Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Đòi chủ quyền Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình


Một trong những nội dung trả lời chất vấn trước Quốc hội mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhận được sự đồng thuận cao của mọi tầng lớp nhân dân. Thủ tướng không chỉ lên tiếng khẳng định chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà còn đề ra các giải pháp phù hợp với luật pháp quốc tế đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Việt Nam cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực
 để minh bạch hóa các thông tin, chuẩn bị đầy đủ
cho một cuộc đấu tranh về ngoại giao trong tinh thần thiện chí
 và tính đúng đắn của lập trường Việt Nam
Ảnh: Hồng Sâm
Trong bài phát biểu ngắn gọn nhưng rất súc tích, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra những căn cứ quan trọng về lịch sử và pháp lý quốc tế để khẳng định chủ quyền lâu đời và liên tục của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo đó, người Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo này thực sự ít nhất từ thế kỷ thứ XVII, khi mà hai quần đảo này chưa hề thuộc về bất kỳ một quốc gia nào, người Việt Nam đã thực sự làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên thực tế và liên tục trong hòa bình. Thủ tướng cũng cho biết: "Đối với Hoàng Sa, năm 1956 Trung Quốc đưa quân chiếm đóng các đảo phía Đông quần đảo Hoàng Sa. Đến năm 1974 cũng Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa trong sự quản lý lúc đó của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã lên tiếng phản đối, lên án việc làm này và đề nghị Liên Hợp Quốc can thiệp. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam của chúng ta lúc đó cũng đã ra tuyên bố phản đối hành vi chiếm đóng này. Lập trường nhất quán của chúng ta là quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, chúng ta có đủ căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định điều này. Nhưng chúng ta chủ trương đàm phán giải quyết đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình. Chủ trương này của chúng ta phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, phù hợp với Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), phù hợp với Tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (DOC)”.
Đối với quần đảo Trường Sa, Thủ tướng cho biết, năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Hải quân Việt Nam đã tiếp quản 5 hòn đảo tại quần đảo Trường Sa (đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn, đảo Nam Yết và đảo Sơn Ca) do quân đội của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang quản lý. Sau đó, Việt Nam tiếp tục mở rộng thêm lên 21 đảo, với 33 điểm đóng quân. Ngoài ra, Việt Nam còn xây dựng thêm 15 nhà giàn ở khu vực bãi Tư Chính để khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này, vùng biển trong phạm vi 200 hải lý thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Thủ tướng khẳng định, trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam là quốc gia có số đảo đang đóng giữ nhiều nhất so với các quốc gia và các bên có đòi hỏi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên một số đảo mà Việt Nam đang đóng giữ với 21 hộ, 80 khẩu, trong đó có 6 khẩu đã sinh ra, lớn lên ở các đảo này.
Cũng cần lưu ý rằng phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc tuyên bố tổ chức tour du lịch tới quần đảo Hoàng Sa ngày 22-11-2011. Về việc này, ngày 24-11-2011, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị tuyên bố: "Việt Nam khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của nước ngoài tại hai khu vực này mà không được sự đồng ý của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, trái với tinh thần DOC”.
Các nhà phân tích cho rằng phát biểu trên đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mang tầm quan trọng đặc biệt. Bởi vì, khác với quần đảo Trường Sa vốn được coi là khu vực có nhiều quốc gia đang tranh chấp, quần đảo Hoàng Sa luôn được Trung Quốc coi là lãnh thổ của nước này một cách "hiển nhiên” và không chấp nhận bất cứ đề nghị đàm phán nào về chủ quyền của nước khác đối với quần đảo Hoàng Sa. Trong khi đó, các chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý quốc tế đều cho thấy trong suốt ba thế kỷ từ XVII-XIX, chính quyền phong kiến Việt Nam đã thực thi liên tục chủ quyền của mình trên quần đảo Hoàng Sa bằng cách thường xuyên cử các đội thuyền Hoàng Sa và Bắc Hải đến các đảo này hàng năm để khảo sát, đo đạc, khai thác tài nguyên một cách có hệ thống, thu lượm các tài sản từ các tàu bị đắm, xây miếu dựng đền và trồng cây như các biểu tượng khẳng định chủ quyền, tổ chức thu thuế, cứu trợ các tàu thuyền nước ngoài gặp nạn. Việc thực thi chủ quyền này diễn ra hoàn toàn không gặp bất cứ sự phản đối hay tranh chấp nào từ phía các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc. Sau khi thiết lập chế độ bảo hộ tại Việt Nam, Pháp đã đại diện cho Việt Nam trong việc thực thi và bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa. Đến ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp chính thức trao lại cho chính quyền Bảo Đại việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 22-8-1956, sau khi quân Pháp rút đi, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã thiết lập ngay lập tức sự kiểm soát của họ tại Hoàng Sa và Trường Sa và đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp này.
Trẻ em được sinh ra và lớn lên ngay tại đảo Trường Sa Lớn
Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời ngày 2-7-1976 có đủ thẩm quyền để tiếp tục sở hữu danh nghĩa pháp lý đối với quần đảo Hoàng Sa cho đến nay. Tuy đã mất yếu tố vật chất do bị Trung Quốc cưỡng chiếm bằng vũ lực, nhưng Việt Nam vẫn luôn thực thi chủ quyền của mình bằng yếu tố pháp lý. Tháng 12-1982, Việt Nam đã thành lập huyện Hoàng Sa trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Cần phải khẳng định rằng, theo luật quốc tế, từ đầu thế kỷ XX việc dùng vũ lực để chinh phục một lãnh thổ đã bị cộng đồng thế giới lên án và không được chấp nhận. Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24-10-1970 ghi rõ: "Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm đóng quân sự, kết quả của việc sử dụng vũ lực trái với các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một đối tượng thụ đắc bởi một quốc gia khác do đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào bằng sự đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực đều là bất hợp pháp”. Do đó, các hành động dùng vũ lực của Trung Quốc trái ngược với luật pháp quốc tế không thể mang lại danh nghĩa pháp lý cho nước này đối với chủ quyền quần đảo Hoàng Sa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định lập trường của Việt Nam là chủ trương đàm phán giải quyết vấn đề chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS, DOC và các nguyên tắc trong Thỏa thuận vừa mới ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. Các nhà phân tích cho rằng, lập trường của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề trên Biển Đông là rất nhất quán, dựa trên nguyên tắc đàm phán hòa bình tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận khu vực, thỏa thuận song phương. Lập trường đó phản ánh xu thế chung của thế giới văn minh trong giải quyết các tranh chấp về lãnh thổ. Để tranh thủ được sự ủng hộ rộng lớn của cộng đồng thế giới, Việt Nam cần tận dụng tất cả các diễn đàn quốc tế và khu vực để minh bạch hóa các thông tin, chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc đấu tranh về ngoại giao trong tinh thần thiện chí và tính đúng đắn của lập trường Việt Nam. Nếu thiếu sự hỗ trợ của tinh thần và pháp lý của cộng đồng quốc tế thì cuộc đấu tranh với Trung Quốc trên bàn ngoại giao sẽ thêm nhiều khó khăn. Việt Nam cũng cần kiên trì và khéo léo đưa vấn đề Hoàng Sa vào phạm vi điều chỉnh của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) mà ASEAN và Trung Quốc đang hướng tới, cũng như trong tất cả các văn bản, hiệp ước khác của khu vực trong tương lai.
Các chuyên gia cũng đề nghị Chính phủ nên thành lập cơ quan chuyên trách làm đầu mối để quy tụ các chuyên gia am hiểu về lịch sử, công pháp quốc tế, đàm phán ngoại giao, nghiên cứu về Trung Quốc... để chuẩn bị các chứng cứ lịch sử, cơ sở pháp lý một cách đầy đủ, hệ thống và khoa học sẵn sàng cho việc đưa tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa ra tòa án công lý quốc tế cũng như sẵn sàng minh bạch hoá các luận điệu mập mờ, thiếu khoa học của Trung Quốc về vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế. Công việc này đòi hỏi sự bền bỉ, kiến thức và kinh nghiệm của nhiều nhà khoa học, nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu của người Việt Nam trong và ngoài nước, cũng như của các nhà khoa học quốc tế. Vì vậy, Chính phủ cần có chính sách cụ thể để thu hút sự quan tâm, đóng góp, tạo sự đồng thuận cao trong nội bộ dân tộc Việt Nam cũng như tiếp thu các nghiên cứu khoa học khách quan, thiện chí của cộng đồng khoa học quốc tế.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng cần phổ biến thông tin về chủ quyền biển đảo của Việt Nam sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, kể cả với người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Nhân dân có đầy đủ thông tin thì mới có thể tham vấn, đóng góp, chung vai cùng Chính phủ gia tăng sức mạnh ngoại giao, củng cố, tăng cường bằng chứng lịch sử, cơ sở pháp lý góp phần gia tăng sức mạnh đấu tranh ngoại giao, tác động mạnh mẽ tới nhân dân Trung Quốc, tới cộng đồng quốc tế tìm kiếm sự đồng thuận ngày càng nhiều hơn cho lập trường Việt Nam. Mặt khác, Chính phủ cũng cần có sự đầu tư về hạ tầng kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống và tăng cường khả năng tự vệ của quân và dân trên các vùng biển đảo; có chế độ chính sách thích đáng hỗ trợ đồng bào ta đang hành nghề hợp pháp trên các vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam mà đặc biệt là trên vùng biển Hoàng Sa, giúp ngư dân ta có đủ điều kiện cũng như đủ năng lực bám biển, giữ vững ngư trường truyền thống của cha ông, góp phần khẳng định chủ quyền thiêng liêng của người Việt Nam trên các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
HỮU NGUYÊN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét