Báo Wall Street Journal dẫn lời người
phát ngôn của Tập đoàn dầu khí ExxonMobil (Hoa Kỳ) hôm 25-10-2011 nói rằng hãng
này đã tìm thấy dầu khí tại giếng khoan số 2 nằm trong lô 119 ngoài khơi Đà
Nẵng, thuộc thềm lục địa Việt Nam. Trước đó, báo chí quốc tế cũng tiết lộ rằng
ExxonMobil đã phát hiện ra một mỏ khí đốt có trữ lượng đáng kể ở một lô ngoài
khơi bờ biển Đà Nẵng, thuộc bể trầm tích Phú Khánh, thuộc thềm lục địa Việt
Nam.
Theo Financial Times, một quan
chức tập đoàn dầu khí PetroVietnam, đối tác của ExxonMobil, cho biết là họ cũng
đã tìm thấy khí đốt, trong khi giám đốc điều hành một công ty dầu hỏa khác thăm
dò gần lô 118 xác định rằng mỏ vừa phát hiện có “một tiềm năng đáng kể”, căn cứ
vào nền địa chất của khu vực. Cũng theo Wall Street
Journal, khu vực được khoan dò nổi tiếng là có trữ lượng dồi dào. PetroVietnam
và nhiều tập đoàn quốc tế khác đã bắt đầu công việc sản xuất tại nhiều mỏ quan
trọng trong vùng này, trong lúc một số công ty khác như Petronas của Malaysia,
Premier Oil trụ sở tại Anh Quốc, Gazprom của Nga và Total của Pháp, cũng vừa
phát hiện ra một số mỏ dầu khí trong khu vực này. Các thông tin nói trên cho
thấy nhiều hãng dầu khí nước ngoài
đang hợp tác làm ăn với Việt Nam
phù hợp với tinh thần của luật pháp quốc tế
và luật pháp Việt Nam đã bắt đầu có những dấu hiệu thành công đáng vui
mừng. Điều đó càng củng cố thêm lòng tin của cộng đồng quốc tế trong việc hợp
tác với Việt Nam
trong các dự án khai thác dầu khí cùng có lợi trong vùng biển thuộc chủ quyền
Việt Nam trên
Biển Đông.
Sau các sự kiện 2 tàu Bình Minh 2
(25-5-2011) và tàu Viking 2 (9-6-2011) của Việt Nam bị tàu Trung Quốc ngang
nhiên xâm phạm vùng biển Việt Nam cắt cáp phá hoại thiết bị thăm dò dầu khí, không
những đã vấp phải sự phản đối kiên quyết của Việt Nam mà còn bị cộng đồng quốc
tế lên án gay gắt, các hoạt động thăm dò và khai thác trên vùng biển thuộc quyền
chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế vẫn
được tiếp tục tiến hành bình thường. Các nguồn tin quốc tế cũng cho biết các
tập đoàn dầu khí nước ngoài hợp tác khai thác trên vùng biển Việt Nam (trong đó
có ExxonMobil) hết sức tự tin về chủ quyền của Việt Nam tại các lô mà họ đang
thăm dò. Cùng lúc đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường xuyên phát đi thông điệp:
“Việt Nam luôn hoan nghênh và tạo điều kiện cho các đối tác nước ngoài, kể cả
Trung Quốc, hợp tác trong lĩnh vực dầu khí thuộc thềm lục địa Việt Nam, trên
nguyên tắc tuân thủ luật pháp Việt Nam”. Mới đây, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
trả lời phỏng vấn báo chí trước khi lên đường đi thăm chính thức Ấn Độ đã một
lần nữa tái khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam: “Các dự án hợp tác
giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí, bao gồm cả dự án
hợp tác với Công ty dầu khí Ấn Độ (ONGC), đều nằm trên vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán
quốc gia của Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của
Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Chúng tôi hoan nghênh các công ty
nước ngoài làm việc với đối tác Việt Nam
hợp tác trong các dự án dầu khí tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của
Việt Nam trên
cơ sở luật pháp Việt Nam ”.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng thời cũng tuyên bố Việt Nam
cam kết bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và
chính đáng của các công ty nước ngoài hợp tác làm ăn với Việt Nam .
Hội nghị Luật Biển lần thứ III
của Liên hợp quốc (1967-1982) đã thông qua Công ước Luật Biển năm 1982. Là
thành quả của một cuộc thương lượng lâu dài giữa các nhóm nước khác nhau, Công
ước là một giải pháp cả gói công bằng và đỉnh cao trong quá trình pháp điển hóa
và phát triển tiến bộ ngành luật biển quốc tế. Tính đến nay, đã có 161 quốc gia và tổ chức
quốc tế tham gia Công ước Luật Biển năm 1982, trong đó có 7 quốc gia ven Biển
Đông là Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore,
Brunei. Áp dụng Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc vào điều kiện cụ
thể của Biển Đông chúng ta thấy các điểm cơ bản sau đây: Một là, các quốc gia
ven Biển Đông có chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải 12 hải lý kể từ đường
cơ sở của mình. Đáng lưu ý là theo luật biển quốc tế những năm 40 - 50 của thế
kỷ trước, vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông chỉ có 3 hải lý và toàn
bộ phía ngoài 3 hải lý đó là vùng biển quốc tế. Như vậy, Công ước đã mở rộng
phạm vi vùng lãnh hải của các quốc gia ven Biển Đông thêm 9 hải lý. Hai là, mỗi
quốc gia ven Biển Đông có quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế 200
hải lý và thềm lục địa tối thiếu 200 hải lý của mình. Chiều rộng của hai vùng
biển này đều được đo từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải. Trong trường hợp
thềm lục địa thực tế lớn hơn 200 hải lý thì quốc gia ven Biển Đông có thể mở
rộng thềm lục địa của mình đến 350 hải lý với điều kiện tuân thủ đúng các quy
định và thủ tục nêu trong Công ước. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền
thăm dò, khai thác các tài nguyên trong các vùng biển của mình, đặc biệt là
trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, để phục vụ đời sống nhân dân và
phát triển đất nước. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có toàn quyền quyết định cho
phép hay không cho phép các quốc gia khác khai thác tài nguyên trong các vùng
biển của mình. Mỗi quốc gia ven Biển Đông có nghĩa vụ tôn trọng các quyền chủ
quyền đó của các quốc gia láng giềng khác ven Biển Đông.
Một trong những nội dung đáng chú
ý trong Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển
Việt Nam – Trung Quốc mà lãnh đạo cấp cao hai nước vừa ký kết đã xác định: “Trong
tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh
thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, hai bên bàn bạc thảo
luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập
trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc
về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của
Thoả thuận này”. Với nội dung này, hai bên đã đưa ra khả năng về một giải pháp
mang tính quá độ đối với các khu vực tranh chấp, bao gồm cả việc hợp tác cùng
phát triển theo nguyên tắc đã nêu ở điều 2 của Thoả thuận, nghĩa là căn cứ vào
luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác
cùng phát triển là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Dàn xếp tạm thời
về “hợp tác cùng phát triển” được khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công
ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Theo đó, các quốc gia khi chưa tìm được
giải pháp phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì có thể thoả
thuận về các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn; các dàn xếp tạm thời không
làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thỏa thuận
được ký kết, Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” để đòi hỏi
“chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này trên hầu như gần trọn Biển Đông. Về
lai lịch của “đường lưỡi bò” thì chính các học giả Trung Quốc đều biết rõ là
tại các Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội (2009) và Thành phố Hồ Chí Minh
(2010) cũng như tại các Hội thảo quốc tế khác, nhiều học giả quốc tế đã chỉ rõ
yêu sách “đường lưỡi bò” là mơ hồ, không có cơ sở và cho rằng Trung Quốc cần phải
giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “đường lưỡi bò” đó.
Nhưng cho đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra
các câu trả lời thỏa đáng.
Tham chiếu các quy định của Công
ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia thì ai cũng thấy
rằng yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của Công ước.
Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “đường lưỡi
bò”. Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là
lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó
chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam ,
Philippines , Malaysia ,
Indonesia và Brunei .
Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ
quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Chính vì vậy, mà Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã lần lượt gửi
công hàm đến Tổng Thư ký Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của
Trung Quốc. Việc nước này vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách phi lý nói trên và tiến
hành các việc làm trên thực địa nhằm đơn phương áp đặt yêu sách này càng làm
cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng
thế giới và buộc dư luận phải lên tiếng. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh
chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất
bình trước yêu sách đầy phi lý này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét