Một thực tế đáng quan ngại ở nông thôn đã và
đang diễn ra ngày càng gay gắt là hầu hết con em nông dân đều có tâm
lý “thoát ly” vĩnh viễn khỏi nghề nông.
Lên thành phố, học trường nào cũng được, làm việc gì cũng
xong miễn là đừng phải trở lại với nhà quê. Chỉ một số rất ít
không còn cách gì để xoay sở mới buộc lòng tạm thời chấp nhận trở
về hay ở lại nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng họ trưởng thành từ
nông nghiệp. Vậy thử hỏi, lực lượng lao động còn tồn tại ở nông thôn
ngày nay họ là những ai? Liệu họ có phải là thế hệ kế thừa sáng
giá các kinh nghiệm nông nghiệp cổ
truyền cũng như khả năng tiếp thu tri thức hiện đại cho nền nông
nghiệp công nghệ cao hay không?
Chiều
dài lịch sử của người Việt cho thấy nông dân luôn chiếm vai trò và
vị trí then chốt trong mọi sự kiện gắn liền với sự hưng vong của
đất nước. Họ luôn là lực lượng chủ lực trong tất cả các mặt trận,
thời chiến cũng như thời bình. Năm 2014 vừa qua, xuất khẩu nông sản
của Việt Nam đạt trên 30 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu
cả nước, cho thấy vai trò và sự đóng góp của khu vực này vào nền kinh
tế quốc dân. Chưa hết, chính trong lĩnh vực nông nghiệp người Việt Nam
đã cho thế giới nhận thấy một Việt Nam đầy tiềm năng, thành viên có
nhiều đóng góp tích cực vào an ninh lương thực toàn cầu, nhiều mặt
hàng nông sản xuất khẩu chiếm vị trí quan trọng trên thị trường quốc
tế.
Thế
nhưng, 70% dân số Việt Nam sống tại nông thôn hiện đang phải gánh chịu
nhiều thiệt thòi về an sinh xã hội, thiên tai, môi trường, cơ sở hạ
tầng, các chính sách bất hợp lý về quyền tài sản, điều kiện hạn
chế khi tiếp cận với các nguồn
lực quốc gia về tài chính, tri thức, pháp lý… Họ luôn bị đẩy về
phía nhóm yếu thế trong quan hệ với các thành phần khác khi tham gia
vào các chuỗi sản xuất – tiêu thụ và xuất khẩu nông sản. Điều đáng
nói là từ lâu Chính phủ cũng đã nhận ra sự bất cập này nên cũng
từng ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, đáng tiếc
là phần lớn các sự hỗ trợ này lại thông qua các tầng lớp trung
gian, hoặc các điều kiện hỗ trợ xa rời thực tế nên người nông dân
thực sự hưởng lợi từ các nguồn lực quốc gia nói trên chưa đáng
kể. Một vài ví dụ tiêu biểu cho
các chính sách bất cập này là chương trình hỗ trợ tài chính cho
doanh nghiệp thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm; hay chính sách cho vay ưu đãi sản xuất
nông nghiệp nhưng thời gian cho vay lại không căn cứ vào vòng đời đầu
tư - thu hồi vốn cụ thể của từng loại vật nuôi cây trồng. Khiến nông
dân vốn đã không có nguồn lực tài chính buộc phải đi vay phải luôn
đứng trước món nợ quá hạn khó trả, vì thế mà không thể tiếp cận
với nguồn tài chính được cho là ưu đãi.
Người
nông dân Việt Nam hiện cũng đang phải đối mặt với nhều bất cập trong
quản lý xã hội khi hàng ngày họ phải bỏ ra nhiều khoản tiền lớn
hơn người thành thị để có được những tiện nghi sinh hoạt cần thiết.
Chẳng hạn như người thành phố được nhà nước làm đường tới tận cửa
nhà, có khi còn chiếm luôn vỉa hè để kinh doanh thu lợi. Trong khi
người nông thôn phải tự bỏ tiền ra đóng góp vào việc làm đường giao
thông thôn xã, có nơi ưu tiên lắm thì được cơ chế “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Tương
tự, xây dựng mạng lưới điện, nước sinh hoạt cho khu vực nông thôn cũng
đòi hỏi khá nhiều sự đóng góp của nông dân. Chưa kể, sản phẩm vật
tư nông nghiệp, cây con giống, nông sản nhập lậu,… luôn có nguy cơ bị
làm giả, làm nhái, kém chất lượng gây hậu quả nghiêm trọng cho người
nông dân mà các quan chức ngành chức năng gần đây từng phát biều hiện
phài bó tay, không thể kiểm soát được do lực lượng quá mỏng, quá
yếu.
Các
chính sách về quy hoạch, sử dụng đất đai trong nhiều năm qua cũng chưa
thực sự coi trọng quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người
nông dân. Đặc biệt là quyền sở hữu và sử dụng đất đai ổn định lâu
dài chưa được ghi nhận minh bạch nên vẫn chưa mang lại niềm tin thật
sự cho người nông dân nhằm có thể
khuyến khích sự đầu tư quy mô lớn. Trong khi nhiều đất rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng và không ít đai các loại khác đang rơi vào tay hàng loạt
doanh nghiệp trong và ngoài nước với số lượng lớn thông qua các dự
án kinh tế có vẻ rất hiệu quả trên giấy song phần lớn chỉ nhằm mục
tiêu bao chiếm đất đai là chính. Hàng loạt nông dân buộc phải từ bỏ
ruộng vườn, do bị mất đất từ các dự án phát triển đô thị, khu công
nghiệp và hàng trăm lý do khác…. Nhiều người trong số họ không được
bồi thường đầy đủ, thỏa đáng nên buộc phải khiếu kiện. Do chính
sách và pháp luật bất cập, rối rắm lại thêm sự chi phối của các
nhóm lợi ích ở địa phương nên việc giải quyết các khiếu kiện liên
quan tới thu hồi đất đai trong nhiều năm qua hầu hết là không hiệu
quả. Dẫn tới khiếu kiện càng kéo dài, bức xúc, gây phức tạp và
bất ổn xã hội. Theo Thanh Tra Chính Phủ, không dưới 70% số vụ khiếu kiện kéo dài, khó
giải quyết trong những năm gần đây có nội dung liên quan tới đất đai.
Người nông dân thắc mắc, tại sao khi đất đai đã cho nhà đầu tư thuê
làm khu công nghiệp, dự án phát triển đô thị hay làm sân golf, nếu
nhà nước muốn thu hồi lại để làm đường xá hay công trình khác thì
phải thương ượng với nhà đầu tư để mua lại quyền sử dụng đất theo
giá thị trường. Trong khi với nông dân thì nhà nước lại thu hồi đất
nông nghiệp và áp đặt giá đền bù “sát giá thị trường “ theo quy định của
nhà nước mà không cần thương lượng?
Trong
điều kiện kinh tế thị trường, khi mà các ngành nghề khác đều được
“cởi trói”, mạnh mẽ thay đổi thế chế quản lý để bắt kịp đà phát triển
chung của kinh tế thế giới thì người nông dân không chỉ lao động cần
cù, chăm chỉ là đủ mà còn phải trở thành người lao động có tri
thức và sáng tạo. Muốn vậy, về mặt chính sách, trước hết nhà nước
phải tạo điều kiện để giữ chân những người con tinh hoa của nông dân
trở về với nông thôn, nông nghiệp. Họ phải có cơ sở để thực hiện
các ước mơ, các kế hoạch làm giàu bằng tri thức và khoa học nông
nghiệp hiện đại trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu. Thực tế đòi
hỏi cần có sự thay đổi quyết liệt về tư duy đầu tư cho tam nông, đổi mới
cơ bản các chính sách hỗ trợ cho nông dân gắn liền với quyền và lợi
ích hợp pháp, thiết thân của họ. Cần chấm dứt các chính sách tình
thế, đối phó, lắt nhắt, theo đuôi… Và nhất là sử dụng nguồn lực
quốc gia hỗ trợ nông dân nhưng lại thông qua các nhóm lợi ích trung
gian mà nhà chức trách khó có thể kiểm soát.
Người
nông dân thực sự cần được giải phóng khỏi gánh nặng của các chính
sách bất cập, bất công và nhất là mang tính đối phó, tình thế, chỉ
có lợi cho các nhóm lợi ích trung gian hơn là cho chính họ, cho đòi
hỏi của sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tình hình hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét