Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

Cải cách giáo dục: sứ mệnh và nguyên lí

Sau khi đã nhận ra những tín hiệu, vấn đề, căn cơ, và những "căn bệnh" của nền giáo dục, câu hỏi logic là "phải làm gì"? Câu trả lời là phải thay đổi, hay nói theo ngôn ngữ “lớn” là cải cách. Ngay cả những người bảo thủ nhất cũng phải thú nhận rằng nền giáo dục VN cần cải cách. Không chỉ cải cách, mà còn là đổi mới toàn diện giáo dục “xứng tầm là một cuộc cách mạng" (20).

Bất cứ một nền giáo dục nào cũng cần phải có sứ mệnh, và những phát biểu về giá trị cốt lõi. Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta không biết sứ mệnh của giáo dục là gì! Tìm trong tài liệu in cũng như trên mạng đều không có phát biểu nào về sứ mệnh, chỉ thấy những phát biểu chung chung mang tính khẩu hiệu. Chẳng hạn như trong đề cương “Chiến lược Phát triển giáo dục 2011 – 2020” (21), người ta đề ra 4 “Quan điểm chỉ đạo” ngành giáo dục:

1. Phát triển giáo dục phải thực sự là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân.
2. Xây dựng nền giáo dục có tính nhân dân, dân tộc, tiên tiến, hiện đại, xã hội chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.
3. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa, hội nhập quốc tế, thích ứng với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Hội nhập quốc tế sâu, rộng về giáo dục trên cơ sở bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, giữ vững độc lập, tự chủ, định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong 4 quan điểm, mà đã có đến 3 lần đề cập đến “xã hội chủ nghĩa”! Và, chúng ta cũng không thấy xác định sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục là gì. Do đó, việc đầu tiên trước khi bàn về cải cách là phải đề ra sứ mệnh và những mục tiêu mà nền giáo dục muốn đạt được. Trong phần này, tôi thử đề ra sứ mệnh, mục tiêu, và nguyên lí giáo dục. Những điểm đề ra không phải là suy nghĩ sau cùng của tôi, mà chỉ là những điểm để thảo luận và “framework” để khai triển tiếp.
Sứ mệnh và mục tiêu
Tôi đề nghị sứ mệnh của nền giáo dục VN như sau:
Tương lai của Việt Nam tuỳ thuộc vào mỗi công dân được trang bị đầy đủ kiến thức, kĩ năng, và đạo đức cho một cuộc sống phong phú và trọn vẹn trong một xã hội dân chủ, tự do, công bằng, và bác ái. Giáo dục học đường đóng vai trò trung tâm cho lí tưởng đó. Giáo dục học đường cung cấp cho giới trẻ những nền tảng để phát triển về tri thức, thể chất, tinh thần, xã hội, đạo đức, và thẩm mĩ.
Mục tiêu của nền giáo dục hiện đại VN là giúp cho công dân trẻ phát huy hết tiềm năng của họ, và chuẩn bị cho họ trở thành những công dân toàn cầu xuất sắc. Mục tiêu cụ thể là đào tạo sao cho khi học sinh rời nhà trường, họ sẽ có:
• phẩm chất tự tin, lạc quan, lòng tự trọng, và lí tưởng dấn thân để phụng sự vì phúc lợi xã hội, đạt được tiềm năng cá nhân, đóng góp cho gia đình, cộng đồng, và nền kinh tế;
• năng lực phán xét và trách nhiệm trước những vấn đề liên quan đến đạo đức, luân thường đạo lí, và công bằng xã hội, tự "giải phóng" mình khỏi những giáo điều; và
• năng lực cảm nhận và có trách nhiệm với môi trường chung quanh, có trí phán xét để đi đến những quyết định sáng suốt cho cuộc sống của họ, và nhận trách nhiệm trước những quyết định đó.

Mười nguyên lí chỉ đạo của hệ thống giáo dục

Để thực hiện sứ mệnh và mục tiêu trên, cần phải phát triển một số nguyên lí chỉ đạo cho hành động. Các nguyên lí chỉ đạo có thể thay đổi theo thời gian, tuỳ theo bối cảnh thế giới. Trước đây (trước 1975 ở miền Nam), nền giáo dục dựa vào 3 nguyên lí là Dân tộc, Khai phóng, và Nhân bản. Tuy những nguyên lí đó vẫn còn tính thời sự, nhưng sẽ không đủ trong thời đại toàn cầu hoá. Tôi đề nghị nền giáo dục VN nên dựa vào 10 nguyên lí sau đây. Thật ra, 10 nguyên lí này có thể tóm tắt trong 3 nguyên lí cơ bản: Bác ái, Khoa học, và Phụng sự.
1. Bác ái
Tình yêu thương giữa con người có thể giúp cho xã hội và cộng đồng làm nên những kì tích. Nền giáo dục dựa trên tinh thần bác ái có nghĩa là tập cho học sinh thói quen quan tâm và chăm nom phúc lợi của người khác một cách bất vị lợi. Nói theo cách nói thông thường, đó là tinh thần làm ơn cao thượng, hay nói như Nguyễn Đình Chiểu là "làm ơn há dễ trông người trả ơn". Hệ thống giáo dục nhà trường, do đó, phải giúp học sinh hiểu biết và ứng dụng tinh thần bác ái trong cuộc sống.
2. Dân tộc
Giáo dục học đường phải truyền đạt đến giới trẻ các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, nguồn gốc dân tộc dựa trên cơ sở khoa học, và lịch sử hình thành dân tộc. Cần phải nhấn mạnh rằng dân tộc Việt Nam tồn tại độc lập với dân tộc Hán, rằng người Việt Nam không xuất phát từ dân tộc Trung Hoa. Trong thời đại toàn cầu hóa, việc duy trì bản sắc dân tộc và những nét tinh hoa của văn hóa dân tộc là điều hết sức cần thiết để duy trì “căn cước tính” Việt Nam. Cần phải nhấn mạnh rằng nguyên lí dân tộc không có nghĩa là theo đuổi chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi hay khuyến khích suy nghĩ thói dân tộc ưu việt.
3. Bình đẳng
Nền giáo dục bảo vệ các mục tiêu bình đẳng xã hội, dạy cho học sinh cư xử với mọi người một cách công bằng, không phân biệt giới tính, tuổi tác, thành phần xã hội. Bình đẳng trong giáo dục cũng có nghĩa là nhà trường là môi trường bình đẳng, tất cả học sinh đều có những cơ hội như nhau, không phân biệt giai cấp và giới tính.
4. Tự do
Nền giáo dục phải xiển dương tinh thần tự do học thuật. Tạo điều kiện để học sinh tận hưởng các quyền và đặc quyền của công dân, và bảo về quyền lợi của người khác. Chương trình giáo dục cần phải được thiết kế để nuôi dưỡng và coi trọng giáo dục hoà bình, và xiển dương quyền con người. Học sinh nên có cơ hội học tập về hiến chương quyền con người của Liên Hiệp Quốc, và học cách tránh xung đột và biện pháp để đạt công bằng xã hội.
5. Tư duy khoa học
Học sinh phải hiểu được ý nghĩa của khoa học và làm việc dựa vào chứng cứ (thực chứng). Nền giáo dục phải dạy học sinh tiếp thu kiến thức qua phát biểu giả thuyết, quan sát, thí nghiệm, và phân tích những gì xảy ra chung quanh. Học sinh tập thói quen nêu câu hỏi, thu thập thông tin, và lí giải các thông tin. Học sinh tập tư duy phản biện và chất vấn ý tưởng của chính mình và của người khác, thực hành cách hỏi "rồi sao nữa", "tại sao", và "làm sao chúng ta biết điều đó".
6. Thành thật và uy tín
Nền giáo dục phải dạy học sinh tôn trọng sự thật. Phải thành thật, thành tâm, và theo đuổi chân lí. Hành động theo các nguyên lí đạo đức, đảm bảo nhất quán giữa lòi nói và hành động. Học trò phải luôn luôn khiêm tốn, và nên nhớ rằng có nhiều điều về vũ trụ và chung quanh mà chúng ta không biết. Còn rất nhiều điều cần phải học. Khoa học sẽ giúp chúng ta, nhưng thỉnh thoảng các nhà khoa học phát hiện những điều mới cho thấy niềm tin của chúng ta sai. Do đó, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận thay đổi niềm tin khi kiến thức của chúng ta thay đổi.
7. Tôn trọng
Cư xử với người khác với cân nhắc cẩn thận, tôn trọng quan điểm của người khác. Giáo dục đạo đức là hình thức giáo dục liên tục, và có thể không thể hiện rõ trong chương trình giảng dạy, vì học sinh có thể học qua truyền thông, gia đình, và cộng đồng. Các giá trị đạo đức có thể được giảng dạy qua thảo luận, làm gương, và kể chuyện, hoặc các hoạt động khác nhằm chỉ ra cái sai trái và đúng đắn.
8. Trách nhiệm
Tập thói quen chịu trách nhiệm đạo đức (giúp người khác gặp trở ngại, hay thực hiện những gì đã hứa), chịu trách nhiệm trước luật pháp (tuân thủ theo luật pháp và những yêu cầu của một công dân). Học sinh phải học trách nhiệm chăm sóc cho gia đình, cộng đồng, và thế giới. Có trách nhiệm trước hành động cá nhân, giải quyết các khác biệt giữa cá nhân một cách xây dựng và hoà bình, đóng góp vào xã hội và cuộc sống công dân.
9. Ý thức toàn cầu
Chúng ta sống trong một thế giới giàu văn hoá, xã hội đa dạng, một thế giới mà mỗi người phải tuỳ thuộc vào nhiều người khác. Do đó, bất cứ một biến cố nào xảy ra ở bất cứ nơi nào đều có thể gây tác động ở vùng khác. Do đó, mỗi công dân phải có trách nhiệm không chỉ ở địa phương mình mà còn có trách nhiệm toàn cầu.
10. Phụng sự và dấn thân
Một cá nhân chỉ có một cuộc sống trọn vẹn khi người đó tham gia vào việc phụng sự xã hội vì lí tưởng nhân bản. Do đó, chương trình giảng dạy cùng với dịch vụ xã hội sẽ cung cấp cho học sinh năng lực nhận dạng những vấn đề lớn trong cuộc sống. Qua những nỗ lực này, mỗi chúng ta có thể giúp người khác và chính chúng ta.
Trong Bản Ý Kiến gửi cho giới lãnh đạo vào năm 2012 (22), chúng tôi nhận định rằng: nền “giáo dục của Việt Nam trong những năm qua thiếu một tầm nhìn chiến lược tổng thể; thiếu kiên quyết theo đuổi một triết lí giáo dục xác định; … ở rất nhiều nơi, sự cứng nhắc và áp đặt của hệ thống chính trị đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động giáo dục." Thiết nghĩ nhận định đó cho đến nay vẫn đúng. Hi vọng rằng những phát biểu trong note này sẽ làm tiền đề để chúng ta thảo luận đi đến một sứ mệnh, mục tiêu và những nguyên lí của nền giáo dục VN.
====

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét