Thứ Năm, 31 tháng 3, 2016

Lãng phí tiền dân

Dự án lát vỉa hè nghìn tỷ của Quận Nhất, TP. Hồ Chí Minh ngay lập tức vấp phải sự phản ứng gay gắt của dư luận. Mặc dù vẫn cố gắng giải trình dự án không sử dụng tiền ngân sách và có lộ trình thực hiện trong nhiều năm, song chính quyền Quận Nhất vẫn chưa thể nhận được sự đồng thuận. Bởi có rất nhiều lo ngại xung quanh dự án này được đặt ra không chỉ từ giới chuyên môn mà còn từ những người chủ thật sự của nguồn tiền nghìn tỷ này.

Nguồn vốn 1.000 tỷ đồng được chính quyền Quận Nhất giải trình là từ các doanh nghiệp trên địa bàn cho vay trong vòng từ 3 tới 5 năm với lãi suất bằng 0%.  Vì vậy, theo chính quyền địa phương, dự án này không sử dụng nguồn vốn ngân sách. Luận điểm này của Quận Nhất ngay lập tức đã bị các chuyên gia phản bác. Đã vay thì phải có trả. Nguồn tiền để cân đối việc trả nợ này theo Quận Nhất cho biết  là từ khoảng thu ngân sách vượt chỉ tiêu hàng năm của địa phương. Như vậy, về bản chất nguồn vốn cho dự án vỉa hè nghìn tỷ này cuối cùng vẫn liên quan tới khoản thu ngân sách của địa phương.  Cũng chính là nguồn tiền mà người dân thành phố đóng góp vào ngân sách nhà nước để phục vụ cho các nhu cầu phát triển. Vì vậy, tiền của dân cần phải được sử dụng hợp lý, hiệu quả và nhất là phải có sự đồng thuận của dân.

Việc chỉnh trang đô thị để có một thành phố văn minh, sạch đẹp là cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng tại TP HCM còn rất nhiều chuyện cần phải làm ngay, cấp bách hơn là việc thay vỉa hè bằng đá hoa cương ở Quận Nhất. Trong lúc “bầu sữa” ngân sách còn đang rất hạn hẹp, nhiều công trình cần thiết còn đang phải “đắp chiếu” chờ tiền, việc dành 1.000 tỷ đồng cho dự án vỉa hè đá hoa cương là quá lãng phí và sẽ gây hậu quả khó lường. Đặc biệt là trong trường hợp nhiều tuyến vỉa hè của Quận Nhất, TP HCM hiện vẫn còn đang sử dụng tốt.  Quy hoạch chỉnh trang đô thị của TP HCM hiện vẫn chưa hoàn chỉnh, các công trình ngầm vẫn đang trong giai đoạn khảo sát, việc triển khai rầm rộ dự án vỉa hè đá hoa cương tốn kém có nguy cơ lại phải đào xới lên xuống nhiều lần cũng sẽ góp phần gây thêm lãng phí không nhỏ.

Một số chuyên gia giao thông cho biết nhiều địa phương đã từng cho lát đá hoa cương trên vỉa hè nhiều tuyến đường và để lại nhiều bài học đắt giá. Vỉa hè lát đá hoa cương tuy đẹp nhưng trở thành nỗi ám ảnh của người dân địa phương và du khách mỗi khi mưa xuống. Cụ thể là mặt đá hoa cương nhẵn bóng, rất trơn trượt mỗi khi mưa xuống nên nhiều du khách bị trượt chân té ngã, còn người dân địa phương thì không dám đi trên vỉa hè mà xuống lòng đường để khỏi té nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.  Ngoài ra, đá hoa cương được lát trên nền bê tông sẽ khiến hàng trăm nghìn mét vuông vỉa hè thành phố mất khả năng thẩm thấu nước. Điều này sẽ gây tác hại nghiêm trọng tới việc thoát nước và môi trường thành phố.  Trong khi đó, TP HCM nằm trong vùng khí hậu mưa nhiều, công tác chống ngập úng, thoát nước bề mặt của thành phố hiện vẫn chưa có lời giải cơ bản, lại thêm vỉa hè hoa cương sẽ khiến tình trạng này thêm trầm trọng.

Các chuyên gia đô thị còn lo ngại khi vỉa hè đá hoa cương được triển khai diện rộng sẽ làm cảnh quan đô thị của thành phố trở nên đơn điệu và nhàm chán. Theo họ, tùy vào tính chất của từng khu vực dân cư và các tuyến phố để có thể sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau, thiết kế khác nhau nhằm tạo ra sự đa dạng nhiều sắc thái riêng biệt cho cảnh quan đô thị của thành phố. Trên thế giơi không ai làm cả một khu trung tâm hay cả thành phố chỉ có một loại vỉa hè. Sản phẩm đá hoa cương lại không phải là đặc thù của TP HCM. Nên càng không thể tạo ra điểm nhấn cho thành phố này bằng những vỉa hè toàn bằng đá hoa cương một cách khiên cưỡng và đơn điệu. “Xét về mặt thẩm mỹ, văn hoá thì đá hoa cương không có. Du khách đến với Việt Nam là vì tính đa dạng, nếu đơn điệu, chỗ nào cũng giống nhau thì dễ tạo cảm giác nhàm chán. Nếu làm vỉa hè đa dạng hơn, từ loại gạch nhẹ, bê tông nhẹ của các trường đại học nghiên cứu ra nhiều khi còn hay và độc đáo hơn. Vừa đẹp, vừa thoát nước, vừa trồng cây xanh được, lại là sản phẩm của địa phương sẽ có ý nghĩa hơn” – TS Phạm Sanh phản biện.

1.000 tỷ đồng dù trước mắt là tiền vay doanh nghiệp nhưng cuối cùng người trả nợ vẫn là dân. Không có cách nói nào khác,  đó chính là tiền của dân. Những người được dân ủy thác sử dụng nguồn tiền đóng góp của dân cần phải cân nhắc và có trách nhiệm. Cái gì cần thiết thì mới làm, dù chỉnh trang đô thị là một trong 7 chương trình trọng điểm cần thiết phải làm của thành phố, cũng cần phải xem xét thận trọng. Đặc biệt, khi dự án vừa công bố đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt, sự không đồng thuận của dân, của các nhà chuyên môn thì càng phải được đánh giá đầy đủ hơn trước khi quyết định thực hiện.


Hữu Nguyên

1 nhận xét:

  1. Bài viết của tác giả đã quá đầy đủ không có gì phải thêm.Có điều lãnh đạo ta hiện nay đang có khuynh hướng phát ngôn cho có phát vì sợ người ta nói mình câm.Sau 5 năm trả nợ bằng tiền thu dư của ngân sách quận thì xin hỏi bà Phó CT tiền dư ở đâu có vậy? Còn doanh nghiệp nào mà hào phóng kinh thế 1000 tỷ mà chỉ cho mượn không lãi suất sau 5 năm ,xin cho biết đó là doamh nghiệp nào.đóngthuế đầy đủ chưa mà giỏi đên thế? 1000 tỷ sau 5 năm là thành bao nhiêu?Tất cả đều phi lý và nghe như "April fool"

    Trả lờiXóa