Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

Một vụ tống tiền có dấu hiệu liên quan đến nhà báo và suy nghĩ về kiểu nhà báo lưu manh

Trần Hồng Phong


Thông tin mà nhà báo biết được trong nhiều trường hợp đã được sử dụng như một vũ khí nhằm mục đích tống tiền cá nhân, doanh nghiệp. Thật kinh hoàng nếu những hành động như vậy của nhà báo lại được sự dung túng hay khuyến khích từ chính những vị tổng biên tập. 


Trên báo Người Lao Động ngày 10-10-2014 có bài "Bà Vũ Thúy Huệ đã chuyển vào tài khoản của Nguyễn Anh Tuấn 1 tỉ đồng" nói về việc do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu nhầm, ảnh hưởng uy tín của mình và chồng, bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch PV EIC, đã chuyển vào tài khoản của một người đàn ông tên Nguyễn Anh Tuấn số tiền 1 tỉ đồng. Ngay sau đó, bà Huệ đã báo cho công an, dẫn đến việc ông Tuấn bị bắt khẩn cấp về hành vi cưỡng đoạt tài sản.





Lực lượng công an khám xét nhà Nguyễn Anh Tuấn ở đường Hoa Lan, quận Phú Nhuận, TP HCM, vào ngày 7-10-2014. Ảnh: Tân Tiến (NLĐ)

Theo báo Người Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn (sinh 1971, ngụ Đống Đa, TP Hà Nội) đang là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn tài chính Việt, đã bị bắt theo phê chuẩn của Viện KSND Tối cao vào ngày 7-10-2014.



Về dấu hiệu phạm tội của ông Tuấn, nguyên văn bài trên báo Người Lao Động như sau:

Theo thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, ông Nguyễn Anh Tuấn khai nhận vào khoảng tháng 9-2014, thông qua mối quan hệ ngoài xã hội, Tuấn nghe được thông tin từ một số nhà báo nói chuyện với nhau tại quán cà phê số 6 (phố Tú Xương, TP HCM) về việc đang chuẩn đăng tải bài viết có nội dung liên quan đến dấu hiệu tiêu cực tại Tổng Công ty Năng lượng dầu khí Việt Nam (PVEIC).
Đáng chú ý là trong bài viết đó còn có nội dung nói xấu, hạ uy tín bà Vũ Thúy Huệ, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Công nghệ Năng lượng Dầu khí Việt Nam (PV EIC, trụ sở tại TP HCM) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) cùng chồng của bà Huệ là một vị Phó tổng giám đốc PVN.
Nhìn thấy đây là cơ hội tống tiền bà Huệ, Tuấn đã tìm hiểu nội dung chi tiết bài báo sẽ đăng tải như thế nào và đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại, nhắn tin và trực tiếp gặp bà Huệ đưa tài liệu về bài báo sẽ đăng tải có nội dung hạ uy tín vợ chồng bà Huệ. Đồng thời, Tuấn yêu cầu bà Huệ phải đưa 110.000 USD để Tuấn đưa cho một số nhà báo tham gia viết bài nếu không sẽ cho đăng tải trên một số tờ báo. Do bị thúc ép nhiều lần và lo sợ dư luận hiểu lầm qua các bài báo, ảnh hưởng đến uy tín của bà và chồng nên đầu tháng 10, bà Huệ đã chuyển vào tài khoản của đối tượng Tuấn 1 tỉ đồng qua ngân hàng Eximbank, đồng thời tố cáo sự việc này đến cơ quan Công an.
Vụ việc đang tiếp tục được cơ quan công an điều tra, làm rõ.



Với diễn biến như trên, có thể thấy ông Tuấn đã dùng thông tin mà mình có được từ các nhà báo để uy hiếp, tống tiền nạn nhân (bà Huệ). Thủ đoạn của ông Tuấn là tương đối đơn giản, rõ ràng.



Tuy nhiên, qua những lời ông Tuấn khai ban đầu (giả thuyết là đúng), có thể thấy nhiều khả năng ông Tuấn có mối quan hệ đến một vài nhà báo cụ thể, chứ không đơn giản là tình cờ ngồi uống cà phê rồi hóng tin một cách ngẫu nhiên. Vì sau đó ông đã có được "nội dung chi tiết" của bài báo và để thậm chí còn cho biết mình có khả năng tác động để đăng hay không đăng bài báo tống tiền đó, tùy thuộc vào sự chung chi của bà Huệ.



Theo nhận định của chúng tôi, trong vụ việc này nhiều khả năng có sự thông đồng, "hỗ trợ" của nhà báo. Thậm chí đây là hành vi phạm tội có tổ chức, với sự bàn bạc tham gia của nhiều người, là sự đồng phạm nhằm mục đích tống tiền, chứ không đơn giản chỉ một mình ông Tuân "đơn thương độc mã" phạm tội.



Chính vì vậy, điều mà dư luận đang quan tâm là những nhà báo mà ông Tuấn khai có quen biết là nhà báo nào? làm việc ở tờ báo nào?



Trên thực tế, việc các nhà báo khi có trong tay những thông tin xấu về một cá nhân hay doanh nghiệp nào đó, rồi lợi dụng thông tin này để ra giá, tống tiền các cá nhân, doanh nghiệp như trong trường hợp này hoàn toàn không phải là hiếm lạ tại Việt Nam.



Khoảng hơn 10 năm trước, ở báo Tuổi Trẻ từng có nhà báo HL (xin được mã hóa tên vì "tế nhị") là nỗi khiếp đảm của rất nhiều doanh nghiệp. Thời điểm đó trên báo Tuổi Trẻ có rất nhiều bài viết "đặc sắc hấp dẫn", nội dung chuyên phanh phui những sai phạm, những chuyện thâm cung bí sử của không ít doanh nghiệp - được ký dưới bút danh HL. Đến mức hễ doanh nghiệp nào được nhà báo này viết bài, thì xem như đã rơi vào bảng "tử thần"! Cái tên HL đã trở thành một "thương hiệu" mà các giám đốc doanh nghiệp nghe đến là "run"! Tuy nhiên đi đêm có ngày gặp ma, cuối cùng nhà báo "lớn" này cũng phải đứng chung vành móng ngựa trong vụ án Trùm xã hội đen Năm Cam, trong một tội danh liên quan đến hoạt động báo chí của mình.



Bản thân tôi, với tư cách là luật sư, cũng đã từng ít nhất vài lần tiếp cận với những tình huống dở khóc dở cười liên quan đến hoạt động báo chí, theo kiểu tống tiền như trên.



Chẳng hạn có lần một lãnh đạo doanh nghiệp sản xuất lớn tại Việt Nam có đưa cho tôi xem 2 bài báo của cùng một tác giả được gửi đến cho doanh nghiệp. Cùng một sự việc, nhưng nội dung một bài báo thì viết tốt, khen doanh nghiệp tối đa. Trong khi bài còn lại thì lại có những thông tin cực xấu, chụp mũ doanh nghiệp. Và ông nhà báo ra điều kiện là: nếu doanh nghiệp chịu đăng quảng cáo trên báo của ông (trị giá khoảng trên 100 triệu đồng) thì báo sẽ đăng bài "tốt". Nếu không thì báo sẽ đăng bài "xấu"!!! Hê hê,



Mới ngày hôm nay (10-10-2014), trên một tờ báo trong nước có đăng một bài phỏng vấn ông Nam Đồng, nguyên tổng biên tập báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, là sếp cũ của tôi. Theo đó, ông Nam Đồng nêu ý kiến phản đối một lãnh đạo cơ quan báo chí (mà ông nói không nêu tên vì tế nhị), vị này đã nói rằng "Vậy Thẻ nhà báo để làm gì?" khi có phóng viên than thu nhập quá thấp không đủ sống. Tình tiết này thêm một lần nữa khẳng định rằng trong hoạt động báo chí tại Việt Nam hiện nay luôn có những mảng tối. Nhưng điều đáng quan ngại hơn là ngay trong quan điểm của không ít lãnh đạo ở một số tờ báo, luôn tiềm ẩn kiểu tư duy làm báo theo kiểu "đánh đấm" tống tiền, rất lưu manh, vô học! Sếp mà còn như vậy, thì khó lòng đòi hỏi lính (nhà báo) đàng hoàng cho được.



-----------------------



Quy định tại Bộ luật hình sự:



Điều 135. Tội cưỡng đoạt tài sản

1. Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
đ) Gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét