Gần đây các nhà lãnh đạo Việt Nam phát biểu nhiều câu “xanh rờn” nghe mà
rụng rời, choáng váng không biết là mình đang mê hay đang tỉnh nữa. Ví như câu:
“Muốn phòng chống tham nhũng thì cần phải giáo dục lòng tự trọng”...
“Rằng hay thì thật là hay, xem ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”... Ngẫm
người xưa không “chém gió thành bão” về giáo dục lòng tự trọng, song bao giờ
cũng tự mình làm trước cái điều mà họ định mang ra giáo huấn người khác, ấy mới
là lòng tự trọng thật sự.
Bài học về gíao dục hay nhất và
không bao giờ lạc hậu với thời cuộc đó chính là sự làm gương, tính gương mẫu
của các bậc tiền bối, của những người đi trước. Nhất là với các bậc quan chi
phụ mẫu, gánh vác trách nhiệm lớn lao của quốc gia.
Bài viết sau đây đã hơn 6 năm rồi xem ra vẫn ngày càng nóng hổi vì tính
thời sự cấp bách của nó:
Thời luận 04-8-06 (Trên báo Đại Đoàn Kết):
GƯƠNG SÁNG CỦA DÂN
Lần nọ, Mahatma Gandhi (vị lãnh tụ
vĩ đại của nhân dân Ấn Độ) đến nói chuyện với những người nông dân miền Nam .
Khi Ngài vừa kết thúc câu chuyện, một phụ
nữ tay dắt một bé gái đến xin phép được gặp vị thánh vô cùng yêu kính của bà.
Sau lời thăm hỏi trân trọng, bà bày tỏ sự mong muốn Thánh Gandhi ban cho bà và đứa
cháu gái một ân huệ nhỏ.
Bà nói: “Thưa Ngài, xin Ngài vui lòng khuyên cháu gái
của con rằng nó đừng ăn kẹo nữa vì ăn kẹo sẽ làm hỏng hết những cái răng xinh đẹp
của nó. Con sẽ rất biết ơn, nếu Ngài sẵn lòng giúp con vì con biết nó sẽ ngay lập
tức nghe theo lời của Ngài”. Thánh Gandhi đồng ý: “Mười ngày sau bà hãy đưa
cháu bé đến đây và ta sẽ nói những điều mà bà mong muốn với cháu”. Người phụ nữ
vui mừng cáo lui.
Mười ngày sau, bà đưa cháu gái đến
đúng hẹn. Thánh Gandhi thực hiện lời hứa, Ngài âu yếm nói với bé gái rằng cháu
không nên ăn kẹo nữa vì kẹo sẽ làm hỏng hết hàm răng xinh đẹp. Cháu bé với gương
mặt rạng rỡ, rối rít cảm ơn vị thánh mà nó hằng yêu kính và hứa với Ngài rằng
nó sẽ chấm dứt ngay việc ăn kẹo theo lời khuyên chân tình và chí lý của Ngài.
Người phụ nữ hết sức mừng vui chứng kiến cảnh đứa cháu gái phủ phục tuân theo lời
của Thánh Gandhi. Trước khi cáo từ, bà ngần ngại hỏi: “Thưa Ngài, chỉ một lời
khuyên đơn giản như vậy, sao Ngài lại phải hẹn con tới mười ngày sau?”. Thánh Gandhi
cười giải thích: “Bởi vì mười ngày trước ta cũng còn…ăn kẹo!”.
Câu chuyện có thể chỉ là một giai
thoại, song nó cho thấy một lãnh tụ có thể trở thành một vị thánh trong lòng
nhân dân khi người ấy luôn biết tự mình làm một tấm gương sáng cho nhân dân.
Trong trường hợp này, dẫu chỉ là một lời khuyên nhỏ cho một cháu gái nhỏ nhưng
Thánh Gandhi đã phải tự mình chiến thắng nhu cầu của bản thân bằng cách kiên
quyết bỏ kẹo trong vòng mười ngày trước khi đưa ra lời khuyên với cháu bé.
Điều đó cũng
chính là tinh thần mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh phát biểu kết thúc Hội nghị lần thứ ba BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam
khoá X tuần qua: “Muốn cho các cấp “nói thì phải làm”, trước hết từng đồng chí Uỷ
viên trung ương chúng ta phải gương mẫu. Mỗi đồng chí Uỷ viên trung ương Đảng và gia đình mình phải là tấm gương trong
xã hội về cuộc sống trong sạch và liêm khiết”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ
vĩ đại của nhân dân Việt Nam
cũng chính là tấm gương sáng về cuộc sống
trong sạch và liêm khiết. Nhà báo Thái Duy kể, thời kháng chiến đường xá ở đâu
cũng xấu, nhiều ổ gà, ôtô Bác dùng đã cũ, tổ chức yêu cầu đổi xe mới vì Bác đã
ngoài 75 tuổi, xe sốc rất hại sức khoẻ người già. Bác nhất định không nhận xe mới.
Xe cũ nhưng mỗi lần hỏng, chữa lại vẫn đi được thì không được bỏ. Bác biết nếu
xe còn dùng được đã bỏ, cán bộ khác sẽ làm theo nên dù sức khoẻ rất là cần thiết
nhưng với Bác trên hết vẫn là phẩm chất, là người lãnh đạo càng cao càng phải
nêu gương sáng, nói ít làm nhiều, nói được thì làm được.
Các Uỷ viên trung ương Đảng và
gia đình của họ phải là tấm gương sáng trong xã hội về cuộc sống trong sạch và
liêm khiết là điều hết sức quan trọng và cần thiết trong tình hình hiện nay của
Đảng Cộng sản Việt Nam .
Với vai trò là đảng cầm quyền, là đảng lãnh đạo thì đòi hỏi này càng trở nên bức
xúc hơn bao giờ hết. Nó không còn là chuyện riêng của đảng cầm quyền mà thực sự
gắn liền với số phận của dân tộc và tương
lai của đất nước.
Bài học mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho
chúng ta trong việc sử dụng xe không đơn giản chỉ là bài học về sự tiết kiệm,
chống lãng phí mà còn là một bài học lớn về tính trung thực, tính tiên phong gương
mẫu của người lãnh đạo.
“Thượng bất chính hạ tắc loạn”,
bài học cổ xưa vẫn còn chưa hết tính thời sự. Không phải ngẫu nhiên mà hàng loạt
các quan chức trong bộ máy thanh tra chính phủ gần đây bị phát hiện có nhiều
hành vi tham ô, tham nhũng, vi phạm pháp
luật hàng loạt khiến cho công luận phải
nẫu lòng. Những người đứng đầu đã không giữ vững được chính khí của mình, không
giữ được giềng mối, cơ chế công minh liêm chính trong bộ máy do mình lãnh đạo
thì tất yếu sẽ tạo ra môi trường tốt cho cấp dưới hư hỏng.
Vẫn với tinh thần “nói thì phải
làm”, nói rất hay, rất đúng thì cũng cần phải làm cho tới nơi tới chốn, cho ra
kết quả mới thôi. Muốn như vậy thì phải có
cơ sở để thi hành những điều đã nói. Đồng thời cũng phải có cơ chế để kiểm
tra, giám sát lời nói có đi đôi với việc làm hay không?
Gương muốn sáng thì phải
luôn được giữ gìn, luôn được lau chùi cẩn trọng không để một hạt bụi nào có thể
bám được vào. Tự dọn mình sạch sẽ hàng ngày là việc mà các nhà lãnh đạo phải
làm nếu muốn trở thành tấm gương sáng
cho nhân dân.
Đừng để đến lượt nhân dân
giám sát và phát hiện trên một vài tấm gương vẫn còn khá nhiều bụi bặm và cả những
vết bẩn khó lau chùi thì thật là khó ăn khó nói và quan trọng hơn khó còn được
dân tin. Nhân dân nào cũng mong muốn các nhà lãnh đạo của mình là những tấm gương
sáng. Vì nếu các nhà lãnh đạo nói và làm được như những tấm gương sáng, thật
là phúc cho dân cho nước biết bao.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét