Thứ Bảy, 28 tháng 4, 2012

Chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ của Trung Quốc ở Biển Đông


Tác giả: James Holmes, Toshi Yoshihara
Người dịch: Trần Văn Minh
23-04-2012
Một sự đối đầu bế tắc có vẻ kỳ cục giữa Philippines và Trung Quốc diễn ra tuần này tại bãi cạn Scarborough, khoảng 120 hải lý về phía tây đảo Luzon, thuộc Philippines. Chúng tôi nói “có vẻ” là vì Trung Quốc rất có lý khi điều động các tàu phi quân sự, có trang bị vũ khí loại nhẹ, hoặc không trang bị vũ khí, để bảo vệ tuyên bố chủ quyền của họ trong khu vực biển Đông. Đó là chuyện đã xảy ra tại bãi cạn Scarborough, và tàu quân sự Trung Quốc đã không can dự vào. Cách xử lý vấn đề thầm lặng của Bắc Kinh hợp với mô hình dàn trận có tính toán đối với những tình huống như thế, trong khi để dành sức mạnh quân sự vượt trội để đối phó và bắt ép các nước Đông Nam Á cứng đầu.
Đó là chính sách ngoại giao khôn khéo. Có nghĩa là dùng ít sức mạnh cần thiết nhất, kể cả các tàu phi quân sự của lực lượng cảnh sát và hải giám, hay “ngũ long nộ hải”, theo cách gọi của một tác giả Trung Quốc. Sức mạnh hải quân bao gồm nhiều thứ khác, ngoài tàu chiến và chiến đấu cơ, các loại “đồ chơi” tinh vi làm đẹp cho nội dung quyển sáchJane’s Fighting Ships. Tên lửa địa phóng, chiến đấu cơ, các bộ cảm biến, hệ thống dò tìm và điều khiển, có thể ảnh hưởng đến các vụ đụng độ ngoài khơi,  cũng như đội tuần duyên và các cơ quan hải giám. Ngay cả những thuyền buôn tư nhân và các tàu đánh cá, có thể là cánh tay của cường quốc hải quân nếu họ chuyên chở thiết bị chiến tranh, theo dõi các hoạt động của tàu bè nước ngoài, đặt mìn trên biển và các thứ tương tự.
Xem sức mạnh hải quân như là một tiến trình liên tục, cho lãnh đạo Trung Quốc một chuỗi các sự chọn lựa, gồm việc quơ một cây gậy nhỏ để đạt mục đích. Họ có thể làm thế vì Manila và các nước đòi chủ quyền biển đảo trong khu vực biết quá rõ là Bắc Kinh có thể sẵn sàng mang cây gậy lớn ra – dưới dạng tàu chiến, chiến đấu cơ và tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung quốc (PLA) – để quất họ, nếu họ chống cự lại. Tương lai sẽ còn những cuộc chạm trán như ở bãi cạn Scarborough nếu Philippines không triển khai một lực lượng đối trọng với tham vọng của Trung Quốc, hoặc bằng việc củng cố sức mạnh hải quân của chính họ, hay tìm kiếm sự giúp đỡ của các cường quốc bên ngoài.
Lợi ích của cộng đồng
Cả Philippines lẫn bất kỳ một nước Đông Nam Á nào khác không thể có đủ sức mạnh để một mình đương đầu với các hành động của Trung Quốc. Điều này dẫn tới vấn đề cân bằng quyền lực. Nhưng để tạo ra một mặt trận đoàn kết là việc khó cho Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), một ứng viên rõ ràng nhất, sinh hoạt như một liên minh cân bằng. Ai cũng biết ASEAN là một tổ chức lỏng lẻo. Thực sự, các thành viên chưa quy tụ được sự đồng thuận về cuộc đụng độ tại bãi cạn Scarborough. Ngay cả Hoa Kỳ cũng chưa muốn đứng về phía bên nào. Hoa Thịnh Đốn chủ trương không can thiệp vào các tuyên bố chủ quyền trên biển, chỉ nhấn mạnh việc duy trì tự do hàng hải.
Do sự bất thường của chính trị liên minh, nên số phận của Manila có thể quyết định tại bãi cạn Scarborough và cả những cuộc đụng độ trong tương lai. Bắc Kinh đã chứng tỏ khả năng học hỏi đáng nể từ những sai lầm kể từ năm 2010, khi các chiến thuật vụng về của Trung Quốc gây hốt hoảng cho các nước láng giềng yếu đuối hơn, đã giúp họ liên kết với nhau và với Hoa Kỳ. “Trung Quốc là nước lớn và các nước khác là những nước nhỏ, và đó là sự thật”, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố gây sốc trong một lần trao đổi thiếu tư cách ngoại giao với người đồng nhiệm Singapore.
Thông điệp không nói ra nhưng không thể nhầm lẫn, đằng sau những câu nói trơ trẽn đó là: “Hãy làm quen với điều này”. Đây là thông điệp mà các nước nhỏ sống gần nước lớn phải ghi nhớ trong lòng. Điều này đã làm cho các nước Đông Nam Á tiếp nhận những nước bên ngoài như Hoa Kỳ, Ấn Độ và Nhật Bản, về vấn đề hợp tác ngoại giao và quân sự.
Trung Quốc muốn làm suy giảm xu hướng cân bằng quyền lực mới tìm được của các nước Đông Nam Á. Từ năm 2010, sau khi ý thức về lỗi lầm trong cách hành xử của mình, Bắc Kinh đã theo đuổi việc đòi chủ quyền trên biển với phương pháp nhẹ tay hơn. Để hiểu được chính sách ngoại giao cây gậy nhỏ của Trung Quốc, hãy cân nhắc ý kiến của ông Carl von Clausewitz, một lý thuyết gia quân sự. Ông Clausewitze chuyên về tấn công quân đội kẻ thù, nhưng để thắng, ông khuyên các chính trị gia nên tìm cơ hội phá vỡ “quyền lợi của cộng đồng” kết hợp với nhau trong liên minh của địch quân.
Ông ngụ ý rằng, điều này không khó lắm. Cuối cùng, “một quốc gia có thể yểm trợ chủ trương của một quốc gia khác, nhưng sẽ không bao giờ coi trọng như của nước mình”. Đồng minh và đối tác chỉ đóng góp với khả năng tượng trưng, trừ khi liên quan đến sự sống còn của họ, và họ sẽ tìm đường tháo lui khi tình hình trở nên kịch liệt. Vì thế, qua hành động kiềm chế, Bắc Kinh có thể chia rẽ để thống trị. Và thực tế, các lãnh đạo Trung Quốc cương quyết đối xử với các nước Đông Nam Á trên căn bản song phương. Điều này ngăn cản các nước thành viên ASEAN không thể quy tụ nguồn lực ngoại giao và quân sự với nhau.
Năm con rồng đói
Sự thiếu đoàn kết của ASEAN so với một nước Trung Quốc quả quyết và thống, nhất trùng hợp với sự trỗi dậy mạnh mẽ về sức mạnh hải quân của họ. Sự chú ý của những nhà quan sát nước ngoài thì dễ hiểu, tập trung vào khía cạnh quân sự dễ thấy hơn về sức mạnh hải quân Trung Quốc, như đã thấy qua các khu trục hạm hiện đại, chiến đấu cơ tàng hình và tàu sân bay đầu tiên của họ. Nhưng các cơ quan hàng hải không thuộc hải quân lại đóng vai trò quan trọng – và thường bị bỏ qua – đối với sức mạnh trên biển của Trung Quốc.
Thật vậy, rõ ràng là Bắc Kinh đang phát triển chính sách “năm con rồng” nhanh hơn Hải quân của PLA. Các cơ quan hải giám đang bổ sung nhân sự mới, trong khi nhận thêm các tàu của hải quân để lại. Hơn nữa, các hãng đóng tàu Trung Quốc đang tuôn ra các con tàu hải giám tân tiến nhanh như xúc xích. Nhiều tàu có khả năng tuần tiễu ở những vùng biển Trung Quốc xa xôi nhất, bảo đảm sự có mặt thường xuyên của họ trên các vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền. Thật thế, Tàu Haijan 84 là một trong những tàu hải giám hiện đại nhất, chiếm vị trí trung tâm trong sự cố tuần này. Không phải Hải quân mà là Hải giám Trung Quốc, một cơ quan có nhiệm vụ bảo vệ các vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, đã phái tàu Haijan 84 tới hiện trường.
Việc gia tăng sức mạnh phi quân sự trên biển của Bắc Kinh chứng tỏ phương thức cân bằng về quản lý vùng biển lân cận của nước họ. Dùng phương tiện phi quân sự trong những đụng độ về lãnh thổ cho thấy một chiến lược tinh xảo, cẩn thận, nhằm củng cố các yêu sách của Trung Quốc trên toàn vùng biển châu Á. Điểm hay nhất trong quan điểm của Trung Quốc đó là, chiến lược này mở rộng một cách có nghệ thuật những vết nứt trong tòa nhà đang sụp đổ của ASEAN. Clausewitz có lẽ sẽ gật đầu đồng ý.
Thứ nhất, dùng lực lượng tuần duyên để củng cố thông điệp ngoại giao của Trung Quốc. Đưa tàu chiến ra để đuổi những con tàu của Philippines, cho thấy rằng Trung Quốc đang tranh lãnh thổ với những nước đang đòi chủ quyền khác. Ngược lại, dùng tàu hải giám cho thấy rõ rằng, Trung Quốc đang đi tuần tra trên vùng biển của mình. Tàu Trung Quốc có thể lấn át các tàu nước ngoài trong khi các nhà ngoại giao cáo buộc chính quyền các nước Đông Nam Á xâm phạm lãnh hải và vi phạm luật lệ Trung Quốc. Hơn nữa, dựa vào tàu phi quân sự phần nào tránh cho Bắc Kinh bị kết án sử dụng lối ngoại giao pháo hạm. Trung Quốc rêu rao: đây không hề là thuật ngoại giao, mà đây chỉ là thi hành luật pháp thường lệ!
Thứ hai, sự bất cân xứng về thực lực giữa Trung Quốc và ASEAN chỉ ra một điều tế nhị hơn. Bắc Kinh có thể triển khai tàu trang bị vũ khí hạng nhẹ để chống lại các địch thủ mà hải quân của họ chỉ ở hạng tuần duyên. Sự can thiệp của Hải quân PLA sẽ tạo nên cuộc đấu trội sức trong hầu hết mọi trường hợp. Thử tưởng tượng những tấm ảnh trên báo về tàu tuần dương hoặc khu trục hạm ở tuyến đầu, đối diện với một chiếc tàu hải quân Philippines lỗi thời. Trung Quốc sẽ giống như kẻ côn đồ trong mắt những nước trong vùng.
Thí dụ, chiếc tàu Philippines đầu tiên đối phó ở bãi cạn Scarborough là soái hạm BRP Gregorio del Pilar. Chiếc Gregorio del Pilar – niềm hãnh diện của hạm đội hải quân Philippines – là một món quà để lại của đội tuần duyên Hoa Kỳ thuộc thế hệ 1960. Mặc dù được cải tên một cách phóng đại là một tàu tuần dương, chiếc tàu chỉ có khả năng chiến đấu hạn chế. Không có gì nghi ngờ về kẻ chiến thắng trong trận chiến giả tưởng này. Nhưng khi con Kinh Kông có thể đè nát chú nai con Bambi thì hình ảnh của nó sẽ bị tổn thương. Việc dựa vào các lực lượng hải giám sẽ giới hạn những trở ngại ngoại giao mà không phải hy sinh quyền lợi của Trung Quốc.
Thứ ba, sử dụng hình thức phi quân sự, nghĩa là tránh sự căng thẳng trong khi giữ các tranh chấp trong giới hạn khu vực. Sử dụng phương tiện quân sự thẳng thừng như Hải quân PLA sẽ quốc tế hóa bất kỳ một sự cố nhỏ nào, mang tới kết quả mà Trung Quốc lo sợ nhất. Những phát súng từ quân lính PLA giận giữ sẽ khơi dậy sự phản pháng toàn khu vực và làm mồi lửa cho tinh thần quốc gia. Ngược lại, các phương pháp không mạnh bạo sẽ giữ sự tranh chấp trong tình trạng song phương, đồng thời cố đoạt lợi ích về phía Trung Quốc.
Thứ tư, những tàu phi quân sự cho phép Bắc Kinh sử dụng áp lực hạng thấp, nhưng dai dẳng, lên các nước đối thủ có tuyên bố chủ quyền biển đảo ở biển Đông. Thường xuyên tuần tra có thể đo lường sự yếu kém về khả năng kiểm soát biển của các nước duyên hải, đồng thời thử nghiệm quyết tâm đối kháng của họ. Hơn nữa, qua việc giữ cho những tranh chấp ở mức thấp sẽ tạo cho Trung Quốc khả năng điều chỉnh độ nóng, lên cao hoặc xuống thấp theo nhu cầu chiến lược.
Và nếu tất cả thất bại, Bắc Kinh có thể sử dụng hải quân của họ làm bình phong cho các bộ phận dân sự. Có nghĩa là, Trung Quốc – khác với những địch thủ yếu hơn – có khả năng gây thêm căng thẳng qua việc gia tăng hù dọa ở những nơi như bãi cạn Scarborough hay quần đảo Trường Sa. Thực ra, chỉ với sự đe dọa của áp lực hải quân có thể làm cho một đối thủ phải chịu thua trong một cuộc đụng độ. Một cách vô thưởng vô phạt, tuần tra trong thời bình của năm con rồng mang một trọng lượng đáng kể khi được sự hỗ trợ bởi hỏa lực của một hạm đội lớn mạnh – và Manila biết điều này.
Dấu hiệu của thời gian
Với lợi ích chiến lược của sức mạnh phi quân sự trên biển, lực lượng hải giám sẽ vẫn còn là một ngành kỹ nghệ đang lớn mạnh ở Trung Quốc trong những năm tới. Bắc Kinh có thể hy vọng đạt được mục tiêu qua những phương thức dè dặt trong khi tìm cách phá vỡ bất kỳ liên minh nào trước khi nó liên kết lại. Đó sẽ là “ngón điêu luyện” ghê gớm trong ngoại giao vùng biển, và họ có thể thành công. Hoa Kỳ và các đồng minh Đông Nam Á cần phải chú ý nhiều tới những chiếc tàu dân sự bình thường – cây gậy nhỏ của Trung Quốc – khi chúng giúp sức cho kế hoạch cây gậy lớn nổi cộm trên mặt báo.
Bãi cạn Scarborough là một điềm báo cho những chuyện sắp xảy ra. Không bao giờ bỏ qua ý nghĩa chính trị của những chiếc tàu chỉ vì chúng không có đầy những những khẩu súng và tên lửa.
Tác giả: Ông James Holmes là giáo sư về chiến lược ở trường U.S. Naval War College, nơi ông Toshi Yoshihara giữ chức chủ tịch của Viện Nghiên cứu Á châu-Thái Bình Dương. Hai ông là đồng tác giả cuốn sách: Ngôi sao đỏở Thái Bình Dương (Red Star over the Pacific), sách bán chạy nhất của Nhà xuất bản Atlantic năm 2010. Bài viết thể hiện quan điểm của riêng hai ông.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012

Phải thay đổi tư duy thu hồi đất


Nhà báo Võ Văn Tạo
 Vụ cưỡng chế Văn Giang
Vụ cưỡng chế quyết liệt ở huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) làm công luận cả nước và truyền thông quốc tế chấn động. Thật khó tin khi dư âm đau lòng vụ Tiên Lãng chưa dứt, lại tiếp đến Văn Giang rầm rộ cưỡng chế,  lửa khói ngút trời, súng nổ dữ dằn.
Trong vụ Tiên Lãng, Chính phủ và các cơ quan chức năng nhìn nhận chính sách đất đai, vấn đề đền bù giải tỏa, cưỡng chế còn nhiều bất cập… quan chức địa phương sai phạm, khuất tất, đẩy người dân vào đường cùng, phản ứng tiêu cực.
Trong vụ Văn Giang, địa phương khẳng định làm đúng. Theo họ, người dân không thắc mắc giá đền bù, mà phủ nhận dự án. Điều đó là bất khả thi, buộc phải cưỡng chế, vì Thủ tướng đồng ý dự án… Những ngày qua, báo chí trong nước đăng thưa thớt, nhiều báo gỡ bài đăng online. Trên mạng, dậy lên làn sóng bloger và công chúng lên án cưỡng chế, người dân tố cáo mức đền bù rẻ mạt, chủ đầu tư “cò kè bớt một thêm hai”, cưỡng chế bất minh, tàn bạo… Nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng chính quyền không sai, viện dẫn  luật đất đai và các văn bản liên quan.
Trái với tuyên bố của chính quyền, rằng cuộc cưỡng chế thành công nhanh gọn, có Viện Kiểm sát chứng kiến, không có nổ súng, không có thương vong… các videoclip người dân quay bí mật cho thấy, hàng nghìn công an trang bị kỹ lưỡng cùng vũ khí, thiết bị hùng hậu được huy động, súng nổ ran trời, khói lửa mịt mùng, đó đây người dân bị lực lượng cưỡng chế xúm lại đánh đập, đá thúc mạng sườn, tiếng phụ nữ uất hận chửi thề… Trong khi đó, phóng viên báo chí bị cản trở tiếp cận, hiện trường nhan nhản bảng “cấm quay phim chụp ảnh”… Những ai đau đáu Văn Giang, đều không khỏi nghẹn ngào căm giận, lo ngại cho số phận bấp bênh của người dân thấp cổ bé họng, về bất ổn xã hội… Ở tầm sâu hơn, những người từng trải, nhiều cống hiến, day dứt hiện tượng lực lượng vũ trang nhân dân dùng vũ lực với dân, băn khoăn một nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, quan ngại tồn vong chế độ, tương lai đất nước…
Thu hồi đất
Những người cho rằng chính quyền không trái luật viện dẫn Luật đất đai để chứng minh. Dù phê phán và quan ngại cảnh tượng “hàng ngàn cảnh sát chống bạo động, “khiên – giáo tua tủa”, đối đầu với vài trăm nông dân cuốc xẻng trong tay không”, nhà báo Huy Đức (bloger Osin) trích dẫn và nhận định: “lợi ích quốc gia” chủ yếu là những “dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt”. Và: “Dự án Ecopark đã được Thủ tướng phê duyệt, nếu chiểu theo Luật 2003, việc nông dân Văn Giang không chịu bị thu hồi nên bị cưỡng chế là hoàn toàn phù hợp với Điều 39”. Theo Huy Đức, Luật 1993 bị sửa nhiều lần, đến Luật 2003,  quy định “trở nên rắc rối và dễ bị lũng đoạn hơn”, “lợi ích đại gia” trở thành ngang hàng mục tiêu cao cả “lợi ích quốc gia”.
Phải chăng có sự nhầm lẫn ở đây? Thực tế, điều 39 – Luật 2003 quy định trong trường hợp “thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng”. Dự án Ecopark có vì mục đích trên?
Trong khi đó, điều 40 – Luật 2003 (thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế) quy định:
“1. Nhà nước thực hiện việc thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế trong trường hợp đầu tư xây dựng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và các dự án đầu tư lớn theo quy định của Chính phủ.
Việc thu hồi đất được thực hiện theo quy định tại Điều 39 của Luật này.
2. Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”.
Do vậy, Ecopark ở Văn Giang, với nội dung đã công bố và quảng cáo rộng rãi, hiển nhiên là dự án kinh doanh, chủ đầu tư chỉ được phép nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân; chính quyền không được phép thực hiện thủ tục thu hồi đất.
Câu chuyện Thụy Điển
Liên quan nội dung này, câu chuyện sau, do một nhà báo Thụy Điển kể, rất đáng suy ngẫm:
Một dự án mở tuyến đường sắt, muốn xuyên qua một vùng dân cư, bị cư dân địa phương phản đối. Họ lập luận, tổ tiên và họ đã khai phá, định cư ở đó hơn 300 năm. Bây giờ cái đường sắt kia mới từ đâu lù lù tới, hòng nhảy vào chiếm chỗ, muốn họ phải dời đi nơi khác. Tại sao nó không biết tránh họ, mà họ lại phải tránh nó? Kết cục, nhà nước quyết định tuyến đường sắt đó phải hoạch định lại, đi vòng, tránh vùng dân cư nọ.
Nhà báo này cho biết, Thụy Điển không quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân hay nhà nước, cũng như hầu hết quốc gia phát triển đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Nhưng không phải vì thế mà Thụy Điển và các nước đó chậm phát triển hạ tầng. Một khi nhà nước muốn thực hiện dự án vì mục đích công cộng, phải cân nhắc cái được đại cục cho xã hội lớn hơn rất nhiều cái mất cục bộ của cá nhân, cộng đồng bị tác động do dự án. Chính vì cái được lớn hơn rất nhiều cái mất, xã hội (ngân sách nhà nước) sẵn sàng bù đắp thỏa đáng cho cá nhân, cộng đồng bị tác động. Được bù đắp lớn hơn rất nhiều so với mất, lại vì lợi ích chung, có điên mới phản đối. Nhờ vậy, hạn chế được nguy cơ lạm quyền quyết ẩu, lãng phí, tham nhũng… Công luận không bao giờ phản đối việc nhà chức trách cưỡng chế trong trường hợp cá nhân, doanh nghiệp vay tiền ngân hàng, rồi chây nợ hay nhận tiền bán nhà, rồi không chịu giao nhà.
Cưỡng chế
Hiện tượng cưỡng chế đất cho các dự án kinh doanh, các khu đô thị mới… trong những năm gần đây gây nhiều bức xúc, làm người dân giảm sút lòng tin. Như trên đã nêu, dù không muốn, việc cưỡng chế vẫn phải thực hiện trong những trường hợp đúng đắn và thật cần thiết. Thế nhưng có một thực tế tồi tệ phổ biến trong cưỡng chế. Đó là thiếu minh bạch, cản trở báo chí tác nghiệp. Mặc dù hoạt động cưỡng chế không thuộc phạm trù bí mật, hầu hết trường hợp, phóng viên đến hiện trường tác nghiệp đều bị lực lượng trực tiếp tham gia cưỡng chế cản trở hung hăng, thậm chí không ít phóng viên còn bị cướp máy ảnh, hành hung(!). Chính vì không có sự giám sát của báo chí, hiện tượng cưỡng chế sai ẩu, lạm dụng vũ lực, hành hung vô lối và thái quá với người bị cưỡng chế rất phổ biến.
Nếu nhà nước nhìn nhận bất cập đã nêu, cần quy định trong quy trình cưỡng chế, phải thực hiện việc tổ chức, tạo điều kiện báo chí giám sát, quy định đây là yêu cầu tối quan trọng và bắt buộc, nếu không thực hiện nghiêm túc hoặc thực hiện chiếu lệ, phải chịu chế tài nghiêm khắc.
Càng ít cưỡng chế, càng tốt
Như trên đã phân tích, nhìn chung hành vi cưỡng chế gây phản cảm, bức xúc, xáo trộn xã hội, tạo mầm mống bất an, bạo loạn. Đó là điều người dân lương thiện và bất cứ thể chế nào cũng không mong muốn.
Nhìn lại vụ Văn Giang, vụ cưỡng chế lại nhằm vào nông dân nghèo khó chất phác, lấy đi mảnh đất – kế sinh nhai duy nhất của họ – để giao cho dự án kinh doanh của một vài người giàu. Để có được giang sơn hôm nay, Đảng từng xác định nông dân là quân chủ lực. Nhiều triệu con em nông dân đã hy sinh xương máu, hàng trăm triệu nông dân nhiều thế hệ đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt, chắt chiu từng hạt thóc trong và sau chiến tranh để có chính quyền hôm nay. Vụ Tiên Lãng, dưới góc nhìn của nhiều lão thành cách mạng, là thất bại chính trị nặng nề, khi chính quyền giải quyết vấn đề bằng vũ lực đối với nhân dân.
Bất cứ vụ cưỡng chế nào tương tự Tiên Lãng hay Văn Giang, cũng đi ngược với tuyên bố mới đây của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có… Pháp quyền dưới chế độ XHCN là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân… Nguy cơ đối với đảng cầm quyền là tham nhũng, quan liêu, thoái hoá…”…
V.V.T.

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

“VÒNG TRÒN NHỎ” TRONG “VÒNG TRÒN LỚN”


GS. Tương Lai
[Bài phát biểu tại Hội thảo về giáo dục và đào tạo ngày 29.3.2012 lúc 9h30]

Đứng trước những bậc đàn anh thâm niên trong ngày giáo dục, tôi rất xấu hổ là mình đã chuyển nghề từ dạy học sang Viện nghiên cứu, cho dù thỉnh thoảng có đến giảng bài theo chuyên đề ở một vài trường Đại học, cho nên hôm nay, tôi không dám phát biểu thẳng vào giáo dục mà phải đi đường vòng.
Đúng hơn, là từ cái "vòng tròn lớn" để nói về cái "vòng tròn nhỏ" nằm trong cái "vòng tròn lớn" đó. Bởi lẽ, sẽ không thể nào hiểu, không thể nào tìm giải pháp chiến lược cho hệ thống giáo dục và đào tạo khi không đặt nó vào trong hệ thống lớn hơn mà giáo dục đào tạo là một bộ phận của cái toàn thể ấy.
Vì thế, tôi phải bắt đầu từ xã hội. Nhưng,“Xã hội-cho dù nó có hình thức gì đi nữa- là cái gì? là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa những con người. Liệu con người có được tự do trong việc lựa chọn hình thức xã hội này hay hình thức xã hội khác hay không, C.Mác đặt ra câu hỏi để rồi trả lời: Tuyệt đối là không” [C.Mác& PhAngghen Toàn tập, Tập 27, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 1995, tr. 657].  Lọt lòng mẹ, con người đã có sẵn một xã hội mà nó không có quyền chọn lựa, cũng giống như đứa trẻ không chọn lựa được nơi nó sinh ra, không thể lựa chọn cha mẹ. Bức tường xã hội đã có trước khi chúng ta sinh ra, chúng ta bị giam hãm trong những bức tường đó bởi chính sự hợp tác tự nguyện hay không tự nguyện của chúng ta, cũng có nghĩa là chúng ta cũng góp phần củng cố những bức tường đó hay đập phá nó đi. “Chúng ta bị giam cầm bởi chính sự hợp tác của chúng ta [Berger]
Sự tác động qua lại trong mối quan hệ giữa người và người đã xây đắp nên những bức tường xã hội ấy hay làm rạn nứt, sụp đổ cũng những bức tường đó. Bức tường theo ý nghĩa trừu tượng. Nhưng cũng có những bức tường theo nghĩa đen trần trụi của nó: “Bức tường Berlin” chẳng hạn. Đây là “bức tường ý thức hệ”! Muôn hiểu về sự xuống cấp và quá lạc hậu của hệ thống giáo dục đào tạo phải đi sâu vào vấn đề "ý thức hệ" này. Đấy chính là "vấn đề của vấn đề", nhưng cũng là mấp mé với khả năng quy kết là "phản cách mạng, chống Đảng" đây, nhẹ hơn là mất quan điểm lập trường, và thời thượng là có biểu hiện "diễn biến hóa bình". Nhưng đây là Hội nghị khoa học, mà khoa học thì phải để cho giới khoa học được "mở miệng ra". Cho nên tôi xin được "mở miệng" trước anh Vũ Ngọc Hoàng.
Căn bệnh của não trạng và hành vi lấy một lý luận chính trị, xã hội làm chân lý tuyệt đối và duy nhất, loại trừ và thủ tiêu mọi lý luận, mọi tư tưởng chính trị khác đã là một căn bệnh lâu đời của loài người. Từ khoảng đầu thế kỷ XX căn bệnh ấy được gọi là căn bệnh tôn sùng “ý thức hệ”, sống và đấu tranh với nhau vì “ý thức hệ”. Cái tên gọi ấy có xuất xứ từ Tây Âu. Căn bệnh ấy phân chia cả loài người và từng dân tộc, từng quốc gia, cho đến từng gia đình thành phe ý thức hệ này đối lập sống chết vơí phe “ý thức hệ khác. 
Tình hình này rõ nhất là sau Cách mạng tháng Mười 1917 và nhất là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, trong chiến tranh lạnh. Bệnh ý thức hệ ấy ở Mỹ, Âu không kém gì ở Liên Xô và Trung Quốc thời ấy. “Chủ nghĩa Mắc Cácty” ở Mỹ, một quái thai ghê tởm, là một ví dụ. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, bệnh “ý thức hệ” vẫn còn rất nặng ở quy mô cả loài người, từng quốc gia, thậm chí từng gia đình chứ không hết và chưa chắc đã nhẹ bớt đi. Ví như cuộc đấu tranh giữa ý thức hệ tân tự do” với “ý thức hệ”, đúng hơn, với những lợi ích dân tộc và cá nhân, chống lại ý thúc hệ “tân tự do” là rất sâu và không kém phần đối nghịch.
Nêu lên điều này để nói rằng, không phải những người cộng sản khởi xướng ra bệnh “ý thức hệ”, mà là đưa thêm vào trong khái niệm đó những biến thái mới. Ở ta cũng từng có những mong muốn chuyển “ý thức hệ Mác-Lênin thành ý thức hệ của toàn dân! Từ Đại hội VI, với tư duy “Đổi Mới”, chúng ta thấy rõ đó là một sản phẩm duy ý chí, lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Bởi thế mới có được Cương Lĩnh của Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam được biểu quyết thông qua tại Đại hội VI của Mặt Trận năm 2004 với sự khẳng định:“đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, không phân biệt thành phần xã hội và dân tộc, quá khứ và ý thức hệ, tôn giáo và tín ngưỡng, miễn là tán thành công cuộc đổi mới, nhằm mục tiêu giữ vững độc lập, thống nhất chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đầt nước vì dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”.
Xác lập được điều này chính là một bước đột phá quan trọng, đưa nhận thức trở lại đúng với quy luật vận động của cuộc sống, từ đấy mà mở ra một cục diện mới, rất mới. Bởi lẽ, phát triển luôn luôn là tự phát triển trong tiến trình tiến hóa, tạo nên những thuộc tínhhợp trội, được thực hiện bằng các cơ chế thích nghi qua sự tương tác của hệ thống. Tiến hóa qua cơ chế thích nghi không chỉ biểu hiện bằng cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tư nhiên, mà còn bằng hợp tác và cùng phát triển. Chính sự đa dạng của tiến hóa như vậy tạo nên sự đa dạng, phong phú, rất phức tạp, song cũng hết sức sinh động của cuộc sống. Cuộc sống nói chung và cuộc sống của con người trong xã hội. Mà xã hội lại là một hệ thích nghi cực kỳ phức tạp, trong đó, các thành phần khác nhau, những yếu tố đối lập, tùy theo sức hút của mục tiêu chung đều có lợi cho tất cả, thì không nhất thiết phải đối đầu theo kiểu tư duy “ai thắng ai”, dẫn đến một kết cục phải thanh toán lẫn nhau để giành quyền thắng, chứ không chịu tìm cách thông qua những tương tác có tính hợp trội để có thể tìm được khả năng cùng thắng.
Nhưng đã một thời, “ai thắng ai” là một nguyên lý có ý nghĩa định hướng cho cách tư duy, không chỉ của một nhóm người, mà là tác động đến toàn xã hội. Mọi sinh hoạt trong đời sống chính trị của đất nước đều nằm trong “vùng phủ sóng” của kiểu tư duy “ai thắng ai” trong cuộc đấu tranh giai cấp vốn được xem là động lực của phát triển xã hội. “Ai thắng ai” ngay khi chính quyền đã thuộc về nhân dân, mọi người dân đều được xác lập vị trí làm chủ đất nước, làm chủ xã hội.
Vậy thì, “ai” đây là “ai”, ai thắng ai trong một đất nước mà nhân dân đã phải trả cái giá cho quyền làm chủ vừa giành được ấy bằng máu và nước mắt trong hy sinh chiến đấu của nhiều thế hệ Việt Nam.. Vì có chuyện “ai thắng ai” đó, mà phải kiên trì mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, đối lập với kinh tế thị trường; mới có cải tạo Xã hội Chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế mà ngày nay được xác lập là lực lượng xung kích trong hội nhập và phát triển. Giờ đây thì đã có thể nói rõ sai lầm của chuyện “quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt nhất phải trả” ấy mà Phạm Văn Đồng đã nghiêm khắc chỉ ra trong “Văn hóa và Đổi mới” xuất bản năm 1994.
Cái giá đắt nhất chính là kéo lùi đất nước lại cả một thập kỷ, để vuột mất những cơ hội của hội nhập và phát triển. Thậm chí khi đã trở thành thành viên chính thức thứ 150 của WTO, nền kinh tế và các nhà doanh nghiệp của ta vẫn còn phải gánh chịu những bất lợi do vẫn bị xem là “nền kinh tế phi thị trường”, và rồi phải phấn đấu thêm 12 năm nữa, những bất lợi ấy mới được bước đầu xóa bỏ. Chẳng hạn như, khi chưa được xem là nền kinh tế thị trường thực thụ, thì Hiệp định về bán phá giá, Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng của WTO sẽ chưa cho chúng ta cơ hội để cứu vãn tình thế bất lợi. Thế là sẽ còn “mất công mười mấy năm thừa ở đây”! Nhưng dù sao thì cũng chỉ là 12 năm chứ không đến nỗi “đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi”!
Quả là, “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, nếu không dứt bỏ kiều tư duy “ai thắng ai” đó, thì không thể nào chân thành đoàn kết và xác định rõ “đồng thuận” chính là động lực của phát triển. Nhưng xem ra không phải là cái di lụy của “ai thắng ai” không còn gây ảnh hưởng chỗ này chỗ kia, lúc này lúc khác khiến cho công cuộc đổi mới không tránh khỏi những trắc trở gập ghềnh, đã có lúc “bước đi một bước, giây giây lại dừng”. Đúng là cất bỏ gánh nặng tư tưởng của một thời quả là không đơn giản.
Không đơn giản, song nếu không sòng phẳng về mặt lý luận để có sự tường minh trong nhận thức thực tiễn, trong việc hoạch định các giải pháp phù hợp với một thời kỳ mới mà vận nước đang thôi thúc mỗi một người Việt Nam muốn góp phần mình vào sự nghiệp chấn hưng đất nước. Nếu không sòng phẳng về lý luận, khẳng định rõ đồng thuận là động lực, đại đoàn kết là động lực chứ không phải đấu tranh giai cấp là động lực như trước đây, thì không thể thúc đây sự nghiệp Đổi Mới một cách triệt để và toàn diện được. Mà trong thực tế, lực cản của Đổi Mới  là quá lớn. Không thể tiếp tục Đổi Mới, nếu không chỉ rõ cội nguồn của lực cản ấy.
Xin hãy dừng lại ở một ví dụ sau đây:
Đã từng một thời có những câu thơ bốc lửa giục giã con người đi làm cách mạng “Đi đi em can đảm bước chân lên / Ừ đói khổ phải đâu là tội lỗi!”. Đúng vậy, và rồi “Nuôi đi em cho đến lớn, đến già ? Mầm hận ấy trong lồng xương ống máu / Để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu” thì giờ đây ngẫm lại có cái gì không ổn! Mà không ổn từ chính logic của hệ tư tưởng:
 Xin giải thích bằng một câu chuyện trong “Thế giới phẳng”, một cuốn sách bán chạy nhất của người đã đoạt giải thưởng Pulizer, và theo nhận xét của J. E. Stiglitz, người đoạt giải Nobel kinh tế: “Đặc điểm của một cuốn sách hay là nó khiến bạn nhìn nhận mọi thứ theo một nhãn quan mới, và xét theo tiêu chí này thì Friedman đã thật sự thành công”. Chuyện rằng: “ Một người bạn Hồi giáo vùng Nam Á của tôi đã có lần kể cho tôi nghe câu chuyện như sau: Gia đình Hồi giáo Ấn Độ của anh ta bị chia ly vào năm 1948, một nửa sang Pakistan và một nửa ở lại Mumbai. Khi lớn lên, anh ta hỏi cha mình tại sao một nửa gia đình ở Ấn Độ lại có vẻ làm ăn tốt hơn nửa gia đình ở Pakistan. Cha anh nói: “Con ạ, khi một người Hồi giáo lớn lên ở Ấn Độ và trông thấy một người sống trong một tòa biệt thự lớn trên quả đồi, anh ta sẽ nói “Bố ơi, rồi sẽ có ngày con sẽ như ông ta”. Còn khi một người Hồi giáo lớn lên ở Pakistan và thấy một người sống trong một biệt thự lớn trên quả đồi, anh ta sẽ nói “Bố ơi, rồi có ngày con sẽ giết ông ta. Khi bạn không tìm được lối ra, bạn thường tập trung vào sự phẫn nộ và gắm nhắm ký ức của mình”. Kể câu chuyện này, Thomas L. Friedman nhằm minh họa cho luận điểm “cho con người một môi trường mà trong đó mọi lời than phiền hay ý tưởng đều có thể được đăng tải trên báo chí, cho họ một môi trường mà trong đó mỗi người đều có thể ứng cử vào một chức vụ- và thử đoán xem điều gì sẽ đến? Họ thường không muốn làm nổ tung thế giới này. Họ muốn trở thành một phần của thế giới”.[tr. 798]
Sự bất an trong tâm hồn khiến người ta dễ dàng manh động theo bản năng. Phúc âm viết: “Kẻ nào rút gươm ra, kẻ ấy đã mở lối điạ ngục”. Nhưng trước khi rút gươm, tâm thức của anh ta đã chứa đầy hờn căm và những nghĩ suy hiểm ác. Nhìn nhận một sự kiện văn hoá, đạo đức, có thể thấy những nguyên nhân trực tiếp, song thực ra, phải nhìn lùi vào bề dày của những hệ luỵ do nhiều nguyên nhân đã gây ra. Bề dày đó có khi phải tính bằng độ dài của sự ra đời và trưởng thành của mấy thế hệ.
Cho nên, văn hoá phải đi trước một bước thì mới tạo ra được nền tảng tinh thần của xã hội, và đánh giá một hiện tuợng phản văn hoá lại phải lùi lại phía sau nhiều bước thì mới thấu tỏ được nguyên nhân. Có vậy mới đưa ra được giải pháp đúng. Tạo ra một hoàn cảnh “có tính người”, tức là tạo ra một môi trường xã hội trong đó “người với người là bạn”, “thương người như thể thương thân” chính là sứ mệnh cao cả của văn hóa.
Đương nhiên, một môi trường như vậy không tự trên trời rơi xuống, chúng ta tiến hành cuộc cách mạng chính là để hướng tới một môi trường như vậy. Nhưng nếu nung nấu trong “lồng xương, ống máu” một “mầm hận” cho “đến lớn, đến già” thì rồi cái gì sẽ đến khi cách mạng đã thành công? Và nếu tính bài thơ ra đời tháng 2 năm 1938, thì chỉ 7 năm sau Cách mạng Tháng Tám thành công, cậu bé “len lét, cúi đầu, tay xách gói” chắc đã trở thành một người giữ trọng trách với cái “mầm hận ấy trong lồng xương ống máu” thì khủng khiếp quá cho những việc anh ta sẽ làm!
Thì chẳng phải cái “mầm hận” ấy vẫn còn trong não trạng của không ít người đang giữ những vị thế đòi hỏi một tư tưởng cởi mở để thật sự có thể hòa hợp dân tộc trên một đất nước mà không một gia đình nào là không phải chịu đựng những vết thương chiến tranh. Và chắc là trong đó có không ít người nằm trong số còn “lướng vướng” với việc thúc đẩy sự nghiệp Đổi Mới một cách triệt để với tâm thế “cũng cho khỏi lụy trong vòng bước ra”!
Chúng ta đã có những trải nghiệm đau đớn với “cải cách ruộng đất”. với đấu tranh chống “Nhân văn-Giai phẩm”, với đấu tranh ai thắng ai bằng “cải tạo tư sản” và “công tư hợp doanh” , rồi quá trình “kế hoạch hóa tập trung, bao cấp”, “hợp tác hóa bậc cao” ngăn sông cấm chợ, khước từ kinh tế thị trường …đã đẩy đất nước đến bên bờ vực sụp đổ. Trước và trong Đại hội XI, người ta chiếu bộ phim “Bí thư tỉnh ủy” thật có ý nghĩa và cũng thật bạo gan. Tôi nghĩ, nếu mỗi đại biểu Đại hội mà xem nghĩ, hiểu kỹ và tự vấn lương tâm của người cộng sản chân chính và đích thực, chắc sẽ đưa được vào Đại hội một luồng gió mới. Nếu soi kỹ vào những sai lầm kéo dài hàng thập kỷ ấy sẽ thấy “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt chính là cái “mầm hận” đã thấm sâu vào trong “lồng xương ống máu” nhằm đẩy tới cuộc đấu tranh giai cấp được xem là động lực thúc đẩy sự phát triển xã hội.
Xin hãy nhớ lại hình ảnh ông Đình, thường vụ Tỉnh ủy, ông Bao, phái viên của TƯ, rồi cao nhất là ông Trung Chính. Riêng tôi, tôi cứ nhớ lại nét mắt chân tình của ông Trung Chính khi ông ấy dặn với theo xe cấp cứu đưa ông Kim đi bệnh viện: “cẩn thận, đưa ngay vào bệnh viện Việt Xô, tôi sẽ gọi điện thoại bảo điều ngay những bác sĩ giỏi nhất chữa trị cho anh ấy”. Liệu ông Trung Chính có hiểu rằng chính ông là nguyên nhân trực tiếp đẩy ông Kim bị bục dạ dày? Ông Kim, người đồng chí trung thành và dũng cảm, người dám chống lại cả một thế lực khủng khiếp đang đẩy nông dân Miền Bắc nói riêng và cả dân tộc vào thảm họa, chính là người được ông Trung Chính “giác ngộ” và kết nạp vào Đảng thời kỳ hoạt động gian khổ trong vòng vây của kẻ thù!
Sự chu đáo, nhân từ nhưng lại cực kỳ cứng rắn trong giữ vững “lập trường quan điểm” của ông TC càng được khắc họa sắc nét bao nhiêu thì càng làm nổi rõ hơn sự khủng khiếp của một cơ chế trói buộc đầu óc con người, làm triệt tiêu mọi sáng tạo và sức chiến đấu của những con người đang giẫy dụa trong sự trói buộc của chiếc mũ kim cô giáo điều và “tả khuynh”. Một trong những di lụy đáng sợ là chính chiếc mũ kim cô ấy trói buộc những đầu óc sáng tạo và những nhân cách trung thực nhưng lại dung dưỡng cho sự tác oái tác quái của đám dòi bọ của cách mạng.
Từ “dòi bọ” tôi nói đấy là dùng lại cách nói của C.Mác: “Có thể Các Mác vui lòng nhắc lại một câu nói mà tôi luôn luôn ghi nhớ trong ký ức của mình: “Tôi đã gieo những con rồng và tôi đã gặt được những con bọ. Thật có đúng như vậy, song cũng có những con rồng…” [Phạm Văn Đồng. “Hồ chí Minh. Quá khứ, Hiện tại và Tương lai”NXB Sự Thật. 1991, tr. 98]. 
Vậy thì, gọi đúng tên cúng cơm của cơ chế trói buộc đầu óc con người, làm triệt tiêu mọi sáng tạo và sức chiến đấu của những con người đang giẫy dụa trong sự trói buộc đó chính là chủ nghĩa giáo điều Maoít phản Mácxít từng xem “đấu tranh với người là niềm vui lớn” đem áp đặt vào một xã hội mà tinh thần dân tộc là “động lực lớn nhất của đất nước” như Hồ Chí Minh đã chỉ ra từ năm 1924 để khẳng định rằng: “người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên động lực vĩ đại và duy nhất ” ấy!
Từ những năm 30, Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng:  “…phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chươc làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng” [Văn kiện Đảng (Từ 10.8.1935 đến 1939) Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng, Hà Nội, 1964, tr.25].  
Ngay từ Hội nghị thành lập Đảng năm 1930, Hồ Chí Minh đã khẳng định nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, không đòi hỏi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu mà quyền lợi của bộ phận giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Đến năm 1937, Người lại nhắc nhở:”Các đồng chí mắc phải cái bệnh thiên về thợ thuyền lao động quá, có khi chỉ biết những người ấy mà quên hết cả quyền lợi của các tầng lớp, các giai cấp khác, quyền lợi chung của dân tộc cần phải bênh vực. Các đồng chí trong Đảng cần phải hiểu rằng: Đảng ta chẳng những là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho giai cấp vô sản mà thôi, mà cũng là kẻ bênh vực và lãnh đạo cho toàn thể dân chúng nữa. Đảng phải làm tròn vai trò ấy.” [Hồ Chí Minh Toàn tập, Tập 4, NSB Sự Thật, Hà Nội, 1984. tr. 491]
Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh một sự thật không thể bác bỏ là: lúc nào lấy dân tộc làm động lực thúc đẩy cuộc đấu tranh cách mạng, lúc ấy cách mạng giành được thắng lợi, còn lúc nào nống đấu tranh giai cấp lên làm động lực, lúc ấy cách mạng gặp khó khăn. Đặt vấn đề ý thức hệ giai cấp lên trên quyền lợi của tổ quốc, lấy vấn đề trung thành với ý thức hệ đó làm điểm quy chiếu cho đường lối tổ chức và đánh giá, tuyển chọn cán bộ, đã đẩy tới những hệ lụy khó lường. Đã đến lúc cần phải nghiêm cẩn và thẳng thắn chỉ ra.
Một trong những vấn đề ấy là vấn đề chuyên chính vô sản.
Xin gơi ra đây những ý kiến của đồng chí Võ Văn Kiệt đề cập tới vấn đề gay cấn này qua đoạn viết về đồng chí Lê Duẩn: “Trong nhiều lần trao đổi, nhận xét và chỉ đạo những công việc chúng tôi đang tiến hành tại thành phố Hồ Chí Minh, Anh Ba nêu rất nhiều gợi ý hết sức  mạnh dạn và sáng tạo. Qua những ý kiến chỉ đạo của Anh, tôi hiểu Anh đang trăn trở về mô hình phát triển của đất nước mình không thể rập khuôn theo mô hình của Liên Xô và các nước XHCN Đông Au, mô hình Trung Quốc. Cũng như trước đây trong chỉ đạo cuộc chiến tranh cách mạng, tôi thấm thía lời căn dặn của Anh: chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta thắng lợi, lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề.
Tôi hiểu, Anh không tán thành mô hình Xô Viết. Qua tìm hiểu thực tế ở các nước anh em trong phe XHCN và suy ngẫm về lý luận, Anh nhận ra có quá nhiều vấn đề bất ổn. Anh không tán thành áp đặt thể chế nhà nước “chuyên chính vô sản” khi mà nhân dân đã giành lại được quyền làm chủ đất nước mình bằng những hy sinh không sao kể xiết, không thể “vô sản” lại chuyên chính với chính mình, với nhân dân. Tư tưởng về “làm chủ tập thể” mà Anh nung nấu chính là sự cố gắng tìm đường bứt phá ra khỏi những công thức giáo điều không phản ánh được sự vận động và biến đổi của cuộc sống, xa rời ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
Đáng tiếc là, những lóe sáng trong bộ óc tìm tòi, sáng tạo của Lê Duẩn chưa được giới lý luận suy nghĩ, bàn bạc một cách nghiêm túc để định hình được một hệ thống lý luận hoàn chỉnh từ sự đúc kết thực tiễn thay vì những lời tụng ca xu thời lúc Anh Ba giữ cương vị Tổng Bí thư và những quy kết vô lối đầy ác ý khi Anh Ba qua đời. Giờ đây nhớ lại, Anh Ba đã từng phê phán những tư tưởng hạn hẹp chỉ bó gọn tầm mắt và mối quan hệ trong COMECOM. Đôi lúc trao đổi với chúng tôi, Anh nghĩ đến việc phải học hỏi thêm những thành tựu kinh tế và mở rộng quan hệ với Châu Âu, với Nhật, với Mỹ. Anh Ba cho rằng đó không chỉ  là chuyện chính sách và chiến thuật, mà phải ở tầm đường lối cơ bản. Trong suy nghĩ về đường lối phát triển kinh tế, Anh Ba cũng đã từng nói đến kinh tế hộ, kinh tế hợp tác  kinh tế tư  nhân chứ không phải chỉ nhấn mạnh quốc doanh là ưu việt nhất một cách tràn lan mọi ngành, mọi lúc. Ngay cả vấn đề “khoán hộ” của đồng chí Kim Ngọc ở Vĩnh Phú, mặc dầu lúc ấy đã có kết luận chính thức,  song Anh Ba vẫn động viên cần tiếp tục tìm tòi cái mới trong quản lý sản xuất nông nghiệp..
 Chính tôi đã nhiều lần nghe Anh Ba phê phán những khuyết tật cơ bản của kế hoạch hóa tập trung quan liêu, và đòi hỏi phải dám mạnh dạn tìm tòi cơ chế mới phù hợp với từng bước phát triển của đất nước mình. Anh Ba đã có lần gợi ý với chúng tôi những vấn đề cần suy nghĩ  về vai trò của giá, của tài chính tiền tệ, những công cụ và đòn bẩy chính của kinh tế thị trường mà ta nói hiện nay. Rõ ràng là, từ rất sớm, bộ óc lớn ấy đã từng lóe sáng những suy tư về đổi mới  như tôi đã nói ở trên.
Chỉ có điều, từ những trăn trở trong suy nghĩ nhằm định hình những vấn đề thuộc về đường lối, đến việc vận dụng vào thực tế, có cả một khoảng cách rất xa. Ở cương vị cao nhất của Đảng, gánh vác những công việc lớn lao của đất nước sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí Lê Duẩn không thể không chịu trách nhiệm về những sai lầm của Đảng, làm chậm sự phát triển của đất nước mà Đại hội VI của Đảng đã chỉ ra. Cho đến hôm nay, tôi vẫn băn khoăn suy nghĩ về một số vấn đề lớn được Đại hội IV quyết định. Đành rằng trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, thoát ra khỏi những lối mòn đã định hình quá lâu trong đầu óc của những nhà lãnh đạo có trách nhiệm hoạch định đường lối không hề là chuyện  đơn giản. Nhưng ở cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn phải chịu trách nhiệm những gì và như thế nào. Để làm rõ những vấn đề có ý nghĩa lớn ấy trong lịch sử Đảng nhằm đúc kết những bài học cho những thế hệ hôm nay và mai sau, không thể là những phát biểu tùy tiện, mà phải là những nghiên cứu nghiêm túc với tinh thần trung thực và khách quan.
Năm tháng đã trôi qua, khi viết những dòng này, lòng tôi vẫn bồi hồi xúc động nghĩ đến một hình ảnh đang chiếm giữ trong tim óc tôi một vị trí thật thiêng liêng và gần gũi. Sau Bác Hồ vĩ đại và kính yêu, hình ảnh thân thiết nhất, cảm phục nhất, có sức động viên và nâng tôi lên chính là hình ảnh của đồng chí Lê Duẩn, Anh Ba Duẩn kính mến.”
Thế nhưng sau khi bài này vừa đăng lên thì 2 hôm sau trên báo Sài Gòn Giải phóng của một người từng nắm công tác lý luận đã lên tiếng bác bỏ. Trong lập luận, bài viết ấy vẫn khẳng định nhà nước của ta hiện nay, về thực chất vẫn thực hiện nội dung chuyên chính vô sản! Tôi vẫn giữ lại tờ báo có đăng bài ấy nhưng xin miễn nêu ra ở đây.
Vì sao vậy?
Đây là vấn đề cực kỳ phức tạp và nhạy cảm. Sự định hình của nguồn mạch tư duy, nhất là đối với những người đã cao tuổi, vốn sống với hào quang của quá khứ, thật khó mà dứt bỏ khỏi đầu óc mình những cái vốn đã ăn vào máu thịt và là niềm kiêu hãnh lớn , một giá trị được xây đắp vun quén trong cả một đời. Những người từng gánh vác trách nhiệm cao, từng vào tù ra tội, từng chịu đựng mưa bom bão đạn sẽ lại càng khó dứt bỏ những ngộ nhận và sai lầm. Tự vượt lên chính mình là thử thách khó nhất đối với bản lĩnh một con người. Đấy là chưa nói sự lạc hậu với tình hình, không kịp thời nắm bắt thong tin, chỉ quen sống với những giá trị đã định hình cho dù những giá trị bị ngộ nhận hoặc đã “quá đát” trở thành vật cản cho tư duy.
Phải chăng ở đây có thể mượn ý Nguyễn Du qua lời của bóng ma Đạm Tiên nói với nàng Kiều “Rỉ rằng nhân quả dở dang. Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao” cho dù là “Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi”. Thật ra, một khi mà “Một giây một buộc ai giằng cho ra” thì “đố ai gỡ mối tơ mành cho xong” nếu không tự mình giải phóng cho chính mình mà ngay đến khi đã có thể “Đoạn trường sổ rút tên ra” thì vẫn cứ “Cuộc vui gãy khúc đoạn trường” [ấy chi ]! Mà có chuyện đó vì nó có nguồn mạch từ trong quá trình vận động cách mạng.
Xin gợi lại vài tư liệu lịch sử để thấy rằng chính Hồ Chí Minh cũng đã từng là nạn nhân của sự “độc quyền chân lý, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết” từ những cấp rất cao khi kiên định quan điểm về dân tộc, không tán thành thổi phồng vấn đề giai cấp. Chẳng hạn, vì lý do ấy mà Staline không tiếp Hồ Chí Minh, chưa chịu công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà cho mãi đến năm 1950 sau cuộc gặp ở Matxcơva.
Một tài liệu cho biết cuối cùng Staline cũng nhận tiếp Hồ Chí Minh, ngay tại phòng làm việc của mình, với sự có mặt đông đủ các nhà lãnh đạo chủ chốt của Liên Xô, phía Trung Quốc có Đại sứ Trung Quốc Vương Gia Tường, phía Việt Nam có Trần Đăng Ninh. Staline mở đầu: Chúng ta là những người bạn, người anh em thân thiết, gặp đồng chí hơi muộn một chút, xin thứ lỗi! Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt tình hình cơ bản về Đảng Cộng sản Đông Dương, về cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam  và đề nghị Liên Xô giúp đỡ…Staline phát biểu chậm rãi nhưng rành rọt, đại ý:
  - Tại sao các đồng chí tự ý giải tán Đảng? Đồng chí tưởng lừa được chủ nghĩa đế quốc à, chính là đồng chí lừa chúng tôi, vì ở xa, không biết thực hư thế nào (có ý trách là không xin ý kiến).
  - Chính phủ các đồng chí là cái chính quyền gì, sao mà lắm nhân sĩ, trí thức, địa chủ, quan lại thế? (ý nói không phải chính quyền công nông).
  - Tại sao đến nay các đồng chí không tiến hành cải cách ruộng đất? Để đánh thắng đế quốc Pháp, sự chi viện của quốc tế là cần thiết, nhưng phải phát động quần chúng, động viên quần chúng, đem lại lợi ích thiết thân cho họ, đó mới là điểm mấu chốt làm nên thắng lợi. Staline tỏ ý không hài lòng lắm, hỏi: trong 2 cái ghế dân tộc và giai cấp, đồng chí ngồi trên cái ghế nào? (có ý phê bình lập trường giai cấp còn mơ hồ ).
   - Về vấn đề viện trợ cho cuộc kháng chiến của Việt Nam, Staline nói: Cách mạng Trung Quốc nay đã thành công, Trung Quốc đã trở thành trung tâm của cách mạng châu Á, từ nay chi viện cho Việt Nam sẽ do Trung Quốc đảm nhiệm, vì sát với Việt Nam. Liên Xô có nhiệm vụ giúp Trung Quốc xây dựng kinh tế, những vũ khí chúng tôi giúp Trung Quốc, nay kết thúc chiến tranh, cái gì không dùng nữa, hợp với Việt Nam, thì có thể chuyển cho Việt Nam (như một sự phân công quốc tế); đồng thời Staline cũng nhắc nhở Việt Nam phải ra sức học tập kinh nghiệm của Trung Quốc.
Tóm lại, Liên Xô không muốn dính vào vấn đề Việt Nam ở thời điểm này. Cuộc đón tiếp được coi là hờ hững. Trong cuộc tiếp, nhân trên bàn có cuốn họa báo “Liên Xô trên công trường”, có ảnh Staline, Hồ Chí Minh bèn xin Staline một chữ ký để làm kỷ niệm. Staline ký tặng rồi sau đó sai KGB bí mật lấy lại. Điều này làm cho Hồ Chí Minh rất bức xúc: “Làm sao lại có thể có chuyện đó giữa những đồng chí cộng sản với nhau”?.
 [Theo Trương Quảng Hoa: “Ghi chép bí mật về quyết sách giúp Việt Nam chống Pháp”, đăng trên Tạp chí Viêm hoàng xuân thu, số 10 năm 1995.]
 Hiểu sự kiện này có ý nghĩa như thế nào mới thấy ra được bản lĩnh của Hồ Chí Minh, những khó khăn mà Hồ Chí Minh phải vượt qua như thế nào. Gay gắt nhất là khó khăn do các đồng chí của mình gây ra. Trần Phú, Ngô Đức Trì là những học viên lớp đầu của trường Phương Đông trong khoảng thời gian từ 1927 đến 1930, đã được đào luyện rất kỹ theo tinh thần “giai cấp chống giai cấp” của Đại hội VI, trở thành những người cộng sản ‘cứng rắn”, được cử về để “uốn nắn” lại những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc!
Người phê phán gay gắt nhất Nguyễn Ái Quốc là Trần Phú. Tại Hội nghị TƯ tháng 10-1930, Trần Phú đã phê phán những sai lầm về chính trị và tổ chức của Hội nghị hợp nhất là “chỉ lo đến việc phản đế mà quên mất lợi ích giai cấp đấu tranh, ấy là một sự rất nguy hiểm”, về “chia địa chủ làm đại, trung và tiểu địa chủ”, về “nóí  phải lợi dụng bọn tư bản mà chưa rõ mặt phản cách mạng”, cùng một số sai lầm khác, sau đó ra nghị quyết ‘thủ tiêu Chính cương, Sách lược và Điều lệ cũ của Đảng” [Văn kiện Đảng Toàn Tập, NXB Chính trị Quốc gia, 1998, t. 2, tr. 110-112].  Sau Hội nghị TƯ 10-1930, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản ngày 17-4-1931, ông còn phê phán nội dung Hội nghị hợp nhất “mang nặng dấu ấn các tổ chức cách mạng cũ, các vấn đề cơ bản đều mâu thuẫn với đường lối Quốc tế Cộng sản (do thiếu một chính sách giai cấp),…mang dấu ấn nhất định của thời kỳ Quốc -Cộng hợp tác 1925-1927” [Tài liệu lưu trữ tại Phòng QTCS, nay là Trung tâm  bảo tồn và nghiên cứu các tài liệu lịch sử hiện đại Nga, viết tắt là R.C. ký hiệu  495.154.462.] 
Thời gian này, Hà Huy Tập đã trở về Trung Quốc, đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Ngày 31-3-1935, trong thư gửi Quốc tế Cộng sản, ngoài nội dung chính là báo cáo kết quả của Đại hội Ma Cao, trong 10 điểm nói thêm, có 2 điểm báo cáo về Nguyễn Ái Quốc, ở điểm thứ mười, ông đã viết: “Ở Xiêm và Đông Dương, các tổ chức cộng sản đã tiến hành một cuộc đấu tranh công khai chống lại những tàn dư của tư tưởng dân tộc cách mạng pha trộn với chủ nghĩa cải lương của đảng Thanh niên và của đ/c Nguyễn Ái Quốc, những tàn dư ấy rất mạnh và tạo thành một chướng ngại nghiêm trọng cho sự phát triển chủ nghĩa cộng sản…Chúng tôi đề nghị đ/c Lin viết một quyển sách để tự phê bình những khuyết điểm đã qua”. [Văn kiện Đảng TT, t. 5, tr. 204]
Ngay cả khi được tin Nguyễn Ái Quốc đã lâm bệnh, qua đời ở Hồng Kông, trong bài viết như để truy điệu, Hà Huy Tập cũng không quên nhắc đến những “sai lầm” của Nguyễn Ái Quốc: “Công lao mà ông đã đóng góp cho Đảng chúng ta thật là lớn. Song các đồng chí chúng ta trong lúc này không được quên những tàn dư dân tộc chủ nghĩa của Nguyễn Ái Quốc, các chỉ thị sai lầm của ông về những vấn đề cơ bản của phong trào cách mạng…Ông đã không đưa ra bàn luận trước về những sách lược mà Quốc tế Cộng sản đòi hỏi phải áp dụng để loại bỏ những phần tử cơ hội trong Đảng. Ngoài ra, ông còn khuyến dụ một sách lược cải lương và hợp tác sai lầm: trung lập hóa tư sản và phú nông, liên minh với trung và tiểu địa chủ”. [Bài đăng trên Tạp chí Bônsêvích (Cahier du Bolchévisme) số 8, tháng 12-1934. Dẫn lại theo Daniel Hemery: Ho Chi Minh, De l’Indochine au Viet Nam , p. 73].
Cái logic của định hướng tư tưởng ấy sẽ đẩy cuộc sống đi tới theo chiều hướng cực tả. Mà vì vậy, muốn là người cách mạng kiên định thì phải đi theo hướng ấy. Đây chính là điểm quy chiếu của lập trường quan điểm và chỉ đạo đường lối chính sách cũng như hành động thực tiễn. Từ trước Đổi Mới, đây là điểm tựa cơ bản. Hiểu điều này, mới hiểu được bản lĩnh của Hồ Chí Minh vào năm 1951, khi Đảng có điều kiện để ra công khai đã đổi tên Đảng là Đảng Lao Động Việt Nam: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam” 1. Chỉ rõ “Đảng phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”, khẳng định dân tộc, lợi ích của dân tộc là mục tiêu chiến đấu, quan điểm ấy, ý chí ấy nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh từ đầu chí cuối. Ngay từ 1924, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn nhất của đất nước ... Người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại, và duy nhất của đời sống xã hội của họ”. Chính vì vậy, “Chính cương và Sách lược” do Nguyễn Ái Quốc nêu nổi bật tư tưởng “mặt trận toàn dân” và “thống nhất dân tộc” để đánh đổ thực dân và phong kiến để rồi phải gánh chịu cái tội: “mang hệ tư tưởng quốc gia cách mạng pha trộn với tư tưởng cải lương và duy tâm chủ nghĩa” vì không quán triệt quan điểm của Staline “giai cấp đấu tranh là quan trọng nhất và ngày càng có tính chất kịch liệt” rất xa lạ với quan điểm của Lênin về vấn đề dân tộc. Chính vì thế “…phải biết khéo lợi dụng kinh nghiệm. Nếu thấy người ta làm thế nào mình cũng một mực bắt chươc làm theo thế ấy. Thí dụ: nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng” . Trong thư “Kính cáo đổng bào” viết ngày 6.6.1941, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy…Hiện thời muốn đánh Pháp đuổi Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết.” 
Trong bài “Đại đoàn kết dân tộc, cội nguồn sức mạnh của chúng ta”, viết năm 2005 Võ Văn Kiệt giải thích: “Đoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ…Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Đã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: “Chính vì Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt Nam”. Lời giải thích đó của Bác có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Đại hội Đảng.
Về phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cánh mạng Tháng 8 năm 1945 đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi…tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh. Tiếc rằng một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều…Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai hậu quả: làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng vào quản lý và xây dựng .
Xin hãy chỉ gợi lên một chuyện mà theo người kể là “ít người biết trong Mậu Thân 1968: Khi bàn về các mục tiêu phải tiến công, một số anh lãnh đạo không đề ra mục tiêu tòa Đại sứ Mỹ”, với tư cách là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, ông Sáu Dân khẳng định: “Không đúng. Đánh vào đô thị là đánh vào đầu não chiến tranh của địch. Đầu não của chế độ Sài Gòn là Dinh Độc Lập và tòa Đại sứ Mỹ. Phải khẳng định đây là hai mục tiêu hàng đầu phải tiến công vì ý nghĩa chính trị của nó… Kháng chiến tức là phải đánh giặc, phải có quân đội, có vũ khí, có ý chí gang thép; nhưng nếu không hiểu khía cạnh chính trị của cuộc chiến đấu thì không thể hiểu gì về cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta cả”.  Chính con người có ý chí gang thép đó, con người từng thường trực nơi dầu sôi lửa bỏng trong cả hai cuộc kháng chiến, con người đó hiểu rõ ý nghĩa chính trị của sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước nên từ đỉnh cao của chiến thắng 30 tháng 4 lịch sử đã dám thẳng thắn chỉ ra: “Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miến Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là một vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu… Chúng ta đang nắm quyền lãnh đạo đất nước, muốn để mọi người Việt cùng chung tay tạo dựng thì chúng ta phải thực tâm khoan dung và hòa hợp.”
Không có một bản lĩnh chính trị vững vàng để hiểu rõ ý nghĩa chính trị cao cả của sự nghiệp chiến đấu với bao hy sinh của nhiều thế hệ Việt Nam, sẽ không thể đưa ra được tư tưởng mà nhất thời có thể chưa là cách nghĩ của số đông. Không có một sự tường minh về mục tiêu cao cả của sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, sẽ không dám đặt ra những vấn đề gai góc và dễ động chạm trong đời sống tinh thần của cả xã hội như vậy. Phải có một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng vĩ đại mà vì nó dám chấp nhận mọi hy sinh như bản thân mình đã từng trải nghiệm, mới có được bản lĩnh dám chịu trách nhiệm về những ý tưởng mang tính đột phá có ý nghĩa mở đường theo kiểu ấy. Nếu không có bản lĩnh như vậy, sẽ không thể công khai và thẳng thắn đặt ra những vấn đề gai góc và nhạy cảm mà ông hiểu rằng tất yếu sẽ gặp không ít lực cản, mà lực cản ấy sẽ không nhỏ, thậm chí là dai dẳng. Nhưng rồi cuộc sống đã cho thấy, những ý tưởng như vậy của Võ Văn Kiệt đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận, đặc biệt là đối với những đầu óc ưu thời mẫn thế.
Ấy thế mà cũng có những lúc những đầu óc “ưu thời mẫn thế” cũng bị cuốn theo cơn lốc thời cuộc để đưa ra những thông điệp mà tỉnh táo ngẫm nghĩ lại không khỏi không có những băn khoăn. Xin được dẫn ra vài câu thơ của những tác giả tên tuổi đã từng một thời được đưa vào sách giáo khoa và hiện nay vẫn là những tên tuổi lớn được xã hội trân trọng. Nhằm tụng ca những thành tựu của chế độ, nhà thơ khẳng định: “Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng…Những ngày tôi sống đây là ngày đẹp hơn tất cả” [Chế Lan Viên]. Từ trong sự thăng hoa của cảm xúc đó để nhìn nhận về ông cha mình như sau: “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời / Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa [Chế Lan Viên].. Bởi vậy, “Một câu hỏi lớn không lời đáp / Cho đến bây giờ mặt vẫn chau”![Huy Cận]. 
Trong “hội chứng tụng ca” ấy, những bước đi quá đà đã vô tình để lại những hậu quả rất lớn nhưng không dễ nhận ra nếu không thật tỉnh táo nhìn thẳng vào sự thật và không tránh né những vấn đề “nhạy cảm” rất dễ bị quy kết về “lập trường, quan điểm” của lối “độc quyền tư tưởng, áp đặt tư duy, tùy tiện quy kết”. Lối “độc quyền” ấy đẻ ra cái khẩu khí quen thuộc khi bàn về lịch sử “do chưa có được cái này cái nọ soi sáng cho nên…” với sự tự mãn một cách lố bịch rằng chỉ “từ khi có cái này cái nọ” thì lịch sử mới vượt khỏi những hạn chế.
Ở đây gợi nhớ đến một phân tích lạnh lùng, sắc sảo của Gustave le Bon trong “Tâm lý học đám đông”: “Chẳng gì chứng minh rõ hơn sự mê hoặc do một niềm tin chung gây ra, nhưng cũng chẳng gì chỉ ra rõ hơn những giới hạn nhục nhã của trí tuệ con người”! Bởi vậy ngẫm cho kỹ, sẽ nhận ra sự dễ dãi đến bạc bẽo khi đưa ra những phán xét, cho dù bằng những rung động thẩm mỹ có phần cảm tính, về ông cha.
Ông cha ta đâu có “bế tắc”, cái “câu hỏi lớn” mà nhà thơ cho là “không lời đáp” là gì nếu không là vận mệnh của đất nước? Mà nếu thế thì ông cha ta đã từng đưa ra những lời đáp thật thuyết phục với những bằng chứng lịch sử không thể bác bỏ. Nếu không biết cách trả lời những câu hỏi lớn của lịch sử, của thời đại mà các cụ sống thì làm sao đất nước này, dân tộc này có thể hiên ngang trụ vững bên cạnh anh láng giềng chỉ chực có cơ hội là nuốt gọn mình. Chính vì biết cách trả lời những "câu hỏi lớn" của lịch sử mà biết chuyển yếu thành mạnh, lấy ít địch nhiều, biết cách chế ngự cái thế "trứng chọi đá" để có thể ra Tuyên ngôn "Nam quốc sơn hà, nam đế cư, Tiệt nhiên định phận tại thiên thư"".
Những rung động thẩm mỹ có phần cảm tính, về ông cha dẫn ra ở trên, xét cho cùng, là bị chi phối bởi lối tư duy và lập luận rất cực đoan rằng chỉ từ 1930, dân tộc mới thật sự biết ngẩng cao đầu! Cho nên, chỉ những gì được ra đời từ cột mốc ấy mới có một giá trị được xếp trên tất cả, hơn tất cả.“Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy sĩ…Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”* . Mà không thấy được “Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao”* [Việt Phương] để có sự thấu đáo và tỉnh táo trong giáo dục và đào tạo con người.
Sai lầm nguy hại nhất là chỉ tập trung vào giáo dục lý tưởng mà lơ là xây đắp cái nền tảng nhân văn trong định hình nhân cách cho thế hệ trẻ để từ đó mà giáo dục lý tưởng. Lý tưởng đương nhiên là quan trọng, song không nên cho rằng lý tưởng của Lý Tử Trọng của thế kỷ XX là cao hơn lý tưởng của Trần Quốc Toản thế kỷ XIII. Và lại càng phải thấy cho rõ phạm trù lý tưởng gắn liền với mục đích và ý nghĩa của cuộc sống con người. Tùy thuộc vào sự nhận thức về mục đích và ý nghĩa cuộc sống của từng người, từng nhóm xã hội mà có sự định hình lý tưởng . Khi Trần Quốc Toản ghi trên lá cờ của mình sáu chữ “Phá cường địch, báo Hoàng ân” thì đó là sự thể hiện lý tưởng trung quân ái quốc của chàng tuổi trẻ quý tộc đời nhà Trần. Đừng nghĩ rằng lý tưởng “trung quân ái quốc” là thấp hơn lý tưởng “trung với nước, hiếu với dân” mà không thấy mỗi giai đoạn lịch sử có những đòi hỏi mang tính đặc thù. Người ta quên rằng “mỗi thời kỳ lịch sử đều có những quy luật riêng của nó…Một khi cuộc sống đã vuợt qua một thời kỳ phát triển nhất định, đã từ giai đoạn này bước sang giai đoạn khác, thì nó cũng bắt đầu bị những quy luật khác chi phối". Đây là sự  phân tích của Các Mác[C.Mác và Ph.Angghen toàn tập. NXBCTQG Tập 23.1993. tr. 34].
Quả thật chân lý vốn đơn giản, nhưng nhận thức cho được sự đơn giản đó hóa ra không đơn giản chút nào. Ông Võ Văn Kiệt đã có lần lập luận về những vấn đề hết sức gay cấn một cách rất dung dị: “Cách mạng tháng 8 năm 45 đánh đổ thực dân phong kiến là chuyện tất yếu phải làm để giành lại độc lập cho đất nước và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Nhưng rồi theo trớn đó mà chửi phong kiến tùm lum thì vô tình đã chửi cha ông mình chứ còn gì nữa! Thử hỏi các vua Trần cùng Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan quân Nguyên, Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi diệt quân Minh xâm lược và lên ngôi vua thì đều là phong kiến cả chứ gì? Liệu có ai dung túng cho chuyện xúc phạm đến ông cha? Thế mà cứ thoải mái chửi phong kiến thì khoa học cái nỗi gì?”. Chẳng phải chỉ đối với chuyện của tiền nhân, ngay cả chuyện đang diễn ra cũng vậy thôi.
Sẽ quá dài dòng để phải nhắc lại một thời mà chủ nghĩa nhân văn bị phê phán do chịu ảnh hưởng của giáo điều Maoít, chỉ coi trọng “giai cấp tính”, phải đặt vấn đề “nhân tính” trong cái lăng kính giai cấp để chịu sự chi phối của “giai cấp tính”. Hệ lụy của nó thì chắc không phải kể ra đây nữa.
Khi chỉ chuyên chú giáo dục lý tưởng theo định hướng ấy, người ta dễ dàng bỏ qua những phẩm chất “người” trong quan hệ giữa người và người từ trong gia đình, cộng đồng xã hội nhỏ nhất, đến nhà trường, một cộng đồng lớn hơn của tuổi trẻ , và hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” cho đến cộng đồng lớn là xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là khi thần tượng của lý tưởng bị sụp đổ, nếu thiếu một nền tảng nhân văn vững chắc được hun đúc từ tấm bé, niềm tin của con người bị chao đảo, định hướng của hành vi do vậy cũng bị nhiễu loạn, bị xáo trộn.
Sự suy thoái đạo lý xã hội cần tìm về sự chao đảo, xáo trộn này. Những "siêu đám cưới", "hội chứng lấy chồng ngoại", những cảnh bạo lực học đường, các clip quay  nữ sinh đánh nhau một cách dã man giữa đường phố dưới con mắt bình thản của người chứng kiến, thậm chí còn cổ vũ và tranh thủ quay video...được mọc lên từ môi trường xã hội ấy.           
Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện đã có một khuyến cáo thật đáng suy ngẫm khi bàn về giáo dục và đào tạo con người: Để cho trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó, sau lớn lên nó sẽ sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ . Sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu” trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn. Đó sẽ là đảm bảo cho việc “sống đời người lớn một cách hoàn toàn đầy đủ”. Chủ nghĩa nhân văn ấy đang được nâng lên trong bối cảnh của nền văn minh mới, nền văn minh trí tuệ và nền kinh tế tri thức của thế kỷ XXI. Trong nền văn minh đó,“sự thay đổi vĩ đại nhất sẽ là sự thay đổi về tri thức-về hình thức và nội dung, về ý nghĩa của tri thức, về trách nhiệm của tri thức và về những đặc điểm của con người có giáo dục”.
Vậy thì hiện nay, môi trường giáo dục của chúng ta đang như thế nào? Liệu chúng ta có thể "để trẻ sống hoàn toàn đầy đủ thời thơ ấu của nó" trong môi trường chúng ta đang sống không? Nếu xét đến cùng, lý tưởng phải được hình thành, củng cố và phát huy sức mạnh của nó trên nền tảng của chủ nghĩa nhân văn thì chúng ta đang thiếu hụt chính cái nền tảng đó. Thiếu cái nền tảng đó, lý tưởng sẽ thiếu mất tính bền vững và và chiều sâu nhân bản. Sẽ quá dài dòng để phải nhắc lại một thời mà chủ nghĩa nhân văn bị phê phán do chịu ảnh hưởng của giáo điều Maoít, chỉ coi trọng “giai cấp tính”, đặt vấn đề “nhân tính” trong cái lăng kính giai cấp để chịu sự chi phối của “giai cấp tính”. Hệ lụy của nó thì chắc không phải kể ra đây nữa.
Khi chỉ chuyên chú giáo dục lý tưởng, người ta dễ dàng bỏ qua những phẩm chất “người” trong quan hệ giữa người và người từ trong gia đình, cộng đồng xã hội nhỏ nhất, đến nhà trường, một cộng đồng lớn hơn của tuổi trẻ, và hàng xóm láng giềng “tối lửa tắt đèn có nhau” cho đến cộng đồng lớn là xã hội. Đặc biệt nguy hiểm là khi thần tượng của lý tưởng bị sụp đổ, nếu thiếu một nền tảng nhân văn vững chắc được hun đúc từ tấm bé, niềm tin của con người bị chao đảo, định hướng của hành vi do vậy cũng bị nhiễu loạn, bị xáo trộn. Sự suy thoái đạo lý xã hội cần tìm về sự chao đảo, xáo trộn này.
Chỉ xin gợi ra đây đôi dòng về sự xáo trộn đó do thiếu một tầm nhìn văn hóa trong quản lý kinh tế và quản lý xã hội. Chắc nhiều người không để ý đến hai chữ "đại gia" đang là ngôn từ thời thượng. Tệ hại hơn nữa, gắn liền với "đại gia" , là tiền, thật nhiều tiền, nhất là đô la. Đến nỗi báo chí rất hào phóng cho việc lăng xê tên tuổi của một   chàng trai vô công rồi nghề sống trên đống tiền của mẹ để có thể thay đổi xoành xoạch kiểu xe ô tô đời mới nhất, xịn nhất có biệt hiệu là "Đô La". Mùi mẩn hơn nữa là chàng 'Đô La" lại "đôi lứa xứng đôi" với một nàng "siêu sao" ca nhạc, rồi đứa con của "đôi lứa xứng đôi" ấy cũng được các cây bút có nghề xưng tụng nửa kín nửa hở trên nhiều trang báo!
Và các nhà quản lý văn hóa quên mất rằng, đây là cách cổ vũ cho một lối sốngchạy theo đồng tiền, treo một "tấm gương sống động", thúc đẩy một thị hiếu dung tục nếu chưa muốn nói là thấp hèn cho giới trẻ. Trong lúc đó, lại ra sức chê trách, dè bỉu, đe dọa, đàn áp và bắt bỏ tù, bị đạp vào mặt những thanh niên, sinh viên có bản lĩnh dám xuống đường biểu thị lòng yêu nước và tinh thần bất khuất quyết không chịu cúi đầu trước những hành động ăn cướp và xâm lược của bọn bành trướng Bắc Kinh. Một nghịch lý đang được đóng dấu và tuyên truyền rộng khắp! 
Và rồi, từ cực đoan này lại nhảy sang một cực đoan khác, những biểu tượng "phong kiến" từng bị đào sâu chôn chặc nay hình như lại có sức hấp dẫn nên người ta đua nhau đắt tên bằng những "tước hiệu" tưởng đã vĩnh viễn chôn dưới đất đen: cho sang thì khách sạn phải mang tên là "Hotel Hoàng Đế," cho quý thì công ty phải là "Công ty Hoàng Gia", cho oai thì quán ăn thời thượng phải là "Quán Ngự Thiện", cho giàu sức vẫy gọi thì khu nghỉ mát phải là "Resort Quý Tộc"....
Có thể là nhà quản lý có tầm nhìn bao dung và cởi mở nhằm cất cánh cho những ý tưởng sáng tạo, nhưng cũng có thể người ta bận cho việc kiểm tra tầm soát chặt chẽ những "biểu hiện nguy hiểm" khác như thủ đoạn "diễn biến hòa bình" chẳng hạn, mà tạm buông cho những cực đoan xô bồ kia. Và rồi người ta cũng quên luôn những điều vừa kể là hết sức đối nghịch với những chuẩn mực trong "ý thức hệ" mà họ có sứ mệnh thiêng liêng" là phải giữ vững. Thế đó!
Gợi lên những điều không lấy gì thoải mái, ngược lại, hình như gọi dậy một cảm giác xấu hổ về những hiện tượng đang dày vò lương tâm của chúng ta. C.Mác có nói “Hãy làm cho sự nhục nhã càng thêm nhục nhã bằng cách công bố nó lên”, xin được thay  từ nhục nhã bằng từ “xấu hổ” để bớt đi sự gay gắt. Đừng quên rằng chính sự xấu hổ làm cho chúng ta có thêm dũng khí để vượt lên chính mình. Trong “Sáng thế ký ” có chuyện Adam và Eve sau khi ăn trái cấm thì bỗng nhiên phát hiện ra sự trần truồng của mình.Cảm giác xấu hổ xuất hiện. Và cả hai đều bứt chiếc lá vả để che đi bộ phận sinh dục. Chiếc lá vả ấy, theo Franz Werfel, một nhà văn Đức, là “tài liệu văn hóa đầu tiên của loài người! Không là chiếc lá vả đang nằm trên cây, mà là chiếc lá vả được con người sử dụng để biểu thị nhận thức và cảm xúc của mình, là biểu tượng của con người tự ý thức được về mình. Cái cảm giác “biết xấu hổ” là một thuộc tính người.
 Chính vì biết xấu hổ khiến chúng ta trở thành người trí thức, mà cũng do vậy khiến cho tâm hồn chúng ta bất an. Thì chính Nguyễn Trãi đã từng đúc kết điều này đấy thôi: “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn”. Nhưng cũng chính vì vậy mà ông trở thành anh hùng dân tộc và là danh nhân văn hóa thế giới. Đôi lúc tôi thầm nghĩ “So với ưu tư và hoạn nạn của con người vĩ đại ấy thì những ưu tư và hoạn nạn chúng ta có thể gặp phải nào có ý nghĩa gì”!
Ông cha ta thật là vĩ đại, không chỉ một Nguyễn Trãi, cách nay cả nghìn năm mà thiền sư Vạn Hạnh đã từng chỉ ra: Thân như điện ảnh hữu toàn vô. Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô. Nhậm vận thịnh suy vô bố úy.  Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.[Thân người như bóng chớp, có rồi lại không/ Như muôn cây cỏ mùa xuân tươi tốt đến mùa thu khô héo/ Ngẫm và hiểu cái lý của thịnh suy, lòng không sợ hãi/ Vì thịnh suy nối tiếp nhau như khoảng thời gian hạt sương móc trên đầu ngọn cỏ].
Một cái nhìn vượt lên không gian và thời gian. Chẳng những thế, bản lĩnh của ông cha mình thật là kỳ diệu. Cũng một nhà sư khác, thiền sư Quảng Nghiêm cách đây ngót vẫnmột thiên niên kỷ đã dám viết: “Nam nhi tự hữu xung thiên chí . Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” [Làm trai phải có chí xung trời thẳm, Việc gì cứ phải lẽo đẽo theo bước chân Như Lai]. Xuất gia đi tu mà lại nói không phải lẽo đẽo lần theo bước chân Phật tổ, hàm ý triết lý “Phật tại tâm”, mỗi người có cách tiếp cận chân lý theo cách riêng của mình, không nhất nhất làm theo người khác thì quả là đã chống giáo điều từ gốc.
Vậy thì, nêu lên những bức xúc đang làm chậm bước phát triển của đất nước, và do đó, trong cái "vòng tròn" lớn đó mà cái "vòng tròn nhỏ" là hệ thống giáo dục và đào tạo của ta đang suy thoái, đang lạc hậu, không hề làm nhụt ý chí của chúng ta. Ngược lại, chúng ta hiểu rằng và tin rằng  “Lịch sử cổ xưa và hiện đại cho thấy khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải”. Đây là một học giả Pháp nói với chúng ta , ông Eduard De Penguilly.[Kỷ yếu Hội thảo về “Nhà ở, Kiến trúc đô thị và môi trường truyền thống và hiện đại”.] Vấn đề đặt ra là phải dám đối diện với sự thật và sòng phẳng nói lên sự thật đó bất chấp những quy kết tùy tiện và có khi khá tai ác.
Nói lên sự thật vì chúng ta tin vào "khả năng kỳ lạ của đất nước này trong việc tìm ra những giải pháp độc đáo cho những vấn đề gặp phải". Khả năng đó đang tiềm ẩn trong lòng xã hội, trong sự vận động tự thân của khối quần chúng đang còn câm lặng để giấu kín những khát vọng kiểu Đoàn Văn Vươn. 
Và vì chúng ta đều thuộc lớp người xưa nay hiếm cả rồi, nên cũng đừng gay gắt quá, có khi gây tai biến mạch máu não hay nhồi máu cơ tim thì gay nên để kết thúc một cách có hậu, tôi xin kể lại một Câu chuyện thật của thế kỷ 21 để suy nghĩ thêm về cảm xúc con người trong xã hội. 
Tại trại xe điện ngầm Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn vào buổi sáng tháng giêng lạnh lẽo năm 2007, một người đàn ông đàn liên tục 6 tấu khúc của Bach trên cây đàn vĩ cầm trong 45 phút . Ước chừng hơn 2000 người qua lại trạm xe điện ngầm trong khoảng thời gian đó và hầu hết những người ấy đều trên đường đi làm.
Sau ba phút, một người đàn ông trung niên nhận ra là có người đang chơi nhạc. Ông ta chậm bước và ngừng chân trong vài giây rồi lại hối hả theo thời khắc biểu đã định sẵn. Bốn phút sau, người đàn vĩ cầm nhận được đồng tiền đầu tiên: một phụ nữ vừa đi vừa liệng tiền vô cái nón mà không hề ngừng lại.
Phút thứ sáu: một thanh niên trẻ dựa vào tường và lắng nghe tiếng đàn, sau đó liếc nhìn đồng hồ đeo nơi tay và bước đi. Phút thứ mười: một bé trai khoảng 3 tuổi đứng lại nhưng bị mẹ lôi đi vội vã. Cậu bé trì lại và nhìn người chơi đàn lần nữa. Dù bị mẹ kéo đi, cậu bé vẫn luôn ngoái đầu nhìn. Nhiều đứa bé khác cũng quay đầu nhìn như thế và không cha mẹ nào lại không nhanh chóng kéo con mình đi cả.
Bốn mươi lăm phút đàn không ngừng, chỉ có 6 người thật sự dừng hẳn lại và lắng nghe trong một lúc. Khoảng 20 người cho tiền mà vẫn tiếp tục bước đi. Người chơi đàn nhận được tất cà là 32 đô la.
Sau một giờ, người đàn ông chấm dứt, thôi đàn và không gian trở nên im vắng. Không ai để ý. Không ai vỗ tay khen và cũng chẳng có ai lưu tâm. Nhưng không một ai biết điều này, người chơi đàn vĩ cầm đó là Joshua Bell, một cầm thủ lẫy lừng trên thế giới. Với cây đàn vĩ cầm trị giá trên 3 triệu rưỡi đô la, Joshua Bell đã trình diễn những tấu khúc tuyệt vời mà không ai có thể viết hay hơn đưọc nữa, đàn hay hơn được nữa. Hai ngày trước đây, Joshua Bell đã trình diễn ở Boston, nơi mà giá trung bình là 100 đô la một vé và nhạc viện bán sạch không còn dư một vé nào.
Đây là một câu truyện thật: việc Joshua Bell lặng lẽ chơi đàn tại trạm xe điện ngầm được báo Washington Post sắp xếp để xem cảm xúc con người trong xã hội như thế nào, họ nhận thức và lựa chọn ra sao…
Câu hỏi được đặt ra là tại nơi chốn thông thường trong giờ giấc không thuận lợi cho lắm, liệu chúng ta có nhìn ra được tài năng với bối cảnh không ngờ, và liệu chúng ta có nhận thức được cái đẹp và ngưng lại để thưởng thức nó hay không ?
Có thể kết luận về chuyện này như sau: Nếu chúng ta không có thì giờ ngừng lại một chút để lắng nghe người nghệ sĩ lừng danh trên thế giới đàn những tấu khúc mà không ai có thể viết hay hơn được nữa trên một cây đàn có những âm thanh tuyệt vời nhất thì chúng ta sẽ còn mất mát và bỏ qua bao nhiêu thứ tốt đẹp khác nữa trên cõi đời này.

 30-3-12