Tái cơ cấu nền kinh tế không phải là chuyện mới. Nhiều năm trước các
chuyên gia cũng như trong các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước ta đã
từng nhắc tới yêu cầu phải tái cơ cấu nền kinh tế. Song cũng trong nhiều năm
qua, câu chuyện này thường chỉ dừng lại ở thì tương lai. Điều này chứng tỏ giữa
“nói và làm” về tái cơ cấu nền kinh tế trong thực tế có khoảng cách khá xa.
Điều này cũng cho thấy không dễ dàng khi đưa một chủ trương dù rất đúng đắn và
cấp bách vào cuộc sống chỉ vì việc làm đó có khả năng “đụng chạm” tới một số nhóm
lợi ích, cũng như bị một “lực cản” không nhỏ từ các thói quen “thâm căn cố đế” trong tư duy chính sách vốn tồn tại trong thời
gian quá dài.
Tái cơ cấu nền kinh tế, theo các
chuyên gia, về bản chất là thay đổi thể chế, cấu trúc, công cụ phân bố, quản lý
và sử dụng nguồn lực quốc gia, nhất là vốn đầu tư nhằm từng bước và liên tục
nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, nâng cao năng suất. Kết quả là phải hình
thành một cơ cấu kinh tế phù hợp hơn, hiệu quả hơn và quan trọng là cơ cấu kinh
tế đó phải có tính “bắc cầu” cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Mô hình
tăng trưởng của Việt Nam hiện nay được các chuyên gia cho là đã “lên đến đỉnh”,
nếu không có sự điều chỉnh kịp thời sẽ chuyển sang giai đoạn “tăng trưởng bần
cùng hóa”, có nghĩa là càng đầu tư cho tăng trưởng thì đất nước và người dân
càng nghèo đi, chỉ có lợi cho một số ít người.
Đã đến lúc Việt Nam phải “chính đốn” lại nền kinh tế và cơ hội không
phải tự nhiên mà có, nó tùy thuộc vào nhận thức đúng đắn, quyết tâm cùng nỗ lực
của chính những người trong cuộc.
Đáng ghi nhận là mới đây Hội nghị
lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XI đã quyết
định việc tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng như là một
trong những công việc hàng đầu của toàn bộ hệ thống chính trị nước ta hiện nay.
Báo cáo của Chính phủ trước kỳ hợp thứ hai của Quốc hội mới đây cũng cho thấy
thực thi trách nhiệm tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã xác định 3 khu vực
trọng tâm là đầu tư công (tập trung thực hiện nghị định 11), doanh nghiệp nhà
nước (tập trung vào các tập đoàn và tổng công ty), và hệ thống tài chính (tập
trung vào ngân hàng). Đây là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự đồng điệu
giữa tầm nhìn của xã hội với tầm nhìn của các nhà hoạch định chính sách. Vấn đề
là làm thế nào để biến các chủ trương đúng đắn này trở thành hiện thực để có
thể giải quyết được bài toán “tăng trưởng bần cùng hóa” của Việt Nam hiện nay
mà các chuyên gia đã cảnh báo.
Theo TS. Vũ Minh Khương (Đại học
Quốc gia Singapore), do đặc điểm lịch sử và văn hóa lâu đời, người Việt Nam là
một dân tộc giàu cảm xúc, nhanh nhạy, quyết tâm và có năng lực tiếp thu tốt.
Những tố chất này rất cần thiết cho sự nghiệp phát triển đất nước. Trong tình
huống tốt (được kiến tạo bởi một đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn viễn kiến, phẩm
chất hiến dâng và tư duy thời đại), Việt Nam có thể trở thành một dân tộc có
sức trỗi dậy mạnh mẽ từ khát vọng ngàn đời, vươn lên bằng phẩm giá, đứng cao
trên nền tảng văn minh, thành tâm trong hợp tác, cầu thị trong học hỏi và trách
nhiệm với cộng đồng thế giới. Thế nhưng, những tố chất này cũng có thể thành
những trở lực phát triển nếu đất nước mơ hồ trong tầm nhìn, người dân vô cảm
trong ý thức dân tộc, công chức mắc kẹt trong cơ chế trì trệ, lãnh đạo không
coi trọng việc tuân thủ các quy luật của trời đất. Khi đó, chính những tố chất
lẽ ra có thể là động lực cho phát triển lại trở thành lực cản, biến chúng ta
thành một quần thể đầy nghịch lý vừa duy ý chí vừa bảo thủ, vừa cao ngạo vừa
mặc cảm tự ti. Với đặc trưng là: kiến thức còn hạn chế nhưng không dốc lòng học
hỏi; còn nghèo khó mà không cật lực làm việc; vị thế thấp kém nhưng thích phô
trương; vay nợ chồng chất mà chi tiêu hoang phí; vui chơi thỏa thích, lễ hội
tràn lan, khốn khó tới nơi mà dường như không hay biết… Từ thực tế đó, trong nỗ
lực cải cách, tái cơ cấu nền kinh tế, Việt Nam
phải đối mặt với nhiều thử thách mà một trong những thử thách đầu tiên là thực
trạng thiếu tầm nhìn và tư duy chiến lược trong quy hoạch phát triển.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi
trả lời câu hỏi “tái cơ cấu nền kinh tế nên bắt đầu từ đâu”, trong một hội thảo khoa học mới đây, TS Võ
Đại Lược (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế thế giới) đã nói ngay: “Từ
đầu!”. “Từ đầu” ở đây theo ông không có nghĩa cực đoan là phá bỏ tòan bộ những
gì đang có hiện nay để xây lại cái mới khác. Thực ra đây là một cách “chơi
chữ”, nó có nghĩa là tái cơ cấu nền kinh tế phải bắt đầu từ “cái đầu” chịu suy
nghĩ khác, tư duy khác về phát triển. Đồng thời, sự đổi mới tư duy đó cũng phải
bắt đầu từ những người đứng đầu, chịu lắng nghe, dám quyết định và quyết tâm
làm đến cùng.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi nói về tái cơ cấu đầu tư đã nhấn mạnh: “Chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư phải có tầm nhìn xa, không bị
“tư duy nhiệm kỳ”, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay
“lợi ích nhóm” chi phối”. Hầu hết các
chuyên gia đều cho rằng, tình hình Việt Nam
hiện nay đòi hỏi một cuộc đổi mới kinh tế mang tính cách mạng cấp thiết không
kém tình hình năm 1986. Đáng tiếc là không phải ai ai cũng đồng thuận với điều
đó, nhất là các nhóm lợi ích, bộ phận đang nắm giữ phần quyền và lực lớn nhất,
chắc chắn sẽ tạo ra lực cản trong quá trình tái cơ cấu kinh tế vốn sẽ tước đi không
ít những đặc quyền, đặc lợi mà nhóm thiểu số này đang được hưởng từ nhiều năm
qua. Bởi mục tiêu của quá trình tái cơ cấu và đổi mới mô hình tăng trưởng là
nhằm hướng tới phân bổ hợp lý, công bằng hơn nguồn lực quốc gia và hướng tới
lợi ích chung cho cả cộng đồng chứ không phải vì quyền lợi của một số ít “đại
gia”. Bài toán thống nhất lợi ích sẽ là bài toán xuất hiện trong tất cả mục
tiêu cải tổ của Chính phủ, từ câu chuyện cắt giảm đầu tư công, cải cách doanh
nghiệp nhà nước đến câu chuyện sắp xếp lại hệ thống ngân hàng. Với bất kỳ mục
tiêu gì, sẽ có các nhóm lợi ích tìm cách ngăn cản không cho nó thành công. Do
vậy, cần phải cải cách thể chế để tạo ra một cơ chế cho phép thống nhất lợi ích
cá nhân, lợi ích nhóm với lợi ích quốc gia. Bởi vì khi nói tới lợi ích, không
thể duy ý chí giống như việc kêu gọi thực hiện các phong trào và tinh thần tự
nguyện của các bên tham gia.
Có lẽ cũng cần nói thêm rằng bản
thân khái niệm “nhóm lợi ích” không hàm ý tốt hay xấu. Việc các nhóm lợi ích
tìm cách tác động lên chính sách cũng là điều khó tránh. Vấn đề là sự tác động
đó đại diện cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội hay đi ngược lại lợi ích của
số đông. Nguyên tắc tối cao trong luật pháp là có thể thỏa mãn tối đa lợi ích
của cá nhân, của nhóm lợi ích này nhưng tuyệt đối không được làm hại đến lợi
ích của cá nhân và nhóm lợi ích khác. Minh bạch trong quá trình xây dựng luật
pháp, hoạch định chính sách, hỗ trợ các tổ chức, đoàn thể quần chúng trong xã
hội để họ có thể nói lên tiếng nói đại diện cho lợi ích của người dân, nâng cao
năng lực chuyên môn của đại biểu Quốc hội, vai trò của truyền thông xã hội… là
những biện pháp cần phải làm để đón đầu và hóa giải các nhóm lợi ích mang tính
cục bộ hay không thật sự đại diện cho lợi ích của quốc gia.
Các chuyên gia cho rằng, chính
sách và dịch vụ công không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc đổi mới, tái cơ cấu
nền kinh tế một cách hiệu quả mà còn góp phần xây dựng niềm tin vào chính quyền
và cả hệ thống chính trị. Do vậy, một trong những lực cản quan trọng cho quá
trình tái cơ cấu kinh tế là chất lượng chính sách và dịch vụ công hiện chưa đáp
ứng được yêu cầu của đổi mới và phát triển. Các cuộc điều tra về đánh giá của
người dân đối với chính sách và dịch vụ công thời gian qua đều cho thấy sự ức
chế của người dân trên nhiều lĩnh vực, từ chống tham nhũng đến xây dựng bộ máy
công quyền; từ quản lý và quy hoạch đô thị đến phát triển cơ sở hạ tầng; từ
giáo dục đến y tế; từ bảo vệ môi trường đến quản lý chất lượng sản phẩm và an
toàn cho người sử dụng… Những vấn nạn này không chỉ làm xói mòn lòng tin của
người dân vào chính quyền mà còn là những trở lực đáng kể cho quá trình tái cơ
cấu nền kinh tế nước nhà.
Một thống kê từ Viện Nghiên cứu
quản lý trung ương cho thấy chính sách phân cấp thông thoáng cộng với lợi ích
cục bộ địa phương và “tư duy nhiệm kỳ” đã tạo ra những kết quả phản tác dụng,
vượt tầm kiểm soát của trung ương và làm méo mó cơ cấu kinh tế của cả nước
trong nhiều năm qua. Hiện cả nước đã có hơn 100 cảng biển, 22 sân bay, 18 khu
kinh tế ven biển, 267 khu công nghiệp, 918 cụm công nghiệp, 28 khu kinh tế của
khẩu và rất nhiều dự án cơ cở hạ tầng xã hội, nhiều chương trình mục tiêu. Nếu
tổng hợp từ các bộ, ngành lại, nhu cầu đầu tư hạ tầng xã hội trong 10 năm tới
đã gấp 3 lần khả năng cung ứng vốn. Vì thế mới có cảnh dự án kéo dài vì thiếu
vốn đầu tư. Đã không ít ý kiến cho rằng sửa phân cấp quản lý đầu tư bây giờ là
vấn đề nhạy cảm nhất, vì luật đã ban hành, giờ tính chuyện thu quyền về sẽ gặp phải
lực cản lợi ích nhóm. Gắn liền với các chỉ tiêu tăng trưởng là “chiếc ghế”
nhiệm kỳ và lợi ích cục bộ. Trong cơ chế
xin - cho, tính minh bạch còn hạn chế, điều tất yếu mà dư luận thường nghi
ngại, các nơi vẽ dự án không phải vì tính hiệu quả kinh tế xã hội của chính dự
án đó mà vì những khoản hoa hồng và đặc quyền sau đó.
Để trị được căn bệnh “tư duy nhiệm
kỳ” và “lợi ích nhóm”, góp phần hạn chế các lực cản trong quá trình tái cơ cấu,
theo các chuyên gia kinh tế, cần một thái độ kiên quyết, dứt khoát từ người
đứng đầu. Không phải vô cớ khi ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh
tế của Quốc hội băn khoăn: “Chúng ta giao Bộ Tài chính cải cách DNNN, Ngân hàng
Nhà nước cải tổ ngành ngân hàng, hay Bộ Kế hoạch đầu tư cải cách lĩnh vực đầu
tư công và phân cấp thì liệu có ổn không?”. Còn TS. Lê Xuân Bá (Viện trưởng Viện
Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) bình luận: “Người đã ngồi gốc cây thì
không bao giờ chặt cây đổ vào mình. Nếu cứ để lãnh đạo các bộ ngành tự tái cấu
trúc, có thể tiến bộ nhưng không nhiều!”. Ông Nguyễn Văn Phúc đề nghị: “Chúng
ta cần một thiết chế mới độc lập hơn như một Ủy ban về Tái cấu trúc nền kinh
tế. Đến lúc đó mới giải quyết được vấn đề liên bộ, tránh xung đột lợi ích nhóm”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét