Trương Nhân Tuấn
Tôi không tin rằng các cuộc biểu tình ở Hồng Kông sẽ
đưa đến một Thiên An Môn thứ hai. Nếu những người tham gia biểu tình Hồng Kông
không nản lòng, những yêu sách của họ sẽ được thỏa mãn trong nay mai.
Lý do đơn giản là mục đích (và tầm ảnh hưởng) của hai cuộc biểu tình rất khác
nhau.
Cuộc biểu tình ở Thiên An Môn 25 năm trước, nếu không dập tắt,
có thể gây ảnh hưởng lớn lao, làm đảo lộn xã hội Trung Quốc, nhà nước Cộng hòa
Nhân dân Trung Hoa do Mao Trạch Đông dựng lên có thể
bị sụp đổ (ít nhất là như Liên Xô trong vấn đề lãnh thổ). Quyết định của Đặng
Tiểu Bình không chỉ cứu chế độ mà còn cứu Trung Quốc thoát khỏi một cơn khủng
hoảng về chính trị, xã hội không lường được hậu quả. Quyết định tàn khốc đưa
đến kết quả tàn khốc. Dầu rất đau đớn nhưng không thể không lấy quyết định.
Cuộc biểu tình hiện nay ở Hồng Kông, mục đích là yêu
cầu nhà cầm quyền Bắc Kinh giữ lời hứa « một quốc gia hai chế độ » mà lãnh đạo
Trung Quốc đã long trọng ký kết năm 1997, thể hiện trên bộ Luật cơ bản hiện
thời Hồng Kông. (Hồng Kông là một lãnh thổ được quốc tế hóa, có nền chính trị
dân chủ).
Biểu tình ở đây để càng lâu càng bất lợi,
vì nó có thể lây lan sang các địa phương khác trong lục địa. Còn đàn áp (theo
lối Thiên An Môn) thì không có lý do, kể cả lúc người biểu tình bạo động.
Nhượng bộ, Tập Cận Bình chưa chắc « mất uy
tín » nếu ông này khôn khéo ngoại giao, hy sinh một Lương Chấn Anh để lấy lòng
những « lãnh đạo » Hồng Kông tương lai là lớp trẻ sinh viên học sinh.
Không nhượng bộ, tức là quyết định đàn áp
có mức độ, có thể xảy ra máu chảy thịt rơi, điều chắc chắn là phong trào biểu
tình sẽ không tan rã mà sẽ lớn mạnh hơn, đời sống kinh tế, xã hội Hồng Kông có
thể xáo trộn. Điều đưa đến là ước vọng của những người dân ở đây cũng sẽ khác
đi : một Hồng Kông ly khai (thay vì một Hồng Kông có thể chế chính trị dân chủ,
khác với lục địa). Tập Cận Bình sẽ mất uy tín trong nội bộ cũng như tạo một
hình ảnh nhơ nhuốc của Trung Quốc trước quốc tế. Trong khi việc áp đặt chính
trị quốc gia (tức độc tài) lên Hồng Kông thì không đưa lại lợi lộc nào cho
Trung Quốc, ngoài việc các tài phiệt ở đây sẽ « di tản » sang một vùng đất an
lành khác.
Tôi nghĩ là những người tham gia biểu
tình, nhất là khối sinh viên học sinh và phụ huynh, biết chắc là lãnh đạo Bắc
Kinh không thể ra quyết định đàn áp như 25 năm trước tại Thiên An Môn. Ngày xưa
là quyền lợi và sự ổn định của quốc gia Trung Quốc. Hôm nay là uy tín của cá
nhân Tập Cận Bình.
Thực ra uy tín của họ Tập chỉ có thể giữ
được với hành động giữ lời hứa về một quốc gia hai chế độ.
Phát ngôn nhân bộ ngoại giao Trung Quốc vừa mới tuyên
bố cảnh cáo rằng vấn đề Hồng Kông thuộc nội bộ của Trung Quốc. Trong khi Hoa Kỳ
và Anh chính thức lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh phải tôn trọng ý nguyện của dân
Hồng Kông.
Hoa Kỳ và Anh có « xía » vào chuyện nội bộ của Trung quốc hay
không ?
Câu trả lời là không !
Tuyên bố của Bắc Kinh có điểm cần xét lại. Mặc dầu Hồng Kông
thuộc chủ quyền (không tranh cãi) của Trung Quốc, nhưng Hồng Kông là một lãnh
thổ tự trị, có « tư cách pháp nhân » một vùng lãnh thổ được « quốc tế hóa », là
« đối tượng » của công pháp quốc tế.
Theo các điều 151, 152, 153 của Luật cơ bản 1-7-1997 :
Hồng Kông có tư cách pháp nhân (như là quốc gia), là thành viên
của các tổ chức quốc tế trực thuộc LHQ, là hội viên của WTO, hội viên của Hiệp
hội Quan thuế quốc tế đồng thời là hội viên của Hiệp hội APEC (Tổ chức hợp tác
kinh tế Châu Á Thái bình dương)…
Hồng Kông có tư cách pháp nhân (như là quốc gia) để ký kết các
hiệp ước với các quốc gia khác.
Hồng Kông có hệ thống pháp luật riêng, quyền tư pháp thực sự độc
lập (điều19), có cờ riêng (điều 10), có pháp quyền về quan thuế và kiểm soát
biên giới (điều 154), có đồng tiền riêng (đô la HK).
Điều 39 bảo đảm các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội
và văn hóa.
Cam kết của Trung Quốc về « một quốc gia hai hệ thống chính trị » cho Đài Loan,
được áp dụng tại Hồng Kông và Ma Cao, thực tế cho thấy Bắc Kinh đã không tôn
trọng những cam kết (quốc tế). Lãnh đạo Bắc Kinh lên âm mưu bãi bỏ quyền tự trị
của Hồng Kông, bằng cách áp đặt nhân sự lãnh đạo. Điều này đã bị sự phản đối
mãnh liệt của dân chúng, thể hiện qua các cuộc biểu tình, phong trào bất tuân
dân sự…
Từ đầu thập niên 80, Trung Quốc đã cho thành lập thành phố Thẩm
Quyến, kế cạnh Hồng Kông, như là một « đặc khu kinh tế ». Ban đầu khu vực này chỉ
là một làng chài lưới, nghèo khổ như các làng chài khác thuộc lục địa. Mục đích
thành lập Thẩm Quyến không chỉ để cạnh tranh với Hồng Kông, mà còn là một tính
toán chính trị nhằm áp đặt luật quốc gia lên vùng lãnh thổ mới sáp nhập. Nhờ sự
năng động của Hồng Kông, Thẩm Quyến phát triển mạnh mẽ, trở thành một đặc khu
kinh tế giàu nhất lục địa (tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm). Thẩm Quyến trở
thành Hồng Kông thứ hai.
Sự lên tiếng của Hoa Kỳ và Anh là đúng lúc nhưng chưa chắc ngăn
cản được Bắc Kinh.
Dự tính của lãnh đạo Bắc Kinh, người ta có thể thấy là sẽ ra tay
đàn áp mạnh mẽ dân chúng biểu tình. Nếu Hồng Kông « tê liệt » toàn diện thì
việc này cũng không gây ảnh hưởng lớn lao (về kinh tế) cho Trung Quốc. Thẩm
Quyến (chia cách Hồng Kông bằng một cây cầu) có đầy đủ phương tiện hạ tầng cơ
sở thay thể mọi sinh hoạt của Hồng Kông. Điều mà Bắc Kinh không dự toán được là
sự dấn thân quyết liệt của sinh viên, học sinh được sự ủng hộ của hầu hết phụ
huynh. Mặc dầu đã dự trù một lực lượng đối kháng (nhóm « Đa số thầm lặng »),
nhưng nhóm này cũng khó dập tắt được khí thế của sinh viên, học sinh…
Chắc chắn việc dằn co này sẽ kéo dài. Bắc Kinh cũng có thể đạt
được mục tiêu : trung tâm chứng khoán sẽ dời về Thẩm Quyến.
Có lợi cho Hồng Kông nếu dư luận quốc tế đồng loạt lên tiếng
đồng thời dân chúng các tỉnh trong lục địa hưởng ứng phong trào đòi dân chủ mà
điều này còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của thành phần trí thức và lớp công
nhân.
Chắc chắn là Hoa Kỳ và Anh cũng thấy « dã tâm » của lãnh đạo Bắc
Kinh : phá bỏ tư cách pháp nhân « quốc tế » của Hồng Kông, bằng cách dùng Thẩm
Quyến thay thế Hông Kông.
Sẽ đối phó bằng cách nào ? Một Trung Quốc dân chủ chắc chắn là
một điều tốt không chỉ cho Châu Á mà còn cho cả nhân loại. Tất cả các tranh
chấp trong các nước dân chủ hầu hết đều được giải quyết bằng « luật lệ » chứ
không bằng sức mạnh (như các nước độc tài).
Ai cũng muốn vậy
nhưng không dễ thực hiện. Giai cấp trung lưu Trung Quốc phần lớn đều thân chính
quyền, vì sự giàu có của họ đều dựa vào, hay đến từ, quyền lực chứ không do tài
năng và trí tuệ. Dầu vậy, khối lao động (công nhân, nông dân) của TQ rất lớn,
chiếm trên 70% nhân lực của TQ. Lãnh đạo được khối nhân sự này thì việc gì cũng
thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét