Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

Xin lỗi

Sự kiện chính quyền địa phương tổ chức công khai xin lỗi nữ du khách Ai Cập bị cướp giật giỏ xách mới đây ở TP. Hồ Chí Minh đang làm nóng dư luận. Câu chuyện “văn hóa xin lỗi” trong việc thay đổi tư duy hướng tới “chính quyền phục vụ dân” và nâng cao chất lượng hoạt động công quyền lại được đặt ra.

Trên thực tế, tình trạng du khách nước ngoài và ngay cả người Việt Nam bị cướp giật trên đường phố ở TP. HCM đã và đang là vấn nạn được báo động cấp bách. Tân Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng ngay từ những ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ đã chỉ đạo ngành chức năng trong vòng 3 tháng phải kéo giảm tình hình tội phạm trên địa bàn. Đương nhiên, trong đó có tình trạng cướp giật trên đường phố đang làm người dân và du khách hết sức bất an tại thành phố này. Bảo đảm cuộc sống bình an cho người dân và du khách là trách nhiệm không thể chối cãi của chính quyền, bên cạnh các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội khác. Không đảm bảo được điều đó, trước hết là lỗi của chính quyền sở tại.

Điều đáng nói là mấy ngày sau khi xảy ra vụ cướp giật giỏ xách của nữ du khách người Ai Cập, Bí thư Đinh La Thăng, người vốn khá quen thuộc với “văn hóa xin lỗi” khi còn đương nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã phải phàn nàn rằng ông đã yêu cầu cơ quan chức năng tới gặp và xin lỗi nạn nhân, nhưng lại không biết ngành nào chịu trách nhiệm chính, cụ thể để thực hiện. Ông kết luận: “Cơ chế hiện nay rất khó để một đơn vị chịu trách nhiệm cụ thể về một vấn đề”. Cuối cùng thì 5 ngày sau khi xảy ra vụ cướp, đại diện chính quyền sở tại và ngành du lịch địa phương đã tổ chức được buổi gặp gỡ công khai xin lỗi nạn nhân. Hành động xin lỗi công khai và được truyền thông khá đậm đà này của chính quyền TP.HCM đã khiến cho nữ du khách Ai Cập “rất sửng sốt”. Nạn nhân còn cho biết thêm, trong 3 ngày đầu tiên tới TP.HCM cô đã bị “xui xẻo” đủ 3 lần: ngày đầu tiên bị mất điện thoại, ngày thứ hai mất xe đạp và ngày thứ ba thì bị cướp giật túi xách.

Có lẽ, nữ du khách Ai Cập nói trên không phải là nạn nhân người nước ngoài đầu tiên bị cướp giật trên đường phố TP.HCM. Nhưng, chắc chắn rằng cô đã trở thành du khách nước ngoài đầu tiên được chính quyền sở tại công khai nhận lỗi và xin lỗi vì sự thiếu trách nhiệm của họ. Nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng liệu một cuộc nhận lỗi và xin lỗi công khai của chính quyền địa phương như thế này có diễn ra không? Câu hỏi này cũng đồng thời cho thấy, “văn hóa xin lỗi” chưa thật sự trở thành thói quen ứng xử của những người có trách nhiệm tại thành phố này nói riêng và có lẽ của  cả hệ thống công quyền nói chung. Bởi vì, hành xử văn hóa tự nhiên, khi xảy ra lỗi do sự thiếu trách nhiệm của mình hay của tổ chức do mình đứng đầu thì cá nhân hoặc người đứng đầu đương nhiên phải biết nhận lỗi và xin lỗi. Đồng thời với tinh thần khẩn trương khắc phục các hậu quả mang lại. Thế nhưng, lâu nay việc công chức hay lãnh đạo cơ quan công quyền công khai nhận lỗi và xin lỗi người dân vì sự thiếu trách nhiệm công vụ của họ dẫn đến các thiệt hại cho dân và cho xã hội lại rất hy hữu. Mới đây, một nữ sinh 15 tuổi ở tỉnh Đắc Lắc phải bị cưa mất một chân do sự thiếu chuyên môn và tắc trách của ê-kíp điều trị tại bệnh viện huyện Cư Kuin đã khiến dư luận phẫn nộ. Việc xác định trách nhiệm và xử lý vụ việc như thế nào cơ quan chức năng đang làm rõ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, cho tới giờ này người ta vẫn chưa thấy một lời xin lỗi nào, dù muộn màng,  của những người lãnh đạo ngành chức năng, của chính quyền sở tại dành cho nạn nhân và gia đình.

Cũng trong khoảng thời gian chờ đợi thành phố tìm ra cơ quan và người chịu trách nhiệm cụ thể để tổ chức công khai xin lỗi nữ du khách Ai Cập theo chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, nữ ca sỹ Tố Ny (Á quân The Voice 2015) đã bị kẻ cướp tấn công giật túi xách trên đường phố TP.HCM. Nữ ca sỹ này còn bị kéo lê trên đường tới vài chục mét, xây xước cả hai chân. Tới nay, chưa thấy cơ quan nào tổ chức xin lỗi công khai nữ ca sỹ người Việt, nạn nhân của một vụ cướp giật không khác gì vụ nữ du khách Ai Cập. Người ta không khỏi thắc mắc, nếu không phải là du khách nước ngoài bị cướp giật và sự chia sẻ thông tin về sự kiện đáng tiếc này lan tỏa với tốc độ và cường độ của cơn bão trên các phương tiện truyền thông chính thức cũng như các mạng xã hội thì liệu có diễn ra cuộc nhận lỗi và xin lỗi công khai của chính quyền sở tại hay không? Sau 5 ngày những người có trách nhiệm ở TP.HCM mới xác định được ai và cơ quan nào phải chịu trách nhiệm chính, chịu trách nhiệm cụ thể trong  một vụ việc có khả năng làm tổn hại hình ảnh của một thành phố được xem là lớn nhất, phát triển bậc nhất của đất nước. Dẫu sao thì “lời xin lỗi muộn màng” đã được đưa ra cũng còn hơn không. Nhưng nếu như lời xin lỗi luôn được đưa ra kịp thời, chân thành cùng với các giải pháp khắc phục hậu quả tương xứng không chỉ với du khách nước ngoài mà với mọi công dân của thành phố hay bất kỳ du khách không phân biệt trong hay ngoài nước tới tham quan thành phố thì sẽ mang lại ý nghĩa, giá trị lớn lao hơn nhiều.

Bởi chính điều đó sẽ cho thấy, những nhà lãnh đạo thành phố  cũng như toàn bộ hệ thống công quyền sở tại đang thực sự chuyển mình, thực sự  thay đổi tư duy từ “chính quyền cai trị sang chính quyền phục vụ”. Khi nhận thức được trách nhiệm, nhận ra lỗi cụ thể của mình thì mới có thể nói tới chuyện từng cá nhân hay tổ chức có ý thức, giải pháp khắc phục sai sót để nâng cao trách nhiệm phục vụ hơn nữa. Sự thay đổi đó cũng chính là một trong những bước cụ thể để hiện thực hóa tuyên bố “vì dân hành động” của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét