã chính thức đưa ra khái niệm EEZ với cách xác định như vậy. Có thể nói đưa được EEZ vào UNCLOS là một thắng lợi của các nước nghèo/nhỏ để bảo vệ quyền lợi của mình trước các cường quốc biển. Bởi vậy không có gì khó hiểu khi những nước như Malta, Micronesia, Palau, Singapore, Columbia, Mexico... tham gia rất tích cực vào quá trình đàm phán UNCLOS III.
EEZ, và rộng hơn là UNCLOS III, bảo vệ tài nguyên biển cho những nước nghèo/nhỏ ven biển trước những quốc gia có tiềm lực mạnh hơn. Nhưng xa hơn thế UNCLOS III còn tính đến cả quyền lợi của các nước không có biển (land-locked). Lập luận của UNCLOS là tài nguyên biển trước hết phải để phục vụ cho cộng đồng dân chúng sống gần đó, trên đất liền hoặc trên đảo. Nhưng vượt ra khỏi phạm vi các EEZ tài nguyên phải thuộc về toàn bộ nhân loại, trong đó có cả các quốc gia không có biển (tôi đã viết về vấn đề này năm 2014 - link bên dưới).
Tinh thần công bằng này được thể hiện rõ trong phần Preamble (giới thiệu) của UNCLOS 1982:
_“...contribute to the realization of a just and equitable international economic order which takes into account the interests and needs of mankind as a whole and, in particular, the special interests and needs of developing countries, whether coastal or land-locked.”_
Sau khi đọc xong những phân tích của PCA về mục đích của EEZ (cũng như của Điều 121(3)) tôi chợt nhận ra rằng cách hiểu trước đây của mình về khái niệm EEZ (chỉ là nguyên tắc "chia chác") có phần hời hợt. EEZ và rộng hơn là UNCLOS đem lại sự công bằng cho mọi quốc gia, để từ đó thúc đẩy sự thịnh vượng và hoà bình cho nhân loại. Có thể vẫn có những người/những quốc gia tham lam chống lại trào lưu này, nhưng chúng ta vẫn nên hướng theo những tư tưởng nhân bản/văn minh mà UNCLOS đã cố gắng đem lại.
PS. Trong giai đoạn đàm phán UNCLOS III, chắc chắn có đại diện của VNCH tham gia và rất có thể họ đã có những đóng góp đáng kể. Sau năm 1976 đại diện của CHXHCNVN đã có mặt và ký vào văn bản cuối cùng năm 1982. Nếu được gặp những người này tôi sẽ cám ơn họ đã góp phần xây dựng một phần lịch sử và văn minh nhân loại. Nhờ một phần công sức của họ mà 40 năm sau chúng ta có cơ sở chống lại sự "bắt nạt" của TQ và tôi tin lẽ phải/công bằng sẽ chiến thắng. Rất mong các bạn nhà báo điều tra xem các đại diện của VNCH/CHXHCNVN là ai, họ xứng đáng được nhận những lời tri ân của chúng ta, ít nhất trên mặt báo hay trên mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét