Thứ Ba, 8 tháng 11, 2011

Phật giáo Việt Nam luôn trong lòng dân tộc


Bản trên Đại Đoàn Kết cắt mất một số đoạn (in đậm và màu đỏ)
Thời luận 07-11-2011 [Bản đầy đủ]
Phật giáo Việt Nam luôn trong lòng dân tộc
Ngày này cách đây 30 năm (07-11-1981), một sự kiện quan trọng của Phật Giáo Việt Nam đã diễn ra tại Hà Nội, là nơi mà hơn một ngàn năm trước, bắt đầu thời kỳ độc lập tự chủ của nước Đại Việt non trẻ, Thiền Sư Không Lộ đã từng coi là một nơi: “Trạch đắc long xà địa khả cư” (đất thiêng để ở đời đời). Đó là sự kiện Hội nghị hợp nhất các tổ chức, hệ phái Phật giáo trong cả nước thành tựu viên mãn, quyết nghị thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 2.000 năm của Phật giáo Việt Nam, một hội nghị với sự tham dự đầy đủ đại biểu của các tổ chức, giáo hội, hệ phái Phật giáo trong cả nước, bao gồm: Bắc tông, Nam tông, Khất sĩ và Phật giáo Khmer… với quyết tâm hoàn thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam. Trong quá trình tồn tại và phát triển hàng ngàn năm trên đất nước ta, Phật giáo Việt Nam đã sớm hài hòa, gắn bó với dân tộc xuyên suốt dòng lịch sử truyền bá tư tưởng giáo lý của đạo Phật. Đặc biệt, trong những giai đoạn thăng trầm của dân tộc, Phật giáo Việt Nam đều tích cực đóng góp công sức, chống lại các thế lực của ngoại bang để đem lại an lạc, hòa bình, độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Trong từng thời kỳ lịch sử dân tộc, danh xưng của Giáo hội dù có khác nhau, nhưng sự nghiệp chủ yếu của Phật giáo Việt Nam vẫn là hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Vì thế, trong những thập niên trước năm 1975, Phật giáo Việt Nam tuy đã có tổ chức và thực hiện các cuộc vận động thống nhất Phật giáo, nhưng nhìn chung chưa có cuộc vận động nào mang được trọn vẹn ý nghĩa của nó như Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiện nay. Một phần do hoàn cảnh khách quan của đất nước còn bị chia cắt, một phần do những dị đồng chưa thể hóa giải để các đệ tử Phật cùng chung chăm lo Phật sự. Vì vậy, các tổ chức Phật giáo trước đây tại Việt Nam chưa hội đủ các yếu tố để hợp thành một khối thống nhất đúng ý nghĩa, kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, yêu nước của toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam. 
Sau ngày 30-04-1975, hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, giang san nối liền một cõi, Bắc Nam sum họp một nhà. Đất nước thống nhất là yếu tố hết sức mãnh liệt và là bối cảnh vô cùng thuận lợi, là động lực để chư tôn giáo phẩm, tăng ni, Phật tử các tổ chức, hệ phái thực hiện nguyện vọng, tâm huyết thống nhất Phật giáo mà các thế hệ tiền bối đã dày công tạo dựng. Đây chính là duyên khởi của sự thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam . Nền thống nhất này, theo nguyên tắc được nêu ra trong hội nghị hợp nhất cách đây 30 năm đã khẳng định, là dựa trên tinh thần dân chủ, lấy tứ chúng đồng tu làm cơ sở, chứ không dựa trên giáo quyền, phong kiến hay quyền lực cá nhân.  
Mục đích của việc hình thành ngôi nhà thống nhất Phật giáo Việt Nam như trong nghị quyết đầu tiên của Ban vận động đã nhấn mạnh: “Mở ra một hướng phát triển mới trong lịch sử Phật giáo nước nhà, làm lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân, làm sáng chói tinh thần Phật giáo trong thời đại nước Việt Nam xây dựng và tiến lên chủ nghĩa xã hội, phát huy cao hơn nữa truyền thống gắn bó hài hoà giữa đạo Phật với dân tộc, đảm bảo truyền thống tín ngưỡng và phương pháp tu hành của tăng ni và đồng bào Phật tử theo lời Phật dạy. Chúng ta quyết tâm củng cố hàng ngũ trong nội bộ Phật giáo ta, đoàn kết với các tôn giáo bạn, đoàn kết với các giới đồng bào, các dân tộc trong mặt trận đoàn kết toàn dân. Với sức mạnh đoàn kết đó, chúng ta tin chắc rằng sứ mệnh phụng sự đạo pháp và dân tộc, công cuộc đóng góp cho hoà bình thế giới và hạnh phúc nhân loại sẽ được nhiều hiệu quả hơn”.
Lịch sử lâu đời của nước ta cho thấy hễ khi nào chính quyền ủng hộ Phật giáo thì đất nước mạnh và Phật giáo hưng thịnh; ngược lại thì đất nước bị suy yếu và Phật giáo cũng suy tàn. Do đó, có không ít học giả đã đi đến kết luận, có thể đánh giá sự thịnh suy của đất nước qua quá trình thịnh suy của Phật giáo Việt Nam .Hàng ngàn năm qua, không ít nhà sư đã từng tham gia việc nước; chùa chiền từng là cơ sở giáo dục, từ thiện, là nơi an ủi, vỗ về, hướng dẫn đời sống tâm linh cho mọi người. Do đó, có thể nói Phật giáo luôn ở trong lòng dân tộc, gần gũi, thân thiết với dân tộc. Hay nói cách khác, Phật giáo Việt Nam luôn sống trong lòng dân tộc.
Thực tế lịch sử thế kỉ XX đã giúp nhân loại nhận thức được một điều rất căn bản, là quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng cho dù thực tại chính trị và xã hội vô cùng phong phú và đa dạng. Mọi ý đồ chính trị đều lần lượt bị tan rã và thay vào đó là một sự tồn tại có sự bảo lãnh trên phương diện rất thống nhất của nhân loại văn minh là tôn trọng quyền con người. Phật giáo đã góp vào sự thống nhất đó với tất cả nội lực của nó. Giáo pháp của Phật đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra và khẳng định đó là sự khuyến khích con người tự giải phóng khỏi mọi cám dỗ và sai lệch trong nhận thức về chính cuộc sống của bản thân họ và đồng loại. Điều đó được thực hiện không phải bằng sức mạnh của vũ lực, mà bằng sự điều tiết cá nhân để con người ra khỏi những giáo điều khô cứng, những niềm tin độc tôn và sự sùng bái vật chất đến mức bệnh hoạn của con người. Dĩ nhiên điều đó được thực thi dưới phương thức tiến hành “bất bạo động”, không nhờ ngoại lực (hay “tha lực” như ngôn ngữ Phật giáo), không trông cậy vào một cái gì ngoài ta để cải tạo chính ta.
Quả thật, từng đau đớn lòng trước những điều trông thấy trong một xã hội suy tàn về chính trị lẫn đạo đức, Nguyễn Du –  đại thi hào của dân tộc ta,  vẫn một mực quả quyết khẳng định: “Thiện căn ở tại lòng ta, chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Bao nhiêu mái chùa, bao nhiêu ngôi đình thờ Thành Hoàng, bao nhiêu bàn thờ tổ tiên còn hiện diện trong mỗi gia đình là bấy nhiêu chứng tích tâm linh của những công cuộc chống ngoại xâm và mở mang bờ cõi của dân tộc Việt Nam. Tâm linh dân tộc là một thứ quyền uy siêu việt mà những kẻ xâm lược từ hàng ngàn năm trước cho tới thế kỷ XX vừa qua, cho dù đã dùng đủ mọi cách đều không thể làm tắt đi sức sống mãnh liệt ấy của người Việt Nam.
Có thể nói, nếu một người dân Việt Nam mất đi Phật tâm, mất đi Thành Hoàng và mất đi ông bà tổ tiên thì người dân ấy đã mất đi hơn một nửa tâm hồn mình, mất đi không gian thần thiêng nơi mình trú ngụ. Tâm linh Việt thấm đẫm trên từng mảnh đất Việt. Mái chùa Việt che chở tâm hồn Việt. Chỉ có chấn chỉnh và làm mới lại những điều đã bị bỏ quên từ trong tâm thức dân tộc thì mới mong không gian Việt rộng lớn hơn, để người việt có thể cắm mốc tâm linh của mình ngay ở bất cứ một nơi xa lạ nào. Chùa lớn, tượng to, cúng dường hậu hĩ… ngày nay trở nên phổ biến, không phải là điều xấu, nhưng không mang lại lợi lạc thật sự cho chúng sinh, đôi khi còn tạo ra sự ngộ nhận của lớp trẻ ngày nay với đạo Phật, một khi sự cúng dường đó chỉ có ý nghĩa hình thức và chỉ cầu lợi cho bản thân mình. Lòng từ bi chỉ thực sự diễn ra trong sự hành thiện ngay trong chính đời sống thường nhật của con người. Khi ai đó giúp đỡ một người không may mắn, gặp hoạn nạn thì lòng người đó có Phật. Bởi thế, ngôi chùa hay ngôi đền thiêng liêng nhất lại ở chính trong lòng của mỗi người. Cũng như vậy, đạo Phật chỉ có thể tồn tại và phát triển lâu dài ngay trong lòng của dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét