Thứ Tư, 14 tháng 3, 2018

"Lực học Thích Ca" đối chiếu với Cơ học Newton và Thuyết Tương đối của Einstein

Truyền Bình

Lực học Newton và Einstein có thể đem lại cuộc sống tiện nghi cho con người bằng những phát minh sáng chế rất tài tình, chẳng hạn nhà cửa, xe cộ, máy bay, tàu thủy, máy vi tính, điện thoại di động…Nhưng tôi nghĩ chỉ có lực học Thích Ca mới đem lại cuộc sống giác ngộ, mưu cầu sự an lạc và hòa bình đích thực cho nhân loại và muôn loài chúng sinh một cách vững chắc

Lực học là môn nghiên cứu tác động của lực đối với vật chất, thuật ngữ thông dụng gọi là Cơ học (Mechanics) hoặc có khi gọi là Động lực học (Dynamics). Cơ học cổ điển của Newton, ta tạm gọi là cấp độ I của lực học, hay lực học Newton, chủ yếu nghiên cứu tác dụng của lực đối với cố thể vật chất. Cố thể vật chất là vật chất ở thể rắn có một khối lượng đủ lớn để con người có thể cảm nhận được, còn đối với vật chất cực vi như nguyên tử (atom) hay các hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) thì Newton chưa có điều kiện nghiên cứu tới. Đối với các hạt vật chất cực vi này thì có môn Cơ học lượng tử (Quantum mechanics) nghiên cứu chúng. Cơ học lượng tử có 3 vấn đề khác hẳn cơ học cổ điển:
1. Lượng tử là một khái niệm mới về vật chất chỉ mới được quan niệm từ đầu thế kỷ 20. Trước kia người ta cho rằng ánh sáng hay năng lượng là một thực thể liên lục nhưng Max Planck khám phá rằng ánh sáng hay năng lượng cũng chỉ là tập hợp các lượng tử rời rạc chứ không phải liên tục. Cơ học lượng tử được thành lập chủ yếu bởi các nhà khoa học sau : Max Planck, Albert Einstein, Niels Bohr, Werner Heisenberg, Erwin Schrödinger, Max Born, John Von Neumann, Paul Dirac, Wolfgang Pauli, De Broglie… Trong các vị này, Einstein là người nổi tiếng nhất nên xin lấy tên ông làm đại diện cho cấp độ II của lực học, tức là lực học Einstein.
2. Lưỡng tính sóng hạt của ánh sáng và năng lượng. Người ta thường quan niệm rằng hạt là vật chất, còn sóng là sự dao động của vật chất chứ bản thân sóng không phải là vật chất. Nhưng với lưỡng tính sóng hạt, sóng cũng là vật chất nhưng ở dạng năng lượng. Năng lượng đó không liên tục mà rời rạc cho nên từng hạt năng lượng gọi là lượng tử (quantum). Lưỡng tính sóng hạt do nhà khoa học Pháp Louis de Broglie khám phá và trình bày trong tác phẩm Recherches sur la théorie des quanta (Nghiên cứu về lý thuyết lượng tử). Nghiên cứu này đem đến cho ông giải Nobel Vật lý năm 1929.
3. Hiện tượng rối lượng tử (Quantum Entanglement) là một hiện tượng vô cùng khó hiểu đối với các nhà khoa học. Thiên nhiên có thể tạo ra nhiều sự vật đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau nhưng các sự vật đó quan hệ chặt chẽ với nhau, khiến người ta không thể hiểu được rằng đó là một sự vật duy nhất xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí khác nhau trong không gian, hay nhiều sự vật giống hệt nhau xuất hiện đồng thời tại nhiều vị trí, nhưng liên kết với nhau chặt chẽ, khi một sự vật bị tác động thì tất cả các sự vật kia bị tác động tức thời và y hệt. Nếu cho rằng khi tác động lên một vật, thông tin sẽ được truyền đến các vật kia, thì tốc độ truyền sẽ là con số không tưởng, gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng. Sinh thời Einstein bối rối trước hiện tượng này, ông gọi đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Hiện tượng rối lượng tử phải dẫn đến kết luận chắc chắn rằng số lượng, không gian, thời gian đều không có thực, đó chỉ là sự biến hiện của tâm thức. Tác động tức thời không mất chút thời gian nào là vì không gian không có thực. Một sự vật xuất hiện đồng thời ở nhiều vị trí khác nhau là vì số lượng không có thực, số lượng một hay nhiều là do tâm thức cảm nhận. Không gian không có thực thì thời gian cũng không có thực, bởi vì thời gian là một chiều kích của không gian. Đây không phải chỉ là lý thuyết suông mà ngày nay đã có ứng dụng. Mạng internet cho phép chúng ta có thể đồng thời nói chuyện, gặp gỡ cùng lúc với bạn bè, người thân ở nhiều nơi xa xôi trên thế giới vì khoảng cách không gian trên địa cầu đã bị triệt tiêu với thông tin truyền đi bằng vận tốc ánh sáng. Giả sử chúng ta có thể đạt tới tốc độ của ý niệm, thì khoảng cách không gian vũ trụ hàng tỉ quang niên không còn nữa, chỉ một niệm là đến. Lực học trong nền tảng vận tốc vô hạn, ta tạm gọi là cấp độ III của lực học hay là lực học Thích Ca vì những khái niệm này do Đức Phật Thích Ca khai thị.

Trước khi đi sâu vào từng cấp độ lực học, ta hãy tự hỏi tại sao lực học có tầm quan trọng rất lớn đối với vũ trụ và thế giới. Xin liệt kê mấy ý kiến như sau:
a) Lực học quan trọng vì thế giới cấu tạo bằng những phần tử rời rạc như hạt quark, electron. Phải có lực kết nối chúng lại với nhau. Ba hạt quark (2up+1down) kết hợp thành hạt proton. Ba hạt khác (1up+2down) kết hợp thành hạt neutron. Proton và neutron tạo thành hạt nhân nguyên tử. Hạt nhân nguyên tử kết hợp với electron tạo thành nguyên tử vật chất. Nguyên tử kết nối với nhau thành phân tử hoặc thành cố thể vật chất. Phân tử hữu cơ kết nối với nhau thành chất sống, tế bào sinh vật. Tế bào kết nối với nhau thành sinh vật, con người. Ở tầm vĩ mô lực hấp dẫn liên kết mặt trời và các hành tinh thành thái dương hệ. Các thái dương hệ lại xoay quanh dải ngân hà, các thiên hà tương tác với nhau trong vũ trụ bao la.
b) Trong vũ trụ, chỉ có 4 loại lực tương tác cơ bản, đó là : Lực hấp dẫn (force de gravité, gravitation) là lực hút giữa vật chất với nhau, có tác dụng ở mặt vĩ mô. Lực điện từ (force électromagnétique, electromagnetism) tạo ra từ trường trong đó điện tích cùng dấu thì đẩy nhau, khác dấu thì hút nhau. Lực tương tác mạnh (force interactive forte, the strong interaction) là lực liên kết các hạt quark tạo ra hạt proton và hạt neutron, tạo ra sự vững bền của hạt nhân nguyên tử và giữ cho electron chuyển động theo quỹ đạo nhất định. Lực tương tác yếu (force interactive faible, the weak interaction) tạo ra hiện tượng phóng xạ của các nguyên tố nặng (như uranium) tức là giải phóng một số proton và neutron khiến nguyên tử dần dần bị phân rã. Lực điện từ và lực tương tác yếu, từ năm 1983 khi khám phá hạt tương tác boson W và boson Z thì có thể gom thành một lực chung gọi là lực tương tác điện yếu (interaction of weak electromagnetic fields)
c) Thành phần cơ bản nhất của vật chất là lượng tử thật ra chỉ là hạt ảo, không có thật, lượng tử chỉ là khái niệm trừu tượng. Nhưng lượng tử được lực kết nối thành các hạt cụ thể như quark, electron. Ta có thể thấy, cảm nhận được chúng, cũng như cảm nhận nguyên tử. Thật ra nguyên tử không có thật, nguyên tử chỉ là giả danh, nguyên tử chỉ là mối quan hệ tổng quan giữa quark, proton, neutron và electron  mà thôi, nghĩa là nguyên tử thật ra chỉ là lực kết nối các hạt quark, proton, neutron và electron lại với nhau. Chúng ta thấy và cảm nhận cái hình tướng là nguyện tử, thật ra chỉ là lực tương tác giữa các hình tướng ảo khác là quark, proton, neutron, electron. Ngay cả lực cũng không có thật, lực chỉ có trong tâm thức. Chính vì lẽ này mà Von Neumann (1903-1957 nhà toán học người Mỹ gốc Hungary, có nhiều đóng góp cho vật lý lượng tử và khoa học máy tính) phát biểu : “Nothing would be real unless consciousness exists, that all real things are constituents of consciousness – which is a complete reversal of materialism”  (Không có cái gì là thật trừ phi ý thức hiện hữu, tất cả vật thật đều cấu thành từ ý thức- điều này hoàn toàn trái ngược với chủ nghĩa duy vật).
d) Lực có thể chuyển hóa thành năng lượng và ngược lại. Năng lượng của các nhà máy điện nguyên tử chính là lực tương tác hạt nhân mạnh được giải phóng do sự phân rã của nguyên tử uranium U235 hoặc plutonium Pn239.
 Nguyên tử Uranium 235

Cụ thể như sau: Để tạo ra sự phân hạch của U -235, cần phải làm cho nơtron đi vào hạt nhân của nó. Vì hạt nhân nguyên tử rất nhỏ nên nơtron có tốc độ cao mặc dù có thể đến gần hạt nhân nhưng nhiều khi lại bay qua bên cạnh mà không trúng hạt nhân và cơ hội xâm nhập vào bên trong hạt nhân rất ít. Nếu làm giảm tốc độ của nơtron và kéo dài thời gian tồn tại của nó ở bên cạnh hạt nhân thì xác suất va chạm với hạt nhân sẽ trở nên cao hơn. Người ta gọi nơtron đã bị giảm tốc độ là nơtron nhiệt (Thermal Neutron). Nơtron nhiệt sẽ gây ra phản ứng phân hạch (Nuclear Fission) khi va chạm với một hạt nhân nguyên tử U -235, các mảnh vỡ đó bay phân tán với tốc độ cao. Phản ứng sinh ra một năng lượng khổng lồ được gọi là năng lượng nguyên tử, phát ra dưới dạng nhiệt, ánh sáng với các tia gama, beta, alpha mà nguồn gốc phát sinh là các proton, neutron, electron tự do tức là  không bị kết hợp trong các nguyên tử của các nguyên tố mới. Các tia này là phóng xạ độc hại gây ra bệnh tật lâu dài cho sinh vật. Phản ứng ngoài việc giải phóng ra một năng lượng cực lớn, đồng thời sinh ra 2~3 nơtron mới. Các neutron này tiếp tục bắn phá hạt nhân U235 khác tạo ra phản ứng dây chuyền ngày càng tăng, đó là nguyên lý của bom nguyên tử, còn trong nhà máy điện nguyên tử, người ta kiểm soát quá trình này để chỉ duy trì phản ứng ở một mức nhất định. Người ta gọi mảnh vỡ phát sinh do phân hạch là sản phẩm phân hạch (Fission Product). Phần lớn  sản phẩm phân hạch có tính phóng xạ. Sau đây là một số sản phẩm phân hạch tiêu biểu:

-Strontium-90 (Sr-90) Chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, khi hấp thụ vào cơ thể sẽ đọng ở xương và việc loại bỏ ra ngoài là khá khó khăn.
-Iodine-131 (I-131) Chu kỳ bán rã khoảng 8 ngày, khi hấp thụ vào cơ thể sẽ tập trung ở tuyến giáp trạng.
-Cesium-137(Cs-137) Chu kỳ bán rã khoảng 30 năm, dù có hấp thụ  vào cơ thể cũng sẽ bài tiết tương đối sớm ra ngoài qua đường tiêu hoá.
 Biểu đồ phản ứng phân hạch Uranium 235

Trong biểu đồ, hạt nhân U235 bị phân rã thành 3 nguyên tố mới là : U236, Kripton và Barium

Năng lượng chuyển hóa thành lực thì chúng ta thấy rất nhiều trong đời sống hàng ngày. Chẳng hạn động cơ nổ chuyển hóa từ nhiệt năng do đốt nhiên liệu thành cơ năng tức là lực đẩy chiếc xe chạy tới, hoặc đẩy chiếc phi cơ bay tới. Hoặc năng lượng điện biến thành cơ năng chạy các máy móc, động cơ điện, đồ điện gia dụng và đồ điện tử. Thế năng của nước biến thành điện năng với các đập thủy điện. Quang năng của ánh sáng, Phong năng của gió đều có thể biến thành điện năng với các tấm pa-nô mặt trời (panneaux solaires) hoặc tua-bin gió.

Sau khi đã khảo sát các khái niệm về lực, ta bắt đầu đi vào xác định 3 cấp độ của lực học :
I. Cấp độ I, lực học Newton (1643-1727) : Lực chủ đạo là lực hấp dẫn và lực quán tính, đối tượng nghiên cứu là các thiên thể vĩ mô trong vũ trụ và các vật thể trung mô trong cuộc sống quanh ta. Khảo sát mang tính định lượng, công cụ chủ yếu là toán học và tư duy. Newton phát biểu 3 định luật cơ học :
Định luật 1 Newton (còn gọi là định luật quán tính): Một vật đang đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều sẽ đứng yên hoặc chuyển động thẳng đều mãi mãi nếu không bị buộc phải thay đổi trạng thái đó bởi ngoại lực tác dụng lên vật.

Định luật 2 Newton: Biến thiên động lượng của một vật theo thời gian tỉ lệ với tổng lực tác dụng lên vật, và có hướng là hướng của tổng lực.
Định luật 3 Newton: Đối với mỗi lực tác động bao giờ cũng có một phản lực cùng độ lớn, nói cách khác, các lực tương tác giữa hai vật bao giờ cũng là những cặp lực cùng độ lớn và ngược chiều.
Ngoài ra ông còn tìm ra định luật vạn vật hấp dẫn: Hai vật có khối lượng M và m sẽ hút lẫn nhau bằng một lực F, tỉ lệ thuận với khối lượng của chúng và tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách r , vật có khối lượng nhỏ m sẽ bị kéo về phía vật có khối lượng lớn M với gia tốc G. Công thức toán học là :
 
Theo công thức này thì khoảng cách càng gần thì lực hút càng lớn, khoảng cách càng xa thì lực hút sẽ giảm rất nhanh. Một vệ tinh ở cách xa Trái đất khoảng 400 km thì lực hút cùa Trái đất sẽ rất yếu, nó sẽ không rớt xuống đất nữa mà bay quanh Trái đất theo quỹ đạo nhất định tùy thuộc vào lực phóng vệ tinh và hướng tác dụng của lực. Khi đó vệ tinh ở trong tình trạng vô trọng lực tức không bị lực hút của Trái đất chi phối nữa.
Xem xét hiện tượng gió thổi trên bề mặt nước, gió sẽ tác động lên bề mặt nước một lực nhất định và làm bề mặt nước chuyển động với vận tốc cố định u. dưới tác dụng của độ nhớt, lớp liền kề phía dưới sẽ bị kéo theo chuyển động của lớp trên, Newton còn đưa ra định luật về các lưu chất (chất lỏng và chất khí). Nhưng định luật này phức tạp, liên quan tới độ nhớt của lưu chất, công thức tính toán bằng vi phân phức tạp và ít có ý nghĩa triết học nên ta không đi sâu.
Lực học Newton chưa hoàn thiện, nó chỉ đúng với vật thể có khối lượng lớn và vận tốc nhỏ. Tuy nhiên nó được ứng dụng rất nhiều trong đời thường, trong các phép tính thông thường về chuyển động.

Cấp độ II, Lực học Einstein (1879-1955) : Lực chủ đạo là 4 lực cơ bản đã nói ở phần trên. Đối tượng nghiên cứu là thế giới vi mô dưới nguyên tử và thế giới vĩ mô của các thiên thể. Công cụ là toán học, các thiết bị như máy gia tốc, các loại máy đo tối tân và khả năng tư duy của trí não, đặc biệt là các thí nghiệm tưởng tượng. Lực học Einstein có nhiều điểm khác cơ bản so với lực học Newton như đã nói trên. Ở đây xin nhấn mạnh một số điểm chính yếu :
1. Quan niệm về không gian, thời gian, khối lượng vật chất đã có thay đổi. Đối với Newton, những đại lượng đó là bất biến, còn với Einstein, không gian, thời gian, khối lượng là khả biến, có thể thay đổi theo vận tốc, theo hệ qui chiếu. Với Einstein, không có hệ qui chiếu chuẩn, một vật đứng yên hay chuyển động là tương đối với hệ qui chiếu hoặc đối với vật khác. Thí dụ ta đang ngồi trên đoàn tàu hỏa đang chạy. Đối với tàu hỏa, ta ngồi yên bất động, nhưng đối với nhà ga, cảnh vật dưới đất thì ta đang chuyển động. Dù cho ta đang nằm ngủ trong nhà mình, ta cũng đang chuyển động với vận tốc rất lớn theo Trái đất. Rồi cả thái dương hệ cũng đang chuyển động trong dải Ngân hà. Rồi cả dải Ngân hà cũng đang chuyển động trong vũ trụ. Tất cả đều là tương đối.
Độ dài của cây thước mẫu sẽ thay đổi, rút ngắn lại khi nó di chuyển với vận tốc gần bằng ánh sáng. Thời gian vật lý cũng thay đổi rút ngắn lại khi di chuyển với vận tốc lớn gần bằng ánh sáng, cụ thể hóa bằng câu chuyện về hai anh em song sinh, người anh ngồi phi thuyền bay với vận tốc cực cao trong một buổi, thì trên địa cầu đã trải qua mấy chục năm, người em trở nên già hơn người anh rất nhiều. Như vậy thời gian không giống nhau đối với hai anh em vì họ ở trong hai hệ qui chiếu khác nhau. Khối lượng vật chất cũng không cố định, nó sẽ tăng lên nhiều khi vận tốc cực cao, cụ thể hạt proton khi di chuyển gần bằng ánh sáng trong máy gia tốc thì khối lượng của nó tăng lên gấp 4 lần. Nếu nó di chuyển bằng tốc độ ánh sáng thì khối lượng sẽ tăng lên vô hạn, nhưng trong thực tế, vật có khối lượng không thể di chuyển bằng tốc độ ánh sáng vì nó đòi hỏi một lực vô cùng lớn mà người ta không thể đáp ứng được.
2. Trong lực học Einstein thì lực hấp dẫn được thay bằng khái niệm sự biến dạng của thời không. Nên nhớ rằng trong lực học Newton, thời gian và không gian là hai đại lượng riêng biệt độc lập với nhau. Còn trong lực học Einstein, hai đại lượng này không độc lập, không thể tách rời và được gọi chung là thời không (space-time). Vật chất làm cho thời không biến dạng, mật độ vật chất càng lớn, thời không càng bị cong nhiều. Ánh sáng không có khối lượng và chuyển động theo đường thẳng. Lực học Newton không thể giải thích được tia sáng khi đi qua gần mặt trời thì bị cong đi, bởi vì không có khối lượng thì ánh sáng không bị chi phối bởi lực hấp dẫn. Nhân dịp nhật thực năm 1919, người ta đã chụp hình được mặt trời, chứng minh được tia sáng bị cong, Einstein giải thích rằng chính vì mật độ vật chất cao của mặt trời đã làm thời không chung quanh nó bị biến dạng cong đi nên ánh sáng đi qua đó phải cong theo.
3. Khái niệm tương đối trở thành ý tưởng chủ đạo trong lực học Einstein. Không gian, thời gian, khối lượng vật chất đều là tương đối. Tương đối nghĩa là không độc lập, mọi sự vật đều tùy thuộc lẫn nhau và có thể thay đổi. Khái niệm tương đối được Einstein nêu ra hai lần. Lần đầu vào năm 1905, ông gọi đó là Thuyết tương đối đặc biệt hoặc tương đối hẹp (Special or Simply Relativity). Lý thuyết này xác định tính tương đối của không gian, thời gian và khối lượng vật chất, xác định tốc độ ánh sáng là một hằng số gần bằng 300.000km/giây, xác định sự tương đương giữa vật chất và năng lượng với công thức nổi tiếng E=mc2. Lần hai vào năm 1915, ông gọi đó là Thuyết tương đối tổng quát (General Relativity), đặc biệt luận về trường hấp dẫn trên bình diện vĩ mô của vũ trụ. Thuyết này tiên đoán sự dãn nở của vũ trụ, tương ứng với sự dịch chuyển về phía hồng ngoại của quang phổ; tiên đoán sự hiện hữu của các lỗ đen vũ trụ nơi mật độ vật chất tập trung quá lớn đến mức ánh sáng không thể thoát ra, không phải vì lực hấp dẫn mà vì trường hấp dẫn có độ cong quá lớn. Tia sáng bị cong trong trường hấp dẫn dẫn đến hiệu ứng thấu kính hấp dẫn, nhiều hình ảnh của cùng một thiên thể được nhìn thấy đồng thời trên bầu trời.
Tuy rất thành công nhưng thuyết Tương đối của Einstein vẫn còn những vấn đề chưa giải quyết được. Chẳng hạn thuyết Tương đối chưa bao gồm Cơ học lượng tử. Einstein đã nỗ lực trong 30 năm cuối đời, tìm cách thống nhất thuyết Tương đối và Cơ học lượng tử thành một TOE (Theory Of Everything_Lý thuyết có thể giải thích được tất cả) mà ông gọi là Lý thuyết trường thống nhất (Unified Field Theory) nhưng cuối cùng thất bại, ông qua đời năm 1955 mà không giải quyết được vấn đề, và cho đến nay (2011) cũng chưa ai giải quyết được.
Chính vì vậy, chúng ta phải trở lại với đạo lý xa xưa hơn rất nhiều, có thể giải quyết được vấn đề này bằng một cách khác hẳn.
Cấp độ III, Lực học Thích Ca (623-543 Trước Công nguyên) : Có lẽ chưa ai nghe nói đến lực học Thích Ca bao giờ, chỉ có Thiền sư Thích Duy Lực có đề cập sơ qua nhưng chưa kịp triển khai. Nay tôi mạo muội và cả gan bàn đến lực học Thích Ca dựa vào Kinh điển Phật giáo, nếu có sai sót, xin các bậc cao minh chỉ giáo.
Lực học Thích Ca chỉ triển khai một lực duy nhất là Tâm lực, đây là tổng hợp của 4 lực cơ bản trong vũ trụ, công cụ là Thiền định. Tất cả các nhà khoa học trên thế giới đều muốn tổng hợp 4 lực cơ bản, nhưng chỉ tổng hợp được hai lực là tương tác yếu và điện từ thành tương tác điện yếu (interaction of weak electromagnetic fields). Họ không ngờ rằng Thích Ca đã tổng hợp được từ xa xưa. Thích Ca không nghiên cứu về định lượng bởi vì số lượng là không có thực nên không có ý nghĩa, cũng vì vậy Thích Ca cũng không sử dụng các phương trình toán học. Mặt khác nếu có cố dùng đến phương trình toán học thì thời đó cũng chẳng có ai hiểu. Thích Ca dùng Thiền định để có được cái thấy siêu việt không bị tâm thức làm cho méo mó, do đó không còn bị vô minh chi phối. Để đạt tới mức Thiền định như vậy, phải trì giới tinh nghiêm nhiều đời nhiều kiếp bất thối chuyển, mới giải thoát khỏi mọi tập khí (thói quen sai lầm) hình thành từ lâu đời, đạt tới cái thấy vô thượng chánh đẳng chánh giác tức trí bát nhã. Bát nhã có đủ khả năng thấy và diệu dụng thực tướng của vạn vật.
Thích Ca thấy không phải bằng mắt thường, mà bằng huệ nhãn, rằng thực tướng của vạn vật là Không (thực tướng vô tướng), tất cả chỉ là ảo hóa, là nhân duyên kết hợp. Lượng tử, quark, electron, neutrino…tất cả mưới mấy loại hạt hạ nguyên tử (subatomic particles) mà con người đã tìm thấy và hy vọng tìm thấy nhưng thực tế chưa tìm được (graviton, higgs boson) đều chỉ là hạt ảo, chúng không tồn tại độc lập, mà chỉ hiện hữu trong tâm thức của người quan sát. Điều này các khoa học gia hàng đầu thế giới ngày nay cũng nhìn nhận. Eugene Wigner (1902-1995 nhà vật lý và toán học người Hungary, giải Nobel vật lý năm 1963) viết : “The very study of the external world led to the conclusion that the content of the consciousness is an ultimate reality. Particles only exist when observed, and so the reality of particles entails that consciousness is a fundamental element of reality” (Càng nghiên cứu thế giới bên ngoài, càng dẫn tới kết luận rằng nội dung của ý thức là thực tại tối hậu. Hạt chỉ hiện hữu khi được quan sát, và như thế thực tại của hạt bắt buộc rằng ý thức là yếu tố cơ bản của thực tại).
Cơ học Newton thì cho là không gian, thời gian, khối lượng vật chất là thực tại khách quan, bất biến và có thật. Einstein nhận thức cao hơn một bậc, biết rằng không gian, thời gian, khối lượng vật chất không phải bất biến mà khả biến, tuy nhiên Einstein vẫn cho rằng các đại lượng đó là sự thật khách quan, nằm ngoài tâm thức (quan điểm duy vật). Thích Ca cũng không phủ nhận thế giới, nhưng thấy rằng không gian, thời gian, vật chất tuy hiện hữu nhưng đó là sự hiện hữu trong tâm thức chứ không phải thật, Thích Ca không dùng thuật ngữ khối lượng mà dùng một từ có ý nghĩa phổ quát hơn là số lượng để chỉ mức độ của vật chất. Có những vật chất không có khối lượng nhưng vẫn có số lượng, ví dụ bit thông tin, người ta không thể cân thông tin xem chúng nặng bao nhiêu nhưng vẫn đếm được số lượng nhiều ít của chúng, đơn vị tính là bit và byte. Bội số của byte là Kilobyte (KB), Megabyte (MB), Gigabyte (GB), Terabyte (TB). Các bội số sau đều lớn hơn số trước liền kề 1024 lần, trừ Terabyte  chỉ lớn hơn Gigabyte 1000 lần.
Einstein tuy nhận thức cao hơn Newton nhưng vẫn còn chấp thật, nghĩa là cho rằng thế giới là có thật. Do đó ông thật sự bối rối đối với hiện tượng rối lượng tử (quantum entanglement ) không hiểu tại sao tín hiệu có thể truyền từ photon này sang photon kia với tốc độ gấp hàng triệu lần tốc độ ánh sáng trong khi ông đã chứng minh cho cả thế giới thấy rằng tốc độ ánh sáng là cao nhất trong thế giới vật chất. Vì thế ông gọi đó là tác động ma quái từ xa (Spooky action at a distance). Ông không hiểu rằng không gian, thời gian và số lượng vật chất đều chỉ là ảo, không phải thật, chúng chỉ hiện hữu trong tâm tưởng. Cũng cần hiểu rằng tâm không phải chỉ là ý thức. Ý thức chỉ là một phần rất nhỏ, cạn cợt của tâm thức. Phật giáo mô tả tâm thức gồm có bát thức (8 thức) mà thuyết Thập nhị nhân duyên và Duy thức học đề cập chi tiết. Bát thức gồm nhãn thức, nhĩ thức, tị thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Nhãn thức là cảm giác phân biệt do mắt (thị giác) đưa vào não. Các thức kia lần lượt là cảm giác phân biệt của tai (thính giác), của mũi (khứu giác), của lưỡi (vị giác), của thân thể (xúc giác). Các cảm giác khác nhau được đưa vào não để so sánh, nhận biết và phát sinh ý thức. Ý thức là nhận thức tổng hợp của 5 thức trước, nó ghi nhớ trong ký ức và có khả năng tái hiện mà không cần tiếp xúc với ngoại cảnh. Ngoài ra còn hai thức rất quan trọng mà khoa học chưa biết mấy, là mạt-na thức và a-lại-da thức. Mạt-na chấp 6 thức trước và a-lại-da là của riêng nó. Còn a-lại-da là kho chứa dữ liệu thông tin cực kỳ lớn, để hình dung nó ta hãy tạm so sánh nó với internet. Tất cả dữ liệu của internet đều có thể hiển thị trên máy tính cá nhân khi có đủ điều kiện. Cả vũ trụ vạn vật mà ta tưởng là khách quan, ở bên ngoài ý thức, đều có thể hiện ra khi có đủ nhân duyên theo cơ chế tương tự như thế giới ảo của máy vi tính.
Vì vũ trụ là chủ quan, nên với lực học Thích Ca, lấy tâm lực là chủ đạo, để đi đến những nơi cực kỳ xa xôi trong tam giới, chỉ cần tịch (chết) ở nơi này và xuất hiện (sinh) ở nơi kia, bất luận khoảng cách không gian là bao nhiêu tỉ quang niên, số lượng là vô nghĩa vì không gian chỉ là ảo. Điều quan trọng là phải có khả năng sinh tử tự do thì mới chủ động được quá trình đầu thai. Chỉ có Phật, Bồ Tát, Tổ Sư, các bậc kiến tánh, mới thoát khỏi luân hồi, liễu giải sinh tử, đạt tới sinh tử tự do, hay nói cách khác, họ ngộ tính chất ảo hóa không thực của vũ trụ vạn vật nên không chấp bất cứ thứ gì là thật cả. Điều này trong kinh Bát nhã ba la mật đã nói rõ.
“Chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt bất cấu bất tịnh bất tăng bất giảm, thị cố không trung vô sắc, vô thọ tưởng hành thức , vô nhãn nhĩ tị thiệt thân ý , vô sắc thanh hương vị xúc pháp…”
Dịch nghĩa: Các pháp (vạn sự vạn vật) có bản chất là không, không sanh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm, như vậy trong cái không, không có vật chất, không có các cảm giác như thọ (tiếp xúc), tưởng (tưởng tượng), hành (chuyển động, hoạt động), thức (phân biệt), không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân xác, ý thức, không có các đối tượng của các giác quan là sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (mùi hương), vị (vị giác của lưỡi), xúc (cảm giác của thân thể), pháp (đối tượng của ý thức)…
Còn chúng sinh vô minh thì sinh tử, đầu thai theo sự dẫn dắt của nghiệp lực, tưởng tam giới là có thật. Nguyên nhân cơ bản khiến có sự tưởng tượng như vậy là do vô minh, mắt xích đầu tiên của thập nhị nhân duyên. Chính vô minh khiến lầm lẫn nguyên tử là có thật, vật chất là có thật. Lý thuyết thập nhị nhân duyên chính là cơ bản của lực học Thích Ca. Từ vô minh, qua trùng trùng duyên khởi, hình thành vũ trụ vạn vật. Các nhà khoa học không hiểu tại sao có hiện tượng giam hãm (confinement) tức sự kiện các hạt quark bị nhốt vĩnh viễn trong hạt proton và trong hạt neutron. Họ cũng không hiểu nguồn gốc của lực tương tác hạt nhân mạnh là do đâu. Chính tâm cố chấp kiên cố là nguồn gốc của hiện tượng giam hãm cũng như của lực hạt nhân mạnh. Khi giải thoát khỏi tâm cố chấp này thì Bồ Tát có thể dễ dàng đi xuyên qua tường đá, vì bức tường cũng như thân thể là không có thật, không còn lực nào giữ cho các hạt quark dính chặt vào nhau nữa, không còn lực nào để dính chặt các hạt proton và neutron tạo thành hạt nhân nguyên tử nữa. Trương Bảo Thắng đã từng biểu diễn đi xuyên qua tường của Đại Lễ Đường Nhân dân Bắc Kinh năm 1982 trước sự chứng kiến của các nhà khoa học. Anh ta và một vài kỳ nhân khác có thể dùng tâm lực lấy các viên thuốc ra khỏi lọ mà không cần mở nắp, hoặc bỏ một đồng xu vào cái phích nước sôi, rồi lấy ra trong khi nắp phích nước đóng chặt, vừa bằng nút bấc ở trong và nắp nhôm ở ngoài.
Lực học Thích Ca nêu ra nguyên lý sinh diệt là qui luật của vũ trụ vạn vật, sinh diệt là đặc trưng của thế giới. Quá trình sinh diệt có 4 giai đoạn : Thành là giai đoạn hình thành của vật; Trụ là giai đoạn trưởng thành, thời hưng thịnh nhất của vật; Hoại là giai đoạn suy tàn của vật; Diệt là giai đoạn tiêu vong của vật. Theo cấp độ II, bốn lực cơ bản của vũ trụ là sức mạnh chủ yếu tác động đến quá trình này. Nhưng Thích Ca thấy thành trụ hoại diệt cũng chỉ là ảo, là giả, hoạt động trên cơ sở vô minh, nếu không có tưởng tượng của vô minh thì không có gì cả. Tâm như như bất động, vô hình, vô tướng mới đích thực là động cơ của sinh diệt. Nếu cứ theo thói quen vô minh thì Sinh diệt phát sinh do cấu trúc ảo, vô thủy vô minh của vật chất. Ảo tức là không thật nhưng tại sao lại hiện hữu? Hiện hữu đó chỉ có trong nhất niệm vô minh. Khi nào thì có nhất niệm vô minh ? Khi cấu trúc ảo vô thủy vô minh đó hình thành được sinh vật có bộ não và có lục thức, đó là điều kiện cho nhất niệm vô minh hay ý thức khởi lên, và ý thức đó nhận ra sự hiện hữu của vũ trụ vạn vật. Quá trình này ngày nay đã được chứng minh một cách rõ ràng qua phát minh máy vi tính. Electron là một hạt ảo, nghĩa là nó không thể độc lập tồn tại, nhưng nó tạo ra được dòng điện, dòng điện có hai trạng thái : đóng mạch, ký hiệu 1; ngắt mạch, ký hiệu 0. Chỉ với hai ký hiệu này, người ta tạo ra hệ đếm nhị phân, có thể diễn tả bất cứ số lượng nào chỉ với 2 ký hiệu đó thôi. Rồi người ta dùng các con số để diễn tả độ sáng, màu sắc, chữ viết, âm thanh, hình ảnh, video…Kết quả là người ta tạo ra cả một thế giới ảo và một ngành công nghệ thông tin rất phát triển hiện nay.
Lực học Thích Ca là một sức mạnh tâm linh nhằm giải thoát khỏi sinh tử luân hồi chứ không nhằm biểu diễn thần thông, nên các bậc giác ngộ rất ít khi hiển bày thần thông. Tuy nhiên trong một số trường hợp cần thiết, họ cũng hiển bày chút ít để duy trì lòng tin cho đời sau. Chẳng hạn Lục Tổ Huệ Năng đã chủ động để lại nhục thân bất hoại của mình.
Lục Tổ Huệ Năng
Còn các ngoại đạo như Trương Bảo Thắng cũng có thể có thần thông, nhưng nếu biểu diễn nhiều lần, họ sẽ mất hết công lực và không còn làm được nữa.

Sức mạnh tâm linh cũng có thể giúp hành giả tiếp xúc được với chúng sinh của thế giới khác, chẳng hạn thế giới của người quá cố. Các thế giới đó chẳng phải ở đâu xa, chúng đều nằm trong A lại da thức. 
Sức mạnh tâm linh có thể phá bỏ sự ngăn cách giữa quá khứ, hiện tại, vị lai, phát hiện thực tướng thời gian không có thật, khiến có thể tiên đoán chính xác sự kiện chưa xảy ra. Đây không phải là dự đoán, không dựa trên suy luận lô-gích, mà thấy đích xác sự kiện, nói chưa diễn ra là nói theo chủ quan về thời gian của người đời, chứ dữ liệu đã có trong a-lại-da thức. Chú bạch tuộc Paul chọn Tây Ban Nha chiến thắng Hà Lan trong Giải World Cup Bóng Đá 2010 tại Nam Phi trước khi diễn ra trận đấu và thực tế diễn ra đúng như vậy.
Quốc kỳ Tây Ban Nha
 Quốc kỳ Hà Lan
Bạch tuộc Paul tiên tri kết quả trận chung kết Worid Cup 2010, Tây Ban Nha và Hà Lan (https://www.youtube.com/watch?v=h-mZC7GaLWA)
Tiên tri của bạch tuộc Paul không phải ngẫu nhiên, vì 8 lần tiên đoán đều đúng 100% trong khi xác suất ngẫu nhiên để ra kết quả đúng trong 8 lần liên tiếp là rất thấp, không có đầu óc hoặc máy tính lô-gích nào làm được.
Sau đó không lâu, gần 4 tháng sau World Cup, bạch tuộc Paul tịch theo đúng truyền thống Phật giáo vì đã để lộ cho người đời thấy thần thông của mình, thọ hai tuổi rưỡi.
Về mặt luân hồi nghiệp chướng, lực học Thích Ca tác động tới kho dữ liệu của A-lại-da thức tạo ra nhân quả, tạo ra luân hồi tái sinh, trong trường hợp này lực ấy là nghiệp lực mà chúng sinh mê muội bị dẫn dắt để đi đầu thai, còn bậc giác ngộ, Bồ Tát  thì tự chủ gọi là sinh tử tự do như trường hợp của gia đình cư sĩ Bàng Uẩn
Kể chuyện gia đình cư sĩ Bàng Uẩn
Còn luân hồi tái sinh thì như trường hợp của nhà văn Huỳnh Đình Kiên đời Tống hoặc trường hợp sau ngay thời hiện đại
Trường hợp tái sinh của bé Quyết Tiến (link trực tiếp)
Tóm lại, lực học Thích Ca nói rằng tất cả lực đều là tâm, tất cả vật cũng đều là tâm, ngoài tâm không có vật, như lời của Lục Tổ Huệ Năng của Thiền tông Trung Quốc:
本來無一物 Bản lai vô nhất vật, Xưa nay vốn không có một vật nào
何處惹塵埃 Hà xứ nhạ trần ai? Bụi trần bám vào đâu?
Đừng tưởng rằng chỉ có các nhà đạo học nói năng mông lung mà không chứng minh được, các nhà khoa học hàng đầu thế giới ngày nay cũng đã đã nhận ra ý này. Heisenberg, (1901-1976 nhà vật lý lý thuyết người Đức, người khám phá ra nguyên lý bất định, nói: “Atoms and elementary particles…form a world of potentialities or possibilities, rather than one of things or facts…atoms are not things” (Nguyên tử và các hạt cơ bản…hình thành một thế giới tiềm thể hay có khả năng hiện hữu, chứ không phải một thế giới của vật thể hay sự vật có thật…Nguyên tử không phải là vật). Heisenberg nói tới một thế giới tiềm thể, có tiềm năng hiện hữu nhưng chưa hiện hữu, đó chính là cấu trúc ảo của vật chất mà nhà triết học Immanuel Kant (1724-1804) gọi là vật tự thể (Das ding an sich) bất khả tri, còn Phật giáo gọi là vô thủy vô minh. Cấu trúc ảo đó cần phải có nhất niệm vô minh khởi lên, hai cái vô minh tương tác thì vật mới hiện hữu thành sơn hà đại địa, cỏ cây sinh vật, nhà cửa xe cộ…Chính vì vật chất là ảo hóa nên Phật giáo mới nói “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”. Cảnh giới mà chúng ta thấy là thế lưu bố tưởng (tưởng tượng lưu truyền phổ biến ở thế gian), bậc thánh cũng có thế lưu bố tưởng, thấy y như người đời, nhưng vì không chấp đó là sự thật nên các ngài không có chấp trước tưởng, tức là vướng mắc trong ái dục, tham cầu, chấp ngã, chấp pháp dẫn đến khổ. Giác ngộ chỉ là thấy rõ tam giới chỉ là ảo, vận dụng được tâm lực một cách như ý, không còn vướng mắc trong luân hồi sanh tử.
Trong ba thứ lực học kể trên, lực học Newton và Einstein có thể đem lại cuộc sống tiện nghi cho con người bằng những phát minh sáng chế rất tài tình, chẳng hạn nhà cửa, xe cộ, máy bay, tàu thủy, máy vi tính, điện thoại di động…Nhưng tôi nghĩ chỉ có lực học Thích Ca mới đem lại cuộc sống giác ngộ, mưu cầu sự an lạc và hòa bình đích thực cho nhân loại và muôn loài chúng sinh một cách vững chắc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét