Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Mất bò mới lo làm chuồng

Các ứng phó của ngành chức năng từ vụ nổ bom kinh hoàng ở Hà Nội, tới vụ sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa và hạn hán, xâm nhập mặn lịch sử ở Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tư duy “mất bò mới lo làm chuồng” vẫn còn dư địa không nhỏ trong bộ máy công quyền. Điều đó cũng cho thấy thực trạng công tác dự báo, cảnh báo, xây dựng kịch bản, kế hoạch ứng phó với các tình huống đột xuất xảy ra do thiên tai lẫn nhân tai của các tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đang có vấn đề.

Các chuyên gia pháp luật cho rằng hiện nước ta có một quy trình quản lý vật liệu nổ (trong đó có bom mìn phế liệu sau chiến tranh) rất tốt. Quy trình này có những quy định rất cụ thể, chặt chẽ từ việc cấp phép sử dụng, kinh doanh, vận chuyển cho tới trách nhiệm kiểm tra, giám sát của ngành chức năng. Bất kỳ hình thức nào để thất thoát hoặc sử dụng trái phép đều có khả năng bị truy tố hình sự, bằng những chế tài rất nghiêm khắc. Thế nhưng quy định thì vẫn cứ là quy định, còn thực tế đã từng xảy ra không ít trường hợp mất kiểm soát.

Những quả bom nặng hàng trăm cân vận chuyển, mua bán thế nào lại có mặt ở giữa lòng thủ đô, tại những khu phố, đô thị đông đúc mới là một sự thật đáng sợ. Ngay sau khi xảy ra nổ bom kinh hoàng, chính quyền Hà Nội cho rằng đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện nghiêm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu cháy nổ và công cụ hỗ trợ. Chứng tỏ, Hà Nội luôn chú trọng đến công tác phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, chính quyền sở tại cũng phải thừa nhận ở một số lĩnh vực, một số địa bàn và doanh nghiệp vẫn còn xảy ra tình trạng mất an toàn, tiềm ẩn cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản.

Sự cố bất ngờ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là điều không ai mong muốn. Nhưng khi sự cố đã xảy ra mà cơ quan và cá nhân chịu trách nhiệm vẫn không nhìn thấy thực tế buông lỏng quản lý, bệnh hình thức, nặng về hành chính thủ tục hơn là kiểm tra giám sát thực thi hiệu quả các quy định, quy trình thì khó mà ngăn chận được các sự cố kế tiếp.

Điều này được minh chứng bởi hai vụ tàu đâm cầu liên tiếp chỉ trong hai tuần đầu tháng 3 này. Vụ ở Hải Dương đã làm cầu hư hỏng nặng, ách tắc giao thông trong phạm vi địa phương.  Còn vụ sà lan đâm sập cầu Ghềnh ở Biên Hòa xảy ra sau đó đúng 2 tuần thì hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Bởi đây là cây cầu đường sắt độc đạo, sự cố sập cầu đã làm gián đoạn toàn bộ hệ thống đường sắt Bắc – Nam, ảnh hưởng lớn tới con đường vận tải hàng hóa hết sức nhộn nhịp gắn liền với nhiều khu vực kinh tế trọng điểm và cảng biển quốc tế. Chưa kể hàng chục ngàn hành khách đi tàu Bắc – Nam phải khốn khổ do sự cố này. Đáng tiếc dù biết đây là cây cầu độc đạo, có tuổi đời hơn 100 năm, không chỉ quan trọng về giao thông đường sắt mà còn có giá trị lịch sử, thế nhưng ngành chức năng gần như không có kế hoạch bảo vệ hay phương án dự phòng nào dành cho cây cầu này để đề phòng sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Trong khi, trên thực tế nguy cơ sự cố tàu đâm cầu tại đây là rất lớn. Vì đây là luồng giao thông thủy rất nhộn nhịp nối liền khu vực miền Tây và Đông Nam bộ với nhiều phương tiện vận tải thủy hạng nặng.

Các quan chức của ngành đường sắt và vận tải thủy khu vực sau sự cố chỉ ra sức viện dẫn các quy trình vận hành điều tiết giao thông mà chưa thấy ai nhận trách nhiệm vì sao không hề có bất kỳ phương án dự phòng hay bảo vệ trụ cầu nào được triển khai trước đó. Trong khi, một cây cầu chiếm vị trí quan trọng như cầu Ghềnh xứng đáng được hưởng sự quan tâm đúng mức để đề phòng các sự cố bất ngờ có thể xảy ra. Các tư liệu lịch sử cho thấy, từ trước 1975, cầu Ghềnh đã được xây dựng các hàng rào bảo vệ chống va trụ cầu bằng thép rất kiên cố. Không hiểu sao, cơ quan chức năng đã cho tháo gỡ các hàng rào chống va này, chẳng biết tự bao giờ và cũng chưa hề có kế hoạch xây dựng lại hệ thống bảo vệ này cho các trụ cầu. Đến khi sự cố xảy ra, cầu đã bị đâm sập thì quá muộn.

Một thông tin trên trang web của Sở NN&PTNT của tỉnh Bến Tre ngày 10-3-2016 đã làm cho nhiều người bức xúc. Bản tin này có nội dung hướng dẫn cho nông dân các biện pháp kỹ thuật, thời vụ xuống giống, hoặc chuyển đổi cây trồng … để tránh bị ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và ngập mặn ở địa phương này. Được biết, Bến Tre là một trong những địa phương bị hạn hán và xâm nhập mặn sớm nhất, nặng nề nhất ĐBSCL. Thông tin của ngành nông nghiệp Bến Tre  đưa ra trong lúc cây trồng, vật nuôi của bà con hầu như đã lâm vào tình trạng tuyệt vọng, không còn cứu chữa được nữa. Điều này cho thấy công tác dự báo.  Cảnh báo, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân của ngành chức năng địa phương  trong tình cảnh này chỉ làm cho có, hình thức và vô cảm. Tình huống thật khôi hài, “mất bò mới lo làm chuồng”.

Tình trạng hạn hán và ngập mặn ở ĐBSCL thực ra đã được các nhà khoa học cảnh báo từ rất sớm. Cảnh báo được dựa trên các nghiên cứu khoa học với sự tham gia của nhiều cơ quan nghiên cứu quốc tế rất cẩn trọng. Kịch bản biến đổi khí hậu đã được xây dựng và hiện đang được chứng minh trên thực tế. Điều đáng nói là ĐBSCL được giới khoa học cảnh báo là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu. ĐBSCL còn phải  hứng chịu tác động kép, vừa của biến đôi khí hậu vừa do can thiệp của con người vào dòng chảy sông Mekong của các quốc gia thượng nguồn. Do đó, hậu quả sẽ hết sức nghiêm trọng. Dự báo sẽ có hàng chục triệu cư dân trong khu vực lâm vào cảnh khốn khó vì thiếu nước ngọt và phần lớn đất đai ngập mặn.

Kịch bản đã có từ lâu, cảnh báo đã đưa ra thật rõ ràng. Thế nhưng các chương trình, kế hoạch ứng phó thì lại luôn chậm trễ và tất nhiên là thiếu hiệu quả. Trách nhiệm này không thể đổ cho dân.

Hữu Nguyên



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét