Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2011

Thay đổi để minh bạch hơn


Thời luận 4-11-2011 - DDK

Câu chuyện tranh luận giữa 2 bộ Tài Chính và Công Thương về giá xăng dầu vừa qua đã mang tới một niềm hy vọng cho hơn 80 triệu người dân Việt Nam với lời cam kết của Bộ trưởng Vương Đình Huệ: “Nhà nước chỉ phục vụ cho lợi ích của toàn dân”. Sự tranh cãi giữa các cơ quan công quyền không phải là sự đối đầu, mà là để đi tới mục tiêu “minh bạch hóa” các chính sách cũng như các giải pháp nhằm phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp phát triển đất nước vì lợi ích của toàn dân. Do vậy, minh bạch không phải chỉ là câu chuyện giữa các cơ quan công quyền với nhau mà còn chính là đòi hỏi bức thiết của nhu cầu phát triển vì mục tiêu “dân giàu nước mạnh”.
Có thể nói, Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia mà sự thiếu minh bạch hầu như xảy ra ở khắp nơi, từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, không cần phải có học thức cao hay phải dày công nghiên cứu, một người dân bình thường cũng dễ dàng nhận thấy. Ai cũng biết một công chức bình thường trong ngành hải quan, thuế vụ, nhà đất, quản lý thị trường, cảnh sát giao thông… với mức lương thường được đánh giá là “không đủ sống cho 20 ngày trong một tháng”, nhưng không ai lý giải một cách “minh bạch” được họ lấy tiền đâu ra để có cuộc sống vương giả với xe hơi, nhà lầu, trang trại, cho con cái đi du học nước ngoài với mức chi phí lên đến hàng trăm ngàn USD mỗi tháng. Một nghịch lý đã tồn tại từ lâu như một sự thách thức dư luận, đó là các công chức, quan chức nhà nước đi làm để nhận lương nhưng không ai sống bằng lương. Không sống bằng lương nhưng hầu như không ai bỏ việc mà ngược lại, “cuộc chiến” tranh giành, “chạy chức, chạy quyền, chạy ghế” vẫn luôn diễn ra thường xuyên và nóng bỏng.
Không ít doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, đầu tư vốn tràn lan không hiệu quả nhưng nghịch lý là lương bổng và thu nhập thực tế của lãnh đạo doanh nghiệp luôn cao chót vót. Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Tổ chức Minh bạch Thế giới đã xếp mức độ minh bạch của Việt Nam ở hàng cuối bảng. Trong thực tế, đôi khi chỉ bằng một quyết định hành chính, một “ông quan” cấp xã, cấp huyện cũng có quyền dễ dàng thu hồi toàn bộ đất đai tài sản của người dân được tạo ra bằng mồ hôi, nước mắt của bao thế hệ gia đình họ. Thế nên, lĩnh vực đất đai theo thống kê của cơ quan chức năng là khu vực dẫn đầu với tỷ lệ cao nhất về đơn thư khiếu nại tố cáo kéo dài và dai dẵng. Trong mối quan hệ giữa công chức và người dân, doanh nghiệp sự minh bạch cũng bị vi phạm nghiêm trọng và phổ biến. Thay vì thực hiện phương châm “chính quyền phục vụ dân” thì không ít công chức đã làm ngược lại, gây khó dễ, phiền phức, nhũng nhiễu cho đến khi người dân hay doang nghiệp phải chấp nhận cơ chế “xin – cho” thì mới có thể có được các quyền lợi được Nhà nước bảo hộ của mình. Sự thiếu minh bạch được xem là rất nghiêm trọng nhưng cũng vô cùng tinh vi xảy ra trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng chính sách và văn bản quy phạm pháp luật. Về nguyên tắc, Quốc hội là cơ quan lập pháp, do đó, mọi văn bản luật, pháp lệnh phải do Quốc hội thông qua và ban hành. Song, sự phân biệt giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp lại không rõ ràng trên thực tế. Phần lớn đại biểu thuộc cơ quan lập pháp lại đồng thời làm việc trong cơ quan hành pháp. Hơn nữa, theo thông lệ lâu nay chính các cơ quan hành pháp lại là người soạn và trình dự thảo luật, pháp lệnh. Cho nên, lợi ích cục bộ của ngành, của địa phương chi phối việc xây dựng pháp luật là chuyện không có gì khó hiểu.
Gần đây chúng ta nói nhiều đến “tái cấu trúc nền kinh tế”, các chuyên gia cũng cảnh báo tái cấu trúc là một công việc không hề dễ dàng ngay cả khi chỉ là những thay đổi trên bề nổi của tảng băng. Tái cấu trúc phần căn bản của hệ thống, tức là phần chìm của tảng băng, mới chính xác là sự thử thách. Tuy nhiên, không có gì là không làm được nếu đã có quyết tâm và thực sự mong muốn thay đổi vì mục tiêu phát triển đã nhận được sự đồng thuận cao của cả cộng đồng. Vấn đề là, muốn tái cấu trúc thành công, giải quyết được các vấn nạn của nền kinh tế - xã hội như trình bày ở phần trên, điều kiện trước tiên là phải làm cho phần chìm của tảng băng nổi lên.
Thực ra khi kêu gọi những thay đổi từ trên hay cao hơn nữa, người ta thường nhìn vào cấu trúc cấp bậc của hệ thống. Trong khi đó, người ta dường như còn e dè khi đề cập đến các khía cạnh “nhạy cảm” của hệ thống. Điều này càng làm cho các biện pháp tái cấu trúc lâu nay chưa thực sự động chạm đến khu vực cần tái cấu trúc. Do đó, muốn biết tái cấu trúc cần bắt đầu từ đâu, chúng ta phải có một cách nhìn khác về cấu trúc của các hệ thống nói chung trong đó có hệ thống kinh tế của một quốc gia. Trong cách nhìn này, người ta coi hệ thống giống như một tảng băng trôi trên đại dương. Từ phía ngoài, chúng ta thường chỉ nhìn thấy phần nổi trên mặt nước của tảng băng. Phần này đại diện cho phần trên của hệ thống như tầm nhìn, chiến lược, mục tiêu, cấu trúc,... Do dễ nhìn thấy nên mỗi khi cần thay đổi người ta lại nghĩ đến việc tác động vào các yếu tố này. Tuy nhiên, các yếu tố này lại có đặc tính không cụ thể nên dễ bị diễn giải theo các cảm nhận cá nhân hoặc sự tác động bên ngoài.
Phần nằm dưới nước, không nhìn thấy mới là phần chính của tảng băng hệ thống. Phần này đại diện cho mục đích, giá trị, niềm tin, văn hóa... của hệ thống và là phần khó có thể thay đổi nếu chỉ có những tác động hời hợt từ bên ngoài. Nếu phần chìm của tảng băng không thay đổi thì sẽ không có sự thay đổi của cả hệ thống. Từ kinh nghiệm của các câu chuyện khủng hoảng về kinh tế ở Việt Nam cũng như trên thế giới, cho thấy một khi không có niềm tin, các giá trị phổ quát, các quy luật khách quan không được tôn trọng thì mô hình kinh tế nào cũng sẽ gặp khủng hoảng. Do đó, với khát vọng thay đổi, trong Diễn văn khai mạc Đại hội VI  (1986), cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã không đơn giản chỉ kêu gọi thay đổi thành phần kinh tế như chúng ta thường nghĩ về “đổi mới” mà ông đã nói: “Chỉ có đổi mới, thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa... Muốn thế phải đấu tranh chống cái cũ, chống bảo thủ trì trệ, chống giáo điều rập khuôn, chống chủ quan nóng vội, chống tha hóa biến chất, chống những thói quen lỗi thời, dai dẳng. Đây là cuộc đấu tranh gian khổ diễn ra trên mọi lĩnh vực và trong bản thân mỗi người chúng ta”.
Thay đổi, hay đổi mới từ trong bản thân, trong nhận thức của mỗi thành viên của hệ thống, có lẽ trước hết, phải củng cố nhận thức rằng bộ máy nhà nước và cán bộ, công chức được dân cử ra để thực hiện chức năng quản lý đất nước theo pháp luật; họ được dân trả công bằng tiền thuế do dân đóng góp và họ cũng sẽ bị dân sa thải nếu không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Do vậy, công việc của họ nhất thiết phải đặt dưới sự giám sát của dân và do đó phải công khai, minh bạch, phải có trách nhiệm giải trình với dân. Tiếp theo, cần có cơ chế ràng buộc mọi cơ quan nhà nước phải thực hiện đúng đắn các quy định về công khai, minh bạch trong quản lý, có giám sát phòng ngừa những trường hợp lạm dụng để hạn chế quyền được thông tin và quyền giám sát của dân. Quá trình thực hiện minh bạch và trách nhiệm giải trình không hề dễ dàng, vì có thể gặp nhiều trở ngại và lực cản từ các “nhóm lợi ích”. Nhưng nếu cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức đặt lợi ích của dân tộc, đất nước lên trên, chắc chắn sẽ khắc phục được trở ngại, tìm ra được những hình thức thích hợp để “đưa phần chìm của tảng băng ra khỏi nước”. Tức là thực hiện thành công quá trình minh bạch hoá nhà nước, tiền đề cho tất cả những thành công tiếp theo của những kỳ vọng về tái cấu trúc nền kinh tế nước nhà.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét