Thứ Sáu, 16 tháng 1, 2015

Hai mươi năm giá trị Fulbright

Ngày 17.1.2015, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) sẽ chính thức đánh dấu mốc 20 năm hoạt động tại VN. FETP đã và sẽ tiếp tục mang lại cho giáo dục VN những giá trị nào? Báo Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình này.
Tiên phong cho những bước đổi mới
Thưa ông, đã có rất nhiều thông tin về quá trình thành lập của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. Theo ông, giá trị quan trọng nhất cho sự ra đời này là gì?
Sau 20 năm nhìn lại, giá trị cốt lõi của FETP nằm ở sự đồng hành với các nỗ lực cải cách kinh tế ở nước ta. FETP ra đời đúng vào thời điểm VN chuẩn bị bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ và sắp gia nhập ASEAN. Nền kinh tế đang trong quá trinh chuyển đổi  từ kế hoạch hóa, quan liêu, bao cấp sang kinh tế thị trường (KTTT), đòi hỏi một hệ thống tri thức và công cụ quản lý kinh tế hoàn toàn mới. Nói cách khác, các nhà quản lý khi ấy vẫn còn rất bỡ ngỡ với KTTT.
Chính trong bối cảnh đó, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright được thành lập như một trung tâm đào tạo về kinh tế học ứng dụng, cung cấp kiến thức kinh tế thị trường cho các nhà quản lý và hoạch định chính sách, nhằm hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa sang KTTT. FETP là một trong những trường đầu tiên đưa kiến thức KTTT vào VN một cách có hệ thống, tạo được sự gắn bó mật thiết giữa kinh tế VN và tri thức toàn cầu.
Trong 20 năm hoạt động của mình, theo ông đâu là những giá trị quan trọng mà FETP mang lại cho giáo dục VN, cho người học?
FETP luôn nỗ lực một cách có ý thức đi tiên phong trong việc đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế VN, đặc biệt là trước những bước tiến quan trọng. Ra đời từ năm 1995 nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo kiến thức KTTT, sau 13 năm, đến năm 2008, FETP quyết định mở ra chương trình thạc sỹ chính sách công.
Vì sao lại có sự chuyển đổi này? Vào năm 1995, khi nền kinh tế thị trường của nước ta còn manh nha, giá trị quan trọng nhất đến từ việc hiểu đúng cơ chế vận hành của KTTT. Được trang bị những tri thức này, các nhà quản lý kinh tế có thể sửa chữa những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế cũ – giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, mở cửa hội nhập với kinh tế toàn cầu – nhờ đó nền kinh tế khởi sắc.
Nhưng đến nửa cuối thập niên 2000, nền kinh tế của chúng ta đã trở nên phức tạp, năng động, và hội nhập hơn rất nhiều. Sự thiếu hụt kiến thức về thiết kế và phân tích chính sách trong các cơ quan quản lý kinh tế ngày càng bộc lộ rõ. Nói khác đi, năng lực điều hành và xây dựng chính sách phát triển bất cập so với sự phức tạp của nền kinh tế, và đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra bất ổn kinh tế vĩ mô trong giai đoạn 2007 – 2008 mà hệ quả còn kéo dài cho đến ngày hôm nay.
Trong bối cảnh này, FETP mong muốn đào tạo một lớp lãnh đạo, nhà kinh tế có đủ tri thức về chính sách công, nhờ đó ra chính sách hiệu quả hơn. FETP một lần nữa đi tiên phong trong ngành chính sách công. Khi đăng ký chuyên ngành đào tạo này, chính Bộ GD-ĐT cũng cho biết do chưa có mã ngành chính sách công nên phải đưa ra mã ngành mới. Việc có mã ngành mới này mở ra cơ hội cho một số trường khác xây dựng chương trình đào tạo chính sách công.
Hiện nay, FETP lại đang đứng trước một cơ hội, đồng thời là một thử thách lớn, đó là phát triển thành Trường ĐH Fulbright Việt Nam (FUV). Sự bất cập của nền giáo dục đại học Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế và xã hội VN. Lần này, FETP hy vọng đóng góp vào nỗ lực cải cách đại học ở Việt Nam bằng cách thử nghiệm một mô hình đại học truyền thống trên thế giới nhưng hoàn toàn mới ở VN, đó là ĐH tư thục không vì lợi nhuận.
Chúng tôi tin rằng dù thành công hay thất bại thì Trường ĐH Fulbright Việt Nam cũng sẽ cung cấp những kinh nghiệm và bài học quý báu cho các trường khác muốn đi theo con đường này. Kinh nghiệm của FUV cũng sẽ giúp Bộ GD-ĐT hoàn thiện thể chế và hành lang pháp lý cho loại hình đại học tư thục không vì lợi nhuận.
ĐH Fulbright Việt Nam và những phép thử
Ông vừa đề cập đến Trường ĐH Fulbright VN, một kỳ vọng mới của hệ thống giáo dục ngoài công lập tại VN. Trường này thành lập dựa trên nguyên tắc nào?
Một nguyên tắc xuyên suốt từ khi thành lập Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho đến sắp tới khi Trường ĐH Fulbright VN ra đời vẫn luôn là đề cao giá trị tri thức, đó là tôn trọng tự do học thuật và giá trị nghiên cứu. Ở các trường ĐH hàng đầu thế giới, giảng dạy và nghiên cứu luôn song hành, vì để giảng dạy tốt thì phải có nghiên cứu tốt. Đáng tiếc là ở đa số các trường ĐH tại VN hiện nay, nghiên cứu vẫn được đặt ở vị trí thứ yếu. Gần đây nhiều trường đã cố gắng sửa chữa khiếm khuyết này, nhưng năng lực và điều kiện nghiên cứu của các trường lại chưa đủ.
Muốn có nhà nghiên cứu xuất sắc, phải xây dựng được môi trường thích hợp. Môi trường đó phải trọng dụng nhân tài, không tuyển dụng dựa trên các tiêu chí phi học thuật. Môi trường đó phải tạo ra không gian rộng rãi để nhân tài thể hiện tài năng và tối đa hóa giá trị của mình. Đồng thời, để tạo ra giá trị cho xã hội, bên cạnh tri thức toàn cầu, các nhà nghiên cứu cũng cần có những hiểu biết sâu sắc về địa phương, và chỉ nhờ sự kết hợp này thì mới có thể “tiếp biến” tri thức toàn cầu để kiến tạo tri thức mới, có lợi cho nhà trường và cho đất nước.
Từ 20 năm qua, FETP vẫn luôn theo đuổi những giá trị này và trên thực tế, FETP là một “ốc đảo” với những điều kiện thuận lợi này. Những hiểu biết về xã hội, kinh tế và giáo dục VN cũng được chúng tôi tích lũy qua quá trình nghiên cứu, phân tích chính sách, thảo luận với Chính phủ. Vì vậy, đây là những thuận lợi để Trường ĐH Fulbright Việt Nam ra đời và phát triển theo con đường của những trường tiên tiến trên thế giới.
Như ông đã đề cập, một điểm rất mới của Trường ĐH Fulbright VN là hoạt động theo hình thức tư thục phi lợi nhuận. Mặc dù rất muốn, nhiều trường ĐH tại VN từ trước tới nay không thể thực hiện được điều này. Điểm khác biệt là ở đâu, thưa ông?
Trường ĐH Fulbright VN tuy là mô hình mới ở VN nhưng lại là mô hình tư thục không vì lợi nhuận quen thuộc ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Có 3 điểm chính, cũng là khác biệt với các trường VN mà FUV xác định trong cơ chế hoạt động của mình, bao gồm quản trị, tài chính và nhân sự.
Về quản trị, trường không có chủ sở hữu, không có cổ đông như các trường tư thục khác ở VN. Điều hành trường sẽ là Hội đồng trường (Board of Trustee). Hội đồng này sẽ thuê hiệu trưởng và ban giám hiệu để quản lý trường. Về nguyên tắc, trường là của xã hội, của cộng đồng. Mọi giá trị thặng dư (nếu có) sẽ được đầu tư trở lại cho trường chứ không chia cho bất kỳ đối tượng nào khác.
Tài chính của trường sẽ được tự chủ, do Quỹ tín thác sáng kiến ĐH VN (TUIV) quản lý. Tài chính được huy động chủ yếu từ ba nguồn: tài trợ ổn định hàng năm của Chính phủ Mỹ; tiền thiện nguyện, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tại nước ngoài; và tài trợ, của tổ chức, cá nhân tại VN.
Về nhân sự, trọng dụng nhân tài là nguyên lý cốt lõi; quy trình tuyển dụng, đề bạt dựa trên tài năng chứ không dựa trên những tiêu chuẩn phi học thuật.
Theo tôi, đây là những phép thử cho giáo dục VN. Như hiểu biết của chúng tôi, hiện nay chưa có một trường ĐH nào tại VN thành lập và phát triển dựa vào nguồn vốn thiện nguyện, hiến tặng như vậy. Nó sẽ là phép thử chứng tỏ sự quan tâm của doanh nghiệp, cá nhân ở VN đối với giáo dục như thế nào? Sẽ có nhiều người ủng hộ, hiến tặng kinh phí cho Trường ĐH Fulbright hoạt động hay không?
Cách quản trị mới, tuyển dụng nhân sự trong trường đại học mới cũng sẽ là phép thử xem cách làm này có thể thành công tại VN hay không. Từ đó, các trường khác có thể học hỏi áp dụng mô hình quản trị này.
Mọi người kỳ vọng vào sự ra đời của Trường ĐH Fulbright VN. Còn bản thân trường thì kỳ vọng vào điều gì, thưa ông?
Như đã nói ở trên, FUV kỳ vọng sẽ đóng góp một cách thiết thực cho nỗ lực cải cách giáo dục đại học ở Việt Nam bằng cách thử nghiệm mô hình mới và tạo ra giá trị giáo dục đích thực. Để làm điều này, chúng tôi dự kiến sẽ phát triển trường theo từng bước một cách thận trọng. Ban đầu, trường sẽ chỉ đào tạo thạc sĩ và phát triển với quy mô vừa phải. Sau đó, trường mới đào tạo cử nhân và tiến sĩ.
Chúng tôi kỳ vọng nhất là về chất lượng. Trường sẽ là nơi đáp ứng nhân lực từ chất lượng cao cho xã hội. Ban đầu, các chuyên ngành đào tạo sẽ là chính sách công, luật, kinh tế học, tài chính, quản trị… Sau đó, chúng tôi sẽ từng bước chuyển sang đào tạo các ngành khoa học, kỹ thuật, môi trường và biến đổi khí hậu… Ngoài một số ngành là thế mạnh sẵn có, trường sẽ chú trọng phát triển những ngành học giúp tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững tại VN. Chúng tôi muốn góp một phần giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao, vốn là một trong những nút thắt tăng trưởng quan trọng ở VN.
Một mô hình mới như vậy, chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn trong quá trình thành lập. Ông có thể chia sẻ về điều này hay không?
Dự án Trường ĐH Fulbright VN được bắt đầu từ năm 2011, khi còn chưa có khuôn khổ pháp lý cho loại hình ĐH tư thục không vì lợi nhuận. Ngay cả nghị định hướng dẫn cũng như Điều lệ trường ĐH ra đời thời gian vừa qua vẫn còn chung chung và vướng mắc một số điểm. Chẳng hạn, chưa quy định việc miễn thuế thu nhập cho các tổ chức, cá nhân hiến tặng tài sản cho các trường ĐH không vì lợi nhuận.
Một khó khăn rõ ràng khác trong khi các trường tư thục tại VN có cổ đông đầu tư, còn các trường công lập thì có thể dựa vào nguồn ngân sách, đất đai … của Nhà nước, còn Trường ĐH Fulbright VN chủ yếu chỉ dựa vào nguồn tiền thiện nguyện để phát triển.
Việt Nam và “lựa chọn thành công”
Nghe ông chia sẻ về Trường ĐH Fulbright VN, có vẻ như tâm tư về giáo dục VN ở ông có rất nhiều?
Không chỉ có tôi mà tất cả những người làm ở Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đều luôn có ý thức nghiên cứu để phân tích, góp ý cho giáo dục VN. Những bước đi của FETP đồng thời cũng là những bước tiên phong trong giáo dục đại học.
Đầu năm 2008, chúng tôi có xuất bản một phân tích có tựa đề “Lựa chọn thành công”. Lập luận quan trọng nhất trong nghiên cứu này là VN nằm ở giao diện giữa hai khu vực Đông Bắc Á (rất thành công) và Đông Nam Á (thành công vừa phải), vậy nước ta  sẽ đi theo quỹ đạo nào? Các nước Đông Bắc Á đã thành công trong việc kiến tạo môi trường cho tài năng phát triển, từ đó đưa đất nước gia nhập hàng ngũ các nước phát triển. Trong khi đó, đa số các nước Đông Nam Á chưa làm được điều này. Việc VN có thể đi theo mô hình của các nước Đông Bắc Á hay không về cơ bản phụ thuộc vào sự lựa chọn của chính chúng ta. Trong sự lựa chọn này, lựa chọn về giáo dục là một trong những điểm quan trọng nhất.
Vậy để giáo dục VN thành công, theo ông điểm nào cần làm trong giai đoạn này?
Các trường ĐH của VN chủ yếu có tính địa phương, ít có sự giao lưu và tiếp biến toàn cầu. Để thành công cần đưa được những giá trị toàn cầu vào điều kiện cụ thể của VN. Nếu chỉ nô lệ vào các điều kiện bên ngoài hoặc luôn coi VN là ngoại lệ cá biệt thì tôi e rằng sẽ không thể thành công được.
Giá trị cốt lõi và là “xương sống” của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cũng như Trường ĐH Fulbright Việt Nam sắp tới là góp phần đạo tạo những con người có năng lực tư duy, nhận thức, và tinh thần hội nhập toàn cầu, đồng thời áp dụng được những giá này vào xã hội VN. Giá trị cốt lõi này vẫn sẽ luôn được giữ vững trong con đường phát triển của FETP và sắp tới là FUV.
Xin cám ơn ông về buổi trò chuyên thú vị này.
Đăng Nguyên (Thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét